Chúng ta

Anh Nguyễn Thành Nam: 'Lúc khó khăn nhất, chúng tôi vẫn hát'

Thứ ba, 28/7/2015 | 18:05 GMT+7

"Càng lúc kinh doanh của công ty khó khăn thì các sự kiện cần tổ chức càng nhiều, sáng tạo và có sếp cổ vũ. Sức mạnh rõ rệt của tinh thần FPT sẽ được phát huy cao nhất vào những lúc này", Thành viên Hội đồng sáng lập FPT chia sẻ.

thanh-nam-2385-1438077709.jpg

Anh Nam cho rằng, văn hóa tốt sẽ làm thay đổi hình ảnh của mỗi công ty. 

Buổi chia sẻ về nội dung "Tinh thần FPT" do Trường Đào tạo Cán bộ FPT (​FCU) tổ chức thu hút khoảng 50 cán bộ Văn hóa - Đoàn thể của FPT tham gia. Được diễn ra tại tầng 13 toà nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội, sáng ngày 28/7, trước thềm lễ hội lớn nhất năm mừng sinh nhật tập đoàn (13/9), đây là dịp để cán bộ ở mặt trận văn hóa tinh thần của FPT có dịp học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm

Thành viên Hội đồng sáng lập FPT, Phó Chủ tịch ĐH FPT Nguyễn Thành Nam đã truyền lửa tinh thần cho các cán bộ Văn hóa - Đoàn thể trong buổi gặp gỡ này. Là thế hệ đầu tiên của người nhà F, các câu chuyện được anh chia sẻ dưới lăng kính STCo nhưng cũng hàm ý nhiều ý nghĩa. 

Theo anh Nam, sếp của đơn vị chính là người nắm chìa khóa giúp mở mọi cánh cửa còn đang khép. Anh Nam nêu lên một ví dụ ai cũng có thể dễ nhìn thấy, đó là việc khi công ty khó khăn, mọi chi tiêu cho hoạt động phong trào sẽ bị cắt giảm đầu tiên. Tuy nhiên, đó là quan niệm sai lầm, bởi với anh "lúc khó khăn nhất, chúng tôi vẫn hát. Càng lúc kinh doanh của công ty khó khăn thì các sự kiện cần tổ chức càng nhiều".

Anh Nam cho rằng, văn hóa tốt sẽ làm thay đổi hình ảnh của mỗi công ty. Sau khi tham gia hoạt động văn hóa tinh thần khiến CBNV sẽ tăng năng suất lao động. Trong quá trình vui chơi, mọi người có dịp gặp gỡ, giao lưu, vì thế, trong công việc cũng trở nên thuận lợi và nhanh chóng hơn. 

Ngoài yếu tố về công tác tư tưởng từ các sếp, "kỹ thuật tổ chức" của cán bộ văn hóa làm trực tiếp từng sự kiện cũng vô cùng quan trọng. Cùng với anh Nam, chị Nguyễn Ngọc Anh, nguyên cán bộ Tổng hội của FPT Software, cũng "đăng đàn" chia sẻ câu chuyện từ thực tế với nhiều chi tiết thú vị. Theo chị, nếu sếp là thủ lĩnh tinh thần thì cán bộ Văn hóa - Đoàn thể là các hạt nhân của phong trào sẽ châm ngòi nổ để "kích hoạt" sự máu lửa và nhiệt tình của mỗi anh em.

Mỗi cán bộ tổng hội cần phải tạo cho mình một dấu ấn, thu hút riêng để tập hợp được quần chúng. Chỉ cần một điểm đặc biệt khác với số đông như đẹp trai, xinh gái, tốt bụng, nhiệt tình, nhân hậu... sẽ tạo cho họ sự hấp dẫn và làm mọi người chú ý. Điều này sẽ là điểm cộng rất hữu ích khi tập hợp được các nhân tố tích cực tham gia sự kiện.

Bên cạnh đó, sự chú ý đến chi tiết và sự sáng tạo trên nền sự kiện hằng năm là điều quan trọng quyết định đến độ thu hút của mỗi chương trình. Đôi khi chỉ là lập Fanpage để warm-up, cập nhật thông tin sự kiện, một món quà nhỏ khắc tên người tham gia... cũng khiến mọi người nhớ mãi.

Đặc biệt, khâu truyền thông là cách quảng bá hữu hiệu, đặc biệt hậu sự kiện. Sau mỗi chương trình, dù tối khuya hay đêm muộn, chị Ngọc Anh cũng có thói quen gửi thư cảm ơn mọi người đã đóng góp cho chương trình. Theo chị, buổi sáng thức dậy, khi nhận được thư, mọi người sẽ cảm thấy được ghi nhận, trân trọng và có thêm động lực để tham gia sự kiện tiếp theo. 

Cách giải quyết khủng hoảng trong mỗi sự kiện cũng được các cán bộ Văn hóa FPT mang ra mổ xẻ kỹ lưỡng. Anh Thành Nam quả quyết: "Cách tổ chức sự kiện cũng giống như quản trị dự án, còn giải quyết khủng hoảng giống như xử lý rủi ro xảy ra. Khi lên kế hoạch từ trước và đưa ra kế hoạch xử lý là giảm thiểu được 30% rủi ro".

Chị Ngọc Anh chia sẻ kinh nghiệm, trước mọi sự cố cần bình tĩnh để khắc phục. Điều khắc phục khéo nhất chính là biến sự cố thành điểm nhấn. "Và khi đã cố gắng hết sức mà vẫn không thành công, hãy dũng cảm nhận lỗi và coi đó là bài học cho lần sau hoàn hảo hơn", chị nói.

Là cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong công tác phong trào, anh Lê Đình Lộc, Trưởng ban Văn hóa - Đoàn thể FPT, đưa ra ý kiến: "Ở mỗi sự kiện có sự xuất hiện của anh Trương Gia Bình, Nguyễn Thành Nam, nhạc sĩ Trương Quý Hải là hạt nhân tiềm năng để "câu giờ", thu hút, biến sự cố thành không có gì, thậm chí là điểm nhấn của chương trình".

Nghe những giải đáp và chia sẻ từ cán bộ gạo cội của FPT, ở dưới nhiều người gật gù tâm đắc. Đúng với tinh thần máu lửa của cán bộ Văn hóa - Đoàn thể, sau khi chia sẻ, anh Nam đã cất cao giọng hát bài STCo "1309" do anh Trương Quý Hải viết lời. Cả khán phòng cùng vỗ tay rần rần tán thưởng.

Theo dõi chăm chú từ đầu đến cuối, Lê Đạt, cán bộ Văn hóa - Đoàn thể FPT, cho biết: "Thông qua buổi chia sẻ, em tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm từ thực tế chứ không chỉ là lý thuyết khô cứng. Chắc chắn sau chương trình, nhiều bài học sẽ được em áp dụng vào thực tế để công việc được hiệu quả hơn".

Lưu Vân

Ý kiến

()