Chúng ta

Bí quyết đổi mới tại Google

Thứ bảy, 27/4/2013 | 15:11 GMT+7

Google luôn duy trì ngọn lửa đổi mới sáng tạp bằng cách “chạm” vào suy nghĩ từng nhân viên và để cho ý tưởng dần lan tỏa.

Tháng ba là thời điểm có nhiều sự kiện tích cực đến với Google. Mức vốn hóa thị trường của hãng vượt ngưỡng kỷ lục 260 tỷ đô là. Kể từ khi “lên sàn” chứng khoán lần đầu (IPO) vào năm 2004, cổ phiếu Google đã tăng tới 900%.

Theo ông Laszlo Bock, Phó Chủ tịch khối điều hành nhân lực, chia sẻ bên lề diễn đàn đổi mới kinh tế tại đại học Berkeley: “Thành công của công ty bắt nguồn từ sức đổi mới liên tục và các biện pháp quản trị hiệu quả và độc đáo”.

Google hiện có một đội ngũ nhân viên tương đối khiêm tốn so với các hãng công nghệ lớn khác với 30.000 nhân viên (chưa tính 20.000 nhân viên từ Motorola Mobility) so với các công ty khác như Exxon Mobil (76.900 nhân viên) và Apple (72.800). Tuy nhiên, Google đang nỗ lực tạo ra sân chơi chung để mọi người tụ họp, cùng chia sẻ ý tưởng và đưa ra những ý tưởng đột phá.

“Chúng tôi luôn nỗ lực có nhiều kênh thu thập ý kiến nhất có thể với tâm niệm rằng mỗi người đều có những ý tưởng độc đáo khác nhau và các ý tưởng đó sẽ được lan tỏa theo những phương thức khác nhau”, ông Bock chia sẻ.

Chủ tịch công ty Google Eric Schmidt. Ảnh: S.T.

Chủ tịch công ty Google Eric Schmidt. Ảnh: S.T.

Các kênh này bao gồm: Quán café tại Google - nơi này được thiết kế sao cho mọi tương tác giữa các nhân viên đến từ các đơn vị khác nhau và cũng là nơi khơi dậy những chủ đề công việc hay cũng như giải trí trong công ty, giúp nâng cao đời sống tinh thần nhân viên.

Kênh email gửi trực tiếp tới các lãnh đạo, giúp lãnh đạo và nhân viên tại Google tìm được tiếng nói chung trong nhiều bài toán cụ thể.

Một công cụ quản trị được thiết kế bởi các kỹ sư Google mang tên “Google Moderator”. Công cụ này giúp nhân viên trao đổi kiến thức công nghệ hoặc hỗ trợ những buổi họp toàn tập đoàn. Từng nhân viên chỉ cần đưa ra một câu hỏi, sau đó mọi người sẽ bình chọn và lấy những câu hỏi nào được nhiều người mong muốn trả lời nhất. Thông qua “Moderator”, các nhân viên trong Google có thể khám phá tìm tòi thêm về những ý tưởng hiện tại, đưa ra câu hỏi hay đề xuất, bình chọn ý tưởng, đưa ra những ý tưởng mới theo chủ đề.

Google Moderator nằm trong những dự án nổi tiếng của Google mang tên “20 %”. Google cho phép nhân viên sử dụng 20% thời gian làm việc của mình, nghĩa là 1 ngày trong mỗi tuần làm việc, để tham gia những dự án mà họ thấy thú vị. Rất nhiều sản phẩm và dịch vụ của Google, như Gmail, Google News, AdSense đều bắt nguồn từ những dự án như thế.

"Ý tưởng 20%" này có ý nghĩa quan trọng không chỉ về con số 20% thời gian mà Google cho phép nhân viên tự do tham gia dự án họ yêu thích, nó còn thể hiện sự khuyến khích của Google với nhân viên trong việc sáng tạo sản phẩm mới. Qua đó, Google có thể “chạm” vào suy nghĩ từng nhân viên và để cho ý tưởng dần lan tỏa.

Các trao đổi qua Google+ (trang mạng xã hội). Đây là trang mạng xã hội phát triển cạnh tranh với các trang mạng xã hội lớn khác như Facebook, Linkedin…

Trong cuộc họp toàn công ty (“TGIF”) hằng tuần, không chỉ qua email hay trong quán cà phê, nhân viên Google đều đặt câu hỏi trực tiếp cho Larry Page (CEO), Sergey Brin (nhà đồng sáng lập) và các giám đốc điều hành khác về bất kỳ vấn đề nào của công ty.

Cây xanh, bàn nghỉ (loại bàn thường đặt ở công viên, ngoài trời) và những thiết kế theo phong cách hoang dã có ở khắp mọi nơi. Ảnh: S.T.

Cây xanh, bàn nghỉ (loại bàn thường đặt ở công viên, ngoài trời) và những thiết kế theo phong cách hoang dã có ở khắp mọi nơi. Ảnh: S.T.

Hệ thống thông tin của Google, là để đăng tải mọi vấn đề thực tại và những vấn đề này sẽ được xem xét để rút ra quy luật cũng như hướng giải quyết.

“Fixit”, đây là tên một ngày mà các “Googler” gạt lại mọi công việc chung để tập trung 100% sức lực vào giải quyết một nhiệm vụ cụ thể nào đó của công ty.

Những buổi đánh giá lại sự đổi mới sáng tạo trên toàn công ty có sự hiện diện của các lãnh đạo. Tại đây, những nhân viên sẽ trình bày ý tưởng sản phẩm tới toàn bộ phận và các cấp lãnh đạo.

Google thường xuyên đưa ra những bản khảo sát nhân viên về ban lãnh đạo và dùng những thông tin này để công bố ra bên ngoài. Từ đó, những lãnh đạo xuất sắc và được lòng “dân” nhất sẽ được công bố và chọn là giảng viên cũng như hình mẫu cho những năm tiếp theo. Những lãnh đạo “kém” nhất sẽ “bị” nhận những hỗ trợ đào tạo. Những hỗ trợ này sẽ giúp 75% trong số họ có tiến bộ khả quan hơn sau một quý.

Ông Bock cũng đề cập tới khảo sát mang tên: “Googleist”. Khảo sát này nhận phản hồi của hàng trăm vấn đề thực tại trong công ty và bổ nhiệm các đội nhân viên tình nguyện trong toàn công ty để giải quyết những vấn đề chung lớn nhất.

“Cá nhân tôi tin tưởng rằng văn hóa này giúp chúng ta nhận thức rõ được những điều kiện giúp con người phát triển. Mỗi người chúng ta luôn muốn tìm được ý nghĩa việc mình đang làm. Mọi người muốn biết và muốn được cập nhật những việc diễn ra trong môi trường làm việc của mình.

Nhận thức được những giá trị đó, Google đã tận dụng tốt được đội ngũ nhiệt huyết đóng vai trò quan trọng trong đổi mới sáng tạo. Theo quan điểm của Google, mọi công ty đều có thể thu được thành quả từ quá trình học hỏi cách thu hút và quản lý nhân tố sáng tạo, đổi mới, từ đó đạt được nhiều thành công.

Có thể nói, mọi chi tiết trong công ty đều được Google tận dụng để phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo. Google đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng bắt nguồn từ văn hóa sáng tạo, đổi mới như vậy. Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ có nhiều sản phẩm độc đão từ hãng công nghệ sở hữu hệ điều hành Android nổi tiếng này.

Tại FPT, văn hóa đổi mới sáng tạo luôn được tôn trọng, gìn giữ và phát huy trên toàn tập đoàn. Cán bộ nhân viên có thể tham dự nhiều chương trình, bất kể online hay offline với sự tham gia của lãnh đạo để nghe lãnh đạo chia sẻ cũng như phản hồi.

Hoạt động công nghệ và đổi mới cũng được FPT đầu tư và coi trọng. Trong thời gian tới, các cán bộ công nghệ trên toàn tập đoạn sẽ có dịp được tụ họp, trao đổi ý tưởng và thắp sáng lên ngọn lửa sáng tạo, đổi mới, đưa FPT vào kỷ nguyên các dịch vụ thông minh.

Nam Lê (theo Google, Forbes)

Ý kiến

()