Chúng ta

Nhật Bản là điểm tựa cho ngành thiết kế kỹ thuật xe hơi của FPT Software

Thứ ba, 19/4/2016 | 09:58 GMT+7

Thị trường ô tô lớn thứ tư thế giới sẽ là nơi để Phần mềm FPT ghi danh trong mảng thiết kế kỹ thuật xe hơi (CAD/CAE). Dự kiến đến năm 2020, đơn vị đặt mục tiêu có 2.500 nhân lực, với doanh thu 18 triệu USD.

Năm 2009, FPT Software từng có dự án với khách hàng châu Âu về mảng này, nhưng ngành thiết kế kỹ thuật xe hơi của đơn vị chỉ thực sự khởi sắc trong vài năm trở lại đây. Giám đốc Trung tâm G-ET (Global Engineering and Technology - Công nghệ và kỹ thuật toàn cầu) Trịnh Văn Thảo cho biết, năm 2014, doanh thu từ mảng này đạt 1 triệu USD. Con số này tăng gấp 3,1 lần trong năm 2015, và đến 2016, CAD (Computer Aids Design)/CAE (Computer Aids Engineering) dự kiến mang về cho đơn vị hơn 5 triệu USD. Nhật Bản đang là thị trường trọng điểm của ngành và sẽ là điểm tựa để vươn ra thị trường Mỹ, châu Âu như mảng phát triển phần mềm đã làm được. 

4-1453690521-1200x0_1459931952.png

CAD/CAE sẽ là một trong những hướng đi chủ đạo mà FPT Japan cam kết sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới. 

CAD/CAE là một trong những hướng dịch vụ đã và đang rất phát triển trên thế giới với một phạm vi ứng dụng vô cùng rộng lớn, từ sản xuất ô tô - xe máy - trang thiết bị cho tới xây dựng, hàng không, cầu đường... Chỉ tính riêng ở Ấn Độ, các công ty hàng đầu trong mảng gia công phần mềm (outsourcing) như Infosys, TCS... đã có hàng chục nghìn kỹ sư làm việc trong lĩnh vực này. 

TGĐ FPT Software Hoàng Việt Anh cho biết, FPT Software tham gia ngành này mới được 2-3 năm nay, và chủ yếu tập trung mạnh vào phần thiết kế ô tô. Do đó, cơ hội phát triển còn nhiều, thị trường còn rất lớn. Theo dự báo, ngành dịch vụ này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và có nhu cầu nhiều hơn nữa về nhân lực.

Theo anh Thảo, trong nước, FPT gần như không có đối thủ về mặt thị trường mà chủ yếu có đối thủ về nhân lực, bởi nguồn lực biết tiếng Nhật gần đây có nhu cầu rất cao. Tuy nhiên, nếu phát triển tốt, ngành có thể mở rộng quy mô tầm 2.000 đến 3.000 người trong vòng 10 năm. Về thị trường, Nhật Bản sẽ là thị trường trọng tâm của mảng này. Lợi thế của FPT là đội ngũ kỹ sư biết tiếng Nhật, quen với văn hóa, cách làm việc của Nhật. FPT Software đã có hơn 10 năm kinh nghiệm và tạo được chỗ đứng trong mắt khách hàng Nhật.

Hiện FPT Japan có một số lượng khách hàng lớn về IT Outsourcing (gia công phần mềm). Với năng lực bán hàng đang đến độ chín, chỉ trong vòng 2 năm, đơn vị đã tiếp cận, ký kết hợp đồng với những công ty hàng đầu của Nhật trong lĩnh vực CAD/CAE. 

Giám đốc FPT Japan Trần Đăng Hòa nhìn nhận, năng lực của FPT Software đang dừng lại ở năng lực của từng cá nhân. Để đạt được trình độ một công ty thiết kế đúng nghĩa, FPT Software cần thời gian và đầu tư nhiều hơn, trong đó, chú trọng đầu tư quy trình, đầu tư công cụ sản xuất. Đặc thù này rất khác với ngành IT, chỉ cần máy tính là làm được việc, hoặc đầu tư chuyên gia... để có thể nhận việc được trọn gói từ khách hàng.

"Ở Việt Nam, các sinh viên trong ngành IT đã có cơ hội tham gia sân chơi quốc tế, thì đây chính là cơ hội cho sinh viên trong ngành kỹ thuật", anh Hòa nhấn mạnh. 

Thông thường, quy trình sản xuất một chiếc ô tô gồm 6 bước, kéo dài khoảng 3-4 năm. Sau khi tìm hiểu thị hiếu và nhu cầu thị trường, hãng sẽ quyết định hình dáng thiết kế. Tiếp đó là tạo mẫu thiết kế tự động trên máy tính (CAD - Computer Aids Design). Phân tích và kiểm tra độ an toàn và các chỉ tiêu kỹ thuật khác (CAE - Computer Aids Engineering) sẽ được thực hiện trước và sau công đoạn chế tạo thử nghiệm xe. Xe được sản xuất đại trà nếu vượt qua khâu này.

Mỗi chiếc ô tô có khoảng 4-5 chục nghìn chi tiết, FPT Software sẽ chịu trách nhiệm thiết kế một phần hoặc một cụm chi tiết. Ở mức độ cao hơn, đơn vị có thể tư vấn cho khách hàng dựa trên kinh nghiệm đã tích lũy. "Khách hàng có thể yêu cầu tùy theo cấp độ. Về mặt kỹ thuật, FPT Software chưa đề xuất được nhiều, nhưng về quy trình thì chúng ta nắm vững để có thể tham gia vào các công đoạn thiết kế ô tô", anh Thảo nói.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là đa phần kỹ sư Việt Nam khá bỡ ngỡ với những chuyên môn của ngành. Phần lớn nhân lực CAD/CAE đều "rẽ trái" từ chế tạo máy, cơ tin.... đặc biệt, nền sản xuất phát triển khiêm tốn ở Việt Nam cũng là một hạn chế. FPT Software thường xuyên cử người sang công ty khách hàng để học từ thực tế. 

Trung bình mỗi năm có hơn 1.000 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành chế tạo máy, cơ tin. Tuy nhiên, để làm việc, điều kiện đủ là ứng viên phải có ngoại ngữ. "FPT Software đã hợp tác với ĐH Bách khoa trong việc phát triển nhân lực, kết hợp đào tạo ngay trong quá trình học. Đồng thời, đơn vị đẩy mạnh bán hàng (Sales) nhằm tạo điều kiện cho các bạn chưa  giỏi về tiếng Nhật", Giám đốc G-ET cho hay.

Kế hoạch sắp tới, G-ET sẽ tuyển dụng dựa trên kênh đào tạo để có nguồn lực riêng của mình. Cùng với việc củng cố tại thị trường Nhật Bản, FPT Software cũng đang tiếp cận một số khách hàng châu Âu và hy vọng trong 2016, đơn vị sẽ có một số khách hàng đầu tiên tại Mỹ. 

"Khác với ngành IT, ngành engineer đã có từ trăm năm, nên quy trình rất hoàn thiện và bài bản, mỗi cá nhân nếu có kỹ năng đáp ứng đều có thể dễ dàng tham gia vào quy trình đó, nên nếu không có gì khác biệt, chúng ta chỉ dừng lại ở mức công ty cung ứng nhân lực. Ngoài ra, người Việt rất giỏi về tính toán, đo đạc, tạo dữ liệu, nhưng khả năng thiết kế bao quát thì vẫn còn là thách thức. G-ET đang gặp thách thức này để có thể đi được bước tiếp theo, để trở thành công ty thiết kế đúng nghĩa", anh Hòa nói.

Thanh Nga

Ý kiến

()