Chúng ta

Kỹ năng mềm - vũ khí tối thượng để phát triển

Thứ ba, 21/2/2017 | 09:34 GMT+7

"Với những ứng viên có năng lực giống nhau, ứng viên có năng lực mềm tốt hơn sẽ được chọn. Đôi khi chỉ cách nói năng và hành động sẽ tăng giá trị cho mình, tăng độ chấp nhận của mọi người với mình", PGS-TS. Vũ Duy Mẫn - Cựu chuyên viên Công nghệ Ban thư ký Liên Hợp Quốc, chia sẻ.

Là một chuyên gia công nghệ với hơn 40 năm kinh nghiệm làm việc trong môi trường Việt Nam và quốc tế với vị trí cao nhất là tại Ban thư ký Liên Hợp Quốc, khi đến với xDay, sự xuất hiện của PGS-TS. Vũ Duy Mẫn được nhiều sinh viên và bạn trẻ yêu công nghệ mong chờ. Thế nào là một công dân toàn cầu, làm thế nào để rèn luyện các tố chất tiến ra môi trường quốc tế, những lưu ý cần chú ý cho bạn trẻ Việt Nam, cơ hội của công nghệ Việt trong thời gian tới… PGS. Mẫn đã có những chia sẻ tận tâm tới các sinh viên Đại học trực tuyến FPT. 

Công dân toàn cầu không đơn thuần là chỉ biết tiếng Anh

Đó không phải đơn thuần chỉ là những bạn trẻ có tiếng Anh tốt, thạo một nghiệp vụ, làm ở một công ty nào đó không phải của Việt Nam… Theo ông, công dân toàn cầu là những bạn trẻ có tư duy hòa nhập và tôn trọng sự khác biệt, hiểu và nắm bắt được sự vận động của môi trường quốc tế; có khả năng dùng những đóng góp của mình để thay đổi thế giới mình đang sống, thay đổi suy nghĩ, tâm tư tình cảm, cách sống để xã hội phát triển tích cực hơn.

1-5622-1486956305.jpg

PGS-TS. Vũ Duy Mẫn, diễn giả xDay Hà Nội tháng 2/2017.

Ngoài ra, ông cũng chia sẻ về mô hình đào tạo công dân toàn cầu tại Anh. Ở đây có những đòi hỏi, có quy trình rõ ràng, cụ thể, và theo góc độ quốc tế. Học viên được học cách học - tư duy - hành động trên tinh thần tự do, tôn trọng sự khác biệt và đề cao tư duy phản biện. 

Đồng cảm với con người ở nhiều nền văn hóa, mọi chế độ chính trị, chấp nhận sự khác biệt và có tư duy cùng chung sống, quan tâm đến vấn đề thế giới và hiểu các vấn đề xung quanh là các yếu tố được ông Mẫn nhấn mạnh chúng ta cần phải có nếu muốn trở thành một công dân toàn cầu. 

"Làm việc gì cũng phải nhận thức - biết về vấn đề đó, từ đó rèn luyện kỹ năng làm việc và dần hình thành thái độ vô thức. Trong suy nghĩ và hành động nếu tĩnh tâm thì cái gì rồi cũng đến cái nhân bản cuối cùng, đó là giá trị chân thiện mỹ không hề phân biệt chủng tộc", Cựu chuyên viên Công nghệ Ban thư ký Liên Hợp Quốc chia sẻ. 

2-8495-1486956305.jpg

Diễn giả nhấn mạnh việc hiểu rõ thế giới xung quanh cũng quan trọng như việc hiểu tình hình quốc tế

Kỹ năng mềm - vũ khí tối thượng để phát triển

Theo GS. Mẫn, Liên Hợp Quốc coi mỗi nhân viên là một công dân toàn cầu: "Khi bạn là nhân viên LHQ, bạn phải làm việc trên tiêu chí lợi ích chung, không vụ lợi cho tổ quốc mình. Cần một thái độ làm việc chuyên nghiệp, luôn chính trực và biết chấp nhận sự khác biệt".

Với kinh nghiệm từng làm việc tại bộ phận tuyển dụng nhân sự mảng công nghệ cho Liên Hợp Quốc, ông Mẫn cho biết, qua các trao đổi trong lúc phỏng vấn, chúng ta hoàn toàn có thể nhận ra khả năng của các ứng viên: Có hòa nhã không, có tích cực không, có khả năng làm việc nhóm không, cách xử lý căng thẳng như thế nào...

"Đôi khi, sự tôn trọng những phẩm chất nhỏ lại là điểm sáng năng lực của mỗi cá nhân. Những ứng viên có năng lực giống nhau, ứng viên có năng lực mềm tốt hơn sẽ được chọn. Đôi khi chỉ cách nói năng và hành động sẽ tăng giá trị cho mình, tăng độ chấp nhận của mọi người với mình", ông chia sẻ.

Cần phát triển năng lực và tinh thần lãnh đạo của nhà giáo

Giáo dục Việt Nam đang gặp bài toán thiếu giáo viên giỏi và làm đúng chức năng của giảng viên Đại học. Ở các nước phát triển, giảng viên dạy quá không 6 tiết một tuần vì dành thời gian nghiên cứu, cập nhật các thay đổi trong lĩnh vực của mình và thường xuyên thay đổi giáo trình, từ đó họ mới có khả năng dẫn dắt sinh viên nghiên cứu các công trình có giá trị.

“Nhìn lại bức tranh đó thì thấy rõ ràng ở Việt Nam đang diễn ra một cuộc khủng hoảng về giáo dục. Giảng viên luôn dạy quá giờ, không nghĩ đến nghiên cứu, giáo trình luôn cũ và phần lớn không có khả năng/ham muốn hướng dẫn sinh viên tạo nên những nghiên cứu có giá trị thực tiễn”.

3-3413-1486956305.jpg
 

Mô hình giáo dục chủ yếu ở các nước phương Tây là đẩy mạnh sự tự học, cùng nghiên cứu, tranh luận và tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề. Tư duy phản biện, chủ động và tự do luôn được đề cao: “Tôi từng làm việc tại Đại học Chicago và thấy một điều rất lạ: Ai đến muộn cũng được, khác hoàn toàn Việt Nam. Hỏi tự do, suy nghĩ gì hỏi nấy và giáo sư phải trả lời ngay; Thầy cô là bạn của các em và không khí học tập rất dân chủ. Mặt khác, vai trò chủ động của sinh viên được đề cao, các em nghiên cứu trước nội dung kiến thức và đến lớp hỏi thầy".

Ngoài ra, giáo viên cần chú trọng vào cá nhân từng sinh viên, hiểu họ hơn và từ đó đưa ra lộ trình đào tạo phù hợp cho từng cá nhân. Không phải ai cũng có nền tảng và trình độ tương đương nhau, nếu đưa ra một lộ trình chung thì có người sẽ theo được và có người sẽ bị bỏ lại, việc giao tiếp nhiều hơn, hiểu sinh viên nhiều hơn sẽ giúp giáo viên biết rõ hơn về năng lực của từng bạn. 

Ông Mẫn cũng nhấn mạnh vai trò của ước mơ đối với sự phát triển: “Thành công trong đời cần có ước mơ. Có ước mơ mới phấn đấu cố gắng hết sức. Với tư cách con người thì cần nâng đỡ ước mơ người khác. Tôi nghĩ rằng chân thành tốt hơn trào lưu. Bận tâm về việc người khác nghĩ thế nào về mình, tôi tin rằng cách suy nghĩ như vậy là sai. Thêm một người khen ta không làm ta tốt lên. Thêm người chê ta xấu ta không xấu đi. Vì vậy, các bạn hãy mạnh dạn bỏ qua để yên tâm dồn sức làm việc".

Theo FUNiX

Ý kiến

()