Chúng ta

‘FPT cho tôi cơ hội sửa sai’

Thứ tư, 17/4/2013 | 19:56 GMT+7

Vấp thất bại và tiêu tốn của tập đoàn hàng triệu USD, những tưởng sẽ khép lại với anh Phạm Thành Đức, TGĐ FPT Retail, và Hoàng Việt Anh, Giám đốc Đơn vị phần mềm chiến lược số 1 thuộc FPT Software. Nhưng chỉ cần một cơ hội sửa sai, hai anh đã chuyển bại thành thắng.
> Sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân ‘chat với CEO’ FPT

Anh Hoàng Việt Anh còn nhớ như in năm 2010, sau 10 năm xuất khẩu phần mềm thành công, anh có cơ hội làm việc với một ngân hàng thuộc top 25 toàn cầu. Đồng thời anh được công ty giao nhiệm vụ thành lập nhà máy Notes Compete (Global Notes Compete) với 350 lập trình viên, xây dựng sản phẩm cho các công ty lớn trên thế giới.

Trái với hăm hở lúc đầu, một năm sau anh bị khủng hoảng bởi trong một thời gian nhà máy không có sản phẩm. Thất bại có “giá” 2 triệu USD của Hoàng Việt Anh khiến lãnh đạo FPT Software triệu tập cuộc họp gấp, với thông điệp “tồn tại hay không tồn tại” và nếu giữ lại sẽ làm như thế nào.

Từ trái qua phải anh Hoàng Việt Anh, Phạm Thành Đức và Đinh Tiến Dũng giao lưu với sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Lâm Thao.

Từ trái qua: Anh Hoàng Việt Anh, Phạm Thành Đức và MC Đinh Tiến Dũng giao lưu với sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Lâm Thao.

Quyết tâm làm lại của anh Việt Anh được lãnh đạo FPT tin tưởng, trao thêm một cơ hội sửa sai. Anh đã tận dụng triệt để cơ hội này để khiến “gió đổi chiều”. Sau 2 năm, anh cùng cộng sự không chỉ thu về số tiền đầu tư mà còn tăng mức doanh thu lên gấp 5 lần.

Con đường đến thành công của TGĐ FPT Retail Phạm Thành Đức cũng không trải hoa hồng. Năm 2006, anh được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ phát triển game online, sau khi thấy những mảng công việc mà anh Đức chạm tay vào đều thành công.

Nhưng lần thử nghiệm này của anh đã nhận kết quả cay đắng - lỗ 1 triệu USD sau 9 tháng triển khai. Có cơ hội làm lại, anh đặt quyết tâm sẽ đi bất cứ đâu để tìm bí quyết. Vận may đã mỉm cười khi anh tìm thấy game Thiên Long Bát Bộ. Game này được đánh giá thành công nhất cho FPT Online trong vài năm gần đây.

Từ bài học thất bại này, hai anh rút ra, thành công chỉ đến khi biết học và rút kinh nghiệm từ thất bại. Một yếu tố khác quan trọng không kém chính là môi trường làm việc. “Chúng tôi cũng không rõ nếu ở công ty khác mình có cơ hội làm lại lần thứ hai hay không. FPT đã cho chúng tôi niềm tin lớn là nơi sẽ luôn tạo điều kiện cho mọi người cơ hội và nắm bắt được để thành công”, anh Đức chia sẻ.

Chính những lần “ngã đau” đấy đã cho hai lãnh đạo trẻ của FPT nhiều bài học, để rồi sau đó họ lại trưởng thành hơn. Hiện tại, Hoàng Việt Anh quản lý gần 1.500 người, hoạt động tại thị trường Mỹ, châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản). Doanh số đơn vị chiếm 37% doanh số của toàn FPT Software.

Hội trường ĐH Kinh tế Quốc dân chật kín, nhiều sinh viên phải đứng hoặc ngồi xuống đất để theo dõi. Ảnh: Lâm Thao.

Hội trường ĐH Kinh tế Quốc dân chật kín, nhiều sinh viên phải đứng hoặc ngồi xuống đất để theo dõi. Ảnh: Lâm Thao.

Còn Phạm Thành Đức, chỉ trong một năm nhận nhiệm vụ tại FPT Retail, số cửa hàng anh mở mới đã gấp 3 lần số shop mà FPT phát triển trong 5 năm trước. FPT Retail hiện có 67 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.

Câu chuyện rất thực tế của hai CEO trẻ đến từ FPT đã thu hút sự quan tâm của hàng nghìn sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân và các trường lân cận. Trước khi chương trình diễn ra, hội trường với sức chứa 600 người chật kín, nhiều sinh viên đã đứng, ngồi dọc lối đi, thậm chí đứng ở ngoài hành lang để theo dõi chương trình. Ước tính có khoảng 1.200 sinh viên có mặt tại buổi giao lưu này.

Anh Nguyễn Hoàng Hà, Phó Trưởng Phòng công tác sinh viên, Bí thư Đoàn trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết, cách đây 3 năm, anh Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch ĐH FPT, đã có buổi chia sẻ với sinh viên của trường. “Không khí lúc đó cũng nóng, nhưng chưa như hôm nay. Chương trình này có sức hút đặc biệt”, anh nói.

Không chỉ háo hức với câu chuyện của những người anh lớn, các sinh viên còn thích thú khi có sự góp mặt của Giáo sư Xoay Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT, trong vai trò MC. Lối dẫn tự nhiên, hóm hỉnh và thông minh của anh khiến mọi người cởi mở, gần gũi với nhau hơn, do đó giữ được bầu không khí thoái mái trong suốt 3 giờ chương trình diễn ra.

Các CEO ngoài việc kể về con đường, định hướng nghề nghiệp đã dành thời gian để chia sẻ kinh nghiệm, truyền đạt kỹ năng mềm, thậm chí trả lời những câu hỏi hồn nhiên của sinh viên.

Hào hứng tham gia đặt câu hỏi và tham gia trò chơi. Ảnh: Lâm Thao.

Hào hứng đặt câu hỏi và tham gia trò chơi. Ảnh: Lâm Thao.

Hầu hết sự quan tâm của các sinh viên đều xoáy vào tiêu chuẩn tuyển dụng và bí quyết rèn kỹ năng mềm. Anh Đức và Việt Anh đã tận tâm giải đáp các băn khoăn này.

Theo anh Việt Anh, ấn tượng của anh trong vai trò nhà tuyển dụng là đánh giá kỹ năng mềm của ứng viên như biết trình bày, lắng nghe chia sẻ, nhất là đối với những người sẽ đi onsite.

Lời khuyên của anh Đức đối với sinh viên khi đi ứng tuyển là phải hiểu rõ nhà tuyển dụng muốn gì. “Tôi làm các dịch vụ liên quan đến khách hàng đại chúng, yêu cầu của tôi là khả năng quản lý con người của ứng viên”.

Về kỹ năng mềm, cả hai CEO đều cho rằng, việc tự tin, chủ động không phải tự nhiên mà có nên phải rèn luyện, gian khó mà thành.

Hai lãnh đạo trẻ của FPT đôi lúc cũng bất ngờ với câu hỏi vừa mang tính riêng tư và gần như một lời khuyên cho các bạn trẻ là “có nên yêu thời sinh viên”. Trước những chia sẻ thật thà về mối tình đầu cũng là tình cuối của anh Đức, tất cả hội trường đều cười sảng khoái.

Sinh viên hào hứng đặt câu hỏi cho CEO FPT. Ảnh: Lâm Thao.

Sinh viên hào hứng đặt câu hỏi cho CEO FPT. Ảnh: Lâm Thao.

Không khí vui vẻ tiếp tục được tăng nhiệt khi chương trình bước sang phần trò chơi “Ai thông minh hơn CEO” giữa lãnh đạo FPT và sinh viên. Tuy không phân được thắng bại sau 20 câu hỏi, nhưng việc giao lưu này khiến mọi người cảm thấy thân thiết với nhau hơn.

“Chương trình thật thú vị, em rất thích. Các anh chia sẻ rất cởi mở”, Đặng Thị Yến cho biết. Qua chương trình này, cô sinh viên năm thứ nhất của ĐH Kinh tế Quốc dân đã biết nhiều hơn về FPT và khẳng định “sẽ tìm cơ hội để về FPT làm việc”.

Sinh viên Phạm Văn Phong cũng cảm thấy rất hài lòng về quyết định tham gia chương trình của mình. Bau đầu đến với FPT Leader Talk - Chat với CEO chỉ vì tò mò, thì nay Phong đã có thêm nhiều thông tin.

Theo dõi chương trình từ đầu đến cuối, sinh viên Đặng Thu Hằng hào hứng: “Nội dung chương trình thú vị và bổ ích. Nó khiến em rút ra được bài học về thành công và khởi nghiệp”. Hằng cũng thổ lộ em muốn về FPT làm việc và trở thành cộng sự của anh Hoàng Việt Anh.

Đỗ Thị Thu Hà, sinh viên Học viện Tài chính, vẫn hồ hởi tham gia buổi giao lưu dù em không phải là sinh viên của ĐH Kinh tế Quốc dân. Hà đánh giá chương trình sát với mong muốn của sinh viên và rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm.

“Chương trình là ý tưởng của Ban Nhân sự FPT và tôi đánh giá đây không phải là buổi nói chuyện hình thức. Bởi qua buổi giao lưu trực tiếp với CEO, các em sẽ có định hướng nghề nghiệp tốt hơn. Tôi thấy nhiều sinh viên đã gặp trực tiếp các anh chị ở bộ phận tuyển dụng của FPT để đặt vấn đề về cơ hội việc làm”, bà Trịnh Minh Châu, Ủy viên Ban thường vụ Đoàn trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết.

Đại diện trường ĐH Kinh tế Quốc dân mong muốn, sẽ có nhiều chương trình như thế này giữa hai bên hơn. “FPT là đơn vị có sức ảnh hưởng lớn với sinh viên. Hội trường có sức chứa 600 người nhưng có tới 1.200 sinh viên tham gia. Việc này không phải là trường truyền thông tốt mà đơn giản đó là thương hiệu của FPT”, bà Châu khẳng định.

Triệu Mẫn

Ý kiến

()