Chúng ta

Giáo sư Chu Hảo: 'Giáo dục khai phóng giúp nuôi dưỡng khát vọng'

Chủ nhật, 15/3/2015 | 17:07 GMT+7

"Giáo dục khai phóng coi sinh viên là công dân đi học, giảng viên phải tôn trọng quyền biểu đạt ý kiến và sự khác biệt của từng sinh viên", GS. Chu Hảo chia sẻ về nét đặc trưng trong phương pháp giáo dục mới.

Giáo dục khai phóng còn khá mới mẻ tại Việt Nam. ĐH Phan Chu Trinh, Hội An, Quảng Nam, nơi Giáo sư Vật lý Chu Hảo đang công tác, là trường đại học tiên phong áp dụng. Người tâm huyết và ủng hộ tư tưởng giáo dục khai phóng đã chia sẻ với CBNV và giảng viên về chủ đề này vào sáng ngày 14/3, tại sảnh tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội. Vốn là nhà giáo dục với nhiều tư tưởng cấp tiến, buổi nói chuyện của giáo sư nhận được sự quan tâm đông đảo của CBNV Khối Giáo dục FPT (FE). Khi chương trình bắt đầu, các hàng ghế cũng vừa kín chỗ.

DSC-0572-620_1426308616.jpg

Đông đảo người FE tham gia Edutalk để cùng thảo luận về phương pháp giáo dục mới.

Giáo sư bắt đầu bài phát biểu của mình không đao to búa lớn, cũng không dùng từ hoa mỹ. Nhà giáo dục với nhiều tư tưởng cấp tiến lựa chọn cách bàn luận thẳng thắn, trực tiếp đi đúng trọng tâm vấn đề.

Theo Giáo sư Chu Hảo, giáo dục khai phóng là phương pháp được thiết kế để nuôi dưỡng khát vọng của sinh viên trong học tập, tư duy, đặc biệt là tư duy phản biện trong giao tiếp cơ bản, cho họ được thực hành với vai trò là một công dân. Chương trình đào tạo linh hoạt cho phép sinh viên được lựa chọn môn học phù hợp trong khuôn khổ bộ môn cần thiết cho chuyên ngành. Phương pháp này phải đảm bảo thầy được tiếp xúc, trao đổi, đối thoại với sinh viên.

"Triết lý của giáo dục khai phóng coi con người là trung tâm đào tạo, con người được tự do trong tư tưởng, tự chủ về hành vi, có trí tuệ và hiểu biết rộng rãi về nhiều lĩnh vực", giáo sư khẳng định.

Nhìn lại nền giáo dục hiện tại của Việt Nam, mục tiêu của đầu ra là biến con người thành công cụ lao động. Giáo dục khai phóng hướng lại chú trọng giáo dục nhân cách, giúp con người tạo ra giá trị văn minh, giúp họ trở thành một công dân có ích, tự do chứ không phải là công cụ lao động.

DSC-0585-620_1426308616.jpg

Hiện Giáo sư Chu Hảo là Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức và Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh.

Không phải ngẫu nhiên phương pháp giáo dục khai phóng ra đời, nó được xuất phát ý tưởng từ sự thay đổi của xã hội. Hiện nay, thời đại công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, con người được tiếp cận kho dữ liệu mênh mông, các bài giảng được số hóa và mọi người có thể tiếp cận được. Tư duy nghiên cứu cũng được thay đổi cơ bản, chuyển từ tư duy hệ thống sang tư duy phức hợp. "Tư duy phức hợp giống như một tấm thảm dệt với sợi ngang dọc, chéo gắn kết, đan xen thành một khối thống nhất, vì vậy khi nghiên cứu phải nghiên cứu liên ngành, xuyên ngành chứ không chỉ nhìn vấn đề trên tổng thể thống nhất", giáo sư cắt nghĩa. Cộng thêm, giá trị của giáo dục đại học cũng dần thay đổi, nó không biến con người thành công cụ lao động mà theo nhu cầu tự thân người học. Vì vậy, một phương pháp giáo dục "vô vị lợi" (không vì lợi ích kinh tế) - giáo dục khai phóng - ra đời trong hoàn cảnh đó.

Tuy nhiên, giáo sư cũng nhấn mạnh nhiều lần rằng, giáo dục khai phóng ra đời là một nhánh mới tồn tại song song "lấp chỗ trống" giúp hoàn thiện hơn giáo dục truyền thống đang khuyết chứ không phủ định giá trị cũ. "Giáo dục khai phóng không né tránh quan điểm đối lập, cái gì không giống mình không phải là xấu, vì mỗi người đều có lý lẽ riêng của mình", diễn giả khẳng định.

Và lý thuyết đó không chỉ dừng lại trên quan điểm, tâm huyết của nhà giáo dục lớn đang được hiện thực hóa ở trường ĐH Phan Chu Trinh. Đây cũng là trường đầu tiên ở Việt Nam áp dụng phương pháp giáo dục mới này với mục tiêu bồi đắp nền tảng văn hóa chung giúp sinh viên có nhân sinh quan, thế giới quan vững vàng trong thế giới đầy biến động, biết đồng cảm với nhân loại và dung nạp sự khác biệt, có ý thức công dân trách nhiệm với xã hội. Quan trọng nhất, sinh viên sẽ được phát triển kỹ năng tư duy phản biện để giải quyết vấn đề gặp phải trong cuộc sống.

Để thực hiện mục tiêu trên, Giáo sư Chu Hảo cho rằng, chương trình giáo dục tổng quát phải được lựa chọn chu đáo, giảng dạy đối thoại được chú trọng, giáo dục thể chất và hoạt động ngoại khóa cũng đưa vào chương trình giảng dạy.

DSC-0589-620_1426308616.jpg

Nhiều giáo viên của trường cho rằng, phần nào tinh hoa của giáo dục khai phóng đang được áp dụng trong giảng dạy bậc đại học.

Tuy ĐH FPT chưa theo tư tưởng giáo dục khai phóng, nhưng nhiều CBNV và giáo viên của trường cho rằng, phần nào tinh hoa của tư tưởng này đang được áp dụng trong giảng dạy bậc đại học. Chính vì thế, cuộc trao đổi thảo luận giữa diễn giả và người nghe trở nên sôi nổi hơn. Những vấn đề từ phương pháp cụ thể, tính ứng dụng, xứ mệnh, tương lai phát triển... của mô hình này đều được đem ra bàn luận.

Lần đầu tiên tham gia hội thảo Edutalk, anh Đoàn Văn Long, phòng Xuất bản, ĐH FPT, rất ấn tượng với quan điểm giáo dục nhân cách con người, lấy con người là nền tảng, trung tâm của đào tạo. Bởi theo anh, trong xã hội hiện tại, ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, nhân cách sống cũng là giá trị gia tăng của mỗi người.

Anh Long chia sẻ: "Giáo dục khai phóng là chủ đề rất mới và hay cần được người làm giáo dục mổ xẻ và tìm hiểu. Giúp người làm về giáo dục đào tạo được tiếp cận, nắm bắt xu hướng, cách thức mới là giá trị mà hội thảo Edutalk do ĐH FPT đem lại".

DSC-0595-620_1426308616.jpg

Không chỉ CBNV FE mà nhiều nhà nghiên cứu giáo dục cũng đã có mặt tại Edutalk. Anh Nguyễn Xuân Hiểu, thành viên nhóm Cánh buồm, cho biết, anh tham gia đến chương trình theo lời giới thiệu của CBNV FE. Tại chương trình, anh lắng nghe chăm chú và ghi chép cẩn thận từng chia sẻ của GS. Chu Hảo. "Nhóm Cánh buồm cũng đang hướng đến cách thức đào tạo mới ở tiểu học, vì vậy tôi rất muốn nghe thêm nhà giáo dục Việt Nam chia sẻ về phương pháp đào tạo mới ở bậc đại học. Tôi tâm đắc với quan điểm đào tạo con người tự do, phát triển nhân cách chứ không chỉ đáp ứng yêu cầu về chuyên môn thuần túy. Tôi nghĩ đó là điều mà con người hiện đại cần trau dồi thêm và giáo dục khai phóng đang đi tiên phong để bồi đắp điều này cho thế hệ tương lai".

FPT Edutalk là chuỗi hội thảo do ĐH FPT tổ chức hằng tháng. ĐH FPT mong muốn tạo ra một diễn đàn cởi mở để những người quan tâm có thể bàn luận các vấn đề nóng hổi của ngành giáo dục hiện nay. 

Trong số đầu tiên diễn ra chiều ngày 22/1, tại sảnh tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, buổi Edutalk có chủ đề "CDIO và sự hòa nhập quốc tế của giáo dục". CDIO có mục tiêu là tích hợp kỹ năng và kiến thức trong quá trình giảng dạy, tạo ra không gian thực hành hiện đại cho sinh viên, đề cao phương pháp học qua trải nghiệm thực tế và cải tiến liên tục.

Lưu Vân

Ý kiến

()