Chúng ta

‘Chế tác STCo có nhiều đột phá’

Thứ sáu, 19/10/2012 | 15:27 GMT+7

“Tôi rất ấn tượng với chế tác “Văn hóa Cô sờ ti” và thấy đây chính là sự đột phá về STCo, bởi nó vừa có tính hiện thực phê phán nhẹ nhàng, dí dỏm, lại vừa có tính nhắc nhở người ta phải có cách hiểu đúng và hành xử tốt hơn về văn hóa STCo”, Viện sĩ STCo Lê Đình Lộc đánh giá.
> Ngắm Viện sĩ STCo ở 'thì hiện tại'

a

Đêm chung kết và trao giải cuộc thi STCo Music. Ảnh: C.T.

Nằm trong thành phần Ban giám khảo, trực tiếp tham gia thẩm định và chấm điểm các chế tác STCo được tổ chức chiều ngày 2/10 tại tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy (Hà Nội), anh Lộc cho rằng, mỗi chế tác đều có những nét hay riêng. Dù đã được chấm phần lời của các bài hát trước đêm biểu diễn, trao giải nhưng khi được nghe trực tiếp, anh lại có thêm nhiều cảm nhận mới mẻ và thấy một vài chế tác STCo có nhiều đột phá và rất công phu trong cách chọn lọc ngôn từ, như bài “Văn hóa Cô sờ ti”, “Nhà mộng xe mơ”…

Từ đó, anh đề xuất, những hạt nhân STCo có chế tác hay như Nguyễn Tiến Đạt (FPT Software), Phạm Hồng Hà (FPT Shop Đà Nẵng) và Nguyễn Thế Trung (FPT Software) cần phải được ghi nhận trong hệ thống chức danh STCo của FPT giống như các Viện sĩ, Bát tiên, Thập tam quỷ… và tương lai phải được ghi dấu ấn gì đó trong Bảo tàng FPT để vinh danh.

Bay từ TP HCM ra Hà Nội để tham gia chương trình nên Trưởng Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT Hoàng Minh Châu mang nhiều cảm xúc. Anh cho rằng, các chế tác đều rất hay và xúc động, anh muốn chọn tất cả để trao giải và tự hỏi “sao bạn đó có thể chế tác được hay thế”.

a

Hai nghệ sĩ Đinh Công Sáng và Phùng Thu Trang đang thể hiện chế tác "Nhà mộng xe mơ". Ảnh: C.T.

Cùng chung suy nghĩ với anh Lộc, anh Châu bày tỏ: “Đã lâu rồi mới được nghe chế tác STCo hay đến vậy. Nó “phả” vào một hơi thở, luồng sinh khí mới cho bài hát. Nếu được chấm, tôi sẽ chấm điểm 11/10”, anh cười hóm hỉnh.

Là lính mới tò te, vừa đi làm ở FPT HO được hai ngày nên anh Nguyễn Tiến Hảo, Ban Tài chính - kế toán, FPT HO, háo hức tìm hiểu về văn hóa FPT. Không đủ tiêu chuẩn là hạt nhân văn hóa STCo, cũng không nhận được vé mời tham gia chương trình nhưng anh vẫn “đánh liều” mò xuống tầng 13 để tìm hiểu về “thứ văn hóa STCo mà người FPT gìn giữ, tôn thờ”.

Trước đó, anh chỉ được nghe về văn hóa của FPT qua sách báo mà chưa bao giờ được chứng kiến tận mắt. Qua chương trình, anh nhận thấy các lãnh đạo FPT rất hòa đồng với nhân viên, khiến nhân viên có cảm giác gần gũi và dễ bày tỏ tâm sự của mình.

Theo anh, các chế tác biểu diễn trong chương trình đã thể hiện được phần nào công việc, đời sống của các CBNV như bài “Lương”, “Nhà mộng xe mơ”… Có một số bài sâu sắc và xúc động như bài về văn hóa STCo. “Cách thể hiện các bài hát rất vui nhộn, đúng chất STCo mà tôi đã hình dung. Ngoài ra, nó còn góp phần quan trọng vào sự phát triển văn hóa của công ty”, anh Hảo nói.

a

Viện sĩ Nguyễn Khắc Thành cùng cán bộ Tổng hội FSB Đặng Đức Thắng có màn biểu diễn khiến khán giả thích thú. Ảnh: C.T.

Ngoài hai lần tham gia Hội diễn các năm 2011 và 2012 thì đây là lần thứ ba Nguyễn Hữu Lĩnh, Call Center FPT Telecom, thực sự sống trong không khí của một chương trình STCo đúng nghĩa.

Cậu nhận xét, các chế tác sáng tạo, phản ánh đầy đủ về văn hóa, cuộc sống và con người FPT. Lĩnh thích bài “Lương” nhất vì nó mang tính đại chúng, có thể hát trong bất cứ sự kiện nào. Đặc biệt, cậu được dịp tận mắt chứng kiến sự vui vẻ, hóm hỉnh và gần gũi của các lãnh đạo khi quây quần trò chuyện, hát hò, không hề phân biệt khoảng cách. “Nếu lần sau có cơ hội, mình mong sẽ được tham gia nhiều hơn những chương trình như thế này để hiểu thêm về văn hóa của công ty”, Lĩnh chia sẻ.

Nguyễn Ngọc Sơn, FPT Polytechnic, cho rằng, không ở đâu có sếp như ở FPT, mọi người dân dã và dễ mến. “Các chế tác cũng hay và sáng tạo khi dựa trên những làn điệu dân ca. Mình thích nhất bài “Văn công thiếu tiền” với màn minh họa đi ăn xin do anh “Cú Lợn” (Đặng Đức Thắng, FSB) thể hiện”.

Ngồi kế bên, anh Bùi Đăng Quỳnh, Tổng thư ký Tổng hội FPT Software, gật gù nhận xét: “Chương trình khá hay và hấp dẫn, nhưng độ vui thì chỉ gần bằng FPT Software”. Theo anh, dù BTC đã rất sáng tạo khi tổ chức tiệc mặn, có nhiều đồ nhắm để phục vụ khán giả, nhưng có vẻ như không gian của tầng 13 chưa thực sự phù hợp với chương trình.

Đinh Vũ Hải Ninh, FPT HO, góp lời: “Dạo này STCo bắt đầu văn hoa hơn, không còn chân chất hoặc dí dỏm như các bài cũ nữa, có lẽ do trình độ thẩm mỹ cũng cao dần. Hồi xưa có mỗi bài “Người đẹp mũi to” là mang tính văn hoa, lãng mạn, có chút trữ tình. Còn bây giờ, lời lẽ các chế tác được trau chuốt hơn, ý tứ cũng “tây” hơn, không còn kiểu đơn sơ, mộc mạc, mang tính dân dã và biêng biêng kiểu “Đêm nay ta ngồi cùng nhau ta uống rượu nhé” như xưa”.

Cuộc thi STCo Music FPT 2012 do Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT phát động từ ngày 26/3. Sau thời gian nhận bài và bình chọn, đêm chung kết và trao giải cuộc thi STCo Music do Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT tổ chức đã diễn ra vào tối 2/10 tại tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội, thu hút hơn 60 người tham dự.

Từ 7 chế tác được chọn biểu diễn để chấm điểm gồm: “FPT Kệ em anh về”, “Lập trình tình ca”, “Văn hóa Cô sờ ti” (Nguyễn Tiến Đạt, FPT Software), “Lương” (Nguyễn Trung Hiền, FPT Software), “Nhà mộng xe mơ” (Nguyễn Thế Trung, FPT Software), “Tình ca tổng hội” và “Văn công thiếu tiền” (Phạm Hồng Hà, FPT Shop thuộc FPT Retail), BGK và các hạt nhân văn hóa của FPT đã chấm điểm và bỏ phiếu trực tiếp để chọn và trao các giải thưởng.

Kết quả chung cuộc:

Giải Nhất do BGK bình chọn: “Nhà mộng xe mơ”

Giải Nhất do các hạt nhân văn hóa bình chọn: “Tình ca Tổng hội”

Giải Nhì: “Văn hóa Cô sờ ti”

Giải Ba: “Văn công thiếu tiền”

Giải Đặc biệt (cho người có nhiều chế tác hay nhất): Nguyễn Tiến Đạt (FPT Software).

Bình Nguyên

Ý kiến

()