Chúng ta

Cuộc thi lập trình robot phổ cập SMAC đến sinh viên

Thứ bảy, 23/8/2014 | 12:07 GMT+7

“Gặp gỡ, chia sẻ thông tin, cùng nhau trải nghiệm công nghệ mới là những hoạt động trọng tâm của Ngày hội SMAC Challenge. Qua đó giúp các bạn trẻ hiểu được mình có thể làm gì trước làn sóng công nghệ mới, cơ hội ở đâu và cách hiện thực hóa điều đó”, CTO FPT Nguyễn Lâm Phương nói.
> FPT tổ chức Ngày hội SMAC Challenge

Chiều 22/8, Ngày hội công nghệ mang tên SMAC Challenge dành cho sinh viên đã diễn ra tại Hội trường C2 - Đại học Bách khoa Hà Nội . Đây là một hoạt động của Cuộc thi lập trình ứng dụng điểu khiển robot SMAC Challenge 2014, do Tập đoàn FPT tổ chức.

Ngày hội SMAC Challenge được tổ chức nhằm mục đích giới thiệu với thế hệ CNTT trẻ về xu hướng công nghệ mới SMAC. Đồng thời, sự kiện cũng tạo sân chơi và thúc đẩy đam mê về công nghệ cho sinh viên, mở ra cơ hội giao lưu với các chuyên gia công nghệ trong và ngoài FPT, giúp định hướng nghề nghiệp tương lai cho các bạn trẻ.

Hai chuyên gia công nghệ hàng đầu là Giám đốc Công nghệ FPT Nguyễn Lâm Phương và Tiến sĩ Tự động hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội Nguyễn Hồng Quang là diễn giả của sự kiện này.

Các nội dung trao đổi tập trung vào những công nghệ hiện tại và 4 xu hướng trong vòng 10 năm tới, gồm: Social - Mạng xã hội, Mobility - Công nghệ di động, Big Data - Dữ liệu lớn, Cloud Computing - Điện toán đám mây (SMAC). Đặc biệt, những phương pháp học tập, nghiên cứu công nghệ hiệu quả cũng được các chuyên gia dành nhiều thời gian chia sẻ cho sinh viên.

Bên cạnh phần giao lưu với các chuyên gia công nghệ, các bạn sinh viên còn được trực tiếp trải nghiệm các sản phẩm công nghệ thú vị tại “Ngày hội SMAC Challenge”, như robot Smartoshin - công nghệ phần mềm do FPT phát triển, robot Wabo, kính công nghệ Google Glass... Đồng thời, Ban tổ chức cũng giúp sinh viên có cái nhìn tổng quan hơn về cuộc thi viết ứng dụng di động điều khiển robot SMAC Challenge 2014.

Ông Lê Thanh Thảo, Giám đốc kinh doanh khối bán lẻ Asus toàn quốc, nhà tài trợ chính của cuộc thi, chia sẻ: “Chúng tôi quan tâm và ủng hộ SMAC Challenge 2014. Cuộc thi này cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao khi Công ty Asus Việt Nam được đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phát triển những sáng tạo mới, đặc biệt đối với các bạn trẻ đam mê công nghệ. Chúng tôi tin rằng, trong thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều các hoạt động như vậy để thắp sáng những ý tưởng công nghệ của các bạn sinh viên”.

Những hình ảnh tại Ngày hội SMAC Challenge:

v

Sinh viên các trường công nghệ thông tin - viễn thông trên địa bàn Hà Nội rất thích thú với robot mà FPT mang đến chương trình.

v

Thử nghiệm với Google Glass.

v

Trải nghiệm với công nghệ voice, nhận diện hình ảnh...

v

Thành viên của Ban tổ chức, là thí sinh tham gia SMAC Challenge (tên gọi cũ là Mobile Robot Challenge) mùa thứ nhất, giới thiệu về robot SmartOshin.

v

“SMAC vừa là công nghệ vừa là xu thế và mang đến cơ hội cho những người lập trình. MSAC Challenge cuộc thi là cơ hội cho các bạn tiếp xúc công nghệ mới. Dù thời gian khá ngắn nhưng nó là khởi đầu đầy cảm hứng cho những sinh viên yêu công nghệ đồng thời mở rộng cơ hội cơ hội việc làm cho các bạn”.

v

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang nói “luôn khuyến khích sinh viên tham gia các cuộc thi như SMAC Challenge bởi qua đó các bạn sẽ có tầm nhìn và kinh nghiệm để phát triển cơ hội nghề nghiệp của mình” .

m

Sinh viên đặt câu hỏi về yêu cầu của nhà tuyển dụng và những thứ cần trang bị khi tốt nghiệp. Lời khuyên của anh Lâm Phương là sinh viên cần bổ sung ngoại ngữ, kỹ năng mềm và làm việc nhóm thật tốt.

v

Anh Lê Ngọc Tuấn, Ban Công nghệ FPT, chia sẻ về cuộc thi SMAC Challenge. Cuộc thi viết ứng dụng di động khiển robot của FPT đã đi gần hết một nửa chặng đường. Dự kiến ngày 4/9, vòng loại 2 của cuộc thi sẽ được tổ chức với sự tham gia của 16 đội, qua đó chọn ra 4 đội mạnh nhất thi đấu tại vòng chung kết vào giữa tháng 10.

v

Phần thi sôi động dành cho sinh viên tham gia Ngày hội SMAC Challenge.

v

Phần bốc thăm may mắn (Lucky draw) kết thúc chương trình với nhiều phần quà công nghệ hấp dẫn dành cho các bạn sinh viên đến tham dự, như ổ cứng di động, loa máy tính…, đặc biệt là một chiếc điện thoại thông minh ZenFone 5.

v

Sinh viên Phạm Văn Kình, ĐH Bách khoa HN (trái), cho biết: "Chương trình hay vì qua đó, em hiểu thêm về SMAC, công nghệ đã có từ hai năm nay nhưng đến giờ sinh viên chúng em mới được tiếp cận".

Triệu Mẫn

Ảnh: Nguyên Anh

Ý kiến

()