Chúng ta

Giới trẻ mê game: Xin đừng gọi con là ‘nghiện’

Thứ hai, 7/11/2016 | 09:48 GMT+7

Các chuyên gia khuyên phụ huynh của những bạn mê game đừng gọi các em là “con nghiện” mà hãy trò chuyện và đặt ra những quy tắc “tự do trong khuôn khổ” để trẻ có thể tự chủ với sở thích của mình.

Trong buổi tọa đàm mới đây về chủ đề “Game online - Nên hay không nên chơi” do trường THPT FPT (FSchool) và Đại học trực tuyến FUNiX tổ chức đã nhận nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia, phụ huynh và học sinh tham dự.

Với khách mời của chương trình bao gồm cả đại diện nhà trường, phụ huynh, các chuyên gia về game và cả học sinh FSchool, chương trình đã tạo ra một diễn đàn mở, mang tới cái nhìn đa chiều về chủ đề game online.

Chương trình đã tạo ra một diễn đàn mở, mang tới cái nhìn đa chiều về chủ đề game online với các khách mời của chương trình là đại diện nhà trường, phụ huynh, các chuyên gia về game và cả học sinh FSchool,

Khi một số ý kiến ban đầu coi game là một “hệ lụy” của công nghệ thông tin, anh Nguyễn Đức Hoàng, giảng viên Khoa công nghệ đa phương tiện, Học viện bưu chính viễn thông và là người đang quản lý nhiều dự án công nghệ, lại cho rằng game có một sức hút đặc biệt và khơi mở cho người chơi những cảm giác hiếm có mà đời thực không có. Anh Hoàng cho biết quá trình để trở thành một người làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao như anh đã đi qua con đường game thủ chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, diễn giả này cũng thừa nhận sự ham mê game quá độ có thể dẫn đến xa rời cuộc sống thực, tốn nhiều thời gian vào việc giải trí, suy giảm thể lực, trí tuệ. Điều này làm cho nhiều bạn trẻ xa rời các mối quan hệ xã hội, thậm chí là quá nhập tâm vào những game bạo lực có thể ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi.

FSchool-4-4106-1478057343.jpg

Với các vị khách mời đầy am hiểu về game như anh Duy và anh Hoàng, học sinh FSchool cởi mở hơn và hào hứng kể về chuyện chơi game cũng như việc game online kích thích trí tưởng tượng của các em ra sao. 

Đồng tình với anh Hoàng, anh Nguyễn Khánh Duy, CEO của Tofu Games, cho rằng, nghiện game gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, mất thời gian và phản tác dụng so với mục đích ban đầu của game là để giải trí. “Nếu bạn nào chơi game để trở thành game thủ phải rất đều đặn và có khoa học, như vận động viên thể thao tập luyện điều độ. Chơi game phải vận động và các chế độ khác đi kèm, không phải là liên tục từ sáng đến chiều như mọi người vẫn nghĩ”.

Là người trong cuộc và cũng ham chơi, thích các thử thách của game như nhiều bạn đồng lứa khác, Minh Đức, học sinh lớp 10 tại FSchool, lý giải: "Phần nhiều các bạn nghiện game đều muốn chơi đến trình độ cao, vì thế gây ra cảm giác hưng phấn, muốn tập trung quá độ… ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập”. Đức cho biết em tự tiết chế và chỉ chơi game vào cuối tuần khi đã xong bài tập.

Học sinh lớp 10 FSchool Minh Đức thể hiện quan điểm cá nhân về game online.

Học sinh lớp 10 FSchool Minh Đức thể hiện quan điểm cá nhân về game online.

Tại chương trình, nhiều học sinh cho biết rất thích chơi game, trong đó có em chơi mỗi ngày một giờ nhưng cũng có người chơi 6 giờ mỗi ngày. Anh Trần Vũ Quang, Phó hiệu trưởng FSchool cho biết, trường có khá đông học sinh chơi game online, có thể chia làm ba nhóm: nhóm chơi giải trí sau giờ học, nhóm ham thích và nhóm "bị nghiện" - dành quá nhiều thời gian để sống với game.

"Chỉ cần 10 phút giải lao, nhiều học sinh cũng cố vào chơi game, tìm cách lách nội quy, bỏ bê học hành, xa rời các hoạt động tập thể để chơi game", anh Quang chia sẻ.

Khi vấn đề game “xâm lấn” học đường, câu hỏi lớn được các bậc phụ huynh tham dự và nhà trường đặc biệt quan tâm là làm thế nào để học sinh vẫn giải trí lành mạnh mà lại không ảnh hưởng xấu đến việc học.

CEO Tofu Games Nguyễn Khánh Duy rất tâm huyết với câu hỏi này. Từng trải qua giai đoạn bị game lôi cuốn, anh Duy cho rằng phụ huynh nhất thiết không nên gọi con là những “con nghiện” game vì đó là điều rất đáng sợ và nguy hại, các bạn trẻ sẽ rất dễ tâm lý phản ứng. Thay vì thế, phụ huynh hãy ngồi xuống nói chuyện với con em mình.

Anh Nguyễn Khánh Duy, CEO của Tofu Games xuống tận hàng ghế khán giả để giao lưu và hỏi các bạn trẻ về game.

Anh Nguyễn Khánh Duy, CEO của Tofu Games, xuống tận hàng ghế khán giả để giao lưu và hỏi các bạn trẻ về game.

Anh Duy còn “bày” cách thuyết phục cha mẹ cho các bạn trẻ trong khán phòng cũng chính bằng sự đối thoại thẳng thắn: “Bạn thích game nhưng ba mẹ cũng kỳ vọng nhiều vào bạn và chính bạn cũng có tương lai của mình, vì vậy hãy cân nhắc. Đối thoại với ba mẹ là quan trọng để các em hiểu ba mẹ và ba mẹ cũng sẽ hiểu thêm về game. Các em hãy chủ động nói chuyện, hiểu ba mẹ mình và học tập tốt. Vì cuối cùng game cũng là một cách giải trí, dùng đúng chừng mực và không làm ảnh hưởng đến mọi người sẽ là có lợi”.

Ở góc nhìn từ bậc phụ huynh, ông Hà Phương, Phó chủ tịch Hội cha mẹ học sinh trường FSchool, kể, con trai mình thích chơi game từ năm lớp 8. Thời gian đầu cậu bé giấu bố mẹ nên hai vợ chồng phải rình rập ngăn cấm, quản thúc, nhắc nhở rất mệt mỏi.

Chủ đề về game online nhanh chóng thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các phụ huynh FSchool.

Chủ đề về game online nhanh chóng thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các phụ huynh FSchool.

Sau nhiều lần trao đổi trực tiếp, đến lớp 10, nam sinh đã tự giác hơn và bắt đầu kiểm soát được, không để game ảnh hưởng đến học tập. Thấy con chơi game nhưng vẫn học tốt và có ý thức nên ông không còn quá gay gắt và đặt ra quy định, trong tuần cậu bé sẽ tập trung việc học và đến cuối tuần thoải mái chơi game. “Nếu các con chứng minh được với ba mẹ và thầy cô rằng mình tự chủ khi chơi game và không ảnh hưởng đến các mục tiêu tương lai của mình, thì phụ huynh sẽ tôn trọng lựa chọn của con và không kiểm soát nữa”, ông Phương nói.

Tọa đàm “Game Online - Nên hay không nên chơi” là một phần trong chương trình Công dân số của trường THPT FPT kết hợp với Đại học trực tuyến FUNiX, nhằm cung cấp cho học sinh kiến thức và kỹ năng sử dụng các công cụ trên Internet, kiểm soát hành vi khi đang online…

Khách mời tham gia chương trình gồm có anh Trần Vũ Quang, Phó hiệu trưởng trường THPT FPT (FSchool); anh Nguyễn Khánh Duy, Tổng giám đốc điều hành Tofu Games, từng làm Giám đốc công nghệ tại Tinhvan Telecom; anh Nguyễn Đức Hoàng, Trưởng phòng RAD Viện Công nghệ CDIT, giảng viên Học viện Bưu chính viễn thông; anh Tạ Hà Phương, đại diện phụ huynh FSchool; và Lê Ngọc Minh Đức, học sinh lớp 10A2 FSchool.

Ngọc Dung (tổng hợp)

Ý kiến

()