Chúng ta

Việt Nam 'thề' sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050

Thứ sáu, 25/11/2016 | 09:16 GMT+7

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa diễn ra, 48 thành viên thuộc Diễn đàn các quốc gia dễ bị tổn thương do khí hậu (Climate Vulnerable Forum), trong đó có Việt Nam, đã ký cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050. 

Các quốc gia tham gia cam kết này là những nơi đang đứng trước nguy cơ chịu tác hại nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu như Ethiopia, Maldives hay Việt Nam. Việc cam kết cũng sẽ thúc đẩy một số ngành công nghệ về năng lượng như sản xuất các tấm pin mặt trời hay xe điện tại các nước đồng thuận.

Một cuộc tuần hành của tổ chức Hòa bình xanh bên ngoài Hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại TP Marrakech, Ma-rốc. Ảnh: Reuters.

Một cuộc tuần hành của tổ chức Hòa bình xanh bên ngoài Hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại thành phố Marrakech, Ma-rốc. Ảnh: Reuters.

Climate Vulnerable Forum được thành lập năm 2009 với mục đích tạo ra một tổ chức có tiếng nói chung mạnh mẽ của các quốc gia đang phải hứng chịu tác động lớn nhất từ biến đổi khí hậu.

Nằm ở vị trí thấp, Bangladesh và Maldives là hai quốc gia có nguy cơ bị nhấn chìm trong tương lai nếu mực nước biển dâng lên do nhiệt độ trái đất tăng từng ngày. Các quốc gia thành viên hứa hẹn sẽ chung tay hạn chế nhiệt độ toàn cầu dưới mức 1,5 độ C so với mức thời tiền công nghiệp.

Mattlan Zackhras, lãnh đạo đại diện cho quần đảo Marshall, nói: "Chúng tôi đang đi tiên phong trong việc chuyển đổi sử dụng 100% năng lượng tái tạo và chúng tôi muốn các quốc gia khác sẽ cùng chung tay để có thể đẩy lùi những tác động thảm khốc mà chúng ta đã và đang phải đối mặt như bão, lũ lụt và hạn hán". 

Còn cố vấn của Bangladesh tại diễn đàn, ông Saleemul Huq, cho rằng chúng ta nên nhìn nhận biến đổi khí hậu như một cơ hội để thay đổi và các nước dễ bị tổn thương bởi các tác động của thời tiết phải nhanh tay nắm bắt thời cơ. 

Ngọc Dung

Ý kiến

()