Chúng ta

NSƯT Chí Trung: 'Nhiều đài mời cộng tác, tôi lưỡng lự đến khi gặp FPT'

Thứ tư, 4/10/2017 | 10:12 GMT+7

Lần đầu tiên xem một vở kịch, khán giả truyền hình được quyết định cái kết. Đó là điểm đặc biệt của dự án kịch tương tác do Nhà hát Tuổi trẻ kết hợp với Truyền hình FPT thực hiện. 

Ngày 29/9, vở diễn “Soi gương” được phát sóng thông qua ứng dụng Sự kiện của Truyền hình FPT. Đây là vở diễn đầu tiên đánh dấu sự ra đời của chương trình "Kịch tương tác", một loại hình hoàn toàn mới mẻ trên sóng truyền hình tại Việt Nam khi tại những thời điểm mấu chốt, khán giả được phép lựa chọn những hướng đi hoàn toàn khác nhau, dẫn đến những kết thúc hoàn toàn khác nhau.

NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, chia sẻ với Chúng ta về cách xem kịch mới cho khán giả truyền hình. 

- Vì sao anh quyết định hợp tác với Truyền hình FPT để thực hiện dự án kịch tương tác trên sóng truyền hình?

- Từ trước đến nay với cá nhân tôi, FPT là một doanh nghiệp lớn có văn hóa doanh nghiệp đáng mơ ước. Bước phát triển của FPT cũng như lá cờ của các bạn như một lời hiệu triệu cho những cá nhân, tổ chức mong muốn phát triển để đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.

Trong vai trò một người lãnh đạo ở Nhà hát Tuổi trẻ, tôi cũng học được nhiều điều về tinh thần đi đầu, luôn dẫn dắt mọi người đi lên của lãnh đạo FPT. Tôi cũng hướng nhân viên của mình làm việc và cống hiến như nhân viên FPT.

Ở dự án này, đưa kịch ngắn có yếu tố hài hước (chứ không phải hài kịch - PV) lên sóng truyền hình thì chúng tôi không phải người đầu tiên và cũng không phải người cuối cùng. Nhưng concept chương trình khá mới mẻ, táo bạo và cần tư duy mới, sức sáng tạo của người trẻ. Tôi tìm được điểm chung là sức trẻ ở Truyền hình FPT. Tôi hy vọng, sức trẻ sẽ làm mới kịch sân khấu và đưa kịch đến gần với khán giả.

Ngoài ra còn lý do của cá nhân, tôi từng hợp tác với Đinh Tiến Dũng, Giám đốc Sáng tạo Truyền hình FPT (Giáo sư Cù Trọng Xoay) trong nhiều dự án. Tôi đánh giá cao khả năng viết kịch bản hài hước của Dũng và năng lượng của cậu ấy khi làm việc.

kich-4237-1507018713.jpg

Chương trình "Kịch tương tác" đã lên sóng với vở đầu tiên mang tên "Soi gương" ngày 29/9.

- Hiện nay, dự án được thực hiện như thế nào, thưa anh? 

- Hiện Nhà hát Tuổi trẻ có 200 vở kịch ngắn hay và còn nhiều kịch bản hay nữa tôi ôm ấp hơn 20 năm qua. Cũng đã có nhiều lời mời cộng tác từ các đài truyền hình là “làm một cái gì đó” nhưng tôi cứ lưỡng lự mãi cho đến khi gặp các bạn ở Truyền hình FPT. Tôi có niềm tin vào tâm huyết, dám đi tiên phong của các bạn. Chúng tôi đang nỗ lực để làm tốt nhất.

Còn quá sớm để đánh giá dự án này sẽ thành công đến mức độ nào và kéo dài được bao lâu. Nhưng thành công bước đầu là chúng tôi đã mang tới cho khán giả một format mới, có tính tương tác cao để khán giả được xem truyền hình cũng như xem kịch theo một cách khác.

- Theo anh, đâu là điểm hấp dẫn khán giả nhất của kịch tương tác do Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện phát sóng trên Truyền hình FPT? 

- Tôi nghĩ đó là phong vị riêng của kịch Nhà hát Tuổi trẻ. Kịch của chúng tôi có tiếng cười nhưng cũng có những triết lý, sự suy ngẫm chứ không phải hài nhảm. Chúng tôi cũng đưa lên sân khấu những câu chuyện cuộc sống, những mảnh ghép của đời thường. Về diễn xuất, dàn diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ có diễn xuất tốt, các diễn viên tập luyện kỹ lưỡng nghiêm túc trước khi lên sân khấu. Đó sẽ điểm tôi tự hào nhất khi nói về các vở kịch của chúng tôi.

Chúng tôi nỗ lực làm hay nhất, sáng tạo nhất, còn có trở thành xu hướng không thì khó nói. Trước màn hình tivi là tam đại, tứ đại đồng đường, chắc chắn sẽ có người thích và người không. Giới trẻ có thích không tôi cũng không đảm bảo. Nói vui là, con tôi cũng là giới trẻ đấy mà đôi khi tôi cũng không chắc con thích xem gì! (Cười)

kich2-9537-1507018713.jpg

NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát kịch Tuổi trẻ, chương trình này sẽ là món ăn với hương vị mới lạ phục vụ khán giả truyền hình. Ảnh: Internet.

- Liệu rằng đưa kịch nói - môn nghệ thuật kén khán giả - lên truyền hình có gây sức hút khi hiện nay có quá nhiều gameshow mua bản quyền nước ngoài? 

- Đúng là thời điểm này, tất cả “món ăn tinh thần” đều bị bão hoà. Bản thân truyền hình cũng bị bão hoà. Các gameshow bây giờ không đi vào lòng người, không lúc cười lúc khóc, không có tính triết lý nhân sinh, không có chút hài miền Bắc dính tý miền Nam… nghĩa là gameshow cũng đã tự đào thải mình rồi. Đưa kịch lên truyền hình đã là một bước tiến vì sẽ được nhiều người xem hơn. Thêm nữa kịch tương tác sẽ có sự liên kết với khán giả nhiều hơn. Vì vậy tôi rất mong muốn khán giả quan tâm và yêu mến kịch nói hơn qua dự án này.

- Sau kịch tương tác, anh và Nhà hát Tuổi trẻ có kế hoạch nào khác để hợp tác với Truyền hình FPT?

- Tôi chưa dám nói trước điều gì. Ở cương vị người đứng đầu Nhà hát Tuổi trẻ, sau lưng tôi là một tập thể với nhiều con người cần phải lo. “Kết hôn” với Truyền hình FPT là một mối lương duyên tốt nhưng cũng chỉ dừng ở một quy mô nhỏ. Tôi luôn mong muốn có những dự án lớn hơn để khán giả được đến gần hơn với sân khấu, yêu sân khấu hơn.

Nguyễn Thắng thực hiện

Ý kiến

()