Chúng ta

Sống ở Singapore

Thứ tư, 21/3/2012 | 20:04 GMT+7

Năng động, đầy ăm ắp năng lượng, Singapore được mệnh danh là “chiếc máy phát điện” nhỏ bé ở vùng Đông Nam Á hiện thân cho những gì tốt đẹp nhất của cả “chất Đông” và “chất Tây”.
> FPT Asia Pacific hướng tới mục tiêu 4,5 triệu đôla / FPT Asia Pacific - Hồi ức 5 năm / FPT Asia Pacific được tặng HC Lao động

Gần 50 cán bộ nhân viên FPT đang sinh sống và làm việc tại thiên đường trên biển này.

Một ngày làm việc của chị Lại Hồng Điệp (Kế toán FPT Asia Pacific - FAP) bắt đầu từ 6h30 sáng, cho con lớn đi học lớp 1, trường học ở Sing bắt đầu từ 7h15. Sau khi chuẩn bị đồ ăn cho nhóc thứ 2, đến 9h30, chị có mặt ở công ty và bắt đầu một ngày làm việc mới.

Dù ở Singapore làm việc muộn hơn ở Việt Nam, nhưng khi đã làm việc, ai cũng phải "chiến đấu" hết mình vì môi trường làm việc cũng không cho mình được phép dừng lại ở bất cứ thời điểm nào.

“Mình xin về sớm từ 17h30 vì trường học bên này bắt buộc phải đón con trước 7h tối mà thời gian đi tàu và đi bộ về đến nhà cũng đã hết khoảng 45 phút đến 1 giờ đồng hồ. Tối giải quyết xong việc nhà và xem qua bài vở cho nhóc con cũng đã 22h, đến giờ đi ngủ. Kết thúc một ngày. Nhiều lúc cũng cảm giác bận rộn và buồn tẻ vì không có thời gian buổi tối như ở Việt Nam, cũng không có sự giúp đỡ của ông bà nội ngoại”, chị Điệp chia sẻ.

Còn các anh chàng độc thân của FAP, sinh hoạt mỗi ngày đều theo “bầy đàn và tùy hứng”, với chủ trương “đừng bao giờ đi ăn một mình”, ăn tối sẽ luôn cùng với đồng nghiệp, hoặc í ới nhau cùng về nhà nấu cơm.

Với tân binh Bùi Sỹ Nguyên, nhiễm nguyên tắc đúng giờ từng tích tắc của Nhật Bản, ngày nào cũng vậy đúng 9h anh có mặt ở công ty sau 20 phút trên tàu điện ngầm, vào văn phòng không quên mua đồ ăn sáng và một cốc to Kipo Cino (một loại coffee ở Singapore). Rồi đúng 7h tối, rời văn phòng về nhà, tập trung nấu ăn cùng anh em, hoặc phi thẳng đến quán nhậu “ruột”, thường là quán Long Phụng của người Việt, ở Joo Chiat Road.

CBNV FAP cùng hát mừng sinh nhật. Ảnh: NVCC.

CBNV FAP cùng hát mừng sinh nhật. Ảnh: NVCC.

Cuộc sống ở Singapore tất bật và kín mít đến tận đêm, nhưng mỗi người vẫn dành riêng những khoảng thời gian dù ít ỏi nhất cho riêng mình.

“Cùng với nền kinh tế phát triển mạnh về tài chính và dịch vụ, ngoài chuyên môn cao và kỹ năng giao tiếp bài bản, người Sing còn mang trong mình một tư duy dịch vụ tuyệt hảo. Hoặc là ta phải thích nghi hoặc là sẽ bị tụt lại phía sau và bị đào thải. Cứ mỗi lần bị khách hàng 'đánh đập', thấy mình cần phải cải thiện và gọt dũa nhiều hơn nữa. Cũng chính vì thế mà mỗi lúc một thích nghi và chỉnh chu hơn", anh Nguyễn Trần Hùng chia sẻ.

Anh Hùng cho rằng bản thân mỗi người cần “ngập” trong những “áp lực tích cực” để trăn trở nhiều hơn và có thể tự đẩy mình đi nhanh hơn. Nhất là ở một thị trường như Singapore, cạnh tranh khốc liệt từ mọi phía – các công ty bản địa và công ty đa quốc gia.

Ở FAP chưa xây dựng tổng hội rõ ràng, nên các anh em thường tự tổ chức đi chơi vào những ngày cuối tuần, các hoạt động thể thao cũng khá sôi nổi. Tối thứ Sáu hằng tuần, anh em FAP đều tổ chức tụ tập ăn uống đàn hát, các hoạt động team building diễn ra đều đặn hàng quý…

Phong trào bóng đá vào chiều thứ Bảy hằng tuần thu hút hầu hết các hảo thủ của FAP. Anh em chia ra đá với nhau, hoặc là giao hữu một đội khách hàng, đôi khi là các bạn người Singapore tại các khu nhà mình ở.

Quân số đông lên, FAP đã có đến 7 căn hộ được thuê, anh em có gia đình thì ra ở riêng, chỉ còn những ai độc thân và quân onsite là ở chung. Cuối tuần là những ngày để “tụ tập và cải thiện” của anh em ở đây.

Thường thì một nhà tổ chức, và gọi các nhà khác sang tham gia cùng. Cải thiện bằng các bữa lẩu tại nhà, đôi khi kéo nhau ra ngoài ăn, sau đó là đi bar. Sàn nhảy ở Singapore khá lành mạnh và không điều tiếng như ở Việt Nam, nên với nhiều người đây là một nơi giảm stress lý tưởng sau một tuần làm việc căng thẳng.

“Vui nhất là những buổi tối nấu và ăn cùng nhau, những buổi đêm túm tụm hò hét với C1, ngoại hạng Anh, những cuối tuần cafe ‘chém gió’, hoặc lai rai vài ly bia rượu với đặc sản thịt chó mang từ Việt Nam sang”, anh Hùng cho biết.

CBNV FAP trong chuyến du lịch Phuket (Thái Lan). Ảnh: NVCC.

CBNV FAP trong chuyến du lịch Phuket (Thái Lan). Ảnh: NVCC.

Đã vào guồng với cuộc sống tại Singapore, nhưng trong mỗi người vẫn còn nguyên vẹn những kỷ niệm, ấn tượng của ngày đầu tiên đặt chân đến đảo quốc Sư tử.

Với đặc thù của một quốc gia đa sắc tộc, phong phú các thể loại ẩm thực, CBNV FPT tại đảo quốc này có cơ man các kiểu khẩu vị để lựa chọn, thưởng thức “nhiệt tình”. Khí hậu không khác nhiều so với TP HCM, không khí trong lành nên hầu hết mọi người đều thích nghi tốt. Thi thoảng lại có vài anh em “shock” văn hóa, nghiện ngập lu bù với shopping.

Sang Singapore từ những ngày đầu thành lập FAP (tháng 4/2007), ấn tượng đầu tiên với chị Điệp là câu “Chào bạn” - lời chào bằng tiếng Việt lơ lớ học từ khách du lịch của bác taxi. Chỉ một câu nói, cử chỉ nhưng cũng đủ khiến chị đỡ bỡ ngỡ trong lần đầu đặt chân đến đất nước xa lạ.

Khi mới thành lập FPT Asia Pacific (FAP) chỉ thuê một căn nhà cho toàn bộ anh em CBNV. Có đến 14 người trong căn hộ có 3 phòng ngủ. “Mình có 2 vợ chồng nên được anh em dành cho 1 phòng nhỏ. Buổi chiều mình được phân công về sớm để nấu nướng, nồi cơm và nồi rau cứ như đi bộ đội, anh em lúc đó đùa nhau là ở FAP hai ngày có 1 bữa tiệc nhỏ, 3 ngày có 1 bữa tiệc to. Anh em đoàn kết, hát hò suốt ngày. Tuy nhiên, cũng có những lúc nhân viên sang onsite quá đông, vợ lại sang phòng con gái và chồng sang phòng con trai để ở được nhiều người hơn”, chị Điệp nhớ lại.

Khăn gói sang Singapore từ đầu năm 2008, đến nay đã tròn 4 năm tròn trĩnh, với anh Hùng, “Singapore như một ‘Lego land’ trong trò chơi ghép hình của trẻ nhỏ". Bởi vì cứ vài mét lại có một cái cây, đều tăm tắp, những dãy nhà cao tầng và khu phức hợp giống hệt nhau, kể cả màu sắc, và đựợc quy hoạch cẩn thận. Một lego land được chăm sóc bởi những đứa trẻ ngoan, không được phép ăn kẹo cao su, và không vứt rác ra đường”.

Sang cùng đợt với anh Hùng, tuy nhiên những ấn tượng ban đầu về quốc đảo này của anh Lê Hồng Sơn lại đầy “biến cố”. Đó là khi một người bạn sơ ý đã đánh rơi tiền trên tàu điện. Tàu rất đông và hành khách đang tấp nập vào toa. Vậy mà một bạn trẻ nhặt được tiền, đã hỏi để tìm ra ai đã đánh rơi tiền để trả lại, kèm một nụ cười cảm thông dành cho người sơ suất. Lịch sự và ân cần là điều đáng ghi nhận ở con người Singapore trong tâm trí anh.

Rồi khi một onsite của FPT đã đứng ở tầng 5 hút thuốc và ném đầu lọc xuống sân chung cư. Lập tức hôm sau mẩu đầu lọc đó được gắn bằng băng keo vào thang máy kèm lời cảnh báo: Dừng hút thuốc và xả ra nơi công cộng, nếu không sẽ bị pháp luật xử lý. “Mẩu đầu lọc đó rất dễ được quân ta nhận ra, bởi nó là ‘sản phẩm’ của Vinataba – Việt Nam”, anh Sơn giải thích thêm.

Bản thân anh Sơn cũng đã một lần bị hội đồng nhân dân nhắc nhở vì đã... trèo cây hái quả: “Vốn dĩ những cây xoài đó được trồng để tạo cảnh quan và bóng mát. Cứ ngỡ ra quả thì phải ăn, nên mấy anh em rủ nhau ra 'thu hoạch' nhưng lập tức bị nhắc nhở là 'cấm hái'. Cho dù quả bị chim ăn, rơi đầy dưới gốc. Tuy vậy, anh cũng đã kịp 'thu vén' vài quả về ăn thử, nhưng chua quá nuốt không nổi nên cuối cùng bỏ đi. Đúng là xoài làm cảnh”.

Xa quê hương, gia đình, thế nên nỗi nhớ nhà luôn thường trực trong mỗi người. Cứ mỗi tối, ai ai cũng đều ôm 1 máy tính để trò chuyện với người thân, với tình yêu ở nhà.

Độc thân và xa nhà là tình trạng của nhiều anh em FAP. Thỉnh thoảng có bạn onsite lại nói chuyện với lãnh đạo ở nhà theo kiểu: Anh cho em về mấy ngày thôi, em nhớ người yêu em lắm rồi!

Có những lúc nhớ nhà không chịu được họ book vé máy bay về luôn mấy ngày cuối tuần, sau đó đầu tuần lại lao vào công việc mới. Singapore và Việt Nam cũng không xa, chỉ bay hết chưa đến 3 giờ nên anh em cũng thường xuyên về hơn các nước khác.

“Cả đời mình nhớ nhà, không phải sang Sing hay ở Nhật mới có cảm giác đó. Ngay cả khi ở Việt Nam, làm việc ở Hà Nội nhưng quê mình ở Ninh Bình. Vì thế rảnh lúc nào là mình bay ngay về Việt Nam”, anh Nguyên chia sẻ.

Còn anh Hùng luôn cố gắng dành thời gian vào mỗi tối gọi Skype về nhà để tán gẫu và nhìn mặt mọi người trong gia đình. Tiếng cười, những lời hỏi han của người thân luôn là nguồn động lực vô bờ bến với anh. Một năm anh về Việt Nam khoảng 3-4 lần, tùy vào tình hình công việc. Chưa có dịp nào đón Tết Âm lịch ở Singapore, nhưng cũng không muốn thử, bởi với anh “đón Tết âm lịch ở Việt Nam là tuyệt nhất”.

Giã từ cuộc sống độc thân cách đây vài tháng, nên giờ đây mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều với anh Hùng. “Cuộc sống trở nên thi vị hơn, không còn nhớ nhà nhiều như trước nữa, những bữa cơm gia đình với đầy đủ các món Việt đậm đà, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để chiến đấu”, anh tâm sự.

Sang Singapore từ thời sinh viên, anh Lương Tuấn Thành thường lân la các quán ăn Việt Nam cho vơi nỗi nhớ nhà. “Vài năm trước, phải ở lại ăn Tết, vừa vui lại vừa buồn. Mình cũng đi chợ Tết, sắm đồ giao thừa, tụ tập ăn Tết cùng bạn bè. Nhưng Tết ở Singapore chóng vánh chỉ 1-2 ngày, nên cảm thấy rất hụt hẫng. Từ đấy mình chưa ở lại ăn Tết bên Singapore lần nào nữa”, anh Thành cho biết.

Thuận lợi hơn mọi người là chồng con đều ở Singapore, nhưng chị Điệp vẫn rất nhớ nhà: “Năm 2011 mình có bầu cháu thứ 2, lúc đó bầu to rồi nên gia đình mình ở lại ăn tết. Ở Singapore, đa phần là người Trung Quốc nên họ cũng ăn tết như ở Việt Nam, ngày tết mặc quần áo mới và đi đến nhà họ hàng, tổ chức tiệc tùng và chơi bài. Đêm 30 họ cũng tổ chức bắn pháo hoa và lễ hội ở China Town, chùa chiền cũng là nơi được đến viếng thăm nhiều. Tuy nhiên năm đó mình bầu bí nên cũng không tham gia được, chỉ ở nhà, con gái lớn gửi về Việt Nam ăn tết, nên 5 ngày tết hai vợ chồng mình xem hết 10 phim hoạt hình và 3 bộ chưởng. Những lúc này mới thấy cảm giác nhớ nhà, thèm chung vui với người thân và thèm không khí gia đình”.

Không có sự trợ giúp liên tục của hai bên nội ngoại, cũng có những đợt bận quá chị phải gửi cháu về ông bà ở Việt Nam hơn 1 tháng. “Nhớ con lắm chứ, nhưng mình cũng đùa, bố mẹ cháu đang làm cách mạng nên các cháu cũng phải đi bộ đội vậy thôi”, chị chia sẻ.

Cuộc sống của người FPT giữa thiên đường của cây xanh, của các trung tâm mua sắm không chỉ toàn màu hồng, cũng có lúc vui, và cũng đầy trăn trở. Tuy vậy, hàng ngày hàng giờ, họ vẫn trụ vững làm việc, cống hiến và khẳng định mình bằng mọi giá.

Thu Thủy

Ý kiến

()