Chúng ta

Sử ký FPT: Chàng cựu sinh viên ĐH FPT canh gác quần đảo Trường Sa

Thứ tư, 18/7/2018 | 16:23 GMT+7

“A, anh cũng là người FPT hả? Em từng học ở ĐH FPT nè”.

“Chào các anh em, mình là Trọng Giáp, phóng viên báo VnExpress”. Thấy nhóm lính hải quân trên đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa, đang ngồi túm tụm dưới tán lá bàng vuông, tôi sà vào làm quen, mong tìm hiểu thêm về đời sống chiến sĩ.

Bỗng đâu, một thanh niên đầu đinh, nhỏ người, nước da đen nhẻm, reo lên: “A, anh cũng là người FPT hả? Em từng học ở ĐH FPT nè”.

Hỏi ra mới biết, cậu là Hoàng Tuấn Anh, 25 tuổi, ở Bình Dương, cử nhân ngành Tài chính ngân hàng, ĐH FPT HCM.

Hoang-Tuan-Anh-FINAL-JPG-6410-4301-1921-

Chiến sĩ Hoàng Tuấn Anh tại phòng nghỉ trên đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh chụp cuối tháng 4/2018. 

Trước đây, tôi vẫn tự định danh mình là “người VnExpress” thay vì “người FO” hay “người FPT”, bởi cảm thấy không liên quan lắm đến những người khác cùng làm cho một tập đoàn đa ngành có hàng chục nghìn nhân viên trên khắp đất nước.

Nhưng giữa hòn đảo nhỏ xa lắc xa lơ nằm trơ trọi trên biển, bỗng gặp một “người FPT”, tôi tự nhiên cảm thấy gần gũi đến lạ. Cảm xúc ấy giống như cách các anh chị Việt kiều đoàn tôi từ khắp nơi trên thế giới trở về, tìm được những người lính là đồng hương ở Trường Sa trong chuyến công tác hồi tháng 4.

Mối liên hệ “người FPT” tưởng chừng hời hợt này tự nhiên trở thành sợi dây vô hình giúp tôi và Tuấn Anh nhanh chóng thân thiết, dù chỉ được trò chuyện trong vài giờ trên đảo.

Trong khi một số thanh niên thành thị ngày nay sợ lệnh gọi nhập ngũ, Tuấn Anh cho biết cậu may mắn khi “được gọi đi nghĩa vụ”, dù lúc đó đang là nhân viên ngân hàng ACB và đã có bạn gái.

“Em rất may mắn khi được vào lữ đoàn huấn luyện đi đảo và may mắn làm sao là ra được đảo Sinh Tồn”, cậu nói và cho biết nhiều người lính muốn được đi đảo ở Trường Sa mà không có cơ hội.

Tuấn Anh đam mê phượt. Ước nguyện trước khi lấy vợ của cậu là chinh phục 4 điểm cực của Tổ Quốc, đặt chân lên nóc nhà Đông Dương Fansipan và quần đảo Trường Sa. Cậu đã đến cực nam ở Cà Mau, cực đông ở Khánh Hoà, và nay không chỉ đặt chân mà còn canh giữ Trường Sa, điểm “khó đến nhất” trong mục tiêu. Cậu dự định sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, sẽ trở về tìm một công việc văn phòng, đi làm từ thứ Hai đến thứ Sáu, cuối tuần đi phượt.

Với tính cách phóng khoáng, tự do, thích gì làm nấy của dân phượt, những tháng đầu trong quân ngũ, Tuấn Anh bị sốc khi bị gò vào kỷ luật, tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh cấp trên. Nào là cắt tóc ba phân, gấp gối vuông góc, liên tục huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, rồi phải gác đêm. Nhưng dần dần cậu cũng quen, được rèn luyện tính kỷ luật và sức chịu đựng và giờ còn biết thêm những kỹ năng mới mà ở nhà chưa có: biết bơi, nấu ăn, bắn súng.

Đảo Sinh Tồn nơi Tuấn Anh đang làm nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược ở quần đảo Trường Sa. Nó nằm cách đảo Gạc Ma hơn một hải lý, nơi xảy ra vụ hải quân Trung Quốc thảm sát 64 lính công binh Việt Nam năm 1988. Cách Sinh Tồn hơn 10 hải lý là đá Huy Gơ, nơi Trung Quốc cũng chiếm đóng trái phép. Tuấn cho biết cậu “không bao giờ sợ hãi”, luôn đề cao cảnh giác, nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu.

Ra đảo khoảng một năm nay, tham gia nhiều hoạt động văn hoá cùng các đồng đội, cuối tuần được gọi điện thoại cho gia đình, và có cả tổ tư vấn tâm lý hỗ trợ tinh thần, nhưng có lúc ở một mình trong đêm, Tuấn Anh vẫn thấy nhớ nhà. “Mỗi khi đứng gác đêm trên đảo, chỉ có mình với biển, em nhớ nhà lắm anh ạ”, cậu nói với tôi. 

Trước khi tôi trở về tàu, cậu tặng tôi một quả bàng vuông và một con sao biển chưa kịp phơi khô hẳn. Quà của người lính ở đây chính là cây cỏ, vỏ ốc, những “sản vật địa phương”. Chắc phải quý ai lắm họ mới tặng, bởi đoàn ra thăm có cả trăm người.

Tuấn Anh đọc cho tôi nghe bài thơ cậu sáng tác lúc gác đêm, khiến tôi rơm rớm nước mắt, sởn gai ốc giữa cái nắng 35 độ.

Tiếp bước

Con ngồi gác giữa biển

Bỗng chợt nhớ về ba

Ngày xưa ba còn trẻ

Cũng đi lính xa nhà

Ba học ở Sơn Tây

Ngược lên vùng biên giới

Qua tây nam đánh giặc

Xuôi dòng về Cửu Long

Nay con tiếp bước ba

Ra giữ nơi biển đảo

Nơi mà giặc phương Bắc

Vẫn nhòm ngó ngày đêm

Con xin hứa với ba

Ở nơi Trường Sa đó

Dẫu có gặp hiểm nguy

Người lính không lùi bước

Giữ chủ quyền Tổ Quốc

Cho thế hệ mai sau

Dù giặc mạnh tới đâu

Không bao giờ lấy được.

(thơ viết tháng 9/2017, tại Vọng gác số 2)

>> Xem toàn bộ bài viết

"Chàng cựu sinh viên ĐH FPT canh gác quần đảo Trường Sa" là bài viết gửi cuộc thi Sử ký FPT 30 năm - Mở lối tiên phong.

Xem thêm các bài Sử ký khác tại http://chungta.vn.

Nguyễn Trọng Giáp

Ý kiến

()