Chúng ta
Thứ sáu, 2/7/2021 | 10:09 GMT+7

Thanh xuân liều lĩnh ở Bangladesh

Những dòng ký ức viết vội, những cảm xúc còn ướt đẫm trong tâm trí và những câu chuyện về một thời trai trẻ cùng dự án toàn cầu hóa triệu đô ở đất nước Nam Á. 

Thanh xuân liều lĩnh ở Bangladesh

Những dòng ký ức viết vội, những cảm xúc còn ướt đẫm trong tâm trí và những câu chuyện về một thời trai trẻ cùng dự án toàn cầu hóa triệu đô ở đất nước Nam Á. 

Dhaka mùa này thường bắt đầu ngày mới bằng những cơn mưa rả rích, nhiệt độ mát mẻ dần sau đôi tháng nóng nực. Rảo bước chân ung dung, Nguyễn Trí Trung - Quản trị dự án hệ thống Quản lý thuế IVAS - vẫn đang “tận hưởng” trọn vẹn 45 phút thư thả mỗi ngày trên quãng đường đi bộ tới văn phòng của Dự án IVAS. Những bước chân “tận hưởng” này, đã kiên trì như vậy hơn 5 năm nay, mặc nắng nóng, mặc rét mướt, mặc mưa giông và mặc cả Covid-19.

Tháng 1 năm 2016

Trí Trung đứng giữa sân bay Nội Bài với tấm vé bay tới Dhaka trong tay, vào những ngày tháng Chạp dần gõ cửa. Ngồi lặng mình trên băng ghế chờ, Trung tự hỏi: “Liệu mình có quá liều lĩnh?”

Chỉ cách có vài tuần trước, khi được anh Chu Khánh Hoà - Phó tổng Giám đốc FPT IS FPS gọi vào phòng để “trao đổi chút chuyện riêng”, Trung đã không khỏi ngỡ ngàng khi anh Hòa đề cập về dự định tương lai một năm tới đây tại đất nước Nam Á đầy lạ lẫm. “Mình không bao giờ nghĩ rằng mình đủ giỏi để có thể tham gia một dự án với vốn đầu tư lên tới gần 34 triệu đô, ở một đất nước khá xa lạ như thế” - Trung tâm sự.

Trung đang băn khoăn, bước chậm chậm dọc theo hành lang văn phòng FPT IS lúc ấy với những suy tư rối bời thì anh Trần Phong Lãm - Tổng Giám đốc FPT IS FPS bước đến: “Anh Hoà gặp em chưa?” – “Dạ rồi” – “Thế quyết định thôi, suy nghĩ gì nữa”- anh Lãm kích động.

Câu nói ấy như động lực thúc đẩy mạnh mẽ sau cùng khiến Trí Trung như “bừng tỉnh” và một lần trong đời bước đi thật “liều lĩnh để thử thách bản thân”. Máy bay cất cánh, Dhaka đang chờ đón một chàng trai trẻ với nhiệt huyết thanh xuân.

Nhưng tại thời điểm đó, anh Hoà, anh Lãm và ngay cả toàn thể ban lãnh đạo đơn vị hay Trí Trung vẫn nghĩ đoạn đường với IVAS chỉ là 1 - 2 năm, chứ chẳng phải 5 năm như thực tế.

Những tháng ngày quay chậm

“Tiếng Anh của mình chắc cũng không đến nỗi tệ, nhưng tiếng Anh với ngữ điệu Ấn Độ mà người ở Bangladesh sử dụng thì như một "ngoại ngữ khác" với tất cả anh em vậy” - Trung hào hứng kể về những tháng ngày đầu tiên hoà nhập văn hoá.

Giao thông tại Bangladesh đi theo làn bên trái, một tuần mới bắt đầu từ chủ nhật, ngày làm việc từ 9 giờ sáng, đồng ý thì sẽ lắc đầu, thịt lợn là thứ thực phẩm chẳng hề dễ mua,… Tất cả những câu chuyện văn hoá thú vị này khiến Trung cùng team dự án IVAS mất rất nhiều thời gian để làm quen nhưng cũng đem đến nhiều thú vị. 

“Quan điểm của mình không phải là chỉ đi làm việc mà là sinh sống tại nơi đây. Vì vậy mình đã trải nghiệm cuộc sống một cách tích cực nhất” - Trung chia sẻ.

Có lẽ đó cũng chính là lý do mà Trí Trung chọn đi bộ 5 km mỗi ngày đến văn phòng. Từng khoảnh khắc đô thị, từng thói quen sinh hoạt, từng cảnh quan phố xá, cứ thế mỗi ngày được lưu lại trong tâm trí của Trung. Đây cũng là khoảng thời gian ít ỏi mỗi ngày để Trung chụp những tấm ảnh của riêng mình, để anh cân bằng sau những giờ làm việc đầy căng thẳng.

Không chỉ vậy, Trung còn cùng anh em trong dự án thường xuyên tụ tập nấu nướng các món ăn Việt Nam và Bangladesh, cùng hàn huyên hay tổ chức những buổi team building nho nhỏ để gắn kết mọi người.

“Anh Béo thực sự đã mang đến sự kết nối cho tất cả mọi người trong nhà chung. Mỗi ngày tỉnh dậy mà không nghe tiếng anh véo von, bâng quơ đôi câu thì sẽ cảm thấy buồn và vô vị lắm”, chị Trương Thị Viên - nhân sự của IVAS tâm tình.

Tháng 3 năm 2017

Trí Trung sẽ chẳng bao giờ có thể quên những ngày đầu hè oi ả ấy, khi sau hơn một năm dốc sức, IVAS đã chính thức hoàn thành phân hệ đầu tiên. Câu chuyện về bài toán nghiệp vụ thuế đầy khác biệt tại Bangladesh đã trở thành trở ngại không nhỏ trong suốt một năm đầu với Trung và các cộng sự, dù kinh nghiệm triển khai các chuyên môn liên quan đến thuế của nhà Hệ thống tại thị trường Việt Nam đã thuộc dạng “có tiếng”. Khác cách làm, khác hệ thống luật, khác cả ngôn ngữ... những rào cản cứ như đua nhau giương khắp chặng đường của Trung.

Hơn nữa, là một dự án toàn cầu hoá với vốn đầu tư từ Ngân hàng Thế giới dành cho một nước đang phát triển, IVAS có rất nhiều đơn vị tư vấn nước ngoài như: Mỹ, Anh, Úc, Canada,... Chính điều này cũng khiến các quyết định của đội dự án FPT IS bị chi phối rất lớn trong thời gian đầu mới triển khai. Tuy nhiên, sau khi các chiến binh nhà FPT chính thức cho ra mắt phân hệ đầu tiên để quản lý thuế cho nội địa vào ngày 21/3 năm 2017, đội khách hàng tại Bangladesh đã bị thuyết phục hoàn toàn. Chỉ sau 1 tháng đầu mở cửa đã có trên 80 nghìn người dân đăng kí trên hệ thống. Khi ấy, ván cờ đã được lật ngược!

Thế nhưng sau thành công ngọt ngào đó, Trí Trung lại đón nhận những “khủng hoảng” đầu tiên khiến IVAS tưởng chừng phải dừng lại. Chính phủ nước Nam Á này quyết định hoãn ban hành luật thuế mới. “Thật chẳng biết xoay sở ra sao. Dự án bị tạm dừng, chứng kiến anh em onsite dần được rút về Việt Nam mà thấy như bế tắc không lối thoát” - anh Trung hồi tưởng.

Đội dự án ban đầu lên đến 70 người với 50 người lo phần mềm, 25 - 30 người lo phần cứng. Cùng với cán bộ tại Banglades, tổng nhân sự ngót nghét 100 người. Ấy vậy mà chỉ vì một quyết định, anh em rút về gần hết, chỉ còn 4, 5 người ở lại. Nhưng không phải vì thế mà công việc dừng lại, anh em vẫn chia nhau, sát cánh, kiêm nhiệm nhiều mảng.

Trong 2 năm khắc khoải ấy, có rất nhiều hướng đi đã thay đổi, Trung cũng đứng trước rất nhiều lựa chọn như bao nhân sự khác: chuyển dự án, về Việt Nam, hoặc thậm chỉ cả chuyển công ty. Trung từng băn khoăn, từng lựa chọn, nhưng sau cùng vẫn là ở lại: “Mình không thể khẳng định sẽ đi đến cùng, cuộc đời có rất nhiều điều bất ngờ. Nhưng mình muốn đi xa nhất có thể với IVAS”.

Tháng 3 năm 2020

Chính phủ Bangladesh chính thức ra chỉ thị giới nghiêm toàn quốc vì Covid-19. FPT rút dần nhân sự về nước để đảm bảo sức khoẻ cho nhân viên. Chỉ còn Trí Trung và một công sự nữa ở lại trực chiến. Tháng 7, chuyến bay giải cứu cuối cùng những công dân của Việt Nam tại Bangladesh đã sẵn sàng đón hai nhân sự IVAS về nước. Sau nhiều đắn đo, Trung vẫn chọn ở lại, không bởi điều gì to tát, chỉ là “IVAS cần một người ở lại cùng nó”.

Đây cũng là thời gian khủng hoảng nhân sự thứ hai. Trung là người Việt Nam duy nhất, sát cánh 2 nhân sự người Bangladesh trong gần 1 năm trời. “Đôi lúc mình cũng hoảng, đôi lúc cảm thấy tinh thần lung lay. Nhưng may mắn những cộng sự Bangladesh đã giúp mình rất nhiều trong những tháng ngày này” - Trung tự hào.

Mối quan hệ gắn bó với những cộng sự Bangladesh không chỉ thể hiện ở công việc mà còn cả trong đời sống hàng ngày. Từ cách sống nơi địa phương, đường đi lối lại đến cả những lúc đau ốm, những người bạn ấy vẫn xoay sở đủ cách để có toa thuốc quý giá dành riêng cho Trung. “Có ngày sốt đến gần 40 độ và khó thở, mình không dám chia sẻ với gia đình vì sợ bố mẹ lo lắng. Chỉ có những người bạn bản địa tận tình ở bên. Họ đã trở thành người thân và Bangladesh cũng cứ thế như là quê hương thứ 2 của mình” - chàng trai trẻ đầy nghị lực thoáng chút bồi hồi.

Cùng với sự trợ giúp của đội ngũ tại Việt Nam, Trí Trung đã tạo nên những kỳ tích “vô tiền khoáng hậu” với dự án chỉ một nhân sự onsite.

Tháng 4 năm 2021

Sau quãng thời gian thanh xuân không nhỏ dành cho IVAS, giờ đây dự án đã đi đến giai đoạn cuối cùng là lập trình kiểm thử với khách hàng ở giai đoạn 3, gồm rất nhiều phân hệ phức tạp. Với đặc thù về năm tài chính khác hẳn so với Việt Nam, cứ hai năm một lần, phần lớn đội ngũ khách hàng của dự án sẽ được “thay máu”. Đây là khó khăn rất lớn cho Trí Trung và các cộng sự khi phải bắt tay vào đào tạo lại các cán bộ mới.

Cuối tháng 4, IVAS trải qua một đợt đánh giá từ đơn vị kiểm toán độc lập Deloitte do khách hàng thuê về. Là một đơn vị kiếm toán lớn và nổi tiếng kỹ tính, Deloitte đánh giá tổng thể dự án trên rất nhiều phương diện, từ quy trình chuyên môn, đáp ứng hệ thống pháp luật đến việc dễ sử dụng, thân thiện với người truy cập.

Thế nhưng, Trí Trung và các cộng sự tại FPT đã bảo vệ thành công IVAS với mức hoàn thiện của lên đến 85% cùng lời khẳng định quý giá từ Deloitte: “Dự án đã hoàn thành rất tốt đến giai đoạn này, so với lần đánh giá lần trước thì IVAS đã đi được rộng hơn, sâu hơn rất nhiều”.

5 năm, 1544 ngày onsite tại Bangladesh, 22 mốc dự án, 2 lần lùi kế hoạch triển khai luật thuế và nhiều thay đổi về nhân sự. Nếu gọi IVAS là một con thuyền thì con thuyền ấy đã vượt qua biển Đông, đi về phía Nam khám phá miền đất mới mang tên Bangladesh nhờ những thủy thủ kiên cường như Trí Trung. 

Và chính những năm tháng thanh xuân chẳng lùi bước tại đất nước Nam Á nhỏ bé ấy đã tạo nên một Trí Trung trưởng thành, đầy trải nghiệm như hôm nay: “Năm năm chẳng phải quá dài, nhưng nó là ký ức cả đời này chẳng quên được”.

Hà My

Ý kiến

()
 
Tags: