Chúng ta

Hành trình INF miền Nam FPT Telecom tạo kỷ lục khai thác hạ tầng

Thứ năm, 11/3/2021 | 08:32 GMT+7

Bất chấp khó khăn do Covid-19, bất chấp bão lũ thiên tai, những “chiến sĩ hạ tầng” với màu áo xanh hy vọng vẫn vững bước chân trên từng chặng đường để cùng nhau tạo nên dấu ấn của năm 2020 đầy biến động.

Hoàn thành xuất sắc kế hoạch đầu tư hạ tầng năm 2020, đồng thời, tối ưu và nâng cao hiệu quả khai thác hạ tầng miền Nam đạt tỉ lệ 60% chính là những “chiến công” sáng chói của Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Nam (INF miền Nam) trong năm qua.

Với nhiệm vụ thường niên là đầu tư mới, nâng cấp phát triển, vận hành mạng access (truy nhập) của nhà Viễn thông, kế hoạch của INF miền Nam mỗi năm luôn có các hạng mục đầu tư lớn, nhỏ khác nhau. Hiệu quả đầu tư của INF có vai trò rất quan trọng với việc kinh doanh của FPT Telecom.

Chỉ tính riêng năm 2020, trung tâm đã đầu tư phát triển mới 300.000 cổng kết nối viễn thông (cổng kết nối Internet) phục vụ phát triển kinh doanh, xây dựng mới 50 km mương cáp, cống bể ngầm phục vụ cho việc ngầm hóa mạng cáp viễn thông trên địa bàn TP HCM cùng các tỉnh lân cận. Đặc biệt, INF miền Nam còn hoàn thành quy hoạch, xây dựng và phát triển 2020 vị trí đài trạm - core network quan trọng (Metro/POP+) tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.  

Chiến công từ những khó khăn

inf-ftel.jpg

INF là tập thể xuất sắc FPT Telecom năm 2020 với thành tích hoàn thành kế hoạch đầu tư hạ tầng năm 2020, đồng thời, tối ưu và nâng cao hiệu quả khai thác hạ tầng Miền Nam đạt tỉ lệ 60% - mức cao kỷ lục.

Nhắc đến 2020 là nhắc đến một năm đầy khủng hoảng tại Việt Nam bởi sử ảnh hưởng của Covid-19 và tình hình thời tiết cực đoan liên tiếp với hàng chục trận bão lũ đổ bộ vào quý 3 và 4. “Trong tình huống rất khó khăn của năm 2020, các mục tiêu đều trở nên thách thức và khó khăn hơn rất nhiều, nhưng không thể vì thế mà khuất phục dễ dàng”, anh Vũ Đức Huy - Giám đốc INF miền Nam - bày tỏ.

Vừa chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thời tiết, vừa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 leo thang căng thẳng ấy, INF miền Nam đã nhanh chóng kích hoạt chương trình phòng chống và khắc phục thiên tai, đảm bảo chất lượng hạ tầng mùa mưa bão. Việc phổ biến đến các chi nhánh từ Quảng Bình đến Cà Mau (thuộc Vùng 4, 5, 6, 7) về công tác chuẩn bị, lập kế hoạch phòng chống thiên tai trong đại dịch Covid đã được cấp tốc thực hiện và truyền thông mạnh mẽ để các đơn vị nhận biết được tầm quan trọng với phương châm “3 trước” (chủ động phòng chống trước, phát hiện xử lý trước, phương tiện vật tư chuẩn bị trước) và “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ).

Nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe trong mùa dịch, ban lãnh đạo INF miền Nam quyết định chia nhỏ các đơn vị và phân nhiệm vụ theo từng cụm. Một số chương trình được phối hợp thực hiện cùng Ban Quản lý đường trục PMB, phân bổ theo 30 vị trí đồn trú dọc theo các Trạm truyền dẫn CONT và các tuyến mạch trục Bắc - Nam, trong đó bổ sung thêm 4 đội đồn trú trong 4 tháng vào mùa mưa bão để tăng cường lực lượng khắc phục sự cố.

inf2-7901-1614851218.jpg

Chống bão thời Covid-19 đã đòi hỏi mỗi nhân viên kỹ thuật phải nắm rõ phương châm "3 trước" và "4 tại chỗ".

Với từng cơn đổ bộ của bão lũ, INF miền Nam luôn có kịch bản đầy đủ để áp dụng triệt để phân tích dữ liệu hạ tầng, dữ liệu đô thị, ảnh hưởng dịch vụ đối với từng khách hàng để điều phối khắc phục nhanh nhất, chính xác nhất. Với các sự cố hạ tầng, trung tâm thực hiện chương trình sà soát mạng lưới chủ động để sữa chửa trước khi phát sinh lỗi. Nhờ vậy, trong năm 2020 INF miền Nam đã giảm đến 15% số lượng sự cố so với cùng kỳ năm trước.

Khi lập kế hoạch đầu tư, khai thác hạ tầng vào đầu năm 2020, Ban điều hành FPT Telecom đặt chỉ tiêu cho Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng ở cả hai miền là tối ưu và nâng cao hiệu quả khai thác đạt 58%. Thực tế, chỉ tiêu tỉ lệ khai thác hạ tầng với con số 58% trên toàn nhà Viễn thông đã là một thách thức rất lớn. Thế nhưng, trong quá trình làm việc với INF miền Nam, PTGĐ FPT Telecom Vũ Anh Tú (hiện là Giám đốc Công nghệ FPT) đã tin tưởng và đề xuất mức tỉ lệ lên đến 60%.

thumb-1152-1615426353.jpg

Phó Giám đốc INF miền Nam Lê Trung. Anh cũng là Trạng nguyên FPT 2019. Ảnh: Foxnews

Để đạt được mục tiêu nay, INF miền Nam đã phải thay đổi cách đầu tư hạ tầng để nâng cao hiệu quả. Anh Lê Trung - Phó Giám đốc INF miền Nam - chia sẻ từ mô hình đầu tư, triển khai dàn trải với kế hoạch dài hạn 6 tháng 1 lần, Trung tâm đã chuyển sang đầu tư, triển khai mở rộng theo đúng tình huống, thời điểm nhu cầu. “Để làm được như vậy, đội ngũ ban lãnh đạo cần phải chủ động dự đoán trước vị trí mở rộng, nâng cao năng suất nhân sự bằng nỗ lực cá nhân thực hiện OKR”, lãnh đạo trẻ phân tích.

Vận hành theo mô hình mới, Trung tâm nỗ lực số hóa toàn bộ quy trình phê duyệt đến triển khai kế hoạch đầu tư hạ tầng, phát triển bản đồ thông minh, phân tích dữ liệu hạ tầng, số hóa nghiệm thu và cập nhật data, công cụ chấm lương theo KPI… Song song đó, ban lãnh đạo cũng tạo ra phương pháp rà soát hàng tồn kho và quản lý đặt hàng vật tư để vừa đáp ứng nhanh nhu cầu triển khai, vừa không lãng phí chi phí của công ty.

Từng bước chân "đồng lòng"

dsc8249-1517382155.jpg

Anh Vũ Đức Huy (trái) - đầu tàu của Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Nam - và anh Nguyễn Mậu Nhật Khánh, GĐ FPT Telecom Huế kiêm GĐ chi nhánh Quảng Bình, trong một lần đi kiểm tra hạ tầng ở miền Trung.

Để nhận được sự tin tưởng đến vậy, ban điều hành INF miền Nam đã sát sao từ việc lên kế hoạch đến việc đồng hàng cùng anh em trong từng công tác khắc phục kỹ thuật đến đào tạo nâng cao tay nghề. Với từng chỉ tiêu công việc, nhiệm vụ được giao trong cả năm, anh Đức Huy đều “quy hoạch” thành những con số rõ ràng rồi chia nhỏ mục tiêu cần phải hoàn thành theo từng chặng: quý, tháng, tuần và ngày. Từ đó, anh phân bổ xuống các đội và cá nhân, kiên trì bám sát tiến độ thực hiện của từng nhóm để hỗ trợ giải quyết ngay khi gặp khó khăn.

Việc đào tạo nâng cao năng lực kỹ thuật cho cán bộ cũng được quan tâm sát sao. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ, việc di chuyển liên tỉnh bị “đóng băng”, đội ngũ giảng viên INF miền Nam đã bắt tay thực hiện các clip đào tạo từ xa với mong muốn vừa có thể phổ biến được nội dung, kiến thức và kinh nghiệm cho đội ngũ INF chi nhánh. Cách đào tạo này đã đảm bảo được tính trực quan sinh động, dễ theo dõi thao tác và thực hành hơn so với đọc tài liệu bằng lý thuyết.

Điển hình, video nâng tủ POP outdoor dùng mùa mưa bão và di dời POP đã được chi nhánh Hậu Giang ứng dụng thành công, di dời hoàn tất P019 thay vì phải dời cả POP tốn gần 1 tỷ đồng chi phí. Cùng với đó, các clip này cũng đã được vận dụng cho tất cả 40 Metro POP ở các tỉnh Bình Thuận, Cà Mau, Khánh Hòa, Bình Định,... và nhận được hưởng ứng tích cực của các học viên là kỹ thuật viên, kỹ sư các tỉnh.

inf5-2308-1614851218.jpg

Các clip đào tạo từ xa đã mang đếnnội dung, kiến thức và kinh nghiệm cho đội ngũ INF chi nhánh.

Không chỉ vậy, anh Huy cùng ban điều hành còn tận dụng triệt để việc khen thưởng - xử phạt qua myFPT để tạo nên động lực và tinh thần làm việc cho từng cá nhân. Người đứng đầu INF miền Nam còn cho rằng may mắn đã mỉm cười với cả đội khi “chúng tôi luôn có một tinh thần đoàn kết, máu lửa và quyết tâm”.

Trong năm 2021, khối lượng công việc dự kiến sẽ còn nhiều thách thức hơn so với 2020 khi tình hình leo thang của Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại. Anh Huy trầm ngâm: “Hy vọng trong năm nay, anh em vẫn tiếp tục duy trì tinh thần đoàn kết, sự nhiệt huyết và nỗ lực tối đa như vậy để hoàn thành tất cả các mục tiêu kế hoạch 2021. Sự đồng lòng sẽ luôn làm nên nhiều điều kỳ diệu”.

>> Anh Hoàng Nam Tiến: ‘Thử thách chính mình là khó nhất’

Hà My

Ảnh: ĐVCC

Ý kiến

()