Chúng ta

'Tân binh' háo hức với nhạc STCo

Thứ sáu, 4/5/2012 | 11:42 GMT+7

Những ánh mắt bừng sáng và nụ cười hả hê trong chương trình STCo Tour diễn ra vào ngày 3/5 đã nói lên độ "phê" của CBNV FPT IS với nhạc chế. Nhưng vẫn còn chút buồn khi thiếu vắng những người đã gắn bó nhiều năm với nét văn hóa độc đáo này.
> FUN tổ chức hát ‘rong’

Khác với không khí thưa thớt, vắng vẻ hàng ngày, sự xuất hiện của các thành viên Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT (FUN) dường như khiến cả khuôn viên sảnh tầng 3, trụ sở của FPT IS tại 101 Láng Hạ thêm sôi động.

a

Nhạc sĩ Trương Quý Hải đóng vai trò nhạc trưởng của chương trình.

Trước khi đoàn xuất hiện, gần 100 người đã ngồi chờ sẵn để được tận mắt “mục sở thị” và nghe những tác phẩm nhạc chế để đời của người FPT.

Rất nhiều bài hát đã được in ra cho những người tham gia có thể hát cùng. Phía trên, các thành viên của FUN nào đàn, nào trống đã sẵn sàng biểu diễn.

Với vai trò “nhạc trưởng”, nhạc sĩ Trương Quý Hải dường như đang sống lại những ngày hưng thịnh của văn hóa STCo. Anh nói, anh chỉ huy và say sưa hát.

a

Rất đông khán giả cố chen chân chọn cho mình một chỗ đứng.

Kế bên trái anh, Giáo sư Xoay Đinh Tiến Dũng (Phó Ban Văn hóa - Đoàn thể) thử đàn, sẵn sàng phục vụ “quần chúng nhân dân”. Nguyễn Anh Quân, tay trống cự phách của FPT IS cũng ôm khư khư chiếc trống, sẵn sàng lâm trận bất cứ lúc nào.

Một đội ngũ khác gồm các thành viên của FUN hòa nhịp, vỗ tay cất vang lời hát.

Như thường lệ, nhạc phẩm nổi tiếng “Người FPT” hai phiên bản OneFPT và Hoài niệm FPT được chọn làm ca khúc mở màn. Âm nhạc nổi lên và tất cả những người có mặt bước vào “mê hồn trận” của STCo.

Hết bài hát này đến bài khác, từ Ale Ale, Chúc mừng sinh nhật, FPT Vision cho đến Thưởng của em đâu… lần lượt được thể hiện, không thiếu một nhạc phẩm nào.

Phó Tổng giám đốc FPT IS Phùng Việt Thắng và Phó Tổng giám đốc FPT IS Bank Đặng Đức Kính cũng chen chân tìm cho mình một chỗ đứng để thưởng thức nhạc STCo.

a

Bài " Thưởng của em đâu" do Giáo sư Xoay biểu diễn được mọi người đón nhận nhiệt tình.

Lạc, các loại rượu, xúc xích… bắt đầu được bê ra, phục vụ tất cả những người có mặt. Mọi người vừa ăn, vừa hát, vừa bình luận, chuyện trò tạo nên bầu không khí sôi động.

Sau những bài hát, nhạc sĩ Trương Quý Hải và Giáo sư Xoay đều dừng lại để kể về sự ra đời cũng như hoàn cảnh sáng tác của nhạc phẩm khiến mọi người không chỉ được nghe mà còn hiểu hơn về bài hát.

Mỗi khi lý giải đến những tình tiết thú vị, mọi người lại à ồ không dứt và cười thích thú.

Giáo sư Xoay hóm hỉnh cho rằng trong một bữa tiệc STCo không thể thiếu nhạc, rượu, đồ nhắm và đặc biệt là sếp, bởi nếu không có các sếp thì làm gì có ai làm bia đỡ đạn đứng đó nghe “chửi” giúp.

a

Sau khi phục vụ khách hàng xong, Đào Xuân Thắng (áo xanh nhạt) hộc tốc chạy về công ty để kịp xem chương trình.

Mới đọc được thông tin trên báo Chúng ta là có chương trình biểu diễn nhạc STCo tại FPT IS nên cả buổi làm việc anh Đào Xuân Thắng (Trung tâm dịch vụ Chữ ký số) cứ "ra ngóng vào trông", đi gặp đối tác về là anh liền nhanh chân chạy lên xem chương trình ngay lập tức.

Mới gia nhập FPT IS được nửa năm, chưa có dịp tham gia các sự kiện văn hóa của FPT nhiều nên với anh nhạc chế vẫn còn là điều rất mới mẻ.

Không khí sôi động, vui vẻ khiến anh có cảm giác như trở lại thời sinh viên tươi trẻ. Anh thấy các “nghệ sĩ” đến từ FUN biểu diễn rất tự tin, hòa đồng và đặc biệt là hát rất hay.

Anh thích nhất bài hát “ Thưởng của em đâu” do Giáo sư Xoay thể hiện. Thắng mong muốn đều đặn 1-2 tuần sẽ lại có những chương trình biểu diễn như thế này để mọi người được thoải mái và xả stress sau giờ làm việc.

Về cuộc thi chế tác nhạc STCo như lời nhạc sĩ Trương Quý Hải kêu gọi anh sẽ tham gia nếu sắp xếp được thời gian hợp lý.

Đứng ở một góc, lấy điện thoại Iphone4 ghi lại những phần biểu diễn, chị Phan Thị Yến (FPT IS Tessot) thi thoảng lại cười lên rúc rích trước những phần biểu diễn.

Gia nhập FPT IS từ tháng 5/2011 nên đây là lần đầu tiên chị Yến được nghe hát nhạc STCo đã đời đến thế.

Chị thấy những bài hát đều hay, phản ánh đúng suy nghĩ, tình cảm của nhân viên với sếp, với công ty. Chị cũng mong sẽ có nhiều chương trình thế này được tổ chức tuy nhiên nên tổ chức ở chỗ rộng rãi hơn vì không gian sảnh tầng 3 quá chật hẹp.

a

Xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của các bài hát cũng được Giáo sư Xoay và nhạc sĩ Trương Quý Hải kể lại.

Trái ngược với suy nghĩ của những “tân binh” như anh Thắng và chị Yến, anh Trần Đức Quang, người có thâm niên 4 năm làm việc ở FPT IS, đã từng tham gia nhiều chương trình STCo đứng theo dõi chương trình từ đầu cho rằng chương trình chưa thực sự vui lắm vì chưa đạt đến “đỉnh” của STCo.

Theo anh, một chương trình vui cần có số lượng người tham gia đông đủ, mọi người có sự thân thiết, gần gũi, tương tác lẫn nhau chứ không chỉ đơn thuần đứng xem biểu diễn như thế này.

Khác với không khí vui nhộn ngoài sảnh, ngay sau tấm cửa kính, phân nửa số CBNV của FPT IS TES vẫn cặm cụi làm việc và thờ ơ với chương trình.

Anh Nguyễn Thanh Sơn, FPT IS TES tâm sự anh vốn thích nhạc STCo từ ngày xưa nhưng vì đã được xem quá nhiều rồi nên không còn hào hứng tham gia nữa. Anh cũng nhận thấy những chương trình ngày xưa gần gũi, thân thiện hơn còn bây giờ sự kết nối đã dần mất đi, mọi người đang “chiêm ngưỡng” chứ không còn là thưởng thức và đam mê nhạc STCo như xưa.

Đó cũng chính là những lý do khiến anh Sơn không có mặt trong chương trình.

a

Rất đông "tân binh" có mặt tại chương trình nhưng bóng dáng những người xưa cũ lại không hề xuất hiện.

Đầu quân cho FPT từ những năm 1996-1997 nên anh Nguyễn Tiến Dũng (FPT IS TES) là một trong những lão làng của công ty vì thế với anh nhạc chế chẳng có gì là xa lạ.

Nghe mọi người hát hò ngoài sảnh anh cũng bồn chồn, rạo rực nhưng vốn sợ uống rượu nên anh đành lánh mặt.

Anh nhận xét ngày xưa những tác phẩm STCo thường mang tính bột phát, anh em ngồi vui vẻ ăn uống hát hò với nhau nên thường “phiêu” hơn.

Thời gian gần đây những hạt nhân STCo dường như đông hơn nhưng so với số lượng nhân viên “khổng lồ” bây giờ dường như vẫn quá ít. Những tác phẩm STCo bây giờ có vẻ hay hơn, sáng tạo hơn nhưng sự đồng cảm, khát khao của người FPT với nhạc STCo dường như ít hơn.

Anh lý giải cũng có thể do ngày xưa mọi người quá “đói” món ăn tinh thần nên nhạc STCo có thể dễ dàng xâm nhập và thẩm thấu, giờ no đủ rồi, mọi người có nhiều thú vui, sở thích khác hơn là ngồi nghe nhạc STCo.

 Bình Nguyên 

Ý kiến

()