Chúng ta

Phóng viên VnExpress tác nghiệp gian khổ ở Đạ Dâng

Thứ bảy, 27/12/2014 | 15:54 GMT+7

Liều mình vượt dốc và trượt từ trên cao xuống, phóng viên Ngô Phước Tuấn, VnExpress, đã ghi được những khoảnh khắc "độc" khi nạn nhân nữ duy nhất của vụ sập hầm Đạ Dâng được giải cứu.

4 ngày ở hiện trường, anh Tuấn có rất nhiều kỷ niệm, song nhớ nhất vẫn là giây phút các nạn nhân được đưa ra khỏi hầm. Mọi cảm xúc đều vỡ òa. Khi ấy, anh Tuấn vừa vào trong lán trại công nhân Công ty Sông Đà 505 để tìm gặp người thân các nạn nhân đang ở đây. Khi vừa ra đến địa điểm nghỉ ngơi của nhóm báo chí, là một tiệm tạp hóa nhỏ có điện cho các phóng viên tác nghiệp, anh chợt nghe ở cửa hầm vọng ra: “Nạn nhân ra rồi, nạn nhân ra rồi”. “Theo phản ứng tự nhiên, tôi nhìn xuống thấy cũng không có gì khác lạ, trong khi đó, nhiều phóng viên đang viết bài chậc lưỡi: ‘Họ diễn tập ấy mà’”. 

2_1419521504.jpg

Anh Phước Tuấn trong một lần vào hầm tác nghiệp. 2 đêm 3 ngày liền không ngủ khiến mắt anh đỏ ngầu.

Trong khi đó, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, khẳng định giữa đêm đến rạng sáng mai mới đưa được các nạn nhân ra". Như có linh tính mách bảo, anh Tuấn nhanh chóng cầm vội chiếc balô rồi lao ra hiện trường. Khi anh vừa đến nơi, các nạn nhân bắt đầu được đưa ra khỏi hầm. Lúc này, lực lượng cơ động đã chặn tất cả con đường xuống hiện trường. Anh Tuấn phát hiện đường duy nhất qua lán chỉ huy vắng bóng lực lượng bảo vệ do dốc rất cao. Không còn cách nào khác, anh liều mình trượt từ trên cao xuống lán để tiếp cận. Thật may mắn, khi đó nạn nhân nữ và hai nạn nhân nam được đưa vào lán cấp cứu.

“Tôi nhanh tay đưa máy chụp ngay những khoảnh khắc quý giá. Mới chụp được vài bức thì lực lượng cơ động đã xách hai nách tống ra khỏi lán chỉ huy”, anh Tuấn kể lại trong niềm phấn khích. “Chính sự may mắn đó mà tôi đã có ảnh cô gái duy nhất trong 12 nạn nhân lúc được đưa ra khỏi đường hầm. Khi ấy nạn nhân vừa ngất xỉu”.

Ngay sau đó, anh Tuấn gọi điện về tòa soạn phía Nam để cập nhật thông tin trước khi xử lý ảnh gửi đi.

Nhớ lại ngày đầu của sự kiện, anh Tuấn kể, sáng 16/12, khi đang đi thực hiện bài viết về vụ cá sấu xổng chuồng ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, thì nhận được tin báo của chị Vũ Mai, Phó ban Thời sự. Nhận được lệnh, anh Tuấn ngay lập tức lên đường chứ không kịp về nhà lấy thêm đồ. Từ Mã Đà chạy ra quốc lộ 20, gửi lại xe máy ở nhà dân ven đường và bắt xe khách lên Đà Lạt rồi mới vào Đạ Dâng. “Hành trang lúc ấy chỉ có một bộ áo quần đang mặc trên người và đầy đủ dụng cụ tác nghiệp trong balô như máy ảnh, laptop, 3G…”.

nannhan-2-1200x0.jpg

Nhờ cú liều mình, anh Tuấn là người duy nhất chụp được khoảnh khắc khi chị Ngọc được đưa ra khỏi hầm.

Là phóng viên Thời sự nhưng vụ giải cứu kéo dài nhiều ngày như Đạ Dâng là lần đầu tiên anh Tuấn tham gia. “Mưa, lạnh, sóng điện thoại yếu và địa điểm nằm heo hút trong rừng nên rất ít nhà dân”, anh Tuấn kể về những khó khăn. Một mình “tả xung hữu đột”, ngay khi vừa đến nơi, anh phải xoay xở đủ kiểu để đảm bảo tin/bài luôn được cập nhật. “Cũng may tôi nhận được sự giúp đỡ rất chuyên nghiệp của các anh, chị trực ở tòa soạn. Ngoài chụp hình, quay phim, tôi có thể hỏi thông tin từ Ban chỉ huy cứu nạn và các nhân chứng ngay tại cửa hầm, ngay sau đó gọi điện thoại về tòa soạn để cập nhật. Cùng lúc ấy, tranh thủ xử lý ảnh sao cho khi tòa soạn vừa gõ và biên tập xong nội dung là mình có thể đẩy ảnh về kịp”, anh Tuấn nhớ lại.

Chia sẻ về chuyện sinh hoạt trong những ngày ở rừng, anh Tuấn bảo đồ ăn uống xoay quanh bánh mì - mì tôm và nước suối có sẵn ở nơi cứu hộ. “Khó khăn nhất là chuyện ngủ. Do một mình tác nghiệp nên tôi phải thức 2 đêm 3 ngày liền. Đến đêm thứ ba có đồng nghiệp bổ sung mới có thể chợp mắt”.

Tiếp sức cho anh Tuấn là phóng viên trẻ Trần Phạm Duy, người mới gia nhập VnExpress gần 5 tháng. “Được phân công làm sự kiện Đạ Dâng là một bất ngờ lớn bởi tôi chỉ mới vào Ban Thời sự, chưa có kinh nghiệm làm việc, ghi nhận hiện trường so với các anh chị trong ban”, Duy chia sẻ và cho biết trong tâm niệm của cậu “chắc là chưa được đi đợt này”. Trước ngày lên đường, như thường lệ, đêm đó Duy thức đến 4h sáng để làm một video do anh Tuấn gửi về rồi đi ngủ và đinh ninh sáng mai sẽ lên cơ quan hỗ trợ lãnh đạo Ban những công việc "hậu trường" Đạ Dâng.

7h sáng ngày 18/12, nhận được điện thoại của chị Vũ Mai thông báo cử lên Đạ Dâng tác nghiệp, phóng viên trẻ “hơi bất ngờ”. Sợ Duy quên, người quản lý dặn cậu phải chuẩn bị đầy đủ đồ đạc, dụng cụ cần thiết, nhất là áo ấm vì Lâm Đồng đang rất lạnh. Do nôn nóng và gấp gáp, lúc chạy lên tòa soạn, Duy đánh rơi điện thoại trước tòa nhà mà không hay. Lên văn phòng mới tá hỏa đi tìm thì thấy nó văng thành 3 mảnh. Nhặt lên lắp lại, máy vẫn hoạt động bình thường. Huy ra xe đi Đà Lạt, mất 8 tiếng để đến thành phố ngàn hoa và khi đến nơi đã 21h tối. Cậu cho hay, đường từ Đà Lạt vào Đạ Dâng hơn 30 km và toàn là rừng nên chọn xe ôm là giải pháp di chuyển. 

IMG-7056-JPG.jpg

Tối muộn ngày 19/2, phóng viên Trần Phạm Duy (trái) và Ngô Phước Tuấn vẫn cặm cụi ở lại hiện trường tác nghiệp. Duy kể, những ngày tác nghiệp ở hiện trường đã ngốn hơn 1 triệu đồng truy cập mạng 3G của cả nhóm.

Duy bảo, yếu tố khó khăn nhất khi tác nghiệp ở Đạ Dâng là vượt lên chính mình. “Phải vượt qua mệt mỏi, qua suy nghĩ dừng lại, qua rào cản bản thân để chạy, để nắm những thông tin mới nhất, nhanh nhất gửi về tòa soạn”, phóng viên trẻ kể lại chặng đường gian khó. Duy cho rằng, không chỉ những người ở hiện trường mà còn cả một ê-kip ở nhà đang túc trực với những kế hoạch vạch sẵn. “Dù ở 'chiến tuyến' hay 'hậu phương', ai cũng phải căng mắt, trực 24/24h dõi theo từng tin tức nên ở hiện trường, phóng viên phải tác nghiệp nhanh nhất, tốt nhất có thể. Muốn vậy, phải vượt qua những khó khăn của bản thân trong lần đầu tác nghiệp tại một sự vụ lớn”.

Nhớ lại ba lần vào hầm tác nghiệp, Duy bảo tất cả là "do may mắn". Khi vừa đặt chân đến Đạ Dâng, phát hiện xe của lực lượng cứu hộ đi vào, phóng viên trẻ VnExpress và hai đồng nghiệp của VTV nhảy lên xe theo vào bên trong đường hầm dài 500 m. Tay cầm máy quay trong khi cổ đeo máy ảnh. Có tay nghề video vững, Duy ưu tiên quay vì “quay có thể cắt hình ra làm ảnh được”. Quay chán chê, cậu chuyển sang chụp ảnh, phỏng vấn. Khi hoàn thành, lúc đứng nhìn hầm, chàng phóng viên Thời sự mới bắt đầu cảm thấy sợ.

“Hầm chỗ tôi đứng chưa được gia cố, nước trên thành hầm nhỏ tong tong như mưa. Lâu lâu, một mảng đất sét trên thành hầm rớt cái bịch xuống trước mặt. Lúc đó, tôi chợt nghĩ bên kia, chỗ đất sập là 12 người bên trong và mình đứng đây cũng đối diện nguy cơ sụp đất bất kỳ lúc nào”. Vừa thương mình, vừa thương những nạn nhân nhưng Duy cũng không quên bảo vệ phương tiện tác nghiệp vì lượng nước và hơi ẩm quá cao. “Cứ 1-2 phút là phải lau một lần vì hơi nước bốc lên mờ hết ống kính”.

Cũng giống đồng nghiệp, Duy gặp gì ăn nấy, và đôi khi do phải làm tin gấp, có hôm cậu bỏ cả bữa sáng. Sau khi vượt 2 km đường núi và leo qua một quả đồi dựng đứng, đến thở không ra hơi, “lúc đó mới thấy thèm một bữa sáng kinh khủng”. Trong khi anh Tuấn chui vào lán trại ngủ chung với anh em công an, công nhân, Duy chọn nằm bên lán của lực lượng y tế mới dựng lên.

Là phóng viên hiện trường, ban ngày căng mình chạy tin, bám tin, bám hiện trường liên tục, tối về tranh thủ cập nhật bài theo đề tài được gợi ý, xử lý ảnh, biên tập video, ngày nào cũng 3-4h sáng mới tranh thủ chợp mắt và 6h phải dậy chuẩn bị thông tin cho ngày mới. Và để chống lại cơn buồn ngủ, bí kíp của Duy và các đồng nghiệp là “mỗi ngày uống 2-3 lon bò húc để tỉnh táo”. “Việc tìm thông tin mới ở hiện trường không làm tôi buồn ngủ nhiều. Lúc buồn ngủ và mệt mỏi nhất là khi 12 nạn nhân được cứu ra và bài đã cập nhật về tòa soạn”, Duy nhớ lại. “Khi đó mới thấy tay chân rã rời, thấy thèm tấm chăn ấm trong tiết trời lạnh giá của mùa đông Đà Lạt. Khuya đó, mấy anh em cuộn chăn ngủ một hơi tới 8h sáng”.

Cùng ngày đi với Duy còn có anh Nguyễn Văn Minh, bút danh Trí Tín, phóng viên thường trú tại Quảng Ngãi. Nhận lệnh lên đường, liên hệ mua vé thì đúng hôm tuyến bay Đà Nẵng - Đà Lạt không có chuyến. Chuyển sang đi xe khách, 12h anh lên đường. "Mỗi khi xe dừng ăn cơm hay bốc hàng là thêm sốt ruột", anh Minh nhăn nhó. Đến Đà Lạt khoảng 2h sáng, không xe ôm nào dám chở dù trả giá đến 500.000 đồng cho chặng đường chỉ hơn 30 km. Lếch thếch khoác đồ vào trung tâm, gặp taxi đang ngủ ven đường, thuyết phục mãi tài xế mới đồng ý. "Họ nhận lời khi biết mình là phóng viên đi tác nghiệp vụ Đạ Dâng. Các tài xế đều sợ chạy vào những nơi heo hút vì gần đây có nhiều vụ cướp".

Hết khoảng một tiếng di chuyển, phóng viên Trí Tín mới đến hiện trường. Mượn tạm một đôi ủng, anh bắt tay tác nghiệp ngay. 5h sáng quay xong, anh về lán tranh thủ dựng. 6h sáng, video "Trắng đêm cứu hộ" hoàn thành. "Tốc độ kỷ lục luôn", anh Minh hào hứng. Nỗ lực không biết mệt mỏi, những tin, bài nóng hổi liên tục được anh cập nhật. 

Khoảng 16h ngày 19/12, vô tình nhìn thấy người nhà nạn nhân cúng phía trên nóc hầm, anh Minh liền trèo lên. Và thật bất ngờ, ngay sau đó, lúc 16h34, anh Minh là người đầu tiên báo về tòa soạn: "Hai người được cứu ra khỏi hầm, 6 người… Ôi tất cả ra rồi”. Hoàn thành công việc cập nhật tin, bài, anh Minh được phân công về Bệnh viện Lâm Đồng tác nghiệp. Loay hoay tìm phương tiện di chuyển mãi không được, anh đành chấp nhận nằm trên cáng của xe cấp cứu. Khai thác thông tin ở bệnh viện xong, 22h anh mới về đến khách sạn. Bắt tay viết bài và dựng video ngay, 1h sáng 20/12 anh hoàn thành bài "Chúng tôi đã nói lời trăn trối". Tranh thủ chợp mắt, sáng hôm sau, anh Minh lại vào bệnh viện sớm để cập nhật tin bài tiếp theo trước khi trở về Quảng Ngãi vào buổi tối.

Sau trải nghiệm với chuyến công tác “nhớ đời”, Trần Phạm Duy chiêm nghiệm, “thành công lớn nhất chính là yếu tố đồng đội, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đồng nghiệp trong Ban. Từ sự chịu khó, chịu khổ của những người bám hiện trường cho đến phóng viên, lãnh đạo Ban và Thư ký tòa soạn thức đêm hôm ròng rã mấy ngày liền để trực xử lý tin bài và hướng dẫn từ xa. Những cuộc điện thoại lúc nửa đêm hay khi sáng sớm, những chỉ bảo và cả những lần lớn tiếng khiến tinh thần và sức làm việc, sự tận tâm của phóng viên "ngoài mặt trận" tăng lên rõ rệt”.

Quán xuyến, điều hành tuyến bài ở hậu trường trong 4 ngày liền, chiều 19/12, khi phóng viên gọi điện thông báo 12 người đã được giải thoát, chị Vũ Mai đã hét lên vì sung sướng. Cả tòa soạn đang làm việc đều quay sang nhìn, ánh mắt và gương mặt ai cũng rạng rỡ. Định thần, chị Mai ngồi xuống và xoa xoa hai cánh tay đã nổi đầy những gai ốc. “Chúng ta đã có một 'trận chiến' thật ngọt ngào sau khi 12 người được cứu khỏi hầm Đạ Dâng. Điều tôi cảm thấy rõ nhất lúc này là sự đoàn kết của tất cả thành viên trong Ban. Mọi người đã quên đi lợi ích cá nhân, rút ruột rút gan phục vụ cho công việc chung. Tôi thật sự thấy mình vinh dự được là đồng đội của các bạn”, chị Mai xúc động.

"Được tham dự và ở hiện trường vụ việc này là vinh dự của một người làm báo", chị Nguyễn Hải, Thư ký Tòa soạn, chia sẻ trong buổi họp tổng kết sự kiện.

Nguyên Văn
 

Ý kiến

()