Chúng ta

Người FPT Japan tận hưởng lễ hội đoàn viên lớn nhất Nhật Bản

Thứ năm, 16/8/2018 | 09:41 GMT+7

Theo thống kê của phòng Nhân sự FPT Japan, có một nửa số lượng nhân viên FPT Japan đang tận hưởng kỳ nghỉ lễ hội Obon bằng nhiều hình thức từ ngày 13 đến 19/8. 

Cùng với Golden Week, hay nghỉ Tết Dương lịch, Obon (đọc là ô-bông) là kỷ nghỉ lễ lớn nhất trong năm của người Nhật Bản.

Theo chị Phạm Thị Quỳnh Như, Trưởng phòng Nhân sự FPT Japan, tất cả CBNV đang ký hợp đồng chính thức đều có chế độ nghỉ lễ Obon, nhưng ngày nghỉ cụ thể tuỳ theo công việc. Nhân viên đang công tác tại các văn phòng của FPT Japan (ở Tokyo, Osaka, Nagoya, Fukuoka, Okinawa) sẽ có kỳ nghỉ hè được chia thành 2 ca: Đợt 1 từ ngày 13 đến 17/8; Đợt 2 từ ngày 20 đến 24/8. 

Cụ thể, CBNV đang làm việc tại văn phòng của khách hàng sẽ có kỳ nghỉ theo lịch của khách hàng và được yêu cầu thực hiện kỳ nghỉ Obon từ tháng 7 đến tháng 9. Số ngày nghỉ cũng sẽ không được cố định 5 ngày đối với mỗi thành viên, mà thay đổi theo ngày gia nhập FPT Japan/FPT Software. Ví dụ, nhân viên mới tuyển dụng trước ngày 1/1/2018 sẽ có chế độ 5 ngày nghỉ; từ ngày 1/1 đến ngày 30/6/2018 sẽ có 3 ngày nghỉ; gia nhập từ ngày 1/7/2018 thì không có chế độ nghỉ Obon năm nay. 

Obon-7007-1534305257.jpg

Theo thống kê của phòng Nhân sự FPT Japan, có một nửa số lượng nhân viên FPT Japan đang tận hưởng kỳ nghỉ lễ hội Obon bằng nhiều hình thức từ 13 đến 19/8. 

Lễ hội Obon cũng giống như Lễ Vu Lan hay ngày xá tội vong nhân (ngày 15/7 âm lịch) của người Việt Nam. Obon hay còn được gọi là Bon (Ngày của người chết), là một phong tục truyền thống của người Nhật theo Phật giáo được diễn ra vào tháng 8 dương lịch hàng năm. Lễ hội này được tổ chức để tưởng nhớ những người thân đã qua đời. Trải qua thời gian dài, phong tục này đã phát triển thành lễ đoàn tụ gia đình, là thời điểm mọi người trở về quê cha đất tổ thăm viếng, dọn dẹp phần mộ của tổ tiên. Đây cũng là thời điểm mà họ tin rằng linh hồn của những người đã mất được phép trở về thăm con cháu. Các gia đình cũng chọn thời điểm này để đoàn viên, nghỉ ngơi cùng nhau sau những ngày làm việc căng thẳng.

Obon là dạng viết tắt của Ullambana, có nguồn gốc từ tiếng Sanskrit, có nghĩa là “treo ngược lên” và dùng để chỉ một sự giải thoát to lớn. Người Nhật tin rằng vào ngày này những người chết có thể thoát khỏi cảnh khổ cực của việc bị treo ngược lên dưới địa ngục do những tội ác mà họ đã làm.

Lễ hội đã được tổ chức ở Nhật hơn 500 năm, và thường gắn liền với một điệu múa dân gian, có tên là Bon-Odori. Lễ hội Bon kéo dài trong ba đến bốn ngày, tuy nhiên ngày bắt đầu lại có sự khác biệt giữa các vùng miền của Nhật Bản. Như lễ Shichigatsu Bon (Bon tháng bảy), tổ chức vào ngày 15/7 dương lịch, ở các vùng như Tokyo, Yokohama và Tohoku. Hay lễ Kyu Bon (Bon cũ) tổ chức ngày 15/7 âm lịch ở các vùng phía Bắc Kanto, Chugoku, Shikoku và các đảo ở phía Tây Nam. Hoặc lễ Hatchigatsu Bon (Bon tháng 8) thì được tổ chức vào ngày 15/8 dương lịch. Đây là ngày phổ biến nhất và là ngày hội Obon lớn nhất được tổ chức tại cố đô Kyoto.

Obon-2-4354-1534305257.jpg

Nhiều hoạt động văn hóa được người dân Nhật Bản tổ chức trong lễ hội Obon. 

Nhiều hoạt động tín ngưỡng được người dân Nhật Bản tổ chức để kỷ niệm Lễ hội Obon. Quan trọng nhất trong đó chính là sự kiện dâng lửa để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất trở về trời bằng 5 đám lửa lần lượt được đốt lên ở 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng một giờ. Những đám lửa lớn được sắp xếp theo hình dạng của các chữ Hán. Bắt đầu là chữ Đại (Daimonji), rồi đến Diệu (Myo), Pháp (Ho) và Thuyền (Funagata), chữ Đại nhỏ ở đỉnh núi nhỏ hơn gọi là Hidari-Daimonji, gần với chùa Vàng. Mặc dù có nhiều nguồn gốc khác nhau về Lễ dâng lửa, nhưng đa số đều cho rằng phong tục này bắt đầu vào thời Muromachi (1336-1573).

Những ngày này, âm thanh của các nhạc cụ, những sắc màu đèn lồng, pháo hoa trong lễ hội bừng sáng rực rỡ và vang vọng khắp các làng quê Nhật Bản. Tại các đô thị lớn, tỷ lệ người tham gia giao thông giảm hẳn. Đường xá, tàu điện, xe bus đều khá thưa người đi. 

Đối với người nhà F Nhật Bản, đây là kỳ nghỉ dài ngày, và đôi khi "bắt buộc" phải nghỉ. “Khách hàng bên tôi nghỉ cả tuần, chúng tôi cũng phải nghỉ. Kế hoạch của chúng tôi là "đại náo" Osaka và Kyoto”, một nhóm nhân viên FPT đang sống ở Ký túc xá Tsurumi cho biết. Mọi người đã mua vé xe bus đi xuyên đêm để có mặt tại Osaka từ sáng sớm. Cũng có nhiều cảnh dở khóc dở cười khi người nhà F dậy muộn và trễ xe đúng 1 phút đành nhìn tấm vé đắt giá trong nuối tiếc.

Hoàng Sơn tổng hợp

Ý kiến

()