Chúng ta

Văn hóa kinh doanh Trung Quốc

Thứ sáu, 30/12/2016 | 18:55 GMT+7

Không ai phủ nhận được sự ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Quốc đến Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh.

Trung Quốc được coi là một trong bốn nền văn minh cổ đại lớn của thế giới, cùng với Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, tuy nhiên, đây là nền văn minh duy nhất hiện nay vẫn phát triển và có thành tựu rực rỡ. Để nói rõ ràng về cả một nền văn minh thì rất khó, trong khuôn khổ bài viết chỉ đề cập đến một khía cạnh nhỏ là văn hóa kinh doanh của người Trung Quốc, ngõ hầu cung cấp một góc nhìn tham khảo.

Văn hóa kinh doanh của Trung Quốc bắt nguồn từ rất sớm, đươc ghi chép rộng rãi trong nhiều thư tịch cùng với khá nhiều truyền thuyết dân gian, chứa đựng trong đó một số yếu tố kinh điển vẫn được thể hiện trong kinh tế học hiện đại: kinh tế nhà nước, nhóm lợi ích chính trị, sự ảnh hưởng của chính trị đến kinh doanh, phương pháp marketing… Trong đó những câu chuyện về sự ảnh hưởng của chính trị đến kinh doanh và phương pháp marketing có thể coi là đầu tiên trên thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc còn để lại một công trình có thể coi là khảo cứu ghiêm túc về kinh tế đầu tiên của nhân loại.

Lịch sử Trung Quốc chia làm khá nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có một điểm nhấn khác nhau, và văn hóa kinh doanh cũng tùy từng thời kỳ có sự khác nhau do ảnh hưởng của thời cuộc. Thời kỳ rực rỡ đầu tiên là Xuân Thu - Chiến Quốc (kéo dài từ 770 - 476 Trước Công nguyên (TCN)), ghi nhận những cải cách kinh tế đầu tiên của Quản Trọng (725 - 645 TCN), Tể tướng nước Tề, với việc phân chia đất nước thành nhiều làng, mỗi làng tập trung vào một lĩnh vực thương mại riêng và cải cách hệ thống thuế, áp dụng tiền thuế trực tiếp tới mỗi đơn vị làng xã, đưa ra một biểu thuế thống nhất chứ không dựa vào tầng lớp quý tộc để thu thuế như truyền thống. Ông cũng sử dụng nguồn lực nhà nước để khuyến khích sản xuất muối và sắt, kích thích thương mại phát triển. Truyền thuyết cũng cho rằng ông khuyến khích giao thương thông qua việc lập các “nữ lư” (nhà thổ) để làm nơi nghỉ chân cũng như tụ tập bàn chuyện buôn bán cho thương nhân.

Pham-Lai-8332-1483097341.jpg

Đào Chu Công là người để lại bộ quy tắc đầu tiên về kinh doanh.

Nhân vật thương nhân nổi bật tiếp theo là Đào Chu Công, tên thật là Phạm Lãi, vốn là một nhà chính trị xuất sắc, giúp cho Việt vương Câu Tiễn giành lại đất nước, sau khi công thành danh toại đã bỏ đi và trở thành thương nhân xuất sắc qua ba lần đổi chỗ ở, để lại 16 nguyên tắc kinh doanh thể hiện qua “Đào Chu Công lý tài thập lục tắc”, có thể coi là bộ quy tắc đầu tiên về kinh doanh, với 3 mục rất rõ ràng: con người, phương thức kinh doanh và xã hội.

Sang thời Chiến Quốc, thương nhân nổi bật nhất là Lã Bất Vi - với phi vụ buôn chính trị đầu tiên và phương pháp maketing đầu tiên trên thế giới. Bối cảnh câu chuyện xảy ra ở thời Chiến quốc, khi mà chỉ còn 7 nước tranh giành nhau thiên hạ. Trong đó, hai nước mạnh nhất kình địch nhau là Tần và Triệu thường xuyên giao tranh, dẫn đến việc nước Tần phải gửi con tin là một thành viên hoàng gia tên là Tử Sở ở lại nước Triệu.

Lã Bất Vi (292 - 235 TCN) là một doanh nhân người nước Triệu, nhờ buôn bán thành công nên giàu có. Tương truyền, Lã Bất Vi có đoạn đối đáp với cha ruột thể hiện rõ quan điểm kinh doanh của ông:

- “Làm ruộng lợi gấp mấy?”,

- “Lợi gấp mười”.

- “Buôn châu ngọc lợi gấp mấy?

- “Lợi gấp trăm” .

- “Buôn gì lãi nhất?”.

- “Buôn vua”.

Quan điểm này gần như trùng hợp với ý của nhà chính trị kiệt xuất Quản Trọng:

“Kế một năm, chi bằng trồng lúa

Kế 10 năm, chi bằng trồng cây

Kế trọn đời, chi bằng trồng người.

Trồng một, gặt một, ấy là lúa

Trồng một, gặt mười, ấy là cây

Trồng một, gặt trăm, ấy là người".

Chính từ quan điểm này, vụ áp phe chính trị đầu tiên của giới doanh nhân đã diễn ra. Lã Bất Vi đã không tiếc tiền của để Tử Sở từ vị trí là con tin vô giá trị trở thành con nuôi của vị phu nhân quyền lực nhất trong triều đình, từng bước được lập làm thái tử. Khi Tử Sở chính thức lên làm vua cũng là Lã Bất Vi trở thành tướng quốc, dưới một người trên vạn người, phi vụ diễn ra thành công tuyệt đối.

backinhok-2291-1483097341.jpg

Văn hóa kinh doanh Trung Hoa có ảnh hưởng đến Việt Nam và thế giới.

Khi đã lên làm Tướng quốc, bản tính thương nhân vẫn không mất đi trong Lã Bất Vi, ông đã tập hợp môn khách thiên hạ để viết nên quyển Lã Thị Xuân Thu, tự nhận là ghi chép tất cả các sự việc trong thiên hạ, trời đất, xưa nay. Để tăng tính chính danh, ông đã dùng phương pháp có thể được coi là vụ marketing đầu tiên trong lịch sử mà hiện nay các cửa hàng hay nhãn hiệu nổi tiếng vẫn dùng: “thưởng tiền cho ai phát hiện ra sản phẩm lỗi”. Ông bày sách ở cửa chợ, treo 1.000 lạng vàng lên trên và tuyên bố chỗ vàng thuộc về ai sửa được dù chỉ một chữ trong quyển sách, tất nhiên là vụ quảng cáo thành công ngoài sức tưởng tưởng khi nhân sĩ thiên hạ nườm nượp kéo đến tranh biện về học thuật.

Ba thương nhân nổi bật nêu trên, đánh giá ai hơn ai là rất khó vì mỗi người là một sự giao thoa kỳ lạ giữa chính trị và buôn bán, đại diện cho một phong cách riêng. Quản Trọng là nhà chính trị có kiến thức kinh tế vĩ mô nên ông thành công trong quản lý kinh tế cấp cao, Phạm Lãi cũng là nhà chính trị quân sự có tố chất của thương nhân nên ông thành công trong cả hai lĩnh vực và thiết lập thành công nguyên tắc buôn bán của mình, còn Lã Bất Vi là thương nhân có tố chất chính trị tốt nên ông thành công trong việc sử dụng chính trị làm đòn bẩy cho buôn bán cũng như đẩy mạnh giao thương giữa các quốc gia.

Nhân nói đến vấn đề giao thoa giữa thương nhân và chính trị này, có một đặc điểm là lịch sử Trung Quốc từ sau thời Xuân Thu - Chiến Quốc gần như chấm dứt việc thương nhân tham gia vào chính trị và có dấu ấn chính trị của mình. Hình mẫu thương nhân là nhà chính trị chuyển thành như Đào Chu Công hay thương nhân chuyển thành nhà chính trị như Lã Bất Vi từ thời Hán trở đi gần như biến mất. Việc này do có nguyên nhân trực tiếp từ việc Đạo Khổng được đưa lên độc tôn, chấm dứt thời kỳ tự do tư tưởng “Bách gia tranh minh” (tram nhà tranh tiếng).

Kỳ sau chúng ta sẽ tìm hiểu một chút nguyên nhân và biểu hiện của việc thương nhân Trung Quốc mặc dù rất giàu mạnh nhưng tuyệt không có tiếng nói chính trị, cả ở bản địa lẫn các quốc gia trên thế giới.

Đinh Ninh

Ý kiến

()