Với những người xa xứ, niềm vui đoàn tụ gia đình sau thời gian dài đi làm xa, tình thân ấm áp bên mâm cỗ đầy đặn, lời chúc bình an, phát tài của họ hàng, làng xóm… là những khoảnh khắc, ký ức đẹp mỗi dịp Tết đến xuân về.
Nhật Bản - Tết là để ngủ
Nước Nhật đón mừng năm mới Dương lịch cũng giống như hầu hết quốc gia phương Tây. Chị Lê Thị Lâm, FPT Japan, chia sẻ, giải xổ số Jumbo cuối năm ở Nhật có mức trúng thưởng rất cao, giải Nhất lên đến 7 triệu USD nên rất nhiều người mua để thử vận may. Ngày mùng 1 Tết, các gia đình Nhật thường cùng nhau ăn Osechi - một tập hợp món ăn bày biện cầu kỳ trong chiếc hộp nhiều tầng. Rồi sau đó đến các đền thờ thần hoặc đi chùa cầu may đầu năm.
Người Nhật đi chùa cầu may đầu năm. Ảnh: Trần Công An. |
“Ở Nhật, Tết là để ngủ chứ không phải vất vả nấu nướng như Việt Nam”, chị Lâm nói. “Nhưng Tết ở Việt Nam vui hơn vì họ hàng tích cực đi thăm nhau, hàng xóm đến chơi nhà chúc Tết. Ở đây cùng lắm thì họ hàng thân thích gặp nhau ăn uống một lần xong rồi thôi”.
Myanmar - Làm việc thiện lấy phước
Tết Myanmar còn gọi là Tết té nước, trùng với tết ở các nước Lào, Thái Lan, Campuchia - được tổ chức vào tháng 4 hằng năm. “Vào ngày Tết của Myanmar, người dân không ăn uống linh đình hay đi du xuân như ở Việt Nam”, anh Đào Quý Phi, FPT Myanmar, nhận xét. “Thay vào đó, họ đến các điểm đông người được chính quyền hoặc doanh nghiệp bố trí đài phun nước lớn, máy bơm công suất lớn và âm nhạc để vừa xịt nước vào đám đông, vừa nhảy nhót lắc lư theo tiếng nhạc”.
Tiểu hòa thượng trong một ngôi chùa ở Bagan, Myanmar. |
Người dân Myanmar đa số sùng đạo Phật nên trong dịp này, họ sẽ đi tu ở các thiền viện. Có rất nhiều khóa tu ngắn ngày trong dịp Tết. Tết của họ là ngày lễ tôn giáo để mọi người chiêm nghiệm về đạo và làm việc phước thiện.
“Lễ hội té nước rất vui nhưng nói về Tết thì không thể vui bằng Việt Nam vì không có màn đến nhà nhau chúc Tết, không ăn uống linh đình và biếu quà nhau”, anh Phi so sánh.
Philippines - Tết mang màu sắc của phương Tây lẫn Trung Quốc
Người Philippines ăn Tết Dương lịch như phương Tây. Cách chào mừng năm mới ở quốc gia này vừa chịu ảnh hưởng của phương Tây lẫn Trung Quốc nhưng vẫn mang những nét đặc trưng riêng.
Các gia đình Philippines thường chuẩn bị bàn tiệc “Media Noche” để cùng nhau thưởng thức vào vào đêm Giao thừa. Bàn tiệc thường có 12 loại trái cây hình tròn, mỗi quả tượng trưng cho một tháng trong năm. Hình tròn biểu thị những đồng tiền xu với niềm tin đem lại may mắn về tài chính.
FPT Software Philippines trong bữa tiệc chào xuân 2017. Ảnh đơn vị cung cấp. |
Anh Sunshine Cotejo, FPT Philippines, cho biết: “Sau bữa tiệc, mọi người dùng mọi cách để tạo ra những tiếng động rộn rã nhất xua đuổi ma quỷ. Vài gia đình Philippines còn chịu chi mua cả pháo. Nhưng đa phần mọi người dùng những món đồ bớt tốn kém hơn như kèn party horns, chuông hay vạc bếp”.
“Tôi may mắn được trải nghiệm ngày Tết Việt Nam trong chuyến công tác vào tháng 2 vừa qua. Những đồng nghiệp FPT thân thiện mời chúng tôi về nhà, thưởng thức bánh chưng, trà hoa nhài và rượu nếp. Lần đầu tiên trong đời tôi được nhận tiền mừng tuổi vào năm mới”, anh Sunshine hồ hởi chia sẻ.
Đức - Năm mới điển hình ở châu Âu
Lớn lên và làm việc tại Đức, anh Trương Quang Nhựt và chị Trương Thị Bích Ngọc, FPT Germany, đã đón rất nhiều năm mới ở quốc gia châu Âu này. Anh chị cho biết, vào dịp Giáng sinh, người Đức thường ăn những món truyền thống như vịt quay với bắp cải đỏ, xúc xích Bockwurst với salad khoai tây và cá chép. Còn ngày 31/12 đến 1/1 thì ăn các món như raclette - một loại phô mai và fondue - một món lẩu phô mai.
CBNV FPT Germany. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Chợ Giáng sinh được dựng lên vào cuối tháng 11 và kéo dài đến ngày 24/12. Đặc điểm của chợ Giáng sinh là những quầy hàng rượu vang và chiếc bánh nhỏ chỉ dành riêng cho Noel.
Đặc biệt còn có Advent Calendar (tạm dịch là lịch Giáng sinh). Lịch này gồm có 24 ngăn cửa tượng trưng cho 24 ngày. Mỗi ngày trẻ con được mở một cửa để lấy kẹo và đếm ngược xem còn bao nhiêu ngày sẽ đến Giáng sinh.
Vào ngày cuối năm, phần đông người trung niên trở đi ở nhà và ăn tiệc với gia đình, sau đó đốt pháo bông. Còn các bạn trẻ thì hay đến những bữa tiệc đón năm mới.
“Chúng tôi đến nước Đức từ nhỏ nên không còn nhớ Tết ở quê nhà ra sao. Ngày Tết Nguyên đán của Việt Nam không trùng với năm mới ở Đức nhưng cộng đồng người Việt vẫn tổ chức tiệc ở nhiều nơi để trẻ em lớn lên tại đây biết đến phong tục quê hương như múa lân, thi áo dài, đóng kịch về truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh…”, anh Quang Nhựt chia sẻ.
Sau hơn 17 năm toàn cầu hóa, FPT hiện có mặt tại 20 quốc gia gồm: Việt Nam, Lào, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Singapore, Philippines, Australia, Pháp, Đức, Myanmar, Kuwait, Indonesia, Bangladesh, Hà Lan, Slovakia và Hàn Quốc với 28.313 CBNV, trong đó có 1.255 CBNV người nước ngoài (tính đến tháng 11/2016). |
Lê Vin
Ý kiến
()