Chúng ta

Bollywood khám phá khả năng nghệ thuật

Thứ năm, 15/12/2011 | 00:39 GMT+7

"Vì mình là dân kỹ thuật nên quyết định đi học múa Bollywood để thử khám phá bản năng lực bản thân ở góc độ nghệ thuật", Phạm Thị Lan Anh, Công ty TNHH Giải pháp Tài chính công FPT (FPT IS PFS, thuộc FPT IS), chia sẻ.

Lan Anh bắt đầu đến với bộ môn múa có nguồn gốc Ấn Độ này cách đây 4 tháng. Từ đó đến nay, cô không hề nghỉ một buổi tập nào trừ những đợt phải đi công tác xa.

Quanh năm ngày tháng công việc khá bận rộn, Lan Anh đi làm từ sáng tinh mơ đến tối mịt mới về. Từ khi học Bollywood, cô cảm thấy hứng thú hơn khi chờ đợi dịp cuối tuần để tập luyện tại Life Art Studio, 185 Giảng Võ (Hà Nội).

Từ buổi học đầu tiên, cô giáo người Nhật đã hỏi Lan Anh: “Bạn có thích nhảy múa không? Nếu thích thì hãy cười lên và nhảy múa cùng nhau”. Lời mời gọi đáng yêu của cô giáo đã khiến Lan Anh hăm hở tham gia tập luyện, vừa để xả stress vừa giúp rèn luyện sức khỏe. Nhưng vì tập hăng quá mà ngày đầu tiên tham gia, cô bị đau nhức toàn thân. Những ngày sau đó, mỗi khi bước lên cầu thang, cô còn phải vịn vào người khác mới đi nổi. Lúc đó, Lan Anh tự an ủi: "Mình vì nghệ thuật mới ra thế này".

a

Phạm Thị Lan Anh dự định đi học Bollywood đến khi mang bầu mới thôi. Ảnh: NVCC.

Càng học, tinh thần tập luyện của cả lớp ngày càng lên cao. Lan Anh nhớ hôm lớp có cô giáo mới. Chờ mãi không thấy cô đến, cả lớp mày mò tự mở nhạc, tự tập với nhau. Lúc cô giáo bước vào, ngơ ngác một lúc rồi xin lỗi đi ra vì tưởng... nhầm lớp. Điều này đã khiến cô giáo rất ấn tượng vì tinh thần ham học... không cần “thầy” của lớp.

Lan Anh khoe, cô giảm được 3 cm vòng eo sau 4 tháng tập luyện, người săn chắc hơn, da bóng láng hơn do quá trình vận động ra nhiều mồ hôi, giúp đào thải những chất cặn ra ngoài.

Trước đây, Lan Anh chưa hề học môn múa nào. Bollywood là một trải nghiệm hoàn toàn mới của cô. Sau 4 tháng gắn bó với Bollywood, cô vui vẻ quả quyết: “Mình sẽ tập đến lúc nào mang bầu thì mới tạm thời nghỉ, nhưng chắc là sẽ còn nhiều thời gian vì hiện tại còn… chưa có bạn trai”. Lòng quyết tâm theo học Bollywood trong thời gian dài còn có thêm động lực khi các bạn Lan Anh, đặc biệt là các bạn nam, nhiệt liệt hưởng hứng: “Học đi rồi về múa cho bọn tớ xem nhé”.

“Nhờ việc đi học múa Bollywood mà mình được lên báo nhiều quá. Mười buổi tập thì phải có đến 4 buổi các đài, báo đến quay và phỏng vấn”, Nguyễn Thị Thịnh, FPT IS PFS, tếu táo nói. Điều này cũng cho thấy sức hút và độ lan tỏa của bộ môn múa kết hợp giữa điệu nhảy cổ điển và truyền thống Ấn Độ với các loại hình nhảy hiện đại này ngay từ khi bắt đầu du nhập vào Việt Nam.

Tình cờ đọc trên mạng và được một bạn cùng công ty rủ rê, Thịnh “tặc lưỡi” quyết định thử sức học múa Bollywood từ tháng 5 vừa qua. Cô rất phấn khởi và thích thú khi đi chọn mua bộ váy áo “chuyên dụng” dành cho lúc tập luyện. Thịnh cho biết: “Quần áo không cầu kỳ lắm, chỉ cần trang phục thoải mái như áo thun cộc tay hoặc ba lỗ, quần Alibaba hoặc váy xòe thêm các phụ kiện như chuông, thắt lưng, lắc chân, vòng tay để tạo âm thanh vui tai thì rất tuyệt”. Chỉ cần đầu tư khoảng 200.000 - 300.000 đồng, cô đã sở hữu một bộ quần áo đẹp để “lên sàn”.

a

Nguyễn Thị Thịnh học được cách biểu đạt cảm xúc bằng cơ mặt khi học Bollywood. Ảnh: NVCC.

Đều đặn, các chiều thứ Bảy và Chủ nhật ở Life Art studio, Thịnh đến để hòa mình vào không khí luyện tập đầy hứng khởi trong tiếng nhạc rộn ràng tại lớp học Bollywood. Lớp học với các thành phần tham gia đa dạng từ các bé mới 8-9 tuổi, thiếu nữ 18-20 đến cả các chị “U40-50” đều hào hứng tham gia tập luyện không phân biệt tuổi tác hay ngại ngùng.

Bắt đầu tập, Thịnh đã bị mê hoặc bởi các động tác chân tay khá đẹp mắt, nhạc điệu du dương, réo rắt, mang đậm nét đặc sắc của văn hóa Ấn Độ. Cũng qua môn múa này, cô còn học được cách dùng cơ mặt để biểu đạt cảm xúc.

Múa Ấn Độ không “hành xác” kiểu ép dẻo, các động tác chỉ cần dứt khoát và đúng nhạc điệu. Nhờ vận động tất cả các cơ chân tay, bụng một cách nhanh, mạnh không những giúp Thịnh giữ dáng chuẩn, tuần hoàn máu tốt mà còn mang đến tinh thần vui tươi, trẻ trung. Mỗi lần tập múa tiêu hao khá nhiều năng lượng, cơ thể trở nên chắc khỏe hơn.

Dù mới tập được thời gian ngắn nhưng Trịnh Hồng Dinh, Công ty TNHH Hệ thống thông tin FSE (FPT IS FSE), cho rằng, tập Bollywood vui và phấn chấn hơn Aerobic. Cô từng tập Aerobic tại Câu lạc bộ Mùa Xuân trên đường Láng Hạ (Hà Nội) nhưng phải bỏ giữa chừng vì nhàm chán, ngày nào cũng “nhai đi, nhai lại” mấy động tác giống nhau. Nhưng với Bollywood thì lại khác, bộ môn múa này đã thổi luồng gió mới khi mỗi ngày Dinh lại được học thêm một động tác mới trên nền nhạc Ấn Độ đầy mê hoặc.

Dinh nhớ mãi buổi tập đầu tiên người đau ê ẩm, động tác lúc nhanh lúc chậm, tập xong đầm đìa mồ hôi nhưng cảm thấyngười nhẹ nhàng và sảng khoái. Sau một thời gian luyện tập, Dinh thấy cơ thể săn lại và tinh thần sảng khoái.

Lê Thị Bằng Vân, FPT IS PFS, thực sự là “tín đồ” của Bollywood. Tuy cũng mới theo học bộ môn này từ tháng 5 vừa qua nhưng đến nay, cô đã theo học ở trình độ cao nhất (Performance). Để đạt được tới trình độ này, cô phải vượt qua ba cấp độ là Basic, Inter và Advance, trong đó mỗi cấp độ đều có hai bậc 1 và 2. Và muốn vượt một bậc trong mỗi cấp độ, tối thiểu phải trải qua 10 buổi học. Nếu học viên không theo được thì bắt buộc học lại ở cấp độ đó. Sự khác nhau cơ bản giữa các cấp độ là sự khó hơn và dẻo dai hơn trong những bài múa.

Mới đầu, Vân cũng như các chị em khác đi học để cho vui đồng thời rèn sức khỏe, nhưng càng học càng ham và dần phát hiện ra tố chất nghệ thuật của mình. Dù chưa từng học một bộ môn múa nào, Bollywood là trải nghiệm đầu tiên, nhưng sự cuốn hút của nó giúp Vân kiên trì vượt gần hết các bài tập khó. Hiện, cô được tham gia ở các show diễn và có lời mời làm giảng viên cho lớp Basic.

Kỷ niệm mà Vân nhớ nhất là lần diễn minishow ở Nhà văn hóa Cầu Giấy, chương trình có bán vé. Vì là show diễn đầu tiên nên Vân chuẩn bị công phu tập 4 buổi mỗi tuần. Hết giờ làm việc, Vân lập tức đi từ công ty tới chỗ tập luôn đến tận 9-10h tối mới về. Các buổi tập luyện biểu diễn của cô đều vận động với cường độ cao trong hai giờ đồng hồ không nghỉ. Hằng ngày, Vân còn tự tập luyện thêm hoặc xem clip múa Bollywood để học hỏi thêm chuyển động đẹp từ nghệ sĩ chuyên nghiệp.

a

Lê Thị Bằng Vân phát hiện ra tố chất nghệ thuật của mình nhờ Bollywood. Ảnh: NVCC.

Nhóm múa Bollywood của Vân có 10 người, trong đó cô là người múa chính nhưng lại phải trang điểm cuối cùng. Trước giờ diễn Vân bị đau bụng nhưng với quyết tâm cao, cô vẫn cố gắng thể hiện hết mình, cuối chương trình được mọi người khen là tiết mục thành công nhất.

Tiếp nối thành công, Vân sẽ biểu diễn trong chương trình lớn tại Nhà hát Âu Cơ Hà Nội vào tháng 4/2012.

Là học viên xuất sắc, Vân cũng nhận được lời mời từ cô chủ nhiệm câu lạc bộ trở thành vũ công chuyên nghiệp và có thể đảm nhận dạy bộ môn này. Vân chia sẻ: “Mình đang cố gắng luyện tập vì làm giảng viên không đơn giản là chỉ múa đẹp còn nhiều yếu tố khác cộng lại, đòi hỏi thời gian ít nhất một năm tập luyện và trau dồi kỹ thuật của môn múa Ấn Độ này”.

Bộ môn múa Bollywood bắt nguồn từ ngành công nghiệp phim âm nhạc Ấn Độ. Trong phim các diễn viên vừa diễn, vừa nhảy và hát. Dần dần sự kết hợp giữa điệu nhảy cổ điển và truyền thống Ấn Độ với các loại hình nhảy hiện đại như Hiphop, Dance sport… cùng những động tác tinh tế của tay, mắt đã tạo nên điệu nhảy Bollywood. Điệu múa này là sự kết hợp hài hòa giữa các điệu nhảy bốc lửa, những động tác chân được kết hợp khéo léo với tay và vai.

Tuy mới được “nhập khẩu” về Hà Nội song lớp học đầu tiên của bộ môn này đang thu hút nhiều bạn trẻ tham gia tập luyện. Lớp học tại Life Art studio do cô giáo người Nhật có tên Haruka Naito giảng dạy. Đi vào hoạt động từ tháng 1/2011, học phí 50.000 đồng/buổi, lớp có đủ mọi lứa tuổi, thành phần tham gia, đa số là các bạn trẻ. Hiện, lớp có hơn 20 học sinh, trong đó khá đông là người FPT và hầu hết là chị em thuộc FPT IS.

Lưu Vân

Ý kiến

()