Chúng ta

FPT Education và 'vaccine học đường': Chia sẻ, lắng nghe, hành động

Thứ hai, 29/11/2021 | 15:41 GMT+7

Hội thảo “Vaccine học đường - Chủ động thích ứng hay bị động đối phó” giúp giáo viên tiếp cận và lan tỏa tư duy dạy học, thích ứng tình hình dịch Covid-19. 

Ngày 28/11, Phổ thông FPT Cần Thơ tổ chức hội thảo trực tuyến chủ đề “Vaccine học đường - Chủ động thích ứng hay bị động đối phó”. Diễn đàn với sự góp mặt của trên 400 giáo viên chủ nhiệm đang giảng dạy tại các trường THCS ở miền Nam. 

259476845-3154899861410519-909-4905-8819

Chương trình thu hút hơn 400 giáo viên đến từ các trường THCS miền Nam.

Đồng hành với các thầy cô trong sự kiện là Giáo sư - Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn với hơn 20 năm tham gia giảng dạy, là chuyên gia tâm lý uy tín thường xuyên xuất hiện trên các cuộc trò chuyện, tư vấn trên đài truyền hình, radio; và Tiến sĩ giáo dục Ngô Tuyết Mai - Giảng viên cao cấp, chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh (TESOL) và ứng dụng ngôn ngữ tại Đại học Flinders (Australia), cũng là diễn giả quen thuộc của nhiều diễn đàn uy tín về giáo dục. Các diễn giả đã chia sẻ, giải đáp những nỗi lo mà các giáo viên gặp phải trong giai đoạn dịch bệnh.

261117863-3154899738077198-216-5074-1733

Cô Nguyễn Thị Uyên Thúy đại diện Phổ thông FPT Cần Thơ "chủ xị" chương trình.

Đến với diễn đàn, chuyên gia Ngô Tuyết Mai đã chia sẻ bí quyết để giáo viên tạo kết nối với học sinh nhằm mang lại hiệu quả cao cho các lớp học online: “Các thầy cô không nên nắm quyền kiểm soát toàn bộ lớp học. Giáo viên cần cho học sinh quyền được nói, quyền được chia sẻ, góp ý với mình kể cả những điều không hay, đừng trừng phạt những góp ý không hay như vậy”. Cô Mai cho rằng thầy cô không nên làm cho các em học sinh cảm thấy sợ, vì khi các em thấy sợ thì mình đã thất bại ngay từ khi bắt đầu.

257421503-3154899894743849-161-5582-9720

Phần chia sẻ của Tiến sĩ Giáo dục Ngô Tuyết Mai

Đối với phương pháp giảng dạy, cô Mai cũng nhấn mạnh: “Chỉ số EQ và IQ cần được tập trung khi chúng ta giảng dạy, sức khỏe tinh thần cần đặt trước việc học. Học sinh phải có sức khỏe tinh thần tốt rồi thì mới nghĩ đến chuyện học được”.

Việc tạo động lực học tập online cho học sinh cũng phụ thuộc vào sự thấu hiểu của của giáo viên đối với các em. Với nội dung chia sẻ: "Dạy và học online không còn là giải pháp tạm thời mang sẽ là xu hướng mang tính thời đại", Giáo sư - Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội tâm lý học Việt Nam, cho biết: “Chúng ta nên đặt mình vào vị trí của học sinh, đừng nghĩ chỉ có thầy cô mới gặp khó khăn, áp lực mà học sinh thì không”.

260318250-3154899621410543-830-3060-9796

Phần chia sẻ của Tiến sĩ Tâm lý Huỳnh Văn Sơn

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn cũng đưa ra lời khuyên giúp các thầy cô suy nghĩ tích cực khi phải thích nghi với việc dạy học online: “Thực ra mọi thứ bắt đầu từ tư duy và suy nghĩ của chúng ta. Nếu bạn nói bạn không thể, sẽ không bao giờ bạn có thể làm được. Còn nếu bạn nói bạn có thể, bạn sẽ có thể làm được”.

Thông qua chương trình này, giáo viên FPT Education đã có cơ hội tương tác cùng các diễn giả, tích lũy thêm những kinh nghiệm quý báu từ chuyên gia cũng như nhận được chứng nhận sau khi tham gia chương trình. Giáo viên tham dự cũng có cơ hội nhận những khóa học khác hỗ trợ cho công tác giảng dạy trong thời gian tới.

Sau khi kết thúc chương trình, Ban tổ chức cũng đã thành lập một diễn đàn trên Facebook nhằm tạo điều kiện cho các thầy cô ở các trường khác nhau làm quen,  trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm của mình trong quá trình giảng dạy.

Ý kiến

()