Chúng ta

University Lean Start-up - Khao khát ước mơ tôi

Thứ hai, 20/8/2018 | 15:49 GMT+7

Vào một buổi tối đầu đông, ngày 25/11/2016, một sự kiện lớn và đặc biệt của chúng tôi – những người làm trong lĩnh vực giáo dục của FPT: Trường Đại học FPT tổ chức lễ kỷ niệm “10 năm cháy bỏng khát vọng đổi thay” và công bố thương hiệu “Tổ chức giáo dục FPT – FPT Education”. Một buỗi lễ trang trọng những không kém phần ấm cúng thân tình và vui nhộn với sự dẫn dắt vô cùng duyên dáng và dí dỏm của anh Khắc Thành trong vai trò là MC. 

Vào một buổi tối đầu đông, ngày 25/11/2016, một sự kiện lớn và đặc biệt của chúng tôi – những người làm trong lĩnh vực giáo dục của FPT: Trường Đại học FPT tổ chức lễ kỷ niệm “10 năm cháy bỏng khát vọng đổi thay” và công bố thương hiệu “Tổ chức giáo dục FPT – FPT Education”. Một buỗi lễ trang trọng những không kém phần ấm cúng thân tình và vui nhộn với sự dẫn dắt vô cùng duyên dáng và dí dỏm của anh Khắc Thành trong vai trò là MC. Trong phần nội dung công bố cơ cấu tổ chức mới của FE, khi ấy gồm các khối đào tạo đại học, cao đẳng nghề, phổ thông… một cách mạch lạc và rõ ràng. Tôi để ý tới một khối mới, được đánh tên viết tắt là UoGVN, mà sau này được gọi là Đại học Greenwnich (Việt Nam).

Hết phần lễ và tiệc cùng các khách mời, chúng tôi gồm một nhóm khoảng 20 người tiếp tục ra quán rượu ngồi “chém gió” mừng sự kiện thành công. Tàn cuộc, một số ra về, vài người say sưa hàn huyên, hát hò. Anh Trường Tùng tiến tới vỗ vai tôi, ân cần nói: “Không rõ Tuấn đã hình dung rõ ràng rằng sẽ phải làm gì chưa. Với hướng đi mới này, sẽ là sự thay đổi rất lớn về về cách em vận hành. Cần phải ý thức rõ ràng rằng từ nay coi dự án Đại học Greenwich (Việt Nam) là một trường Đại học thực sự. Nghĩa là, anh ví dụ, hiện Việt Nam có 100 trường đại học thì em cần coi Đại học Greenwich (Việt Nam) là trường đại học thứ 101”.

Đấy là một khoảnh khắc xúc động không thể nào quên đối với cá nhân tôi, người vừa được anh Tùng, anh Khắc Thành và BGH giao phó trọng trách đứng đầu một khối đào tạo trong FE – một nhiệm vụ mang lại niềm vui, niềm tự hào những cũng chứa biết bao nhiêu áp lực.

Rồi sau đó, anh đưa ra hàng loạt những ý tưởng về truyền thông, về thương hiệu, về marketing và tuyển sinh, về tổ chức và về gì gì nữa tôi cũng không nhớ hết. Và cũng như anh Bình và các lãnh đạo khác của tập đoàn, không quên vẽ lên một tương lai vô cùng tươi sáng. Thú thực là tôi cũng chỉ nghe được lõm bõm, không rõ bởi do những ly rượu táo mèo vừa uống liên hoan mừng sự kiện hay vì bị ngợp bởi những lời “cụ” nói. Chúng tôi ở FE hay gọi anh là “cụ” theo cách thân mật gia đình như vậy. Và “cụ” thì vẫn luôn hướng dẫn, giải thích tận tình như vậy mỗi khi ai đó trong chúng tôi tỏ ra chưa thấu hiểu vấn đề, như một thầy giáo giảng bài cho đám học sinh.

“Em coi đó như Lean Start-up trong giáo dục, cụ thể ở đây là lập một trường đại học một cách tinh gọn nhất có thể, là University Lean Start-up”. Trước khi ra về, anh dặn dò thêm như vậy. Tôi thì đọc cuốn sách về Khởi nghiệp tinh gọn rồi nhưng đây là lần thứ 2 tôi nghe về University Lean Start-up. Cũng lờ mờ hiểu.

Nhớ lại, lần đầu tiên tôi nghe về cụm từ này, cụm từ “University Lean Start-up” là anh Tùng nói trong lần họp chiến lược của đơn vị FAI tại Quy Nhơn vào 15/9/2016. FAI (FPT Academy International) khi ấy do anh ThắngNV làm Giám đốc, gồm 2 trung tâm: một do tôi quản lý gọi là “Trung tâm đào tạo đại học liên kết” và một do người khác quản. Sau khi nghe các báo cáo trình bày về kế hoạch và các định hướng chiến lược, sau một hồi đăm chiêu suy tư, anh Tùng đột nhiên hỏi: “Liệu sẽ thế nào nếu như cho chương trình liên kết quốc tế FPT-Greenwich ra mặt tiền?”

Cả hội trường im phắc, dường như chưa ai hiểu ý cụ lắm.

“Tức là FPT-Greenwich khi đó sẽ truyền thông như là một trường Đại học Greenwich ở Việt Nam, tức là ra “mặt tiền” thay vì ở trong ngõ hẻm như hiện tại là Chương trình cử nhân liên kết quốc tế FPT-Greenwich thuộc Trung tâm đào tạo đại học liên kết thuộc Viện đào tạo quốc tế FAI thuộc Trường Đại học FPT?” Ồ, khi ấy cả bọn mới hiểu ý cụ. “Hay quá” – một vài người nói. “”Không được đâu, làm sao mà tách ra khỏi thương hiệu FPT được, không tuyển sinh được đâu” – một số đông khác nhao nhao phản đối. Cũng dễ hiểu, vì thành phần họp chiến lược lần này, dân tuyển sinh chiếm đa số.

Tôi lờ mờ nhận ra ý tưởng chuyển đổi thương hiệu của cụ, cái mà cụ ví von là “ra mặt tiền”. Khỏi phải nói, đây chính là điều mà tôi trăn trở, bức xúc bấy lâu nay. Muốn tuyển sinh tốt thì ngoài những chiêu thức ngắn hạn trước mắt thì về lâu bền, cần phải làm thương hiệu chứ không thể ăn sổi mãi được. Mà muốn làm thương hiệu thì điều đầu tiên là phải có tên, phải xưng tên được một cách ngắn ngọn, rõ ràng chứ không thể dài loằng ngoằng như con hẻm giữa thủ đô Hà Nội được. Tôi không do dự: “em muốn theo ý tưởng này, em tin là sẽ tuyển sinh tốt hơn nhiều, em tin là làm được”. Hội trường khi đó chia ra 2 phe, một phe cho rằng tách thương hiệu ra khỏi FPT là chết, một cho rằng sẽ sống khỏe. Rồi chúng tôi nghe anh nói về Lean Start-up và Lean trong giáo dục thì có thể vận dụng như nào, làm sao để hình thành nên một trường đại học mới mà có thể bỏ qua các rào cản quá lớn mà lại không vi phạm luật,...

Với cùng một sản phẩm, bán hàng ở shop mặt tiền chắc hẳn phải dễ hút khách hơn là ở sâu trong con hẻm Hà Nội – tôi có niềm tin như thế.

Mình tin là một chuyện, nhưng sẽ chẳng làm được gì nếu như anh chị em đồng nghiệp xung quanh mình không tin. Đặc biệt là đội ngũ anh chị em làm tuyển sinh – những người sẽ đi bán, đi tư vấn trực tiếp cho khách hàng là phụ huynh và học sinh tin vào sản phẩm đào tạo của mình – nếu họ không tin thì làm sao mà tuyển sinh được đây? Tôi có bàn với anh ThắngNV và các Managers về ý tưởng này của cụ. 

Chúng tôi cũng đã tổ chức buổi họp khác chia ra 2 phe để debate xem cái được và mất là gì. Tranh luận không có hồi kết.

Và điều tôi không ngờ tới là sau hội nghị, dần dà, số người theo phe “không tin” lại ngày càng tăng lên. Khó rồi, tôi nghĩ chắc phải làm gì đó.

Tôi bắt đầu ngồi vẽ ra các điểm lợi, các selling-points sẽ mang đi thuyết phục khách hàng là gì. Rồi kiên trì ngồi với từng nhóm để thuyết phục, khi thì nhóm Manager tuyển sinh và Marketing, thương hiệu, khi thì với vài anh chị em ở phòng riêng hay quán trà đá. Rồi cũng bắt chước các cụ, vẽ ra một tương lai vô cùng sáng lạn cho tuyển sinh khi “ra mặt tiền”.

Rồi bằng cách nào đó, tự dưng đa số anh em tin, hoặc giả vờ tin thì tôi cũng không rõ nữa.

“Cô thương”, chúng tôi hay bảo nhau thế, là vì ngay năm đầu tiên sau khi chuyển thương hiệu mới – Đại học Greenwich (Việt Nam), anh em chúng tôi có tăng trưởng tuyển sinh ấn tượng 45%. Chưa kể, rinh giải Start-up thành công với việc mở cơ sở mới trong Đà Nẵng với gần 300 sinh viên ngay khóa đầu tiên tuyển sinh. Cuối năm, anh chị em tuyển ai nấy rạng rỡ: “tin rồi, tin hơn rồi anh ạ”. Nói thì có vẻ dễ dàng vậy, chứ thực tế thì khó khăn và áp lực cũng vô cùng nhiều. Thừa thắng xông lên, năm nay chúng tôi kế hoạch mở tiếp cơ sở thứ 4 ở Cần Thơ. Hiện mùa tuyển sinh 2018 đang vào giai đoạn cao điểm, tin vui lại đến khi số liệu cho thấy tháng 7 chúng tôi đã vượt cả năm ngoái và hứa hẹn sẽ tăng trưởng ít nhất 40%.

Thấm thoắt 2 năm sau nhìn lại, giờ đây Đại học Greenwich (Việt Nam) đã gia nhập đội ngũ các trường đại học có quy mô khá với gần 4.000 sinh viên đang theo học và tuyển mới mỗi năm vượt con số 2.000 sinh viên.

Điều chúng tôi hứa với cụ, mà thực ra khi ấy phần nhiều là chém gió đã thành hiện thực. Ước mơ của chúng tôi là Đại học Greenwich (Việt Nam) sẽ có 10.000 sinh viên vào năm 2025.

Cụ giao tiếp, làm Đại học liên kết với Úc và Mỹ đi, làm tương tự như với Greenwich của Anh.

Nhận đã, tôi xung phong. Chưa rõ sẽ ra ngô ra khoai thế nào nhưng tôi có một niềm tin mãnh liệt vào thứ mình đang làm, vào giá trị đang mang lại cho giáo dục Việt Nam. Biết đâu cô thương, lại có thêm 2 đại học quốc tế nữa “ngon” như Đại học Greenwich (Việt Nam).

Niềm tin lan tỏa được là niềm tin còn ở lại.

Hà Nội, ngày 15/6/2018.

Lê Anh Tuấn

FPT Education - University of Greenwich (Việt Nam)

Ý kiến

()