Chúng ta

Đối diện giàn khoan Hải Dương 981 - chuyến tác nghiệp nhớ đời

Thứ hai, 20/8/2018 | 11:45 GMT+7

Ngót 8 năm ở ngôi nhà VnExpress, tác nghiệp ở nhiều địa bàn và nhiều sự kiện lớn nhỏ, nhưng với tôi, kỷ niệm đáng nhớ nhất của 10 năm viết báo chính là chuyến đi Hoàng Sa giáp mặt với các tàu chiến và cảnh sát biển của Trung Quốc.

Hoàng Sa - Trường Sa là phần lãnh thổ không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Yêu thích mảng đề tài này, tôi đã thực hiện nhiều bài viết về chủ quyền biển đảo, trong đó có thể kể đến tuyến bài về cuộc đụng độ giữa Hải quân Việt Nam và Trung Quốc ở bãi đá Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) ngày 14/3/1988; hay chuyện về chàng kỹ sư Việt kiều - anh Trần Thắng - đã bỏ tiền túi ra mua hơn 200 bản đồ khẳng định Trung Quốc không có Hoàng Sa để tặng cho Việt Nam, giúp củng cố thêm những bằng chứng không thể chối cãi trong tiến trình đấu tranh ngoại giao...

2.jpg

Tác giả trong chuyến tác nghiệp trên biển.

Tháng 1/2013, tôi được cơ quan cử đi công tác theo tàu Quân y 561 ra Trường Sa, giao quân, tặng quà cho các chiến sĩ trong dịp Tết Nguyên đán. Chuyến đi ấy giúp tôi có thêm trải nghiệm thú vị, thấu hiểu được phần nào nghị lực của những người lính ngày đêm ôm cây súng giữ bình yên biển trời, thấu hiểu được sự đơn độc của những người dân gắn đời mình với ngư trường truyền thống để trở thành những cột mốc sống trên biển.

Một tháng lênh đênh trên biển, dù vật vờ với những cơn say sóng, nhưng khi xuống đảo tôi như được tiếp thêm năng lượng để tác nghiệp những đề tài đã vạch ra từ trước, hay những nhân vật, câu chuyện vừa bắt gặp. 24 bài viết về Trường Sa được tôi gửi ngay trên tàu, hay dưới đảo chìm, đảo nổi. Sóng 3G chập chờn, có khi mất cả 4 giờ đồng hồ mới có thể chuyển được một bài viết kèm vài ba bức ảnh đã nén dung lượng. Kết thúc chuyến đi, tôi lập gia đình và dành cái tên Trường Sa đặt cho con gái như là cách nhắc nhớ về vùng lãnh thổ mà phóng viên nào cũng ao ước được đặt chân đến.

Là phóng viên thường trú ở thành phố biển Đà Nẵng, ngày ngày ngụp lặn trong làn nước biển mặt chát, nghe chuyện những ngư dân trở về từ Hoàng Sa kể chuyện bị tàu Trung Quốc vây ráp, cướp bóc, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ có một ngày mình sẽ có mặt ở Hoàng Sa. Bởi ngày 19/1/1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm giữ quần đảo này từ những người lính Việt Nam Cộng hoà. Hoà bình lập lại, nhưng có thể nói Việt Nam chưa thống nhất vì Hoàng Sa chưa về với đất mẹ Việt Nam.

Tháng 5/2014, Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt trái phép tại thềm lục địa và vùng lãnh thổ của Việt Nam. Lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc trỗi dậy. Nghe tin Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển sẽ đưa phóng viên ra Hoàng Sa thực địa hiện trường, VnExpress đã làm ngay công văn cử phóng viên tham gia. Tôi may mắn là người được chọn. Cảm xúc khi đó thật khó tả. Tự hào xem lẫn những âu lo.

Nhưng chúng tôi không biết tàu sẽ rẽ sóng khi nào. Và VnExpress có nằm trong danh sách các báo được ra Hoàng Sa trong chuyến đầu. Anh Phạm Hiếu - Phó tổng biên tập gọi cho tôi vào buổi tối, hỏi "đã sẵn sàng chưa?". Rồi như đoán được tâm lý, anh động viên, dặn dò với đại ý nếu ra được Hoàng Sa hay quay, chụp, ghi nhận nhanh, đầy đủ tất cả những gì quan sát được.

Sáng hôm sau, tôi ra quân cảng Tiên Sa đưa tin về việc hỗ trợ cho tàu lực lượng kiểm ngư đang thực thi pháp luật ở vùng biển Hoàng Sa. Bỗng có tiếng một cán bộ Cảnh sát biển hô lớn: có ai đăng ký ra Hoàng Sa? Tôi chạy ngay lại đưa tờ giấy giới thiệu. Người cán bộ cầm tờ giấy giới thiệu đầy lưỡng lự: "Phải có thẻ nhà báo mới được đi". "Bên VnExpress đã làm công văn gửi Bộ Tư lệnh cảnh sát biển và được đồng ý đi chuyến này!", tôi nói như để khẳng định, mắt nhìn thẳng vào anh cảnh sát biển. Thực tình khi đó không biết công văn của toà soạn đã đến nơi nhận hay chưa. Tên VnExpress được ghi vào tờ giấy nhỏ, ở vị trí cuối cùng bảng danh sách 19 phóng viên.

Chắc suất, tôi mới gọi điện về nhà cho vợ, nói ngắn gọn: "Anh đi công tác Hoàng Sa, khoảng một tuần sẽ về". Dĩ nhiên vợ tôi lo lắng, vì ngoài khơi kia các tàu phía Trung Quốc đang rất manh động, liên tiếp đâm va, phun voi rồng vào các tàu chấp pháp Việt Nam. Một vài bộ áo quần được cậu em vợ gói vội, chạy xe ra quân cảng khi tàu chở dầu tiếp tế cho kiểm ngư ở Hoàng Sa đã nổ máy, hú còi. Tim tôi đập nhanh hơn thường ngày. Trấn tĩnh, tôi nhắn tin thông báo với sếp Phạm Hiếu. Anh gọi ngay lại cho tôi: "Giữ gìn sức khoẻ nhé"! Sóng điện thoại yếu dần và mất liên lạc.

Trên boong tàu khi đó, anh em phóng viên người quen, người lạ, xúm lại chuyện trò. Thực tình, qua ánh mắt từng người khi ấy là những lo âu. Chúng tôi bảo nhau, đã lên tàu chúng ta là chiến sĩ. Nhiệm vụ của chúng tôi là chiến đấu bằng ngòi bút.

Bữa cơm trưa hôm đó được các chiến sĩ kiểm ngư chuẩn bị tươm tất. Nhưng tôi nhất quyết chỉ ăn một bát, rồi nhanh chóng kiếm chỗ nằm tạm dưới sàn. Kinh nghiệm một tháng đi Trường Sa giúp tôi biết rằng nếu cứ đứng ngoài boong, hay luyên thuyên tám chuyện chắc chắn sẽ say sóng. Dĩ nhiên không phải ai trong số 19 phóng viên cũng đã từng đi Trường Sa.

Tròn 24 tiếng, chúng tôi có mặt ở Hoàng Sa. Cảnh tượng đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là ba tàu Cảnh sát biển Trung Quốc cao to gấp 5 lần tàu kiểm ngư Việt Nam, nhả những ngọn khói đen kịt vào nền trời xanh ngắt, hướng thẳng mũi về tàu chúng tôi. "Toàn tàu chú ý, đóng kín cửa. Phóng viên chỉ được tác nghiệp trong khoang lái, tuyệt đối không được ra ngoài boong và mạn đề phòng phía Trung Quốc phun vòi rồng", lệnh của thuyền trưởng hô lớn, át đi tiếng máy tàu và những con sóng lớn đập vào mạn.

Từ nhiều phía khác, những tàu cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam dù nhỏ bé nhưng vội tăng tốc đến bảo vệ, bật loa tuyên truyền pháp luật và kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam. Những con tàu màu trắng cỡ lớn như vô cảm, doạ đâm va tàu của Việt Nam bất cứ khi nào có cơ hội. Quần thảo hơn một giờ đồng hồ, những con "sói" trắng phía Trung Quốc mới chịu rời đi. Tất cả những diễn biến đó được các phóng viên chụp hình, quay phim và tỷ mỉ ghi lại. Nhưng không có cách nào truyền được về đất liền.

Tối hôm đó, lần lượt phóng viên được bí mật chuyển sang các tàu khác. Tôi qua tàu cảnh sát biển 8003 - con tàu vững chãi nhất của lực lượng chấp pháp Việt Nam nhận nhiệm vụ chỉ huy. Sau những cái bắt tay thân tình, phóng viên được bố trí ngủ cùng các chiến sĩ cảnh sát biển. Bữa cơm trên tàu lắc lư sóng. Tôi đã quen với những bữa ăn như thế, nên bưng bát cơm đứng dựa vào thành tàu, sóng lắc qua bên nào thì chạy qua bên đó, nhanh tay gắp thức ăn rồi và cơm ngon lành. Cảnh ăn cơm giữa biển ấy khiến nhiều chiến sĩ bật cười. Nhưng ai cũng hiểu.

6h sáng, toàn tàu thức giấc. Chúng tôi chia phiên nhau vệ sinh cá nhân, ăn sáng và sửa soạn đồ nghề để tiếp tục nổ máy tiến vào vùng biển Trung Quốc đang hạ đặt giàn khoan trái phép. Những chiếc loa được vặn hết công suất hướng về phía các tàu Trung Quốc cũng đang nhả khói lao đến. Trong những cuộc chạm trán, người lái tàu phải bản lĩnh, khéo léo để tránh được những đợt đâm va, nhưng vẫn có thể tiến sâu nhất gần giàn khoan để phóng viên ghi hình và có được những tư liệu thực tế khách quan.

Cách giàn khoan chừng 4 hải lý, tàu chúng tôi buộc phải quay lại vì các tàu chiến Trung Quốc liên tiếp chặn ngang đầu phía trước. Cuộc "hành quân" buổi sáng an toàn, nhưng chiều hôm đó, tàu cảnh sát biển 4032 bị một tàu cảnh sát biển Trung Quốc lao thẳng vào mạn trái. Những hình ảnh đó được cánh phóng viên ghi lại.

Hơn 2 ngày ở Hoàng Sa, chứng kiến những hình ảnh bất chấp luật pháp của tàu Trung Quốc, nhưng không có cách nào truyền được về đất liền, tôi đánh liều lên gặp chính trị viên tàu. Sau một cuộc hội ý nhanh, tàu 8003 quyết định cho tôi cùng hai đồng nghiệp khác gọi điện thoại vệ tinh về bờ. Cuộc gọi được một cộng tác viên của tôi túc trực ở Biên phòng tỉnh Quảng Nam ghi lại, bóc băng và chuyển ra toà soạn. Bản tin đầu tiên được VnExpress đăng tải, thu hút hàng triệu người đọc khi cả dân tộc đang hướng về Hoàng Sa.

Việc truyền tin thuận lợi, nhưng phải có những hình ảnh từ thực địa mới tăng tính thuyết phục và để bạn đọc có cái nhìn khách quan nhất. Tôi lại lên nói khó với một chiến sĩ phụ trách tuyên truyền của cảnh sát biển. Anh đồng ý cho tôi gửi hơn 20 bức ảnh đầu tiên về. Đồng nghiệp Hoàng Thuỳ ở đầu Hà Nội nhận file ảnh đó từ Bộ Tư lệnh cảnh sát biển. Và đó là những hình ảnh đầu tiên ở Hoàng Sa, được VnExpress đăng tải.

Vẫn với phương thức đọc tường thuật để phóng viên ở nhà rã băng, dựng bài. Những thông tin ở thực địa sau đó được VnExpress đăng tải liên tục. Ở ngoài thực địa, ngoài tường thuật những gì mình nghe, nhìn thấy, tôi xoay qua tâm sự với các chiến sĩ làm nhiệm vụ để dựng bài "Trắng đêm trực diện giàn khoan", hay phỏng vấn Trung tá Phan Duy Cường, trợ lý tác chiến Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, để có được bài phỏng vấn: "Trung Quốc triển khai 4 lớp tàu quanh giàn khoan"...

1.jpg

Tác giả Nguyễn Đông.

Viết bài ở Hoàng Sa, chúng tôi nghĩ ra cách hai chân ghì chặt lên sàn giường tầng đã được bắt vít vào thành tàu, người nằm ngả xuống giường rồi tốc ký. Khi được tàu cho truyền tin về bờ thì cầm giấy đọc y như người làm phát thanh. Việc viết bằng máy tính không hề dễ dàng với những ai hay say sóng.

Một tuần ở Hoàng Sa, với những bài thời sự nóng hổi cùng nhịp của sự kiện, chúng tôi trở về bờ khi máy ảnh, máy quay đầy ắp dữ liệu. Nghe điện thoại của tôi, anh Phạm Hiếu bảo "em về nhà tắt điện thoại, ở với vợ con rồi có bài vở gì ngày mai hãy viết tiếp". Mắt tôi rơm rớm nước, vì nghe giọng anh qua điện thoại, tôi hiểu anh và cả cơ quan đã lo lắng cho tôi như thế nào.

Dĩ nhiên, chuyến đi ấy tôi đã nhận được những phần thưởng đầy khích lệ. Có bạn đọc inbox hỏi tôi rằng "có ra được Hoàng Sa không mà dưới bài phóng viên lại ghi tường thuật từ Hoàng Sa?", hay có người khác nói "đã ra đến Hoàng Sa sao video vẫn phải dẫn lại của VTV". Tôi hiểu, bạn đọc luôn muốn biết sự thật.

Hơn 10 tháng sau, gia đình tôi đón thêm thành viên mới. Và cái tên Hoàng Sa được tôi chọn đặt cho con trai. Anh Phạm Hiếu bảo, tên đó rất ý nghĩa. Giờ thì tôi đã có đủ hai quần đảo trong mái ấm của mình.

Những ngày tác nghiệp đó, tôi nghĩ mình là một chiến binh. Và những phóng viên của VnExpress luôn là những chiến binh!

Nguyễn Văn Đông
FPT Online

Ý kiến

()