Chúng ta

Hậu trường giải "Chim Én"

Thứ năm, 23/6/2011 | 06:16 GMT+7

2011 là năm thứ 3 giải thưởng Chim Én được FPT tổ chức. Những người "nâng cánh" Chim Én luôn có đầy ắp câu chuyện thú vị về giải thưởng vinh danh những người làm thiện nguyện này.


"Ekip" một người

Thật bất ngờ khi biết tất cả công việc của Chim Én do một người "lead" chính: Ngô Anh Tuấn (*), nhóm Trách nhiệm xã hội (CSR), Ban Truyền thông FPT. Ngoài Tuấn ra chỉ có thêm 3 cộng tác viên và 20 tình nguyện viên, chia thành ba ban: Nội dung, Truyền thông và Hậu cần.

fpttuanna20-223945-1412963041.jpg

Ngô Anh Tuấn đang bàn kế hoạch tổ chức Chim Én với cộng tác viên.

Mỗi cộng tác viên phụ trách một ban, cùng 20 tình nguyện viên tham gia việc tổ chức các sự kiện offline. Anh Tuấn chia sẻ: "Chỉ có một mình phụ trách chính nên mình vừa là Trưởng Ban tổ chức (BTC) kiêm nội dung, hành chính tổng hợp và điều phối chung. Nhưng đau đầu nhất là làm thủ tục thanh toán, hoàn ứng vì mọi khoản lắt nhắt lại chẳng có hóa đơn đỏ".

Đây là cuộc thi phát triển trên nền công nghệ, vì vậy, anh Vương Đăng Minh - bộ phận IT của Vicongdong đã hỗ trợ xây dựng tính năng phục vụ cuộc thi như: Chia sẻ lưu trữ trực tuyến, đánh giá và bình luận của cộng đồng...

Với nguồn nhân lực ít ỏi, BTC vẫn tổ chức được hàng loạt event đồng hành cùng giải thưởng Chim Én trong giai đoạn đầu cuộc thi như: Giới thiệu giải tại 3 miền, thăm trẻ em mồ côi, tổ chức trung thu cho trẻ em nghèo, giao lưu 60 đại biểu thủ lĩnh tình nguyện toàn quốc...

Xây dựng cuộc thi chuyên nghiệp, có sức lan tỏa lớn trên cộng đồng nhưng phải đơn giản, thiết thực và tiết kiệm là sứ mạng của Chim Én. Anh Tuấn xác định, ý nghĩa của giải thưởng là phi lợi nhuận, thúc đẩy hoạt động vì cộng đồng, vì vậy nhân sự phải "tối giản" và chi phí gần như bằng 0.

Thông thường, muốn được cơ quan báo chí bảo trợ thông tin phải tốn chi phí. Tuy nhiên, năm nay, báo điện tử VnExpress đã tham gia bảo trợ thông tin miễn phí cho giải thưởng.

Một điều may mắn nữa là các chuyên gia như Trịnh Lê Nguyên - Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pannatre), Phạm Kiều Oanh - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP)... giúp Vicongdong xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tổ chức hay cá nhân cũng là thành viên của Hội đồng thẩm định chuyên môn đều không nhận thù lao.

Ghi dấu tình nguyện viên

Góp phần quan trọng vào sự thành công của giải thưởng chính là đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên thân thiết và tâm huyết với Chim Én.

chimenfpt-484368-1412963041.jpg

Làm Chim Én vất vả nhưng rất vui.

Nguyễn Phương Nhung, hiện là sinh viên báo chí, tình nguyện viên của giải thưởng tâm sự: "Mình gắn bó với Chim Én vì cảm phục những con người hoạt động xã hội và mong muốn gắn kết mọi người xích lại gần nhau hơn".

Còn Bùi Phương Thảo, cộng tác viên truyền thông lâu năm nhất của Chim Én, đã "chữa được hai bệnh ít nói và không quan hệ rộng" từ khi tham gia Chim Én năm 2009. Thảo mở lòng hơn khi tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh và nghĩa cử cao đẹp.

Các cộng tác viên và tình nguyện viên của Chim Én chủ yếu là sinh viên nên thường gặp khó khăn về thời gian. Mỗi người một lịch học tập khác nhau nên rất khó sắp xếp ngồi cùng nhau và trao đổi, thống nhất các vấn đề. Đội ngũ làm Chim Én cũng thay đổi theo từng năm. Vì thế, khi chuẩn bị cho giải thưởng, mỗi bạn phải có khoảng thời gian để thích ứng, điều chỉnh và hiểu được cách làm việc của nhau để sao cho công việc được hiệu quả.

"Hậu trường" Chim Én

Một việc khó của BTC Chim Én là thiện nguyện bắt đầu từ "cái tâm" của mỗi người. Vì vậy, những người tham gia hoạt động xã hội thường âm thầm và không bao giờ đòi hỏi sự vinh danh. Một mặt, họ chưa được truyền thông để hiểu được ý nghĩa của cuộc thi.

Hoàng Hoa Trung là một ví dụ điển hình. Dự án thiệp nhân ái của Trung đã tạo ra nhiều việc làm cho trẻ mồ côi, chất độc da cam tại làng Hữu nghị Việt Nam (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội). Nhưng Trung nhất định từ chối khi thấy được đề cử giải cá nhân xuất sắc trong hoạt động thiện nguyện.

Anh Tuấn, Trưởng BTC, cho biết: "BTC đã gọi điện, chat để chia sẻ mục đích của cuộc thi, đồng thời tổ chức buổi gặp chung rồi riêng để thuyết phục Trung tham gia, với mục đích tổ chức cuộc thi để nhân rộng tấm lòng nhân ái, chia sẻ thông tin kinh nghiệm làm từ thiện". Hiểu được mục đích của cuộc thi, Trung đã đồng ý tham dự. Trung giành giải xuất sắc dành cho cá nhân làm từ thiện năm 2010.

Sau cuộc thi, Trung chia sẻ: "Chim Én đem lại cho mình những điều còn quý hơn cả sự vinh danh. Đây là cơ hội tuyệt vời để mình kết nối, học hỏi được các tổ chức thiện nguyện khắp ba miền đất nước - điều mà trước đây chưa có và chưa hề quy củ. Cơ hội nhận được một phần thưởng với kinh phí đủ để thực hiện một dự án. Đó cũng là một cách vận động tài trợ bằng việc tham dự cuộc thi".

Mời các người đẹp song hành với giải thưởng cũng là hoạt động nhằm tôn vinh và giúp hoạt động từ thiện có sức lan tỏa nhiều hơn. Mỗi năm, sứ giả của Chim Én thường là hoa hậu của Việt Nam, với tiêu chí hình ảnh đẹp, thân thiện, thích tham gia hoạt động từ thiện.

Ba đại sứ của Chim Én qua các năm là Hoa hậu thế giới người Việt Ngô Phương Lan (giải thưởng năm 2009), Á hậu 1 cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2008 Nguyễn Thụy Vân (2010), Hoa hậu Việt Nam 2010 Đặng Thị Ngọc Hân (2011).

Tuy nhiên, nhiều lúc người đẹp làm BTC "dở khóc dở cười". Năm 2009, khi mới chỉ là đại sứ một nửa chặng đường cuộc thi, Ngô Phương Lan đã bay sang châu Âu, không tiếp tục tham gia được. BTC "chữa cháy" bằng cách quay clip Phương Lan giới thiệu giải thưởng và tổng kết nhận xét khi cuộc thi mới đi nửa đường.

fptchimenngochan-764125-1412963041.jpg

Hoa hậu Ngọc Hân là sứ giả của Chim Én 2011

Năm nay, BTC đã trao đổi cụ thể với Hoa hậu Ngọc Hân để lên lịch làm việc phù hợp, tránh tình trạng "sứ giả hình ảnh trên danh nghĩa".
Thế mạnh của Chim Én là sử dụng công nghệ vào quá trình tổ chức nhưng đây cũng chính nguyên nhân cho một số khó khăn của BTC.

Đó là những lúc có hàng nghìn nick ảo tham gia bình chọn, hay các thành viên không sử dụng thành thạo internet, hoặc đôi khi trên mạng cũng có những ý kiến trái chiều về hình thức tham dự online...

Năm 2010, khi tiến hành rà soát lượt bình chọn, BTC đã phải xóa 2.000 trong số 8.000 lượt bình chọn. Năm nay, để minh bạch và có kết quả trung thực nhất, song song với việc dùng phần mềm lọc tài khoản ảo, BTC phải ngồi lọc thủ công để xóa bình chọn không hợp lệ.

Để hài lòng một cộng đồng rộng lớn, với những quan điểm, cách nghĩ khác nhau, BTC đã xây dựng mạng lưới cộng tác viên trở thành chủ nhân hồ sơ đăng ký tham dự để theo dõi và báo lại những bình chọn không hợp lệ.

Lưu Vân

* Trên số Chúng ta 21-2011 ghi nhầm tên nhân vật là Nguyễn Anh Tuấn. Chúng ta xin được cáo lỗi với anh Tuấn cùng độc giả.

Ý kiến

()