Chúng ta

ĐH FPT Cần Thơ đúc trống đồng với khát vọng trường tồn

Thứ tư, 27/6/2018 | 16:52 GMT+7

Bằng việc đặt trống đồng, ĐH FPT Cần Thơ nối tiếp truyền thống của ĐH FPT, mong muốn phát triển và trường tồn. 

Lễ Chập lò - Nhập linh - Đúc trống đồng ĐH FPT Cần Thơ diễn ra ngày 25/6 tại Quảng Xương, Thanh Hóa với sự tham dự của anh Lê Trường Tùng - Chủ tịch ĐH FPT, anh Nguyễn Khắc Thành - Hiệu trưởng ĐH FPT HN, anh Nguyễn Xuân Phong - Hiệu trưởng ĐH FPT Cần Thơ và ban lãnh đạo thuộc hệ thống giáo dục FPT, ĐH FPT Cần Thơ. 

Ý tưởng đúc trống đồng cho ĐH FPT do anh Lê Trường Tùng khởi xướng năm 2012. Đây là biểu tượng linh thiêng sẽ đồng hành, trường tồn cùng với sự phát triển của ĐH FPT. 

Trong-dong-9267-1530089322.jpg

Lễ Chập lọ - Nhập Linh - Đúc trống đồng ĐH FPT Cần Thơ có sự tham dự của toàn bộ ban lãnh đạo hệ thống ĐH FPT và ĐH FPT Cần Thơ. Ảnh: ĐH FPT Cần Thơ. 

Anh Nguyễn Xuân Phong, Hiệu trưởng ĐH FPT Cần Thơ, nhấn mạnh: “Đặt trống đồng, ĐH FPT Cần Thơ nối tiếp truyền thống nhà trường, mong muốn phát triển và trường tồn. Trống là điểm nhấn của trường, cũng là nghi lễ để đón các đoàn khách quan trọng tới thăm, là nơi để sinh viên xoa linh vật Cóc của trường để cầu may trong mỗi mùa thi”.

Chiếc trống đồng của ĐH FPT Cần Thơ được đúc mô phỏng theo hình dáng và hoạ tiết hoa văn của trống đồng Hy Cương. Bản gốc hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương thuộc khu di tích lịch sử Đền Hùng. Đây là chiếc trống đồng đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Trống thuộc loại Hê gơ 1, có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm, được phát tích vào ngày 5/8/1990 tại xã Hy Cương huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. 

trong-dong-2-1337-1530089322.jpg

Chân trống đồng có dòng chữ ĐH FPT Cần Thơ. Ảnh: ĐH FPT Cần Thơ. 

Trống đồng có đường kính mặt trống 130 cm. Chiều cao thân trống tính cả cóc dài 105 cm, trọng lượng 450 kg. Trên mặt trống thể hiện rất nhiều vành hoa văn hình học, hoa văn hình người cách điệu tinh xảo và một vành chim lạc bay ngược chiều kim đồng hồ. Chính giữa mặt trống là một ngôi sao 16 cánh, sát mép ngoài của mặt trống có bốn tượng cóc nổi được trang trí hoa văn tinh xảo. Thân trống cũng được khắc hoạ rất nhiều vành hoa văn hình học và có 6 thuyền người được đúc với công nghệ hoa văn chìm nổi, miêu tả cảnh sinh hoạt của cư dân việt cổ. 4 đôi quai được chia đối xứng xung quanh thân trống và được khắc hoa văn bện thừng. Chân trống cũng được trang trí một vành hoa văn trám cùng logo và dòng chữ riêng biệt của ĐH FPT Cần Thơ.

Trống của ĐH FPT Cần Thơ do nghệ nhân ưu tú Nguyễn Minh Tuấn, một trong 2 nghệ nhân ưu tú nghề đồng của Thanh Hóa đúc. Nghệ nhân Nguyễn Minh Tuấn đang sở hữu nhiều kỷ lục Guiness của Việt Nam về trống đồng, trong đó có kỷ lục về dàn trống đồng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.

Dự kiến vào ngày 31/7, chiếc trống đồng sẽ được rước về đến Cần Thơ cho Lễ khánh thành cơ sở vào 10/8. Nhà trường sẽ tổ chức Lễ nhập trống trang trọng. 

e11-1424591257-660x0-1771-1530095915.jpg

Ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh trống đồng khai xuân khi đến thăm ĐH FPT đầu năm 2015. Ảnh tư liệu.

Đây là chiếc trống đồng thứ hai của ĐH FPT. Trống đầu tiên được đặt ở ĐH FPT ở Hòa Lạc. Các đoàn khách đến thăm trường thường được giới thiệu trước khi mời đánh trống.

>> Chị Trương Thanh Thanh phá kỷ lục 'Đồng phục FPT được sử dụng dài nhất'

Xuân Phương

Ý kiến

()