Chúng ta

UBND TP Đà Nẵng thống nhất lộ trình đào tạo tiếng Nhật

Thứ năm, 9/4/2015 | 15:32 GMT+7

"Tiếng Nhật phải được đẩy mạnh đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng cho sinh viên công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để hướng tới thị trường tiềm năng Nhật Bản. FPT cần có kế hoạch hay đúng hơn là một cam kết rõ ràng về lộ trình tuyển dụng để công bố rộng rãi trên truyền thông đại chúng”, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

Chiều ngày 8/4, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì buổi làm việc giữa Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến với các trường đại học và cao đẳng cùng Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố nhằm thống nhất việc đưa tiếng Nhật vào giảng dạy.

FPT Software không chỉ "khát" nguồn nhân lực công nghệ thông tin tiếng Nhật mà còn cần những người có trình độ cao. Theo Chủ tịch FPT Software, trong số 34.000 sinh viên công nghệ thông tin trên cả nước thì chỉ có 9.000 người làm trong công ty phần mềm và 1/3 số đó đủ trình độ công tác nước ngoài. Ngoài ra, sinh viên cao đẳng rất khó đáp ứng được nhu cầu công việc.

"Để tìm được 1.000 kỹ sư cầu nối là rất khó. Cụ thể, FPT Sofware Đà Nẵng hiện có 1.400 lao động, trong đó kỹ sư cầu nối là hơn 100 người. Do đó, việc chuyển sinh viên tốt nghiệp ngoại ngữ biết tiếng Nhật sang học công nghệ thông tin chỉ đảm bảo ngắn hạn. Chưa kể, kỹ sư công nghệ thông tin của chúng ta chỉ có khoảng 3% đáp ứng được yêu cầu cho thị trường Nhật Bản. Do đó, rất mong lãnh đạo thành phố vào cuộc mạnh mẽ và có những bước đi đúng nhằm giúp sinh viên công nghệ thông tin đảm bảo năng lực cũng như  sử dụng thành thạo tiếng Nhật”, anh Hoàng Nam Tiến mong muốn.

Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, cho biết, kế hoạch đưa tiếng Nhật vào giảng dạy tại trường đại học và cao đẳng đã được lãnh đạo thành phố và FPT bàn thảo từ trước. Nhiều trường THPT như chuyên Lê Qúy Đôn cũng đã đưa tiếng Nhật vào đào tạo để làm nền móng.

DSC-0225-JPG-8468-1428545064.jpg

Điểm nhấn của buổi họp là có một cam kết lộ trình đào tạo tiếng Nhật giữa ĐH Đà Nẵng, FPT, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố và UBND thành phố Đà Nẵng. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến cùng lãnh đạo FPT City, ĐH FPT Đà Nẵng… đã đưa ra kế hoạch đào tạo cho các trường đại học và cao đẳng nhằm đảm bảo đầu ra.

“FPT đã cam kết đặt hàng, ký hợp đồng tuyển dụng nhân sự kỹ sư CNTT biết tiếng Nhật về làm việc lâu dài, mức lương và chính sách đãi ngộ đặc biệt, đơn cử chương trình 10.000 kỹ sư CNTT thông thạo tiếng Nhật. Từ nay đến năm 2020, FPT còn là đơn vị có vai trò chủ chốt mang lại nhiều cơ hội cho Đà Nẵng, trong đó, công nghiệp sản xuất phần mềm là sản phẩm mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao; sử dụng được nguồn lao động cho Đà Nẵng và miền Trung với số lượng lớn. Do đó, đưa tiếng Nhật vào đào tạo là cần thiết hơn bao giờ hết”, ông Chinh bày tỏ.

Trước những vấn đề được đưa ra, ĐH Đà Nẵng và các trường thành viên đều khẳng định sẽ đào tạo sinh viên công nghệ thông tin sử dụng thành thạo tiếng Nhật. Tuy nhiên, FPT cần có những cam kết nhất định để tạo cơ sở pháp lý. “ĐH Đà Nẵng cam kết quy trình đào tạo tiếng Nhật cho sinh viên công nghệ thông tin. Tuy nhiên, FPT cần có những tiêu chuẩn cụ thể, ví dụ như tốt nghiệp khá, giỏi… cụ thể để sinh viên phấn đấu đạt được chuẩn đầu ra. FPT cũng cần đặt hàng và các trường sẽ cam kết về đào tạo”, ông Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, bày tỏ.

Đồng quan điểm, đại diện Đại học Duy Tân cũng đề nghị FPT có những văn bản cam kết cụ thể bởi sinh viên chỉ cần đảm bảo đầu ra sẽ nỗ lực học tập. "Hiện nay, chương trình đào tạo cho phép sinh viên chọn 3 ngôn ngữ Anh, Trung và Nhật, thì ngoài tiếng Anh đa phần chọn tiếng Trung, còn Nhật ngữ chưa chọn do độ khó. Vì vậy, có chương trình hỗ trợ từ FPT, nhà trường sẽ xây dựng một kế hoạch lâu dài để đáp ứng mỗi năm bao nhiêu sinh viên cũng như đảm bảo đầu ra cho FPT”.

DSC-0276-JPG-1459-1428545064.jpg

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, yêu cầu các bên cần triển khai nhanh đề án cam kết, chậm nhất đầu tháng 5 để công bố rộng rãi trên kênh truyền thông đại chúng. Bởi đào tạo tiếng Nhật hướng tới một lớp tri thức trẻ đáp ứng năng lực phục vụ thị trường Nhật Bản cũng như trên địa bàn thành phố. 

Lắng nghe đóng góp ý kiến từ các bên, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhận định đây là cơ hội rất lớn cho thanh niên thành phố và khu vực trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ông đề nghị chính quyền can thiệp mạnh mẽ và định hướng sâu hơn, tránh để lực lượng trẻ được đào tạo theo kiểu tự phát. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo FPT, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, ĐH Đà Nẵng và thành phố lập cam kết lộ trình đào tạo trong khoảng thời gian sớm nhất. 

"Xuất phát từ FPT, tôi có thể thấy được sự hùng hậu bởi trước đây có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài và trong nước tuyển dụng cũng như đầu tư phục vụ cho người dân nhưng không lớn. Nhìn số lượng nhân viên và kế hoạch tương lai, FPT cho thấy một dự báo hết sức khả quan về phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố. Một lần nữa, tôi yêu cầu các bên soạn một bản cam kết để đào tạo tiếng Nhật ngay từ ghế THPT cho đến đại học, cao đẳng. Cam kết đó phải được 4 bên ký và chậm nhất hoàn thành vào cuối tháng 4”, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu.

Kết thúc buổi làm việc, các bên đã có những cam kết bước đầu và đi tới thống nhất lộ trình đào tạo tiếng Nhật cho sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin tại các trường đại học tại Đà Nẵng. Dự kiến đầu tháng 5, UBND thành phố này sẽ có công văn chính thức và được công bố rộng rãi trên các kênh thông tin đại chúng. 

Việt Nguyễn

Ý kiến

()