Chúng ta

Cảm xúc đầu thường gần gũi với những gì trái tim mình nghĩ

Thứ năm, 22/2/2007 | 11:41 GMT+7

Thật là khó diễn tả được đúng những ấn tượng về FPT, về FSOFT. Nhưng có lẽ những nhận xét hay cảm xúc ban đầu thường là gần gũi với những gì trái tim "nghĩ" nhất.

Đầu tiên là việc một cô gái vừa mới bảo vệ luận văn gọi tôi (một tên dở hơi đã ra trường cách đây ba năm) là bạn. Thằng "tôi" dễ tổn thương lập tức cảm nhận rằng ở đây người ta không phân biệt theo tuổi mà chỉ theo trình độ.

Thứ hai là hình như các chú tân binh đều ngại đeo thẻ. Có đeo thì cũng rất rụt rè, nhìn trước nhìn sau xem xung quanh mọi người có đeo không. Nhưng khi không có ai thì lại lôi ra ngắm. Tại sao nhỉ? Khát vọng dồn nén đang chờ được bung ra. Tôi cảm nhận thấy điều này rất rõ, bởi hôm nay phát thẻ hồng (hình như là cấp cao hơn của thẻ trắng không ảnh) thấy ai cũng sốt ruột muốn nhận thẻ của mình. Có lẽ do đeo thẻ tân binh thì không oai cho lắm thì phải. Và cũng có thể thẻ tân binh chưa tạo được cảm giác tự tin rằng mình đã là người FPT. Thực ra thì ai cũng muốn đeo thẻ, nhưng phải là thẻ xanh, treo ở cổ cơ. Vậy đấy, ở đây dường như muốn tạo cảm giác bất an cho những ai chưa thực sự tự tin, chưa thực sự hoà nhập và cả chưa thực sự tài nữa. Sự sàng lọc của FPT không chỉ ở trình độ mà còn ở khả năng hoà nhập vào văn hoá Sờ ti cô của FPT, một nền văn hoá công ty mà cái tên của nó vừa rất "baby" vừa rất "adult" (với người lớn thì họ liên tưởng đến một điều gì đó xằng bậy).

Ngày đầu bước vào, đọc văn hoá STCo, tôi thấy hình như các thành viên của FPT đang tự tâng bốc nhau. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận rằng trong nền văn hoá này chất chứa những điều thự sự hay, những câu nói thật sự tuyệt vời. Tôi cũng không nhớ chính xác cây nói này là của ai nữa - hình như anh Châu - "Những kẻ rời bỏ đội ngũ không bao giờ có lý do chính đáng...". Với tôi câu nói này thật hay bởi vì nó rất ngắn gọn, nhưng đã lý giải thật tuyệt mọi tình huống xảy ra. Quả thật, thành công như FPT thì không phải hiếm, nhưng xây dựng được nét văn hoá riêng không thể pha trộn như FPT thì là một điều không phải công ty nào cũng có thể làm được.

Càng giỏi càng khiêm tốn và nhiệt tình giúp đỡ những người đến sau, đấy là nhận xét ban đầu của tôi về những người trong FSOFT.

Tôi cũng rất ấn tượng ở tính chuyên nghiệp và khoa học trong quy trình sản xuất phần mềm tại đây. Hãy nhìn cách mà các nước như Đài Loan gây dựng được nền công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử như mainboard, chip v.v... hay ấn Độ trong công nghiệp phần mềm. Hàng ngày ngồi làm việc trước máy vi tính, đâu biết rằng những bộ phận phức tạp trong đó được những người lao động bình thường làm ra. Họ gây dựng được một quy trình sản xuất phân định rạch ròi, chính xác, cụ thể đến mức người lao động phổ thông cũng có thể tham gia vào quy trình sản xuất đó mà vẫn đảm bảo chất lượng. Có như vậy mới tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, đất nước mới thịnh vượng được. Mong ước rằng, một ngày không xa những người lao động phổ thông tại Việt Nam có thể tham gia "coding" cho những dự án phần mềm do FPT phát triển. Điều này theo tôi cũng là một sứ mệnh mà FSOFT nên theo đuổi hay chí ít cũng là góp phần.
Cảm nhận cuối cùng là mình cần phải chứng tỏ qua những hành động cụ thể.

Ý kiến

()