Chúng ta

'Đại gia' điện thoại

Thứ sáu, 30/12/2011 | 08:17 GMT+7

Sở hữu gần 200 'chú dế' của nhiều hãng, từ Nokia, Siemens, Motorola, Samsung, Acatel, Haier đến Panasonic, Philips... Nguyễn Văn Ngọc, Công ty Phân phối Công nghệ Viễn thông FPT (F9, thuộc FPT Trading, Hà Nội), được mệnh danh là 'đại gia' điện thoại.
> Bộ sưu tập điện thoại 'khủng'

a

Bộ sưu tập điện thoại Motorola của anh Ngọc. Ảnh: NVCC.

Từ khi còn “mài đũng quần” trên giảng đường đại học, cậu sinh viên Ngọc đã mê mẩn những chiếc điện thoại di động, phương tiện liên lạc thông minh, kết nối mọi người thuận tiện nhất. Nhưng phải đến năm 2010, anh mới bắt đầu dành tâm huyết cho “sự nghiệp” sưu tập các loại điện thoại.

“Nhìn những chiếc di động cổ có trong bộ sưu tập, luôn nhắc tôi nhớ về thời khó khăn khi muốn liên lạc với đối tác, bạn bè vào những năm cuối thập kỷ 90. Khi ấy, điện thoại cố định và máy nhắn tin đã được coi là các phương tiện sành điệu nhất. Thậm chí, năm 1999 tôi đã bán xe máy đi để mua chiếc điện thoại Nokia 3210, đây là model có ăng-ten ngầm đầu tiên của hãng này” anh Ngọc chia sẻ.

Trong bộ sưu tập điện thoại mà anh Ngọc đang sở hữu, có chiếc ra đời từ năm 1992. Khi đó, hãng Nokia cho ra đời sản phẩm sử dụng mạng GSM đầu tiên mang tên 101, một năm sau Việt Nam mới có mạng thông tin di động đầu tiên VMS Mobifone. Điểm đặc biệt của chiếc điện thoại này là bộ đàm đeo lưng, sử dụng sóng ngắn radio- thiết bị của lính thông tin thời chiến ở thập niên 70. Thậm chí, anh còn sở hữu cả chiếc điện thoại có thể di chuyển được trên xe hơi, cân nặng khoảng 10kg, do hãng Nokia trình làng năm 1982. Với anh, tất cả những điện thoại đó đều được gọi âu yếm là “quý vật”.

Anh vẫn còn nhớ, phải “vật vã” lắm mới có được chiếc điện thoại đầu tiên trong bộ sựu tập. Lần đó, anh tình cờ thấy người bạn đang dùng chiếc Nokia 6250 với tính năng chống shock, chống nước đầu tiên của hãng này. Đây cũng chính là chiếc điện thoại anh Ngọc đã ao ước được sử dụng từ khi ra trường nên ngay khi nhìn thấy nó, anh đã “mê như điếu đổ”.

a

Anh Ngọc luôn dành thời gian chăm sóc những chiếc điện thoại của mình. Ảnh: NVCC.

“Tôi phải gạ gẫm, dọa nạt mãi, rồi phải đi mua một chiếc điện thoại khác, mới 100% để đổi thì cậu bạn mới chịu để lại”, anh Ngọc nhớ lại.

Với người mê điện thoại như anh Ngọc thì chiếc nào cũng là báu vật, nhưng “em” Nokia 7700 được nâng niu, yêu chiều và cưng nhất. Đây là model không bán đại trà nên cực kỳ hiếm. Dân sưu tầm điện thoại đều ao ước được sở hữu concept smart phone màn hình cảm ứng đầu tiên của Nokia này. Nó có thiết kế cực kỳ gợi cảm, với những đường cong tinh tế và ứng dụng thông minh mang tính đột phá vào thời điểm năm 2004.

Để sở hữu được những chiếc “dế” trên, anh thường phải “lọ mọ” trên mạng, thậm chí có những chiếc phải mua và chuyển hàng từ nước ngoài về.

Bận làm việc thì chớ, cứ khi nào rảnh là anh Ngọc lại lao vào mấy trang web giao lưu, trao đổi, mua bán điện thoại cũ để tìm hàng. Thậm chí, lập những topic cần mua trên các diễn đàn rồi nhờ anh em bạn bè tìm kiếm giúp. Cứ có thông tin sản phẩm nào ưng ý là anh liên lạc để giao dịch ngay nhưng chưa chắc đã mua được. Có lần phải mất công gọi điện, nhắn tin, đến tận nơi gặp chủ hàng để giao lưu, trò chuyện, gạ gẫm, khen chê đủ kiểu mới “rinh” được “em” về nhà.

Nhiều khi, vì mua trên mạng, hầu hết là hàng cũ, đã qua sử dụng nên anh Ngọc phải chấp nhận “sống chung với lũ”, may rủi. Thêm nữa, nhiều khi mua được một chiếc điện thoại cũng không hề dễ bởi theo anh Ngọc, có khi gặp đúng chiếc mình ưng ý nhưng dù đã trả nhiều tiền hơn giá trị thực mấy lần chủ máy cũng không bán.

Tài chính cho thú chơi cũng là vấn đề lớn. Có lần gặp hàng độc như chiếc điện thoại bắt sóng trực tiếp từ vệ tinh Ericsson R290s, thì lại không có đủ tiền bởi nó có giá gần chục triệu, đã thế để sử dụng được khả năng độc đáo của chiếc điện thoại này thì phải đăng ký, rồi lại chịu sự quản lý của Bộ Quốc phòng mà cước liên lạc lại đắt, tính bằng USD thế nên anh Ngọc đành ngậm ngùi nhìn người ta bán mất.

a

Ba trong số nhiều chiếc điện thoại "khủng" nhiều chức năng. Ảnh: NVCC.

Mua được đã khó, bảo quản, chăm sóc chúng cũng không hề dễ dàng. Cứ mỗi khi lùng xong được “em” nào là về anh lại hì hụi bọc bọc, gói gói, cho hạt chống ẩm vào từng bao để máy không bị hỏng. Theo định kỳ, anh phải thường xuyên lau chùi, sạc pin và khởi động lại máy. Máy nào bị hỏng là cất công lặn lội mang đến những hãng uy tín sửa mới yên tâm.

Sưu tầm điện thoại cổ có rất nhiều hạn chế, một trong số đó là dung lượng và tuổi thọ của pin. Đa phần chỉ đủ dùng từ một đến hai ngày, cái nào trên ba ngày là thuộc diện hàng khủng. Nhiều mẫu không có pin thay thế, chẳng ở đâu bán nữa cả, nên anh Ngọc lại phải tìm cell của các dòng máy đời khác, cell của pin máy tính xách tay để chế, độ lại. Tuy nhiên anh cũng cho biết, nếu làm không cẩn thận, thiếu chú ý là có thể gây nguy hiểm khi sử dụng vì có thể chập các đường câu dây, gây cháy nổ.

Thế rồi, nhiều chiếc không sử dụng, một thời gian sau tự nhiên một ngày đẹp trời bỗng lăn đùng ra đổ bệnh. Mỗi lần vậy là anh Ngọc lại lo lắng, bất an và ủ rũ. Bi thảm nhất là có cái thì sửa được nhưng cũng có cái đành phải đem bán, giao lưu để cho người khác lấy linh kiện.

Ấy vậy mà cứ có ít tiền nào là anh lại nhăm nhe đi tìm các “em yêu”. Từng sử dụng, sưu tầm nhiều các hãng và các dòng điện thoại khác nhau, nhưng Nokia là hãng điện thoại mà anh thích nhất bởi tính thân thiện, gần gũi và dễ sử dụng của nó. Anh đặc biệt yêu thích kiểu dáng và thiết kế sau đó mới đến các tính năng, chức năng đặc biệt khác của điện thoại

Theo nhận xét của anh, điện thoại của Samsung thì mẫu mã phong phú, màn hình đẹp, nịnh mắt người sử dụng. Máy của Mototola thì pin tốt, loa nghe đàm thoại ấm áp, rõ ràng. Chiếc Pen phone của hãng Haier hình dáng như cây bút, còn có tính năng độc đáo là chiếu tia Laser, dùng cho các cán bộ thuyết trình, giảng viên…

Với kinh nghiệm sưu tập điện thoại của mình, anh cho rằng, nên chọn và xác định trước dòng, model để có sự tập trung khi sưu tầm, đồng thời phải tìm hiểu kỹ để tránh các bệnh tật thường gặp của dòng máy đó, hạn chế về linh, phụ kiện khi cần sửa chữa và thay thế.

Không có ở nhà thì thôi, về đến nhà là anh phải lao ngay lên phòng “nhòm” các em cho đã mắt, rồi có những hôm, đang ngồi xem phim với vợ con, nhưng mắt lại toàn liếc qua chỗ bày điện thoại. Sáng trước khi đi làm, việc đầu tiên trước khi ra khỏi nhà là lên phòng ngắm một lượt rồi mới yên tâm đi. Có những hôm, anh vác về cả nửa bao điện thoại rồi ở lì trên phòng hí hoáy, hì hục với máy đến tận 2-3h sáng mới thôi.

a

Góc nhà, nơi anh Ngọc dành riêng cho thú chơi của mình. Ảnh: NVCC.

Việc sưu tập điện thoại cũng để lại cho anh khá nhiều kỷ niệm, giống như kỷ niệm “quý vật tìm quý nhân”. Nguồn cơn là bởi có những khi rất thích một chiếc điện thoại nhưng dù anh đã tìm mỏi mắt mà “em” vẫn lặn mất tăm. Thế rồi, nhiều lúc tưởng như vô vọng thì “em” lại tự tìm đến một cách không ngờ.

“Như chiếc Nokia 7700, chủ trước rao bán mãi chẳng ai mua, sau đó mấy ngày người ta chủ động liên lạc với mình. Đến nơi nhìn thấy “em” mà không tin vào mắt mình. Vừa cảm động vừa mừng đến nỗi mua xong rồi, ngồi một mình ở quán trà đá 15 phút sau mới lấy lại được tinh thần để đứng dậy đi về.

Rồi có lần đến xem chiếc máy mà người ta rao bán, trả tiền xong ngồi lại chuyện trò về thú vui này, chủ nhà hé ra thông tin là đang có một chiếc mà anh rất cần. Cả bộ Siemens Xelibri hiện chỉ thiếu mỗi chiếc số 8 cực hiếm. Vậy là anh chớp ngay cơ hội “câu kéo” bảo chủ hàng rằng “anh bán cho người khác thì coi như không bao giờ gặp lại “em nó” nữa, còn để cho tôi thì khi cần hoặc nhớ có thể qua nhà tôi nhâm nhi tách café. Nghe vậy bác chủ nhà bảo: “Riêng anh, tôi không bán mà xin tặng làm kỷ niệm”, anh Ngọc hóm hỉnh kể

Với anh, mỗi khi ngắm nhìn những chiếc điện thoại, là anh thêm một lần mê mẩn về thiết kế và tự hào về công nghệ cũng như sự sáng tạo của con người. Mỗi một model điện thoại lại là một thành quả mà các hãng đã phải bỏ thời gian đầu tư, thiết kế và phát triển.Thế nên khi ngắm nhìn bộ sưu tập, anh luôn thấy mình cần trân trọng và nâng niu chúng.

Nhiều người có máy độc, đẹp nhưng không dám dùng, toàn để trong hộp, trong tủ…nhưng anh thì khác. Anh quan niệm, hàng chuẩn, tốt là phải được đưa vào sử dụng. Anh em, đồng nghiệp cùng sở thích thi thoảng nói vui với anh: “Chơi điện thoại chứ đừng để điện thoại chơi mình”.

Ngoài điện thoại, anh Ngọc còn sưu tập cả tiền giấy cổ, bật lửa Zippo, kính, mũ… nhưng trên hết, điện thoại vẫn là thú vui lâu bền nhất bởi sự độc đáo và khác biệt của nó. Thêm nữa “Sưu tập điện thoại rất có lợi bởi nếu thích, mỗi ngày đều có thể dùng một chiếc khác nhau”, anh nói.

Bình Nguyên

Chùm ảnh Bộ sưu tập điện thoại độc đáo của anh Ngọc mời độc giả xem tại đây.

Ý kiến

()