Chúng ta

Lịch sử báo chí vang danh FPT

Thứ sáu, 17/8/2018 | 09:58 GMT+7

Lịch sử báo chí Việt Nam lưu lại thời khắc 26/2/2001, báo tiếng Việt có nhiều người đọc nhất -VnExpress ra đời và giữ vững vị trí đó đến tận hôm nay. Ý tưởng khai sinh ra tờ báo điện tử được ấp ủ từ tháng 3/2000 trong một căn phòng của tòa nhà FPT tại 89 Láng Hạ, Hà Nội.

Cơ chế FPT

Ông Thang Đức Thắng - Tổng biên tập và cũng là người sáng lập ra VnExpress từng kể rằng, khi làm quen với Internet năm 1998, ông đã có mong muốn làm một tờ báo thực sự có ích cho mọi người, ông muốn là người đầu tiên mang đến cho bạn đọc Việt Nam cơ hội đọc báo trên mạng, nhưng lúc đó ông hoàn toàn đơn độc.

Lịch sử báo chí cho thấy, những mốc phát triển quan trọng của nó gắn với các phát minh công nghệ, tạo ra các phương tiện phát hành mới. Johann Gutenberg (1400-1468), người đầu tiên in bằng khuôn đúc, đã tạo tiền đề cho báo in ra đời vào đầu thế kỷ 17. Phát kiến về sóng radio đã dẫn đến sự ra đời của đài phát thanh những năm 1920. Ứng dụng truyền hình đã tạo ra các "báo hình" đầu tiên từ thập niên 1940.

Váo đầu những năm 2000, ông Thắng cũng như nhà lãnh đạo FPT lúc ấy là ông Trương Đình Anh có lẽ đã nhìn thấy Internet sẽ phải là một phương tiện thông tin đại chúng hoàn toàn mới trong hệ thống báo chí Việt Nam. Trong bối cảnh đầu năm 2000, cả Việt Nam có chưa đến 50.000 thuê bao Internet, báo chí thường xuyên kêu la về tình trạng giá cước cao và băng thông hẹp, bao giờ mới tăng được số người dùng Internet… thì quyết định “làm một đầu báo để cả nước Việt Nam vào Internet đọc” là khá táo bạo và đầy thách thức.

Từ tháng 7 năm 2000, ông Thắng và ông Đình Anh bắt đầu bàn bạc, nghiên cứu tình hình, lập dự án xây dựng báo trực tuyến. Đầu tháng 8/2000, tuyển dụng biên tập viên, phóng viên để "xây dựng một tờ báo trực tuyến lớn nhất VN".

vnex_1532679987.jpg

Sự khác biệt của VnExpress được xác lập ngay từ khi ra đời là tốc độ cập nhật và phong cách đưa tin. Hai nguyên tắc đăng tin được tổng biên tập áp dụng khi sáng lập là: lựa chọn tin tức theo giá trị của nó và đưa tin một cách khách quan. Điều đó có nghĩa là tin phải được độc giả chờ đón, khi đưa thì chỉ có sự kiện, không có ý kiến áp đặt của phóng viên. Khi độc giả đọc tờ báo không có sự áp đặt, họ sẽ cảm thấy được tôn trọng, cảm thấy thoải mái tự do trong tiếp nhận thông tin. Sự tự do đó sẽ gây "nghiện" . Hai nguyên tắc trên chính là "phong cách đưa tin" riêng của VnExpress. Trên thế giới, nó không có gì mới lạ. Nhưng ở Việt Nam, có thể nói là chưa có tờ báo nào làm thế.

Văn phòng đầu tiên của VnExpress được kiến tạo tại khu nhà 75 Trần Hưng Đạo, Hà Nội với diện tích 120 m2. Trong lúc ông Thắng tiến hành tuyển dụng - đào tạo phóng viên- biên tập viên, thì ông Đình Anh bắt tay vào viết phần mềm biên tập VnExpress. Trong đó có một số yếu tố sẽ mang tính cách mạng đối với báo chí Việt Nam như cách thức phát hành mỗi bài báo theo con đường độc lập của nó. Tức là các bài báo sẽ không chờ đợi trang báo của nó (ví dụ bài về văn hoá thì phải chờ các bài khác để lên layout trang Văn hoá hoàn chỉnh), và các trang sẽ không chờ đợi số báo của nó. Cách thức xuất bản VnExpress sẽ thể hiện đặc thù phi định kỳ của báo trực tuyến, và đó chính là lợi thế về tốc độ cập nhật thông tin. Thứ hai, phần mềm này phải cho phép thực hiện một loại hình gọi là "bài báo mở" – tức là bài báo sau khi đã phát hành vẫn còn tiếp tục được cập nhật. Thứ ba, cấu trúc website phải giúp giải quyết "bài toán trang nhất”, mỗi trang chuyên đề bên trong VnExpress chỉ được giới thiệu ra trang nhất một headline với đoạn đầu bài mà chúng tôi gọi là "lead". Việc lựa chọn tin nào, đặt cho nó tựa đề gì, và lead viết ra sao sẽ có thể quyết định số phận của cả trang trong. Font chữ trước đó luôn là vấn đề đau đầu của các websites tiếng Việt. Giải pháp của Đình Anh là mạnh dạn chọn Unicode, và VnExpress là website Việt Nam đầu tiên dùng font này.

VnExpress ra mắt bạn đọc ngày 26/2/2001 khi còn nhiều khiếm khuyết, sau nửa năm, VnExpress có 300.000 độc giả. Mãi đến ngày 25/11/2002, VnExpress mới có "Giấy phép hoạt động báo điện tử số 511/GP – BVHTT".

Ông Thang Đức Thắng đánh giá: “Nhìn lại sự ra đời của VnExpress, tôi thấy hầu như không có gian truân gì. Mọi việc nói chung đã diễn ra đúng hoạch định, nhẹ nhàng và thuận lợi. Phần lớn những thuận lợi có được là do cơ chế của FPT. Tôi thấy mình đã may mắn đến với FPT, đã may mắn có những người cộng sự và đồng nghiệp như hiện nay”. Ông đã nhấn mạnh đến việc: “Tôi không hề nghĩ VnExpress là to tát. Ngược lại, tôi thực lòng mong rằng, sau này nhìn lại thấy VnExpress chỉ là một mầm non ban đầu, qua năm tháng biến thành cây đại thụ nhiều cành nhánh sum suê. Cây đại thụ đó chính là hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng hùng mạnh dưới sự điều khiển của tập đoàn FPT.”

Lưu danh trang sử báo chí

vnex-1-JPG_1532680189.jpg

Lịch sử báo chí Việt nam ghi nhận tờ báo tiếng Việt đầu tiên là Gia Định báo - giấy phép xuất bản được cấp ngày 1/4/1865 cho Ernest Potteau, lúc ấy đang là thông ngôn của Chính phủ Nam kỳ. Báo ra số đầu tiên ngày 1/4/1865. Tồn tại một thời gian tương đối dài, đến ngày 1/1/1910, báo đình bản theo nghị định của Thống đốc Nam kỳ Courheil.

Theo dòng thăng trầm của lịch sử, tính đến cuối năm 2017, cả nước có 859 tờ báo, tạp chí in, trong đó có 199 báo (báo TW có 86 báo, địa phương có 113 báo); 660 Tạp chí (TW có 523 tờ, địa phương có 137 tờ). 

Về báo chí điện tử, cả nước có 135 báo, tạp chí điện tử, chủ yếu là báo điện tử của các cơ quan báo chí in. Trong đó có 112 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 23 báo, tạp chí điện tử độc lập. Ngoài ra, cả nước có 258 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí được cấp phép.

Về phát thanh, truyền hình, hiện cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình TW và địa phương, bao gồm 02 Đài quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; 01 Đài Truyền hình Kỹ thuật số; 64 Đài phát thanh, truyền hình địa phương (riêng TP. HCM có hai đài: Đài Truyền hình TP HCM và Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM). Tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 268 kênh; số lượng kênh nước ngoài cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền là 47 kênh.

Trong xu thế phát triển đa thức và đa dạng của báo chí hiện nay, VnExpress vẫn tiếp tục là tờ báo tiếng Việt có nhiều người đọc nhất, là tờ báo uy tín hàng đầu Việt Nam.

Bảng xếp hạng do Alexa công bố vào tháng 5/2018 các website tin tức phổ biến ở Việt Nam cho thấy báo điện tử VnExpress vẫn giữ vị trí số một, là tờ báo phổ biến nhất, với thứ hạng 806 thế giới. Alexa đánh giá VnExpress có tốc độ tải trang cực nhanh, chỉ với 0.955 giây, nhanh hơn 83% website tham gia thống kê. VnExpress có lượng độc giả phần lớn từ Việt Nam với 76.3%, Nhật Bản với 8.4%, Mỹ 5.8% và các nước khác. Trung bình một độc giả xem gần 5 lần (4.87) hàng ngày tại VnExpress.

Gần 15 tỷ lượt xem trong năm 2017, theo Google Analytics, là phần thưởng từ hơn 40 triệu độc giả dành cho báo.

VnExpress đã và đang tiếp tục dẫn đầu cuộc cách mạng báo chí với những nỗ lực cải tiến không ngừng. Thành quả mà VnExpress đạt, đã được xây dựng trên nền công nghệ FPT, trên cơ chế tiên phong dẫn đầu của FPT.

30 năm FPT, 17 năm VnExpress, còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện mà khi viết về lịch sử ngành công nghệ Việt Nam, lịch sử báo chí Việt Nam, không người Việt nào có thể quên FPT đã cho ra đời một tờ báo tiếng Việt vang danh thế giới.

(Bài viết có sử dụng tư liệu lịch sử từ báo Chúng Ta, báo Đại Đoàn Kết, Báo VnExpress).

Trần Bích Nga

FPT Online

Ý kiến

()