Chúng ta

Thú chơi máy bay mô hình của nam nhân viên FPT

Thứ bảy, 3/10/2015 | 11:45 GMT+7

Sau hai năm theo đuổi thú chơi chinh phục bầu trời, nhà anh Lê Thanh Hải, Khối Giáo dục FPT (FE), đã chất đầy khoảng 25 chiếc máy bay với chi phí cho mỗi chiếc từ 1,5 đến 5 triệu đồng. 

Untitled2-620-5237-1443499043.jpg

Chiếc F16 được gắn camera để quay hình ảnh đưa về nơi điều khiển. ẢnhNVCC.

Khoảnh khắc được ngắm nhìn những chiếc máy bay mô hình điều khiển từ xa chao liệng trên bầu trời Hòa Lạc khiến gần 800 tân sinh viên khóa 11 ĐH FPT bất ngờ. Chiếc F16 vừa chao liệng vừa phụt những dải khói màu đẹp mắt cùng những chiếc đèn nhấp nháy trên máy bay tạo nên hiệu ứng kỳ diệu trên bầu trời Hòa Lạc. Chủ nhân điều khiển chiếc F16 này chính là anh Lê Thanh Hải, cán bộ Ban Đào tạo FE HO.

Lê Thanh Hải

Năm sinh: 1976.

Quê quán: Minh Trí, Sóc Sơn, Hà Nội.

Sở thích: Máy bay mô hình, đi trekking bằng xe máy, âm nhạc, đồ trang âm.

Tốt nghiệp: Cử nhân ĐH Sư phạm Hà Nội (2000), kỹ sư ĐH Bách khoa (năm 2005), cử nhân Học viện Báo chí và Tuyên truyền (năm 2011), thạc sĩ ĐH Bách khoa (năm 2012). 

Vừa cầm  điều khiển trên tay, vừa theo dõi chiếc máy bay đang khám phá bầu trời, anh chia sẻ: "Tôi thiết kế máy bay này chỉ trong vòng 2 ngày từ mô hình thô đến thành phẩm". Tuy nhiên, anh Hải chưa hài lòng vì buổi bay không theo kế hoạch ban đầu.

Dự kiến, nhóm bay của anh sẽ có khoảng 5-7 máy bay xếp thành hàng và bay song song. Sau đó, những gã thám hiểm bầu trời cùng nhả khói và nhào lộn để chào đón tân sinh viên cũng như kích thích sự hào hứng trong quá trình học tập, nghiên cứu của các em. 

Vì đường băng hẹp, gồ ghề và thời gian hạn hẹp nên nhóm bay mất tự chủ, không theo kịch bản ban đầu. Anh ấp ủ "đứa con tinh thần" sẽ có cơ hội được trình diễn tại FPT với những màn biểu diễn ấn tượng hơn.

Buổi biểu diễn đó chỉ là một trong hàng trăm buổi bay do anh "cầm lái" suốt thời gian qua. Anh Hải có gần 2 năm mày mò tìm hiểu về thú chơi xa xỉ này. Đến nay, anh đã chế tạo được khoảng 25 chiếc.

Untitled-620-2411-1443499044.jpg

Chiếc Polaris - thủy phi cơ - trong lần đầu bay thử. ẢnhNVCC.

Đầu năm 2013, một lần được xem màn trình diễn của những chiếc máy bay mô hình, anh Hải đã mê tít. Muốn sở hữu mô hình biết bay, anh tự học hỏi và tìm hiểu thêm trên Internet. Anh "lê la" khắp các diễn đàn của người cùng thú chơi này, học hỏi người đi trước để tìm hiểu nguyên lý cũng như cấu tạo của mô hình. Để có thể làm chủ được những sản phẩm "công nghệ cao", anh còn phải nâng cao khả năng tiếng Anh để nghe, đọc tài liệu của nước ngoài về kỹ thuật chơi hoặc chia sẻ của cộng đồng nước ngoài. 

Sau một tháng mày mò, anh bắt tay vào thực hiện"Lần đầu đưa được máy bay lên trời, cảm giác của tôi rất khó tả: Chân tay run, miệng cứng đờ", anh Hải kể. 

Ban đầu chưa có kinh nghiệm, anh thường đầu tư khoảng 1-2 tuần để chế tạo. Sau này, khi làm các mô hình không truyền thống như hộp bay, ca nô bay... anh đầu tư nhiều thời gian hơn. Thậm chí, có mô hình đến một năm sau anh quay trở lại nghiên cứu tiếp mới thành công. 

Thú chơi mô hình đòi hỏi sự kiên trì rất lớn. "Thời gian đầu một mình tự nghiên cứu và tự chơi nên tôi không có cảm giác bay. Tôi cứ rón rén, sợ máy bay bay mất hoặc bị "đập" (thuật ngữ chỉ máy bay bị tai nạn trong quá trình điều khiển)", anh cho biết. Ngày đó, mỗi lần ra sân, anh rủ con trai đi cùng, hai bố con cùng phối hợp. Tối về, anh xem lại đoạn quay để tìm hiểu nguyên nhân không bay được để từ đó phân tích và rút kinh nghiệm. Quá trình phân tích này lặp đi lặp lại và kéo dài gần một tháng.

"Để chơi mô hình, yếu tố cần duy nhất là phải đam mê. Tất cả công đoạn để làm ra một chiếc máy bay không khó, nhưng để bay được cần tập luyện chăm chỉ. Có khi tập hàng tháng mới bập bõm biết bay. Để làm chủ được máy bay phải mất khoảng một năm và ít nhất 2 năm kinh nghiệm để tự tin máy bay cất cánh. Trong đó, một tuần sẽ tập 2-3 buổi, mỗi buổi khoảng 10-20 phút", người làm chủ 25 chiếc máy bay mô hình chia sẻ.

Untitled1-620-2780-1443499044.jpg

Trong hai năm, anh Hải làm ra được khoảng 25 chiếc máy bay mô hình. Ảnh: NVCC.

Ngoài việc tự mày mò, anh cũng tham gia vào cộng đồng những người đam mê trò chơi mô hình là nhóm RC Hà Nội. Đều đặn chiều thứ Bảy hằng tuần, anh giao lưu cùng các chiến hữu có cùng thú vui này. 

"Nếu ai có đam mê thật sự, tôi sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ để có thể làm ra được sản phẩm bay trên bầu trời. Tham vọng của tôi là chế tạo ra được chiếc máy bay bằng chất liệu gỗ để có thể chở người", nam CBNV ĐH FPT bộc bạch.

>> Quy trình làm máy bay mô hình

Cận cảnh mô hình bay của anh Lê Thanh Hải, Khối Giáo dục FPT:

Lưu Vân

Video: NVCC

Ý kiến

()