Chúng ta

FPT - Sứ mệnh phát triển tài năng

Thứ ba, 3/7/2018 | 11:13 GMT+7

Ngay từ những ngày đầu thành lập, các cấp lãnh đạo FPT đã coi việc xây dựng môi trường hội tụ đầy đủ các điều kiện để ươm mầm tài năng là sứ mạng. Sứ mạng xuyên suốt bề dày lịch sử của Tập đoàn thể hiện rõ nét trong Nguyên lý Quản trị FPT. Qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử phát triển của Tập đoàn FPT, sứ mạng phát triển tài năng vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

FPT COI VIỆC ĐEM LẠI CHO MỌI THÀNH VIÊN ĐIỀU KIỆN TỐT NHẤT ĐỂ PHÁT TRIỂN TÀI NĂNG LÀ SỨ MỆNH CỦA MÌNH.

“Tổ chức là do con người quản lý và gây dựng lên.
Không có con người, tổ chức không tồn tại.”
(Cascio, F. Wayne – 1992)

Bất cứ loại hình tổ chức nào, muốn đạt được thành công trong hoạt động của mình đều phải chú trọng đến vai trò quan trọng của yếu tố con người. Trước hết, tổ chức đó cần phải có sự lãnh đạo sáng suốt, không chỉ ở dừng lại ở cấp lãnh đạo và các nhà quản lý cấp cao của tổ chức; và để tổ chức hoạt động hiệu quả nhất, phải đảm bảo sự lãnh đạo xuyên suốt trong tổ chức. Thứ hai, tổ chức đó cần phải được quản lý hiệu quả. Thứ ba, tổ chức đó phải có một đội ngũ nhân viên với đầy đủ kiến thức, kĩ năng, đạo đức và thái độ làm việc ở mức độ cao phù hợp để thực hiện sứ mệnh của tổ chức.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, các cấp lãnh đạo FPT đã coi việc xây dựng môi trường hội tụ đầy đủ các điều kiện để ươm mầm tài năng là sứ mạng. Sứ mạng xuyên suốt bề dày lịch sử của Tập đoàn thể hiện rõ nét trong Nguyên lý Quản trị FPT.

“FPT nỗ lực xây dựng đội ngũ vững mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển của tổ chức, giữ gìn và phát huy giá trị cốt lõi của công ty, đảm bảo các quyền lợi vật chất và tinh thần của nhân viên.”
(Nguyên lý Quản trị FPT)

Trải qua hơn ¼ thế kỷ, FPT không chỉ là nơi thu hút nhân tài, mà còn là nơi sản sinh ra rất nhiều nhân tài cho Tập đoàn nói riêng và xã hội nói chung. Đơn cử như Trạng nguyên FPT năm 1998, anh Hoàng Việt Anh (hiện là TGĐ FPT Telecom). Anh gia nhập FPT từ khi còn là sinh viên năm 3 đại học, được hòa mình trong môi trường làm việc đầy cơ hội và thử thách, anh Việt Anh đã sở hữu những danh hiệu "khủng" của tập đoàn: Trạng nguyên FPT, Hoa hậu FPT và Huân chương Lao động hạng nhất của Tập đoàn, … Đặc biệt hơn, với nỗ lực đưa hình ảnh CNTT Việt Nam ra thế giới, anh đã nhận được giải thưởng Quả cầu vàng CNTT do Trung ương đoàn và Bộ Khoa học Công nghệ trao tặng. Với cương vị hiện nay, Tổng giám đốc FPT Telecom, anh Việt Anh sẽ vẫn còn tiếp tục phát triển tài năng và ươm mầm cho những tài năng mới.

“Ngay từ đầu, FPT đã coi con người là tài sản quý giá nhất, tất cả các mục tiêu đều hướng đến lợi ích của con người.”
(Chị Trịnh Thu Hồng – Trưởng ban Nhân sự FPT).

Qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử phát triển của Tập đoàn FPT, sứ mạng phát triển tài năng vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ FPT TRONG SỨ MẠNG PHÁT TRIỂN TÀI NĂNG.

 Những năm gần đây, FPT đang phải đối mặt với hiện tượng chảy máu chất xám, nhất là ở phân khúc thâm niên trung bình (5 năm ~ 15 năm). Trong giới phát triển phần mềm, mọi người vẫn thường bảo nhau: “FPT Software là ngôi trường của các doanh nghiệp”. Các sinh viên mới ra trường rất thích vào làm tại FPT Software, tại đây các bạn ấy được tiếp xúc với môi trường làm việc, chuyên nghiệp, năng động và sáng tạo, được học hỏi từ những đàn anh có kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau 3 đến 5 năm công tác, chuẩn bị đủ hành trang, các bạn ấy thường có xu hướng chuyển việc sang những công ty khác. Thật vậy, làm một thống kê nhanh những người mà tôi từng tiếp xúc trong những năm công tác tại FPT, dễ dàng nhận thấy tỷ lệ nhảy việc trong thành phần các nhân viên có thâm niên trung bình khá cao. Tất nhiên sẽ cần phải có những thống kê chính xác hơn, tuy nhiên theo tỷ lệ trên, thì đây là một rủi ro tiềm ẩn trong tháp nhân sự FPT (FPT Software). Bởi chính tầng lớp này là này là đội ngũ kế thừa của các tầng lớp lãnh đạo; là tầng lớp đang trong độ chín muồi của sự cống hiến; tầng lớp này cũng chính là nguồn lửa truyền cảm hứng cho những tầng lớp nhân viên trẻ. Dẫu biết là việc lựa chọn cán bộ kế thừa phải chọn lọc, tuy nhiên việc biến động nhân sự ấy ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần cũng như động lực của các thành viên khác. Đó là chưa kể đến chất lượng và tiến độ các dự án mà lớp nhân sự này đảm trách, khiến cho hao tốn chi phí và thời gian để xây dựng lớp kế thừa để có thể đảm trách là không nhỏ... Và trong những người ra đi ấy, cũng có không ít người tài. Vậy làm sao để giữ chân người tài?

Nhân tài được xem là nguồn lực tạo ra thế mạnh cạnh tranh. Nguồn vốn con người ngày càng tỏ rõ là một nguồn giá trị của tổ chức, vì một thực tế không thể phủ nhận đó là nhân tài hiếm, quý và khó thay thế. Để giữ chân và phát triển được nhân tài cần có các phương pháp quản lý nguồn nhân lực phù hợp.

Tiền lương là một trong những vấn đề không thể thiếu để thu hút và giữ chân nhân tài. Một mức lương công bằng là nền tảng của các thỏa thuận giữa nhân viên và tổ chức. Tuy nhiên, bản thân việc trả lương sẽ không giữ chân được nhân viên. Trả lương thấp đồng nghĩa với việc tiễn nhân viên ra khỏi tổ chức nhưng không nhất thiết phải trả lương cao để giữ chân họ. Cuối cùng, nhân viên ở lại với tổ chức bởi vì họ yêu thích các đồng nghiệp; họ cảm thấy phù hợp với tổ chức, chức vụ; họ được tham gia, được thử thách bởi chính công việc, những gì họ làm sẽ giúp họ phát triển tốt hơn.

Thiết nghĩ, FPT cần gìn giữ và phát huy các truyền thống quý báu của mình: Tin cậy, tôn trọng nhân tài; Ủy quyền tối đa cho cấp dưới có năng lực; Mối quan hệ tự do, dân chủ trong công ty; … Hơn nữa, cần phải có thêm các hình thức vinh danh, ưu đãi cho các cán bộ có thâm niên ở FPT như: Huân chương 10 năm FPT, 20 năm FPT, Lão thành FPT; Ưu đãi giáo dục cho FPT Small theo thâm niên của bố mẹ, …

“FPT tin rằng, khi mỗi cá nhân được tin cậy, tôn trọng, họ sẽ phát triển tốt nhất năng lực của mình. Công việc khi ấy không còn là trách nhiệm mà là sự cống hiến và say mê.”
(Chủ tịch Trương Gia Bình)

Ngoài ra, các yếu tố tổ chức như hành vi của lãnh đạo, mối quan hệ trong tổ chức, văn hóa, các chính sách của tổ chức, môi trường làm việc, … cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc gắn kết nhân viên với tổ chức.

FPT tự hào là một trong số ít công ty có nền văn hoá riêng, đặc sắc và không thể trộn lẫn, đặc biệt là STCo. Đó là sự chia sẻ niềm tin và hệ thống giá trị của các thành viên FPT. Các thế hệ FPT nối tiếp nhau đã chấp nhận, trân trọng và cùng nhau vun đắp cho văn hóa FPT ngày càng có cá tính và giàu bản sắc. Đây chính là chất keo gắn kết người FPT, thúc đẩy mỗi người FPT làm việc hăng say, “sướng” hơn và cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của công ty. Hay nói ngắn gọn là niềm Tự hào FPT.

Tuy nhiên, STCo đang dần bị mai một. Năm 2012, người FPT hô hào “hồi sinh” STCo nhưng có vẻ chiến dịch kêu gọi này chưa được thành công cho lắm. Ngày nay, các tác phẩm STCo không còn là tiết mục quan trọng trong các sự kiện, hội hè của người FPT, nhất là các ở các công ty có đông nhân viên mới (như FPT Software). Thiết nghĩ, việc tập trung vun đắp cho Văn hóa FPT nói chung và STCo nói riêng là tối quan trọng để thăng hoa niềm tự hào FPT. Để rồi chính niềm tự hào ấy là động lực, là quyết tâm để nhân viên kết dính với tổ chức, gắn việc phát triển cá nhân cùng với phát triển tổ chức.

“Lãnh đạo các bộ phận cần nhận thức sâu sắc về vai trò STCo đối với sự phát triển của FPT. STCo còn thì FPT còn, STCo đã thành sức mạnh cốt lõi của FPT”
(Chủ tịch Trương Gia Bình)
4067464312_1528875339.png

“Quả thực, động lực giúp phát triển tài năng. Đó không phải là tiền lương hay đãi ngộ – những giá trị vật chất, mà chính là văn hóa – một biểu hiện cấp cao của tiếng nói tinh thần. Tôi tin rằng, với việc xây dựng văn hóa đặc sắc và bài bản, FPT sẽ ngày càng lớn mạnh, không chỉ tại Việt Nam mà còn vươn xa hơn nữa trên trường quốc tế.”

Nguyễn Đức Minh Quân 

PT IS

Ý kiến

()