Chúng ta

'Tái cấu trúc' củ khoai lang

Thứ hai, 16/3/2015 | 15:08 GMT+7

Nhà bác tôi có khu vườn rộng lắm, trồng rất nhiều cây ăn quả và rau xanh. Bác gái lại chăm chỉ, đảm đang nên cứ khi nào về quê sang nhà bác chơi là kiểu gì cũng được ăn hoa quả mệt nghỉ, xong lại giắt theo sau xe cho tôi cả bao rau để khởi hành lên thủ đô.

Đợt vừa rồi về sang nhà bác chơi, bác tôi không biết nghe ai xui, ngỏ ý bảo muốn quy hoạch, thiết kế lại khu vườn để xây bể bơi, làm bonsai cho nó giống với cái vườn nhà ông chủ tịch huyện ở ngã ba thị trấn. Cái biệt thự nhà ông ấy thì nức tiếng cả huyện rồi. Bể bơi "lão" xây đạt chuẩn quốc tế và thuê hẳn đội thi công trên thủ đô về. Nghe đâu nhân lực cũng phải trên dưới mười người, thi công phải đến gần 4 tháng mới xong. To và đẹp lắm. Anh em tôi lần nào đi qua cũng ngó nghiêng, xuýt xoa mãi, chỉ ước được lao xuống đấy mà vẫy vùng một trận cho thỏa, nhìn thích thích là.

Nhưng cái bể bơi ấy chưa thấm gì so với cái khu bonsai nhà lão. Nào là cây xanh uốn dáng bát mã, nào là vạn tuế trăm tuổi, nào là đàn cá KOI (cá chép hóa rồng) giống từ Nhật Bản, gần chục triệu một con. Nghe cũng hoảng hồn về độ xa hoa. Mà nói chung, những thứ ấy vẫn chỉ là cỏn con như con tép hục đầu trong đám tôm Hùm thôi. Cái đỉnh nhất phải kể đến là cục đá trầm tích gần 20 tấn đục tượng Quan Thế Âm dựng ngay trước nhà. Nó khiến cho ai bước vào nhà cũng bị choáng ngợp về độ bề thế và hoành tráng, nhìn chẳng hết được tầm mắt nữa là.

Mà thôi, mặc xác nhà lão, quay lại câu chuyện quy hoạch khu vườn của ông bác tôi. Khi nghe bác nói thế là tôi phản đối ý kiến ngay. Thứ nhất, nhà bác tôi không phải dạng giàu có, dư dả tiền bạc gì để mà ném vào dự án ấy. Thứ hai, tính tôi không thích khoa trương cho lắm. Mình có bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu, không thể đi vay nợ nhà khác để phục vụ cái sĩ diện của mình được. Vả lại, bao nhiêu là cây ăn quả, luống rau của bác gái tôi tốt tươi như thế, mấy anh chị em tôi đều yêu quý. Bây giờ chặt hết đi sao được, rồi các anh chị tôi sẽ trở thành con nợ mất thôi. Chưa tính đến chuyện việc ấy làm tổn hại đến môi trường, khiến nhà bác đã trống nay thành tuềnh toàng hẳn luôn. Mùa hè nắng vừa lên là nó xộc thẳng vào tận phòng khách chào buổi sáng tốt lành, sẽ mát mẻ lắm.

Thế rồi tôi về nhà. Thế rồi tháng sau bác tôi vác con rựa ra chặt cây vườn thật. Sang nhà nhìn khu vườn tan hoang mà xót xa quá. Tôi thấp cổ bé họng, bác lại bảo thủ, nên đành chịu. Chỉ khổ cho mấy anh chị, từ nay lại phải cày cuốc mà kiếm tiền trả nợ cho xong.

Vừa gặp tôi ngoài cổng, bác hớn hở khoe: "Về chơi đấy hở? Vào nhà đi! Bác vừa vay được tiền của ông chủ tịch huyện, triển khai luôn cho nóng. Xong sẽ mời cả hội đồng môn, đồng ngũ về nhà khai trương”. Tôi vào nhà ngồi làm ngụm nước chè, quay ra nhìn khu vườn mà ái ngại. Bác gái thì ngồi bên thở dài thườn thượt: “Vậy đấy, ông ấy cứ một mình tự quyết, một mình làm một hướng, bác với anh chị mày ngăn chẳng được”. Tôi cũng thở dài theo...

Không chỉ riêng gì bác tôi, mà cả xã hội bây giờ như thế. Người ta thường chạy theo những thứ hào nhoáng mà quên mất mình đang đứng ở đâu, để rồi lao đầu xuống vũng bùn lúc nào không hay. Tôi nghe đâu báo nói thủ đô ta chặt cả một con đường xanh, toàn những cây cổ thụ rợp mát để phục vụ cho đường tàu. Rồi lại nghe người ta tăng gấp 3 lần thuế xăng dầu để bảo vệ môi trường. Tôi thì nghĩ chúng ta rồi sẽ làm, rồi sẽ xây, thậm chí còn nhiều chứ không phải ít đâu, nhưng mà không phải bây giờ, cũng không phải bằng cách thế này, khi ngân khố chẳng còn lấy một đồng.

Trong khi dân ta lũ lụt, dân ta đường xá, đê điều còn lởm chởm, mấp mô; dân ta nghèo đói, trẻ em vùng cao còn lội suối đến trường thì người ta khuân đống đá to vật vã, tạc tượng hoành tráng nhất cái lọ, nhất cái chai.

Nghe mà buồn lòng thật, nhưng tiếng nói mình bé quá, như muối bỏ biển, mà nói cũng chẳng ai nghe. Người ta cũng còn đang lo khoe cái sĩ diện, lo dự án này, dự án kia cơ mà. Tiền không có thì cứ đi nhờ cậy bạn bè, vay tạm đã, đằng nào con cháu nó trả chứ mình có phải trả đâu.  

Chặt cây xanh cổ thụ ư? Đơn giản thôi, ai chả làm được. Nhưng bạn đã bao giờ trồng được một cái cây chưa? Nó có lớn được lên không? Bạn hãy lên google images mà gõ “Trái đất sau 34 năm” thử xem nhé. Xem con người chúng ta là giống loài gì? Theo tôi là phá hoại. Vì tiền, vì công nghiệp hóa, vì lợi ích quốc gia… chúng ta không từ bỏ bất cứ một thứ gì. Thứ gì khai thác được, thứ gì mang về tiền bạc là vơ vét cho triệt để, mặc kệ xem có mất cân bằng sinh thái hay không.

Sẽ chẳng mấy chốc mà chúng ta như Sao Hỏa bây giờ. Trơ trọi toàn sỏi với đá, không oxy, không nước. Sự sống lúc ấy cũng chẳng còn. Nhưng làm cách nào để ngăn chặn được nó? Tôi sẽ đi trồng một cái cây à? Một cái cây có cứu được trái đất không? Hẳn là không rồi, ai cũng hiểu điều ấy, nhưng nhiều cái cây, ý thức xả khí thải hợp lý, khai thác tài nguyên gắn liền với tái cấu trúc sử dụng sẽ cứu được trái đất. Điều ấy chỉ xảy ra khi chúng ta đồng lòng chung tay với nhau cũng xây dựng, vun trồng. Chứ mình tôi thì xin chịu, tôi chỉ tái cấu trúc được củ khoai lang ngoài vườn thôi. 

Đỗ Văn Điệp

Ý kiến

()