Chúng ta

TS. Lê Thẩm Dương: 'TPP không phải miếng bánh béo bở'

Thứ sáu, 27/11/2015 | 10:26 GMT+7

Bên cạnh việc mở ra những cơ hội lớn, TS. Lê Thẩm Dương cho rằng doanh nghiệp Việt sẽ gặp không ít khó khăn khi gia nhập TPP. Trong đó, các ngành liên quan đến dệt may, da giày, chăn nuôi, ngân hàng sẽ phải đương đầu với rất nhiều thách thức. 

Trong buổi tọa đàm với chủ đề “Lãnh đạo thời hội nhập” được Viện Quản trị Kinh doanh FPT (FSB thuộc ĐH FPT) tổ chức vào tối ngày 24/11 tại Cao ốc Thiên Sơn, quận 3, TP HCM, TS. Lê Thẩm Dương (chuyên gia kinh tế, Trưởng khoa Tài chính ĐH Ngân hàng TP HCM), cho biết, các quốc gia thành viên hiện tại của TPP chiếm 40% GDP của cả thế giới và gần 30% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu. Do đó, khi TPP có hiệu lực, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam đứng trước cơ hội tiếp cận những thị trường rộng lớn, đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ.

Mục tiêu của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Khi thuế nhập khẩu bằng 0% (nếu mua nguyên liệu từ các quốc gia trong khối) sẽ nâng cao đáng kể lợi thế cạnh tranh cho các ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Nhóm ngành có lợi thế bao gồm: nông sản, dệt may, da giày, đồ gỗ nội thất... Điều này cũng đồng nghĩa với Việt Nam phải tăng cường ngành công nghiệp phụ trợ để giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc.

Các cam kết về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của TPP sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là từ các công ty, tập đoàn lớn. Từ đó, kích cầu cho việc phát triển cơ sở hạ tầng bởi tổng cầu tăng mạnh. Và ngược lại, Việt Nam cũng có thể xuất khẩu đầu tư từ việc rót vốn vào thị trường của các nước trong khối.

Cùng với đó, TPP sẽ thúc đẩy Việt Nam phải minh bạch hoá và nỗ lực đổi mới chính sách, thể chế. Về mua sắm của các cơ quan Nhà nước và Chính phủ, TPP cũng thống nhất đưa ra bộ quy tắc toàn diện về đấu thầu thay vì chỉ định, tạo sự minh bạch trong mua sắm cũng như cơ hội để các doanh nghiệp tham gia đấu thầu công bằng.  

Tuy nhiên, hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng luôn đi kèm với các rủi ro và thách thức. Điều dễ nhận thấy nhất là hàng hóa sản xuất trong nước sẽ gặp khó khi phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu, từ giá cả, công năng cho đến mẫu mã. Ngành chăn nuôi, ngân hàng, sản xuất - lắp ráp ô tô, hay ngành công nghiệp đường cũng không dễ dàng gì bởi những quy trình nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm cũng như thế mạnh của các nước trong khối. 

Trong khi năng lực xâm nhập thị trường nước ngoài còn nhiều hạn chế và thiếu kinh nghiệm, một điều dễ nhận thấy là doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị lấn lướt ngay tại thị trường nội địa khi TPP mở ra. 

DSC-2650-3328-1448590011.jpg

"Cơ hội khi gia nhập TPP của Việt Nam là phép cộng giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng. Doanh nghiệp Việt mới chỉ có nhu cầu, trong khi khả năng đáp ứng vẫn còn yếu. Do đó, nguy cơ cạnh tranh trên sân nhà và trở thành kẻ làm thuê là rất cao", TS. Lê Thẩm Dương nhìn nhận. "Để nâng cao khả năng đáp ứng thì doanh nghiệp lẫn Nhà nước cẩn phải thực hiện chính sách khuyến công và thay đổi mạnh mẽ hơn nữa", ông nói.

TPP (Trans Pacific Partnership Agreement - Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) là hiệp định thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 12 thành viên của TPP bao gồm: Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Năm 2025, xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD. 

Đối với xuất khẩu, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra cú huých lớn. Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam và các nước có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới được hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của các nước trong khối…

Buổi tọa đàm với chủ đề “Lãnh đạo thời hội nhập” đtrong khuôn khổ dự án “Đào tạo doanh nghiệp quản trị theo chuẩn toàn cầu” do FSB khởi xướng ngày 13/10 năm nay. 

Đối tượng tham gia dự án là các chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý, thành viên ban điều hành và những người có khát vọng kinh doanh thành công trên thị trường toàn cầu. Chương trình nhằm giúp các doanh nhân Việt hiểu biết sâu sắc về hệ thống quản trị theo chuẩn quốc tế, được đào tạo kiến thức quản trị bài bản và được chuyên gia đồng hành, giải đáp vướng mắc trong quá trình thực hiện. 

Cuối tháng 10 vừa qua, FSB cũng đã tổ chức "khám sức khỏe" miễn phí cho hàng trăm nhà quản trị tại Hà Nội và TP HCM. Doanh nhân Việt đã có buổi giao lưu với đội ngũ chuyên gia của FSB để hiểu sâu sắc về từng khía cạnh quản trị doanh nghiệp theo bộ tiêu chuẩn Business Excellence. 

>> Hơn 120 doanh nghiệp 'khám sức khỏe' miễn phí cùng FSB

Thiên Bình

Ý kiến

()