Chúng ta

‘Bảo mẫu’ tuổi teen

Thứ hai, 14/9/2015 | 10:17 GMT+7

Cô quản nhiệm Trần Như Hoa thường bày trò, kể chuyện để học sinh không căng thẳng nhưng có một cô bé luôn giữ gương mặt lạnh tanh, dù gặp bất cứ việc gì. Cô Hoa nhận thấy cần tâm sự với em nhiều hơn. Hai cô trò hẹn nhau nói chuyện. Cô bé chỉ ngồi yên và không nói lời nào. Đến cuối câu chuyện, nước mắt của cả hai cô trò cứ lăn dài trên má.

Tran-Nhu-Hoa-goc-620.jpg

Cô Trần Như Hoa rất tâm lý và được nhiều học sinh yêu quý. Ảnh: NVCC.

Cô Hoa nhận ra rằng, cô bé ấy không thích bày tỏ cảm xúc, luôn tỏ ra cứng rắn và chỉ giữ mọi chuyện thuộc về mình từ chuyện trường lớp, tình yêu hay gia đình. Nhưng thực ra, em là cô gái yếu đuối và sống rất tình cảm.

Câu chuyện của cô Hoa là một trong muôn vàn tình huống mà giáo viên quản nhiệm FPT School phải xử lý hằng ngày. Từ 6h sáng đến 23h đêm, thầy cô giáo quản nhiệm ăn ở cùng học sinh, phải đảm bảo các em ăn ngủ đúng giờ, nắm bắt được những tâm tư, tình cảm để kịp thời động viên.

Ở FPT School có 27 giáo viên quản nhiệm, trong đó giáo viên nữ chiếm gần 1/3. Mỗi giáo viên phụ trách 24 học sinh. Ở độ tuổi “dở ương” và đang hình thành nhân cách, các “cậu ấm, cô chiêu” FPT School cần sự chăm sóc và giáo dục tỉ mỉ từ giáo viên quản nhiệm.

Bui-Hong-Quan1-620.jpg

Thầy Bùi Hồng Quân thường xuyên tìm hiểu thêm kiến thức về tâm lý và chia sẻ với mọi người để tháo gỡ những khó khăn gặp phải khi đảm nhiệm vai trò giáo viên quản nhiệm. Ảnh: NVCC.

Thầy Bùi Hồng Quân chia sẻ, vốn được chiều chuộng từ nhỏ, các em còn bỡ ngỡ và ít kỹ năng sống. Nhiều em cầm ngược chổi và quét nhà giật lùi. Ngay từ khi chân ướt chân ráo vào ký túc xá, thầy Quân cầm tay hướng dẫn các em từ những việc nhỏ để bắt đầu cuộc sống tự lập.

“Trong phòng có sợi tóc rơi là cô quản nhiệm Nguyễn Thị Thư đã mắng rồi”, Nguyễn Minh Châu, học sinh lớp 11 FPT School, nói. Châu bảo, cô Thư còn rèn cho học sinh tính đoàn kết, việc một người làm mà không nhận thì cả phòng sẽ bị phạt theo.

Untitled-1-620ok-3681-1442200660.jpg

Cô Nguyễn Thị Thư có nhiều kỷ niệm với các học trò FPT. Ảnh: NVCC.

“Cô Thư rất quan tâm và tâm lý với học sinh. Nếu em có gì không tốt, cô gọi riêng ra để nhắc nhở và tâm sự. Các thành viên trong phòng có thể thoải mái tâm sự với cô mà không lo người ngoài biết. Cô cũng cho chúng em nhiều lời khuyên bổ ích”, Châu cho biết.

Không chỉ hiểu tâm tư, tình cảm của học sinh, giáo viên quản nhiệm còn đóng vai phụ huynh, lo lắng chăm sóc cho các em lúc ốm đau. Cô Thư không thể quên được một đêm “sóng gió” trên ký túc xá Hòa Lạc, Hà Nội. Một học sinh đau dạ dày và ngất. “Lần đầu tiên tôi mới gặp trường hợp này, chân tay run lên cầm điện thoại", cô giáo 9X tốt nghiệp trường ĐH Thể dục Thể thao nhớ lại. Sau đó, dù chưa chữa trị khỏi, nhưng nhớ trường em vẫn lên ở ký túc xá. Sức khỏe yếu nên em liên tục bị ngất, lúc này, cô Thư và các học sinh trong phòng vừa khuyên nhủ vừa động viên, em mới chịu về nhà chữa bệnh.

Một mình đảm nhận nhiều vai khác nhau nên các thầy cô quản nhiệm phải có nhiều “chiêu độc” để đưa các em vào khuôn khổ. Trực nhật phòng, không được về quê cuối tuần là những hình phạt thầy cô quản nhiệm phạt khi học trò phạm lỗi.

Từng trải qua tuổi “nhất quỷ, nhì ma” nên các thầy cô hiểu và phải kìm nén cảm xúc khi nóng giận nhằm chia sẻ, vỗ về, an ủi các em. Nhưng nhiều trường hợp cũng phải cứng rắn, dứt khoát để giải quyết công việc. “Học sinh ở lứa tuổi này rất khó để quản lý. Tôi thường xuyên tìm hiểu thêm kiến thức về tâm lý và chia sẻ với mọi người để tháo gỡ những khó khăn gặp phải”, thầy Quân nhìn nhận.

Đồng quan điểm, cô Hoa bộc bạch: “Tôi luôn tạo cho học sinh một không gian thoải mái khi vui chơi. Nhưng những vấn đề liên quan đến kỷ luật và đạo đức thì tôi sẽ rất nghiêm khắc”. Nhưng hơn hết, hằng ngày, cô thường nhắc nhở học sinh phải tôn trọng, đoàn kết và cảm thông với mọi người. Bởi theo cô, các em rất hiểu biết nên không thể áp đặt mọi thứ.

“Tôi thường chọn phương pháp giải thích để các em thấm dần tư tưởng. Nếu hợp lý và tốt cho học sinh thì không có lý gì mà các em lại không nghe. Ngoài ra, đôi lúc cũng nên thử mạo hiểm đặt lòng tin của mình vào học sinh”, cô bày tỏ.

Bên cạnh đó, các thầy cô quản nhiệm ở FPT School cũng giữ liên lạc thường xuyên với phụ huynh đểxử lý tình huống từ thông tin các phụ huynh chia sẻ.

DSCN3019-620.jpg

Khoảng 600 học sinh FPT School học tập và sinh hoạt trong môi trường nội trú. Các em được các thầy cô quản nhiệm quản lý và chăm sóc đời sống khi học xa nhà. Ảnh: C.T.

Sau thời gian được rèn luyện trong môi trường “quân đội”, nhiều học sinh đã khiến mọi người phải ngạc nhiên vì sự trưởng thành của mình.

Cô Hoa cảm thấy tự hào rằng học sinh có thể tự lập trong cuộc sống thường ngày. Cô nhớ ngày đầu, có em chỉ bị xước nhẹ mà cả phòng lấy bông gạc ra quấn. Bây giờ, các em đã biết chăm sóc cho bản thân, xử lý thuần thục những viết thương ngoài da và cũng biết lo lắng cho bạn bè và những người xung quanh. Trong gần ba năm làm quản nhiệm, thầy Quân vẫn không thể quên trường hợp em Trần Anh Duy - hiện là học sinh lớp 12. Thời gian đầu khi mới lên Hòa Lạc, Duy nhút nhát, lúng túng khi đứng trước đám đông và rất khó gần. Nhưng chỉ sau một thời gian sinh hoạt trong môi trường tập trung, Duy đã hòa đồng với mọi người hơn, chăm chỉ học tập và rèn luyện. Bố mẹ của Duy hết sức vui mừng gọi điện cảm ơn thầy cô khi thấy em có sự thay đổi tích cực khi được sống tự lập.

Niềm hạnh phúc của của bố mẹ Duy cũng là cảm xúc chung của chị Đỗ Phương Thảo, mẹ của em Từ Gia Huy, học sinh lớp 11. Chị Thảo kể: "Huy là một cậu bé hiền lành, có phần hơi nhát nên ngay từ đầu tôi đã muốn cho cháu sống ở môi trường tự lập để cải thiện tính cách".

Sau thời gian học ở FPT School, Huy đã có những sự chuyển biến rõ rệt. Ngôn ngữ giao tiếp của em tốt hơn hẳn và đã mạnh dạn trao đổi, nói ra chính kiến của mình. Huy học tập cũng tiến bộ hơn, em đã có tên trong đội tuyển học sinh giỏi Tin học của trường. Khả năng viết văn của Huy cũng được cải thiện nhờ những cuộc thi viết trường tổ chức vào cuối tuần. Đặc biệt, Huy biết giữ gìn sức khỏe, chăm tập thể thao để cải thiện thể trạng. Sự tiến bộ của Huy có “một phần quyết định không nhỏ chính là nhờ sự rèn giũa của các thầy cô quản nhiệm”, chị Thảo khẳng định.

Thành lập năm 2013, trường THPT FPT trực thuộc ĐH FPT, hoạt động theo mô hình nội trú, có trụ sở đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Học sinh FPT học nội trú tại trường từ thứ Hai tới thứ Sáu hằng tuần. Vào hai ngày cuối tuần, học sinh có thời gian hoàn toàn tự do dành cho gia đình. Hiện, trường có khoảng 600 học sinh đang theo học.

THPT FPT là một trong số ít các trường THPT theo mô hình nội trú tại Hà Nội, đồng thời là trường duy nhất hiện nay mang định hướng chuyên phong cách sống. Bên cạnh học kiến thức, trường còn đề cao phát triển cá nhân, hướng tới rèn luyện cho học sinh tính tự lập, trưởng thành sớm, chủ động trong học tập và cuộc sống.

Lưu Vân

Ý kiến

()