Chúng ta

Tọa đàm về công nghệ giáo dục

Thứ năm, 10/7/2014 | 10:32 GMT+7

Những chia sẻ về công nghệ giáo dục để phát triển con người từ lý thuyết đến thực tiễn của GS.TS khoa học Hồ Ngọc Đại sẽ mang lại cho người FPT những cái nhìn mới nhất về cải cách giáo dục.
> Cơ hội khởi nghiệp cho sinh viên FPT

Đổi mới giáo dục đã, đang là vấn đề được cả xã hội Việt Nam quan tâm. Từ năm 1978, GS.TS khoa học Hồ Ngọc Đại và cộng sự đã mang công nghệ giáo dục về Việt Nam, tới hàng nghìn trẻ em, thay đổi hoàn toàn khái niệm dạy và học. Đến năm 1985, đề tài quốc gia của ông đã được triển khai trên phạm vi 43 tỉnh thành trên cả nước. Trải qua nhiều thăng trầm, công nghệ giáo dục của Hồ Ngọc Đại đang hồi sinh mạnh mẽ.

a

GS.TS Khoa học Hồ Ngọc Đại, nguyên Viện trưởng viện giáo dục - cha đẻ của mô hình thực nghiệm, người dành cả cuộc đời để bênh vực và bảo vệ trẻ em, với quan điểm “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục". Ảnh: S.T.

Vậy, Công nghệ giáo dục là gì? Được xây dựng trên nền tảng lý luận nào? Đã được triển khai ở Việt Nam ra sao? Tính thời sự của công nghệ giáo dục ở thời điểm hiện tại?... Câu trả lời sẽ có trong buổi tọa đàm với GS.TS khoa học Hồ Ngọc Đại vào 8h30 ngày 12/7 tại sảnh tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội. Hiệu trưởng ĐH FPT - TS Lê Trường Tùng cũng sẽ tham gia cuộc trò chuyện này. Chương trình do Dự án Công nghệ giáo dục - ĐH FPT tổ chức.

GS.TS Khoa học Hồ Ngọc Đại được biết đến như một nhà giáo dục cấp tiến có nhiều công trình cải cách giáo dục mà điển hình là hệ thống trường thực nghiệm do ông chủ trương trong nhiều năm qua. Ông sinh ngày 3/4/1936 tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Năm 1978, ông sáng lập ra Trung tâm Công nghệ Giáo dục (CGD) để tiến hành thực nghiệm công nghệ giáo dục, công nghệ phát triển con người (cả về lý thuyết lẫn thực tiễn). Ông từng chia sẻ: "Phải thay đổi lại cơ bản nền giáo dục, cả nội dung, phương pháp, tổ chức".

Giáo sư quan niệm cần có một nền giáo dục phải mới tận nguyên lý, phải trở thành sự cứu nguy cho dân tộc, nơi trẻ em là những anh hùng thời đại. Và nền giáo dục đó không bị thần bí hóa bằng lời hô hào "sáng tạo" suông mà là một nền giáo dục công nghệ hóa, có thể triển khai theo cái mẫu được các nhà khoa học tạo ra bằng thực nghiệm.

Nhàn Nhã

Ý kiến

()