Chúng ta

Sinh viên khao khát ‘làm giàu’ với FPT Edu Biz Talent 2018

Chủ nhật, 6/1/2019 | 23:36 GMT+7

Rất nhiều dự án hấp dẫn và táo bạo đã được 10 đội chơi mang đến vòng 2 cuộc thi sáng kiến kinh doanh FPT Edu Biz Talent 2018.

Sáng ngày 5/1, vòng 2 cuộc thi sáng kiến kinh doanh FPT Edu Biz Talent 2018 đã diễn ra đồng loạt tại hai miền Nam Bắc. Tại Hà Nội, các đội tham gia trình bày đề án tại tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy. Ở đầu cầu phía Nam, các đội thi tại hai điểm: ĐH FPT Cần Thơ và tầng 1 tòa nhà FPT Tân Thuận. Khu vực Hà Nội có 6 đội: XASA.VN, 3A1L, Go Fun, Dreamweavers, TASKNOW và Batah team. Khu vực TP HCM sở hữu 3 cái tên Shufu, SKYLAB và Slancer. N.E.T là đội duy nhất đến từ Cần Thơ.

biztalent1-8516-1546754165.jpg

Các giám khảo chấm trực tiếp thí sinh từ hai đầu cầu Hà Nội và TP HCM. 

“Cầm cân nảy mực” vòng 2 là 5 chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, marketing… đến từ Tổ chức Giáo dục FPT là TS. Nguyễn Việt Thắng, ThS. Đặng Sơn Tùng, ThS. Nguyễn Thành Tâm, ThS. Nguyễn Quang Dũng và ThS. Nguyễn Ngọc Oanh.

Sau vòng 1 với hình thức thể hiện ý tưởng kinh doanh qua video, BTC đã chọn ra 10 đội thi xuất sắc trong 70 đội để bước vào vòng 2 - trình bày đề án kinh doanh theo mô hình Business Canvas gồm các thành tố chính: đối tác, hoạt động, nguồn lực, giá trị cung cấp cho khách hàng, quan hệ khách hàng, các kênh thông tin và kênh phân phối, phân khúc khách hàng, cơ cấu chi phí, dòng doanh thu.

Chất lượng đề án được đánh giá dựa trên tính trình bày, tính học thuật, tính khả thi và tính sáng tạo. Sau khi trình bày đề án, các thí sinh sẽ tham gia phản biện, xử lý tình huống và câu hỏi của Ban giám khảo.

Là nhóm có ít thành viên nhất, TASKNOW chỉ với 2 chàng trai đến từ FPT Polytechnic Hà Nội đã mang đến một ứng dụng trợ giúp tức thời để kết nối người có khả năng và người có nhu cầu thuê ngoài một công việc cụ thể. TASKNOW chạy trên nền tảng website và ứng dụng trên điện thoại smartphone.

biztalent10-9167-1546754165.jpg

Dreamweavers với 5 thành viên đến từ Đại học Greenwich mang đến dự án có tên Kaspar. Sau phần thi, trưởng nhóm Nguyễn Hoài Linh khẳng định cả nhóm đã cố gắng hết mình và không có gì phải nuối tiếc. "Em rất hài lòng với phần thi của cả nhóm. Nếu có may mắn được vào vòng chung kết thì chúng em chắc chắn sẽ phải ngồi lại cùng nhau và đưa ra những thay đổi từ những nhận xét, góp ý của các thầy trong BGK". 

Một đội khác có ý tưởng có phần tương đồng với TASKNOW là Dreamweavers đến từ Hà Nội. Với mục tiêu chia sẻ nguồn lực lao động, Dreamweavers tạo ra một ứng dụng mang tên Kaspar. Kaspar giúp người dùng kết nối với nhau, chia sẻ thời gian tạo ra một cộng đồng tương tác việc làm và trải nghiệm.

Cả hai nhóm đều nhận được đánh giá tốt về mặt ý tưởng nhưng ở các khâu cụ thể hơn lại chưa có sự rõ ràng. Cách triển khai cần được cải thiện trong thời gian tới nếu muốn đi vào thực tế.

biztalent8-1602-1546754165.jpg

Nhóm Slancer đến từ FPT Polytechnic TP Hồ Chí Minh cũng được đánh giá cao khi đưa ra ý tưởng kết nối các freelancer với nhà cung cấp. 

Một số nhóm thí sinh khác có sáng kiến kinh doanh khá táo bạo và độc đáo như Slancer - FPT Polytechnic TP HCM với ý tưởng kết nối các freelancer với nhà cung cấp; Batah team - ĐH FPT Hà Nội xây dựng hệ thống chia sẻ và kết nối Batah Room và XASA.VN - ĐH FPT Hà Nội với một website thương mại điện tử về nông sản Việt Nam.

Là đội có những thí sinh rất nhỏ tuổi, hầu hết là sinh viên năm nhất của ĐH FPT Hà Nội, XASA.VN gây ấn tượng với cách trình bày tự tin, nhiệt huyết và vô cùng táo bạo. 3 chàng trai trẻ tuổi ấp ủ dự án đưa nền tảng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp với mục đích tăng giá trị thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

biztalent9-7899-1546754165.jpg

Giải thích thêm về dự án vừa trình bày, nhóm XASA.VN cho biết cả nhóm đều xuất thân từ vùng đất nông nghiệp nên rất muốn làm gì đó để nâng tầm thương hiệu nông sản Việt Nam. 

Đánh giá sơ bộ về vòng 2, Trưởng ban giám khảo TS. Nguyễn Việt Thắng cho biết 10 đội thi thực sự là những đội chơi xuất sắc được lựa chọn từ 70 đội. “Mỗi đội chơi ngày hôm nay đều cố gắng bám sát chủ đề "Nền kinh tế chia sẻ" của BTC đưa ra. Các bạn có rất nhiều ý tưởng mới lạ, đi đúng vào thị trường ngách, cái xã hội còn thiếu. Tuy nhiên, vì đều là sinh viên và phải chuẩn bị kế hoạch trong một thời gian rất ngắn nên phần tài chính của các nhóm đều chưa chuẩn. Dù vậy, có rất nhiều đội khiến tôi ấn tượng về sự nhiệt huyết, sáng tạo và đặc biệt họ rất trẻ. Một số bạn không phải dân kinh tế nhưng có nền tảng kiến thức cũng như phân tích quản trị kinh doanh rất tốt”, anh Thắng chia sẻ.

Một giám khảo khác cũng chăm chú theo dõi và đặt câu hỏi cho thí sinh là ThS. Đặng Sơn Tùng. Anh cho rằng các thí sinh cần phải chuẩn bị kỹ càng hơn nữa về các phương án xử lý rủi ro nếu được đi tiếp vào vòng chung kết.

Sau vòng thi thứ 2, BGK sẽ chọn ra 4 đội xuất sắc bước vào tranh tài ở vòng chung kết diễn ra ngày 15/1 tới đây. Trước đó, kết quả vòng 2 sẽ được tiết lộ trong ngày 7/1. Các đội có một tuần để chuẩn bị trước khi bước vào “cuộc chiến” cuối cùng.

FPT Edu Biz Talent 2018 là cuộc thi về kinh doanh, được phát triển ý tưởng từ mô hình của các cuộc thi kinh doanh lớn trên thế giới. Các nhóm thí sinh tham gia được tự do sáng tạo những ý tưởng kinh doanh mới và chuyển đổi ý tưởng thành đề án hiện thực.

Trong lần đầu tiên được tổ chức, FPT Edu Biz Talent 2018 chọn chủ đề là "Nền kinh tế chia sẻ" (Sharing Economy). Lựa chọn phát triển ý tưởng từ “Sharing Economy” là một cách để tuyển chọn những sản phẩm, dịch vụ mới nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động cho doanh nghiệp và phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội.

Tổng giá trị giải thưởng FPT Edu Biz Talent 2018 là gần 200 triệu đồng, trong đó có 175 triệu đồng tiền mặt. Đội đoạt giải Nhất nhận được phần thưởng trị giá 60 triệu đồng tiền mặt và trở thành đại diện cho FPT Edu tham dự cuộc thi HSBC Business Case Competition tầm cỡ khu vực; đội đạt giải Nhì nhận phần thưởng 30 triệu đồng; đội giải Ba nhận 15 triệu đồng; các đội vượt qua vòng sơ loại nhận 1 triệu đồng; vòng 1 nhận 2 triệu đồng và vòng 2 nhận 5 triệu đồng tiền mặt.

Trâm Nguyễn 

Ý kiến

()