Chúng ta

'Tâm sự thời chiến' bắc nhịp cầu ‘tiền tuyến - hậu phương’

Thứ năm, 1/10/2020 | 15:50 GMT+7

Chính những người thực hiện Tâm sự thời chiến - sáng kiến nhận giải Bạc iKhiến số 1 - ban đầu cũng khó tưởng tượng được sức ảnh hưởng của chương trình tới cuộc sống của cán bộ nhân viên bám trụ “chinh chiến” tại xứ hoa anh đào.

Trước khi Covid-19 làm chao đảo Nhật Bản, mỗi ngày Đậu Phi Xuân - “biên chế” chi nhánh Nagoya - đều lên tàu tới chỗ làm tại văn phòng khách hàng. Đại dịch bùng phát, các phương tiện công cộng hạn chế hoạt động, chàng lập trình viên quê Nghệ An chỉ còn lựa chọn “cuốc bộ” gần 10 km vì công việc không thể work from home. Xuân ước ao có một chiếc xe đạp, dẫu không che nổi nắng mưa, vẫn giúp anh bảo đảm sức khỏe, điều kiện tiên quyết để làm việc.

Anh không phải chờ đợi lâu để điều mong mỏi trở thành hiện thực. Nhận được email mời tham dự Tâm sự thời chiến, Xuân mừng lắm. Buổi trò chuyện với lãnh đạo vào một tối tháng 4 đã giúp anh nói lên nguyện vọng của mình, và ngay lập tức được các quản lý chấp thuận, đề nghị hỗ trợ. Chỉ vài ngày sau, Xuân mua được xe đạp để đi làm. Từ đó, suốt gần nửa năm qua, chiếc xe vẫn là bạn đồng hành của anh trên con đường nối cơ quan và nhà.

Đậu Phi Xuân nằm trong số hơn 600 cán bộ nhân viên của FPT Nhật Bản đã có cơ hội kết nối với lãnh đạo qua chương trình Tâm sự thời chiến, được tổ chức ngay từ những ngày đầu khi Chính phủ Nhật buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vì dịch Covid. Bất chấp những khó khăn do khan hiếm hàng hóa, hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc, khách hàng và đối tác có người nhiễm bệnh, rất nhiều onsiter của FPT Nhật Bản vẫn phải bám trụ tại công ty khách hàng để thực hiện dự án. Diễn biến dịch phức tạp, từ quê nhà gia đình lại quá lo lắng mà tạo sức ép, phần đông anh chị em không tránh khỏi dao động tinh thần.

Không thể ngồi yên nhìn đồng nghiệp hoang mang, các dự án bị ảnh hưởng, anh Phạm Đức Mạnh và anh Hà Thanh Tùng trăn trở tìm nguồn động viên cho CBNV. Và Tâm sự thời chiến ra đời. Chỉ “thai nghén” trong hai tuần rồi chính thức triển khai từ tháng 4, chương trình đã đạt thành công vượt kỳ vọng.

tam-su-thio-chien.jpg

Ba thành viên chính của nhóm thực hiện Tâm sự thời chiến: anh Phạm Đức Mạnh (giữa), anh Hà Thanh Tùng và chị Trần Thị Thúy Diệu. Ảnh: FBNV

Sử dụng kết nối online Teams, Tâm sự thời chiến giúp anh chị em onsiter có dịp giãi bày tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, giúp ban lãnh đạo lắng nghe, kết nối, để kịp thời đưa ra hành động hỗ trợ hiệu quả cũng như điều chỉnh chính sách thích hợp trong thời chiến. Đều đặn mỗi tuần một đến hai buổi không cố định, vào 20h30 khi các anh chị em đã tan làm, được về nhà nghỉ ngơi, chương trình lại lên sóng. Những cuộc trò chuyện thân tình ban đầu dự kiến diễn ra hơn một giờ, nhưng sau đó thường là một giờ rưỡi, thậm chí có số kéo dài đến 23h mà vẫn chưa “hạ nhiệt”.

“Giai đoạn khó khăn nhất là sắp xếp các nhóm. Những số đầu tiên, chúng tôi chưa hình dung cụ thể chương trình sẽ chạy như thế nào. Tuy nhiên, dần dần từ số thứ hai, chúng tôi đã chạy được chương trình trơn tru với kịch bản chi tiết”, anh Hà Thanh Tùng kể. Thông thường, một buổi giao lưu gồm 3 phần: các thành viên chia sẻ về cuộc sống, công việc trong dịch Covid-19; tiếp đến là phần hỏi đáp lãnh đạo - nhân viên; phần kết là “nhậu” online và ca nhạc. Mỗi chương trình lại có câu chuyện riêng, đổi mới liên tục.

Để “Tâm sự thời chiến” diễn ra mượt mà hơn, chị Trần Thị Thúy Diệu đã gia nhập nhóm thực hiện. Bên cạnh anh Tùng phụ trách truyền thông, anh Mạnh đảm nhận vai trò điều phối chương trình, chị Diệu, với kinh nghiệm dạn dày mảng nhân sự, nhận nhiệm vụ kết nối các nhóm tham gia và nhân vật liên quan, chuẩn bị kịch bản, soạn nội dung tổng kết. “Chúng mình cùng bàn bạc lấy thông tin đặc thù của từng đơn vị, mời khách mời phù hợp, lên kịch bản chương trình, MC sẽ là người điều phối dẫn dắt cho phù hợp với từng điều kiện chương trình đưa ra”, anh Phạm Đức Mạnh, một chuyên gia kỳ cựu của FPT Nhật Bản, chia sẻ.

rsz-thumbnail-ii-5439-1601515179.jpg

Tâm sự thời chiến kết nối lãnh đạo và CBNV FPT Nhật Bản qua Microsoft Teams. Ảnh: NVCC.

Ba con người với rất nhiều tâm sức đã mang Tâm sự thời chiến đến onsiter tại toàn bộ chi nhánh của FPT Nhật Bản cũng như tại trụ sở của rất nhiều khách hàng, làm ấm lòng người F ở xứ mặt trời mọc. Không chỉ vậy, chương trình còn giúp tiết kiệm hơn 600 triệu đồng dành cho các chi phí team building, họp dự án, mà vẫn đảm bảo hiệu quả công việc.

Những số đầu còn thật nhiều tâm sự hoang mang về bệnh dịch, sự bất ổn của công ăn việc làm... , Tâm sự thời chiến chứng kiến anh chị em onsiter dần ổn định tinh thần, tin tưởng vào các hành động và chính sách của công ty. Rồi tới những tháng gần đây, CBNV nhà F Nhật Bản đều háo hức đón nhận chương trình, hào hứng chia sẻ các vấn đề về dự án, về cá nhân vô cùng chân thật, đưa ra các đề xuất góp ý đầy tính xây dựng. “Mình tham gia được hai số rồi, mong đợi hồi hộp lắm, nhất là lần thứ hai khi được trò chuyện với anh Vương CEO”, Đậu Phi Xuân bồi hồi nhớ lại.

Cứ mỗi tuần, dù bận bịu ra sao, lịch công tác có dày thế nào, Giám đốc FPT Nhật Bản - anh Nguyễn Việt Vương luôn dành thời gian tham gia Tâm sự thời chiến. “Mình thấy thật may mắn có cơ hội được trò chuyện và thấu hiểu nhiều hơn, không chỉ chuyện dự án, công việc, mà cả những chuyện vô cùng cá nhân của các bạn như quê quán, gia đình, người yêu, cưới xin, con cái, sở thích, và biết thêm được tài lẻ của rất nhiều bạn nữa”, anh Vương phấn chấn. Đó chính là động lực và cảm hứng cho anh cũng như các anh chị trong ban lãnh đạo công ty tiếp tục duy trì các hoạt động Tâm sự thời chiến dù lịch làm việc và công tác luôn kín đặc.

Anh Vương kể, đặc thù công việc của các onsiter FPT Nhật Bản là ngồi rải rác tại khách hàng từ Bắc tới Nam trên toàn quốc, nên trong “thời bình” trước Covid, anh cũng rất ít dịp gặp gỡ được đông đủ CBNV. “Tâm sự thời chiến đã giúp mình gần gũi với anh chị em hơn rất nhiều so với những dịp offline trước kia”, CEO FPT Nhật Bản vui mừng. Tự hào về những nhân viên tâm huyết, anh Vương đã thưởng nóng 3.000 Gold cho BTC chương trình khi Tâm sự thời chiến lọt vào chung khảo tháng iKhiến cấp tập đoàn.

rsz-thumbnail-iii-3964-1601515179.jpg

Cuối mỗi buổi Tâm sự thời chiến, các thành viên nâng ly chúc mừng và có những màn giao lưu thân mật. Ảnh: NVCC.

Thành công là vậy, nhưng đã có lúc các tác giả của chương trình nghĩ đến việc dừng lại. “Đầu tháng 5 sau khi tiến hành được gần hai tháng, tình hình dịch đã tốt lên, số ca nhiễm giảm đi, chúng mình nghĩ rằng chương trình không cần thiết nữa”, anh Mạnh kể, “Tuy nhiên phân tích những tác dụng tích cực của Tâm sự thời chiến, BTC quyết định duy trì”.

Đó là điều may mắn, bởi không chỉ CBNV và lãnh đạo có thêm nhiều trải nghiệm hay nhờ Tâm sự thời chiến, mà chính những người thực hiện cũng nhận về nhiều cảm xúc. “Ấn tượng sâu sắc nhất với mình là câu chuyện về khách hàng triệu đô đầu tiên của FPT Nhật Bản, rồi chuyện các bạn nhân viên khắc phục khó khăn mùa dịch để đảm bảo chất lượng công việc cũng rất xúc động”, anh Mạnh hồi tưởng.

“Có những bạn tâm sự không có khẩu trang vì rất khó mua, ngay lập tức nhận được khẩu trang và nước rửa tay kèm thiệp chúc mừng của CEO. Chúng tôi rất tự hào khi sáng kiến của mình có thể giúp đỡ anh em trong mùa dịch”, anh Tùng chia sẻ. Từng nhận giải Đồng iKhiến 2019, chàng trai 9X hiểu rõ về cuộc thi và đề xuất với đàn anh đưa Tâm sự thời chiến tham dự iKhiến 2020.

Là một sáng kiến khác lạ, không thuật toán, không diễn giải phức tạp, rất giản dị từ chính tên gọi đến cách vận hành, Tâm sự thời chiến vẫn nhận được đánh giá cao từ các giám khảo vì hiệu quả và ý nghĩa đặc biệt mà chương trình mang lại, cũng như tính ứng dụng khi có thể áp dụng cho nhiều đơn vị và công ty thành viên.

rsz-iiii-2767-1601515180.jpg

Nhóm thực hiện Tâm sự thời chiến nhận giải Bạc iKhiến 2020 số 1. Ảnh: Trần Huấn

Không đặt nặng chuyện giải thưởng mà chủ yếu mong muốn lắng nghe góp ý từ Hội đồng Giám khảo, tìm ra những điểm cần cải thiện cho sáng tạo của nhóm, giải Bạc iKhiến là niềm động viên lớn lao cho anh Mạnh, anh Tùng, chị Diệu. “Đáng mừng là Tâm sự thời chiến đã lan tỏa xuống các bộ phận nhỏ của FPT Nhật Bản. Tôi đã được một phần thưởng quan trọng nhất, đó là sự tự tin và cũng là cơ hội khẳng định chính mình trong công việc tại FPT”, anh Tùng phấn khởi. “Cứ nỗ lực hết mình cống hiến cho tổ chức, cho nhân viên thì kết quả tích cực sẽ đến với bản thân”, anh Mạnh đồng tình.

Khi người Việt đã có thể tạm thời nguôi âu lo về Covid-19, nước Nhật vẫn còn căng mình chống chọi với làn sóng thứ hai bởi hàng trăm ca mắc mới mỗi ngày. Thế nhưng, không gì ngăn được lãnh đạo và cán bộ nhân viên FPT Nhật Bản sát lại gần nhau, thậm chí còn hơn cả khi chưa có dịch. Đó là nhờ anh Mạnh, anh Tùng, chị Diệu, bằng sự sáng tạo không ngơi nghỉ, vẫn hằng tuần bắc nhịp cầu chở những hy vọng và sự thấu cảm. Với các anh chị, sáng tạo không nhất thiết bắt nguồn từ cái mới, mà chỉ cần tìm những người có cùng đam mê.

Tại Chung khảo iKhiến tháng 8, Tâm sự thời chiến đồng giải Bạc với Hệ thống kiểm kê hàng hoá videocall (FPT Retail).

Đến nay, Sáng kiến FPT 2020 đã trải qua 2 vòng Chung khảo với 14 sản phẩm được xét giải Vàng, Bạc, Đồng. Về cơ cấu giải thưởng tại vòng Chung khảo tháng, các sáng tạo Vàng, Bạc, Đồng, Khuyến khích lần lượt nhận được giải thưởng: 5 triệu đồng, 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 1 triệu đồng.

Chương trình đã nhận được 104 hồ sơ đăng ký Sáng kiến FPT. Các hồ sơ gửi về chương trình sẽ được hội đồng xét duyệt thẩm định về nhiều yếu tố và sẽ có email phản hồi tới tác giả. Để hồ sơ được xét duyệt nhanh, các sáng kiến cần đảm bảo nhiều tiêu chí. Cụ thể, sáng kiến là sản phẩm đã được áp dụng thực tế; Thời gian áp dụng là 12 tháng tính đến thời điểm đăng ký; Có một trong 2 hiệu quả về kinh tế, hoạt động kèm số liệu rõ ràng; Không trung với sáng kiến được công nhận hoặc chuẩn bị áp dụng trong FPT; Chứng minh được tính sáng tạo qua nỗ lực tìm tòi và nghiên cứu.

Tham gia Sáng kiến FPT 2020, CBNV sẽ được tưởng thưởng xứng đáng về vật chất, tinh thần và có cơ hội đầu tư, thương mại hoá sản phẩm, dịch vụ.

Hoa Hạ

Ý kiến

()