Chúng ta

Yêu lại từ đầu

Thứ hai, 6/8/2018 | 09:08 GMT+7

Hãy để mỗi chúng ta là một ngọn nến, ngọn nến không chỉ tự thắp sáng mà còn thắp sáng nhiều ngọn nến khác.

Cũng trong những ngày tháng này của đúng một năm trước, mình đến với FSchool Đà Nẵng trong sự ngỡ ngàng của bạn bè, người thân và biết bao học trò cũ. Sau 5 năm là viên chức, giảng dạy ở một trường công lập, 2 năm lăn lộn ở một trường tư thục có tiếng, mình đi tìm duyên mới. Vậy là, năm thứ tám của cuộc đời nhà giáo, mình mới lại ở vị trí xuất phát, lại yêu lại từ đầu.

1. Nhanh, nhanh và nhanh hơn nữa

Ngày 26/7 nộp hồ sơ. Ngày 28/7 phỏng vấn. Ngày 1/8 đi làm chính thức. Vừa cuống cuồng bàn giao công việc ở trường cũ, vừa quay cuồng với việc chuẩn bị cho lễ khai giảng khóa đầu tiên của FSC Đà Nẵng vào 2/8. Bao nhiêu những lưu luyến, bịn rịn, có cả trách cứ, hờn dỗi, có do dự cũng thoáng qua rất nhanh. Bởi bao công việc dồn dập, mình chẳng có nhiều thời gian để nghĩ ngợi.

Viết kịch bản lễ khai giảng, email mời đại biểu, chuẩn bị phát biểu của phụ huynh, của học sinh, cùng các bạn hành chính lo hậu cần…. Cuống cuồng, tấp nập, vội vã. Cả trường chỉ có 6 nhân viên và 3 giáo viên mới tuyển được một ngày. Ai cũng bận tối tăm mặt mũi. Học trò đến nhập học, phòng ốc vẫn chưa sơn xong, bụi mù mịt. Thế rồi, lễ khai giảng cũng trôi chảy. Lễ xong, thầy trò mới nhìn nhau len lén thở nhẹ. Cho đến ngày xong tuần địn hướng, thầy trò mới dám thở phào nhẹ nhõm.

Vào năm học, thi ảnh, thi viết, lễ hội, văn nghệ, Halloween, Giáng sinh, năm mới, ngày 8/3, tham quan, cắm trại.... Họp phụ huynh, họp giáo viên… Học sinh lười học, học sinh yêu đương nhăng nhít, học sinh xích mích, học sinh quay cóp… Quay cuồng trong công việc. Đến cuối năm nhìn lại, có nhiều chút tự hào vì mình đã có một năm làm việc hiệu quả.

Từ ngày đầu cho đến cuối năm học, lúc nào, người nào cũng làm việc với tốc độ chóng mặt. Nhanh, nhanh và nhanh hơn nữa…

2. Những bài học vỡ lòng

“Lên đường, cô sẽ phải lên đường” - Ngày khai giảng, sếp đã cáu mình như thế. Sợ hãi. Buồn. Ấm ức. Nhưng, kì lạ là ngay sau khi la mình, sếp lại đích thân đi sửa phần việc mình làm chưa chuẩn xác. Và hết buổi, hình như sếp không còn nhớ về lần la đấy nữa. Và bài học đầu tiên, mình phải cố gắng hoàn thành tốt nhất phần việc của mình, sếp nóng tính nhưng nếu mình làm tốt mọi việc, sếp không có cớ để la mình.

“Thưa thầy, em nghĩ là…. Thưa Thầy, em không đồng ý,….”. Hình như buổi họp nào, mình cũng là đứa hay “cãi” sếp mất. Ban đầu mình cũng nghĩ, mình sẽ “lên đường” sớm thôi, hay cãi như mình chỉ là cái gai trong mắt sếp. Nhưng không, mình để ý thấy, những góp ý hợp lý của mình, sếp đều nghe. Và mình biết, sếp không để bụng, không ghét mình.Thế nên, ở FPT, nếu cãi được sếp, cứ cãi. Cãi đi, sẽ… lên lương hoặc là… ra đường.

Mình nhớ mãi một kỉ niệm trong lần đi công tác cùng sếp. Sếp thông báo 6h45 phải có mặt ở điểm xe bus ở Tôn Thất Thuyết để lên Hòa Lạc. Hôm đó là một ngày cuối năm, Hà Nội rét căm căm. Bọn mình thì xúng xính áo dài, guốc cao. Đi, đi nhanh, rồi chạy cũng không kịp sếp. Và cuối cùng, 2 bạn trong đoàn bị bỏ lại phía sau, phải tự đi xe bus lên. Sếp giận lắm, cáu um lên. Nhưng mình biết là sếp đúng. Và từ lần ấy, bọn mình luôn cố gắng trong quá trình làm việc nhóm. Phải tuân thủ kỉ luật. Và quan trọng là, việc gì sếp (già) mà còn làm được thì mình (trẻ) nhất định sẽ làm được.

THPT-FPT-tu-lap-truong-thanh-2-3073-6057

3. Trải nghiệm, trưởng thành và hạnh phúc

Là một giáo viên, mọi người thường vất vả nhất với bài vở, soạn giáo án thế nào cho khoa học, sáng tạo; tổ chức giờ giảng thế nào cho sinh động, hấp dẫn; chấm bài, trả bài; ứng xử với phụ huynh, học sinh thế nào cho hài hòa… Giáo viên FPT ngoài chừng ấy công việc còn có một ám ảnh khác: làm hồ sơ thanh toán. Sai, sửa. Sửa lại sai. Lại sửa. Mỗi bộ hồ sơ mỗi làn công tác, mỗi lần mua sắm, đề nghị là viết bao lo lắng, bực bội, ức chế… Nhưng rồi, làm dần cũng quen, làm FPT rồi mới biết, cái gì mình cũng làm được hết.

Một năm học thôi nhưng mỗi ngày lên lớp, được tiếp xúc với những bậc tiền bối giỏi giang, tâm huyết với nghề, mình đã học hỏi được biết bao điều hay. Một chuyến công tác Hà Nội được gặp gỡ với những người FPT làm giáo dục tài năng, sáng tạo, nhiệt huyết, mình vỡ vạc được nhiều điều.

Một năm học, được làm việc với những người cộng sự tuyệt vời, luôn hỗ trợ nhau hết mình trong công việc, được sống trong tình yêu thương, kính trọng và quý mến của phụ huynh, học sinh, được tin tưởng ủng hộ để làm những điều chưa từng làm…mình thưc sự cảm thấy rất hạnh phúc.

4. Tình yêu còn mãi

Nếu được chọn lại, mình vẫn muốn được là cô giáo

Vì là cô giáo, mình được sống lại tuổi thanh xuân nhiều lần. Mỗi ngày lên lớp, mỗi thế hệ học trò, mình đều như gặp lại một phần tuổi trẻ của mình trong đó.

Vì là cô giáo, mình giàu có vô cùng. Gia tài của mình chứa đầy “tâm thư”, đầy những yêu thương, trân quý. Như hôm nay, học trò cũ nhắn tin, cô không dạy con nữa, nhưng con vẫn luôn nhớ cô và những bài giảng của cô, con mở ghi âm nghe hoài... Như tin nhắn của cậu học trò ra trường đã lâu, trong lời chúc có cả lời hứa sẽ sống tốt để cô được tự hào. Như rất nhiều những yêu thương đong đầy cất giữ trên zalo, face book,... mà chắc chắn không vàng bạc nào mua nổi.

Và nhất là vì mình đã nhận được quá nhiều yêu thương, nhiều nghĩa tình của các thầy cô giáo cũ. Nhiều đến nỗi, mình không thể làm gì khác hơn mà cảm thấy phải nối dài hành trình ấy, tiếp tục sứ mệnh của những người gieo hạt để trao gửi yêu thương. Đó là cách mình chọn để tri ân những thầy cô giáo cũ.

Cùng FSchool, mình sẽ tiếp tục hành trình vừa thú vị vừa nhiều thử thách này, chỉ cần trong tim mình mãi giữ được ngọn lửa nhiệt tình. Bởi “không thể trồng cây ở nơi thiếu ánh sáng, cũng như không thể nuôi dạy trẻ với chút ít lòng nhiệt tình”. Hãy để mỗi chúng ta là một ngọn nến, ngọn nến không chỉ tự thắp sáng mà còn thắp sáng nhiều ngọn nến khác. Đừng dập tắt ngọn nến trong tim mình, bạn nhé!

Phùng Thị Loan

FPT Education - FSchool

Ý kiến

()