Chúng ta

Nốt trầm của Hội diễn 13/9

Thứ năm, 22/9/2016 | 17:59 GMT+7

Hội diễn STCo có những khoảnh khắc thăng và trầm khiến nhạc sĩ Trương Quý Hải phải cảm thán “hay đến tột cùng và dở tột độ”. Tuy nhiên, trên tất cả, các diễn viên, đạo diễn, kịch bản gia luôn dốc lòng dốc sức để đem đến món ăn nghệ thuật cho người FPT mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật họ nhà F.

 ‘Vịt không phải là vịt’ đóng màn trong tiếng ê dài thượt

vit-khong-phai-la-vit_1474518325.jpg

"Vịt không phải là vịt" là thảm họa kịch STCo của nhà hát FPT Telecom tại Hội diễn năm 2011. Ảnh cắt từ clip. 

Năm 2010, FPT thay đổi thương hiệu mới. Vì vậy, lễ mừng sinh nhật tuổi 22 của tập đoàn được tổ chức khác quy luật mọi năm. Hội diễn - sự kiện truyền thống lỗi hẹn năm đó đã để lại sự trống trải trong lòng người hâm mộ FPT. Năm 2011, Hội diễn trở lại trong sự chờ đón của người FPT. Chiến lược “One FPT” xuất hiện đậm đặc trong các vở kịch dự thi với nhiều biến thể khác nhau như “One Talet”, “One Chủ nhiệm”, “One chiến lược”... Hội diễn cũng ghi dấu ấn “Thảm họa STCo” với vở kịch “Vịt không phải là vịt” của FPT Telecom với phần biểu diễn dài lê thê nhưng thiếu nội dung cốt lõi.

Ban đầu, có một người dẫn chuyện nói thao thao bất tuyệt về đế chế Ép teo tham gia đại hội võ lâm mừng sinh nhật FPT để dẫn đến vở kịch “Vịt không phải là vịt”. Phần tiếp theo của tiết mục mô tả một cái chợ trong đó có ba người phụ nữ ngồi bán vịt, mỗi người một thế mạnh tương ứng với các dịch vụ của đơn vị. Những pha “đá đểu” nhau như ngoài chợ cũng được đưa lên sân khấu. Đặc biệt, những câu thoại kém duyên và tế nhị trong tổng thể kịch bản rối rắm không hiểu ý đồ đã bị khán giả "ê" từ phút thứ 5.

Với nhiều điểm trừ như nội dung quá nhạt, tiết tấu chậm, nội dung không có nội dung thông điệp và diễn viên kém, vở diễn đã phải nhận những tràng “ê” dài và to từ phía khán giả. Sau hơn 30 phút diễn lê thê mà vẫn không toát lên được thông điệp cũng như chưa có dấu hiệu kết thúc, BTC đành phải ra quyết định kéo rèm sân khấu để dừng vở diễn. Các diễn viên "kiên trinh" của Viễn thông vẫn tiếp tục thoại với nhau cả khi sân khấu đã kéo rèm và tắt đèn.

Tăng Minh Nguyệt, cựu cán bộ Tổng hội FPT Telecom, chia sẻ sau Hội diễn năm đó: “Làm tổng hội khó khăn nhất là những vở diễn không thành công và bị ê, kéo rèm sớm”. Vở diễn “Vịt không phải là vịt” năm 2011 của FPT Telecom thất bại khiến tinh thần của anh em đi xuống. Dù rất buồn nhưng FPT Telecom quyết tâm làm tốt hơn để năm sau giành giải Nhất Hội diễn năm 2012 với vở “Đế chế thang tre”.

FPT IS đưa người xem xuống đất trong chủ đề ‘Lên giời’

huong-gioi1-620.jpg

Nhà hát FPT IS thất bại tại Hội diễn 2012. Ảnh: Bảo tàng FPT.

Với chủ đề “Lên giời” nhưng nhà hát FPT IS đã không khiến khán giả thăng hoa mà trái lại đã kéo họ xuống đáy cảm xúc tại Hội diễn năm 2012 bằng vở “Hương giời”.

FPT IS là nhà hát "chốt" lại Hội diễn năm 2012. Phần giới thiệu của nhà hát Hệ thống thông tin kích thích khán giả bằng những hình ảnh nóng bỏng. Họ đưa lên sân khấu những gương mặt gạo cội trong làng kịch FPT IS như: Quang "Thần Chết", Lương Tuấn Giang, Lê ĐứcTrọng...

Vở kịch kéo dài 18 phút, đến phút thứ 10 khán giả FPT đã hết kiên nhẫn và bắt đầu "ê". Những câu cảm thán như "chán quá", "may quá hết rồi"… của khán giả xen lẫn trong các lời thoại của 4 diễn viên.

Năm 2012, FPT IS huy động toàn bộ đội ngũ cán bộ tổng hội lên sân khấu. Vở kịch của FPT IS khá tĩnh và đơn điệu với 4 nhân vật ngồi nói chuyện tầm phào với nhau về các câu chuyện hot của FPT thời điểm đó như TGĐ Trương Đình Anh nghỉ phép dài ngày, bắn vệ tinh F1, xin hạ tăng trưởng chỉ tiêu... Tuy nhiên, khép màn mà người nhà F vẫn không hiểu ý đồ cuối cùng của vở diễn.

Câu chuyện rườm rà và không có điểm nhấn, FPT IS đã không ghi được điểm với khán giả, khiến nhạc sĩ Trương Quý Hải nhận xét rằng: "FPT IS là đơn vị nổi tiếng về kịch STCo, nhưng đã khiến tôi hoàn toàn bất ngờ". Là người nhà mà chị Cao Thị Xuân Thu, FPT IS, phải thốt lên: “Phần diễn của FPT IS chán”.

Thất bại tại Hội diễn 2012, FPT IS còn thể hiện sự đi xuống trong phong trào kịch, vốn là điểm mạnh của họ nhiều năm trước.

FE phong độ đi xuống với 'Chuyện tình toàn cầu hóa'

chuyen-tinh-toan-cau-hoa_1474518342.jpg

Vở diễn FE thiếu mạch và dài lê thê khiến BTC buộc phải dừng giữa chừng tại Hội diễn năm nay. Ảnh: Anh Tuấn.

Những tiếng nói bình phẩm “nhạt" vang lên từ dưới hàng ghế khán giả, người xem không còn đủ kiên nhẫn để nghe thêm, Khối Giáo dục FPT (FPT Education - FE) là đơn vị duy nhất buộc phải ngừng diễn tại Hội diễn 13/9 năm nay. Đây là một trong hai vở kịch phải khép màn chưa hoàn thành trọn vẹn tiết mục trong 5 mùa Hội diễn trở lại đây. Kịch bản rời rạc không mạch lạc, để nhiều điểm chết trên sân khấu… là nhìn nhận chung của khán giả.

Vở cải lương "Chuyện tình Toàn cầu hóa" của FE tương đối đơn giản về nội dung, kể về một chuyện toàn cầu hóa FPT qua câu chuyện tình hư cấu giữa Lan và Điệp. Người xem sẽ hình dung con đường toàn cầu hóa với làn sóng thứ nhất và thứ hai trong lịch sử FPT. Những khó khăn và nguyên nhân FPT có thành công đầu tiên được hé lộ trong vở kịch này.

Dù huy động 20 diễn viên lên sân khấu nhưng họ đều lần đầu tiên diễn kịch nên bị khớp. Vai diễn cần các đội diễn xuất ở nội tâm, cử chỉ nhưng do diễn viên diễn "không tới" dẫn đến cảnh chết trên sân khấu. “Phần bị hạ màn Lan cứ hỏi đi hỏi lại ‘Anh có người khác rồi phải không?’ đúng như trong kịch bản, nhằm giúp Điệp mất kiên nhẫn để chia tay cô. Tiếc là Điệp chưa kịp mất kiên nhẫn để hét lên thì khán giả mất kiên nhẫn trước rồi”, bà bầu Nguyễn Phương Thúy thẳng thắn.

Chị Phạm Thị Vân Anh, FPT HO, chia sẻ: “Khi tiết mục chưa bắt đầu, tôi đã rất háo hức vì FE luôn có những sáng tạo bất ngờ. Tiết mục quá dài nếu như FE điều chỉnh, cắt bớt để phù hợp thời gian cũng như xúc cảm của tác giả. Nhưng FE có vẻ chưa để ý đến điều đó. Nói chung, tôi hơi buồn và hẫng hụt”.

Đứng ở vị trí người nhà, Tiêu Hải Ninh, FPT School, thẳng thắn nhìn nhận: “Tôi thấy vở diễn của mình nếu hay thì dù có bị dài hay quá thời gian cũng không ai lỡ cắt. Nếu dựng lại, tiết tấu cần nhanh, không chảy và quá nhiều phân cảnh khiến cảm xúc khán giả bị vỡ vụn. Riêng cái khoản cứ tắt đèn xong chạy ra chạy vào đã khiến khán giả thiếu kiên nhẫn”. Còn nhạc sĩ Trương Quý Hải, giám khảo chương trình, cũng bày tỏ tiếc nuối: “Giá như vở diễn của FE thành công tốt đẹp, thì Hội diễn năm nay sẽ thành công rực rỡ”.

Trong hội diễn của người FE tổ chức tháng 11 tới, chị Thúy sẽ đáp lại ủng hộ của người FE bằng một vở diễn không bị lê thê, tăng chi tiết STCo và các đoạn nối cho logic hơn để không phụ lòng của nhiều anh chị em động viên từ trước, trong và sau Hội diễn 13/9.

Lễ hội 13/9 là hoạt động lớn của FPT, được tổ chức thường niên vào dịp sinh nhật công ty. Năm nay, kỷ niệm 28 năm thành lập tập đoàn FPT (13/9/1988 - 13/9/2016), lễ hội đã được tổ chức ở 4 vùng miền trên cả nước gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ. 2016 cũng là năm đánh dấu mốc 20 năm Hội diễn STCo ra đời, góp phần quan trọng trong việc tạo lập và định hướng văn hóa vốn mang chất riêng của họ nhà F.

Thạch Anh

Ý kiến

()