Chúng ta

Anh ‘Ba Khía’ của dự án Chính quyền điện tử Quảng Ninh

Thứ ba, 9/10/2018 | 15:07 GMT+7

Cuối giờ chiều, anh Lâm Văn Rết, thành viên đội dự án Chính quyền điện tử Quảng Ninh, dặn dò anh em những công việc còn dang dở trước khi trở về nhà. Việc này diễn ra đã một năm nay, từ ngày anh lấy vợ là một viên chức tại tỉnh mà anh từng đào tạo.

Năm 2014, nhà Hệ thống ký được hợp đồng triển khai FPT.eGOV cho tỉnh Quảng Ninh. Các anh em của FPT IS GMC từ TP HCM được điều ra onsite tại thành phố Hạ Long để tiện việc triển khai. Lâm Văn Rết là một trong những người đầu tiên nhận nhiệm vụ. Chân ướt chân ráo vào FPT, mới chỉ làm một vài dự án nhỏ quanh quanh mấy tỉnh miền Đông, vậy mà chàng trai 26 tuổi quê Trà Vinh đã quyết định đến một nơi cách nhà hơn 2.000 cây số để bắt đầu một công việc mới. Tuổi trẻ muốn đi đây đi đó cũng là điều dễ hiểu. Vả lại, cấp trên đã nói đi 1-2 năm rồi lại về chứ không ở lại hẳn. Anh nghĩ vậy.

Nhưng thực tế lại luôn phũ phàng với nhiệt huyết của tuổi trẻ. Chính quyền điện tử Quảng Ninh là một trong những dự án lớn, được coi là trọng điểm của FPT IS. Đội dự án phải đối mặt với khối lượng công việc khổng lồ chưa từng có. Việc triển khai hệ thống ra quy mô lớn đi kèm số lượng người dùng và lượng dữ liệu là vô cùng lớn. Cả đội làm việc hầu như không có khái niệm cuối tuần hay giờ hành chính. Để kịp tiến độ, anh Rết cùng các đồng nghiệp đã nhiều đêm thức trắng.

Không chỉ vậy, rào cản văn hóa và ngôn ngữ cũng khiến công việc gặp không ít khó khăn. Những buổi đầu tiếp xúc với cán bộ công chức, anh tỏ ra khá lúng túng, không rõ cách thức làm việc tại đây ra sao, quy trình như thế nào. Rồi khi đào tạo hoặc hỗ trợ khách hàng qua điện thoại, nhiều khi chàng trai miền Tây sông nước phải nói đi nói lại rất nhiều lần họ mới hiểu ý.

Gần một năm kể từ khi bắt đầu dự án là thời điểm khó khăn nhất. Anh em nhớ nhà, nhớ người yêu. Công việc gặp nhiều vướng mắc. Tâm lý mọi người chán nản dẫn đến không khí phòng làm việc lúc nào cũng căng như dây đàn. Chẳng ai buồn nói với nhau, và hiếm lắm những nụ cười. Sau thời gian này, lần lượt mọi người trở lại vào Nam. Họ về lấy vợ, chuyển qua dự án khác, thậm chí là đổi công ty. Riêng anh Rết ở lại. Anh nghĩ mình phải chịu trách nhiệm với quyết định của cá nhân. Mà hơn thế, anh biết rằng mình đã yêu mến mảnh đất này từ khi nào không hay.

bakhia-7436-1539024695.png

Anh Lâm Văn Rết, người bám trụ lâu nhất với dự án Chính quyền điện tử Quảng Ninh.

Những đồng nghiệp mới đến, anh là người chào đón, giới thiệu công việc, đào tạo nghiệp vụ. Rồi một thời gian họ ra đi, anh lại là người nói lời tạm biệt. Suốt 5 năm qua, không biết bao lần anh đã phải lặp lại công việc này. Nhiều lúc anh cũng muốn bỏ cuộc quay vào Nam với môi trường quen thuộc, với những bạn bè chí cốt và để được gần gia đình. Nhưng hết lần này đến lần khác, anh lại lao vào công việc để tìm niềm vui. Anh cần mẫn, chăm chỉ xây dựng hệ thống như những anh "Ba Khía" miền Tây miệt mài với cánh đồng của mình.

Vùi đầu vào dự án, có năm anh chỉ về thăm nhà được một lần. Ngày giỗ chạp trong nhà anh cũng đành gọi điện nói khó xin vắng mặt. Nghe tin bà ốm nặng khó qua khỏi anh chẳng thể về ngay. May mà anh còn được nhìn mặt bà lần cuối. Đôi lúc trong điện thoại, ba mẹ anh cũng nói bóng gió về việc muốn anh lập gia đình đặng yên bề gia thất. Ở xứ người cũng khó kiếm bạn. Rồi nhiều khi thèm bát canh rau đắng cũng chẳng biết kiếm đâu để ăn.

Những lúc đó anh đã nghĩ đến chuyện từ bỏ. Dù sao với thời hạn cấp trên đề ra trước khi cùng đồng nghiệp lên máy bay ra Bắc, anh cũng đã hoàn thành công việc. Anh lại là người bám trụ lâu nhất của dự án. Nếu xin chuyển công tác, sẽ chẳng ai có thể chê trách anh điều gì. Nhưng cái duyên vẫn còn, anh chưa thể dứt ra được.

Như thường lệ, sau khi triển khai một phần mềm mới, anh lại đi đào tạo các đơn vị hành chính trong tỉnh. Nhưng khác với những lần trước, lần này có một cô gái khiến anh phải nhớ nhung xao xuyến. Các sếp đã nói rồi, đi đào tạo là phải “cầm tay chỉ việc” mới hiệu quả. Vậy là anh áp dụng ngay cách đó với cô gái đất mỏ “vừa xinh vừa duyên”. Mà trót cầm tay chặt quá lại chẳng buông ra được, vậy là anh ngỏ ý cưới cô làm vợ. Nghĩ cảnh lấy chồng xa, ban đầu cô còn ngần ngại. Nhưng anh khẳng định sẽ lập nghiệp tại Quảng Ninh. Vậy là cô đồng ý "cái một".

Lấy vợ rồi, anh Rết chuyển ra khỏi nhà trọ của đội dự án, nơi anh đã ở suốt mấy năm trời để tạo dựng hạnh phúc cho riêng mình. Anh trầm ngâm, rằng tham gia dự án này là quyết định đúng đắn nhất của anh vì nó cho anh một gia đình như mơ ước và một quê hương thứ hai vô cùng xinh đẹp.

Sau 5 năm xây dựng Chính quyền điện tử, hiện Quảng Ninh đứng đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh PCI, chỉ số cải cách hành chính PAR Index. Có hơn 400 đơn vị hành chính của tỉnh tham gia ứng dụng chính quyền điện tử. Trong vòng 3 năm đã có gần 4 triệu lượt văn bản trao đổi qua mạng, tiết kiệm một năm trên 30 tỷ đồng chi phí hành chính, riêng tiết kiệm chi phí gửi nhận văn bản gần 15 tỷ đồng.

Hơn 1.500 dịch vụ công trực tuyến giải quyết trên 600.000 hồ sơ mỗi năm, tiết kiệm chi phí xã hội trung bình một năm trên 70 tỷ đồng. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử được triển khai giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước cho người dân, doanh nghiệp, cho phép người dân tham gia giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà nước. Đặc biệt, hệ thống giúp giảm tới 40% thời gian và giảm số lần phải đi lại tối thiểu một lần/giao dịch của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp.

Nguyễn Thắng

Ý kiến

()