Chúng ta

'Phải kết nối và chia sẻ dữ liệu trong cách mạng 4.0'

Thứ tư, 6/9/2017 | 14:34 GMT+7

"Điều quan trọng của hạ tầng không chỉ ở phần cứng mà phải tiến tới việc có dữ liệu mở. Các bộ ngành, doanh nghiệp và mọi người phải chia sẻ, kết nối dữ liệu. Khi đó mới có 'mỏ' cho các đơn vị CNTT làm ra sản phẩm mới, đem lại lợi ích cho cộng đồng", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Sáng nay (ngày 6/9), Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2017 lần thứ 7 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội.

Diễn đàn năm nay có sự tham dự của hơn 650 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, đại diện diện sở, ngành của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước, Đại sứ, Tham tán thương mại của 14 quốc gia tại Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, trường đại học, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông và các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới và Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát huy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, đào tạo nhân lực CNTT…

Phó Thử tướng. Ảnh: Ngọc Thắng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Ảnh: Ngọc Thắng.

"Từ giữa năm nay, chúng tôi có nhận được một vài chỉ số, đáng mừng là năng lực đổi mới sáng tạo Việt Nam tăng 12 bậc, lần đầu tiên đứng thứ 47 trên thế giới. Dù rằng chỉ số chính phủ điện tử cũng tăng được 10 bậc nhưng vẫn đứng thứ 89 và nước ta đang xếp thứ 3 thế giới về vấn nạn spam, mã độc", Phó Thủ tướng thông tin.

Theo ông, điều quan trọng của hạ tầng không chỉ ở phần cứng mà phải tiến tới việc có dữ liệu mở. Các bộ ngành, doanh nghiệp và mọi người phải chia sẻ, kết nối dữ liệu. Khi đó mới có “mỏ” cho mọi doanh nghiệp CNTT làm ra sản phẩm mới, đem lại lợi ích cho cộng đồng. 

"Chúng ta đã nói rất nhiều tới cách mạng công nghiệp 4.0. Chắc chắn trong cuộc cách mạng này chúng ta phải kết nối chặt chẽ hơn giữa nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp. Chúng ta phải cởi mở, chia sẻ với nhau nhiều hơn", ông nói.

Đồng thời Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh thuê dịch vụ CNTT, khi đó sẽ có nhiều hệ quả tốt đẹp về cải cách hành chính, phòng chống tiêu cực, nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho các bộ ngành địa phương. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp CNTT phải có phần mềm độ tin cậy cao, chạy được trong mọi trường hợp và thích ứng với từng tổ chức khác nhau.

Về lĩnh vực phần mềm, ông Đam cho rằng, với lĩnh vực truyền thống phải đi vào tính chuyên nghiệp, vào những cái mới. "Tôi có đến thăm FPT và một số nơi, được nghe về các ứng dụng mới như xe tự lái, thẻ thông minh… Những cái mới đó chúng ta phải cố gắng phát triển và cần có sự hỗ trợ của cộng đồng để đạt được kết quả tốt", Phó Thủ tướng nhắn nhủ.

ict-summit-fpt-3934-1504682077.jpg

Phó Thủ tướng Võ Đức Đam tham quan gian hàng của FPT. Ảnh: Ngọc Thắng.

"Đất nước còn rất nghèo, chúng ta chỉ bứt lên được nếu có sự đột phá. Việt Nam có thu nhập đứng 125 trên thế giới, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, 20 năm tới phải tăng thu nhập tối thiểu trên đầu người 7%, tăng GDP 7,5-8% mỗi năm. Vậy chúng ta có dám dấn thân không? Bài toán chỉ có thể giải được khi nguồn nhân lực tập trung vào những lĩnh vực mới để tạo ra những bước phát triển đột phá", ông Vũ Đức Đam khẳng định.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng khẳng định quyết tâm của Bộ trong việc thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ sẽ xây dựng và đề xuất các chính sách để đảm bảo phát triển hạ tầng số; đảo bảo an toàn hệ thống thông tin quốc gia; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, qui chuẩn trong lĩnh vực CNTT; cơ chế ưu đãi, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh đổi mới giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tận dụng được lợi thế và cơ hội phát triển của CMCN 4.0

Tại sự kiện, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) kiêm Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, cũng chia sẻ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, mức độ lan tỏa, tác động ngày càng lớn trên phạm vi toàn cầu và đang từng bước gõ cửa từng gia đình, chạm đến từng người.

"Cuộc cách mạng 4.0 sẽ là cơ hội hiếm có để tạo ra sự thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ của đất nước. Nhưng để tận dụng cơ hội này là một thách thức vì sẽ không dễ gì để thay đổi. Vì vậy tôi kỳ vọng ICT Summit 2017 sẽ là một cơ hội để trao đổi về nhận thức, cùng nhau chia sẻ về những vấn đề cần ưu tiên và đặc biệt là dũng khí dấn thân của các doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo quốc gia", anh Bình cho hay.

Cũng trong Diễn đàn, Ts. Võ Chí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế TW, và Lãnh đạo của Microsoft Việt Nam cũng đã có bài báo cáo chính về sự phát triển mạnh mẽ của CMCN lần thứ 4 trên thế giới, những tác động tới Việt Nam và những giải pháp hiệu quả giúp Việt Nam tiếp cận, tiến nhanh, mạnh mẽ trong cuộc cách mạng này.

Bên lề sự kiện năm nay, FPT cũng đã mang tới triển lãm tại diễn đàn các sản phẩm dịch vụ như: Giao thông thông minh, Y tế thông minh (FPT.eHospital), Chính phủ số, Cyber security, Nhận diện khuôn mặt FPT FaceBox, FPT.AI, Knowlead.io, Cyradar, FPT Playbox.

Sau phiên khai mạc, Diễn đàn đã lần lượt thảo luận theo 4 tọa đàm chuyên sâu nhằm tập trung trao đổi, thảo luận về xu thế, chiến lược và các giải pháp để Việt Nam tiếp cận Cách mạng 4.0: Nhận thức về Việt Nam 4.0; Thế mạnh kinh tế số Việt Nam - Công nghiệp số, Nông nghiệp thông minh, Du lịch thông minh; Thành phố thông minh - Smart City; Nhân lực số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) là chương trình thường niên do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức thường niên từ năm 2011. Đây là diễn đàn chính sách, công nghệ và hợp tác kinh doanh quan trọng của ngành CNTT Việt Nam. Sự kiện nhằm chia sẻ tầm nhìn, xu thế phát triển, đặc biệt là cùng trao đổi các giải pháp lớn đưa CNTT làm nền tảng tạo phương thức phát triển mới, hiện đại hóa đất nước. 

Trước đó đã có các diễn đàn với những chủ đề: CNTT với tương lai phát triển đất nước; CNTT - Hạ tầng của hạ tầng; CNTT - phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia; CNTT- Phương thức phát triển mới kinh tế xã hội và tái cấu trúc nông nghiệp; CNTT và quản trị thông minh; Cách mạng số - Cơ hội và Thách thức.

Tử Quyên

Ý kiến

()