Chúng ta

Tỷ phú Marc Faber: ‘Tôi có niềm tin mạnh mẽ vào FPT’

Thứ sáu, 20/6/2014 | 15:46 GMT+7

“Nếu là nhà đầu tư lớn, tôi sẽ chọn FPT. Tôi có niềm tin mạnh mẽ vào tập đoàn này”, Chủ tịch Indochina Capital khẳng định tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 (VIF) được tổ chức chiều ngày 19/6 ở TP HCM.
> FPT mua công ty công nghệ thông tin tại châu Âu

Sau phần trình bày của ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Diễn đàn bước vào phiên thảo luận buổi chiều với chủ đề “Sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi và cơ hội nào cho Việt Nam?

Các diễn giả gồm ông Marc Faber - Chủ tịch Indochina Capital, ông Don Lam - TGĐ VinaCapital, ông Thomas Hugger - CEO Asia Fontier Capital (AFC), ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Đầu tư nước ngoài và TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc. Phiên thảo luận do ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, điều phối. FPT là doanh nghiệp trong nước duy nhất được có đại diện tham dự.

d

Hơn 300 khách mời thuộc lãnh đạo các bộ ngành, doanh nhân, giới đầu tư quốc tế và Việt Nam đã tham gia sự kiện tại White Palace, TP HCM.

“Marc Faber, ông nghĩ trong vòng 6-7 tháng tới có nên đầu tư vào Việt Nam?”, ông Andy Ho mở đầu phiên thảo luận bằng câu hỏi cho "nhà tiên tri" có biệt danh “Mr. Doom”.

“Nếu là nhà đầu tư lớn, tôi sẽ chọn FPT. Tôi có niềm tin mạnh mẽ vào tập đoàn này cũng như nhiều công ty khác ở Việt Nam. Thị trường chứng khoán Việt Nam nếu có đi xuống cũng ít hơn các thị trường khác”, những tràng vỗ tay dài sau khẳng định của Marc Faber.

Chia sẻ về hoạt động của FPT, anh Bùi Quang Ngọc cho biết, tập đoàn đang đẩy mạnh toàn cầu hóa bên cạnh việc đầu tư vào các công nghệ mới nhất hiện nay như đám mây, điện toán di động và dữ liệu lớn. “Định hướng của chúng tôi là tạo nền tảng (platform) mới để thu hẹp khoảng cách với các xu hướng công nghệ tiên tiến nhất thế giới. FPT sẽ tham gia cả hai thị trường, đó là ủy thác phát triển phần mềm và giải pháp”, CEO FPT nhấn mạnh.

d

CEO FPT là lãnh đạo duy nhất của giới doanh nghiệp Việt Nam được mời làm diễn giả phiên thảo luận buổi chiều.

Theo TGĐ FPT, hiện tập đoàn có khoảng 10% doanh thu đến từ thị trường nước ngoài, và trong hai năm tới, FPT sẽ nâng tỷ lệ này lên khoảng 20% trên tổng doanh thu. “Chúng tôi sẽ đi sâu vào các giải pháp công nghệ cho ngành bảo hiểm, ngân hàng, hạ tầng (điện, gas, nước...). Bên cạnh sự tăng trưởng hữu cơ, FPT cũng sẽ tăng cường M&A. Ngày 19/6, chúng tôi vừa công bố một thương vụ M&A đầu tiên ở nước ngoài. Thời gian tới, FPT sẽ tiếp tục các thương vụ này”, anh Ngọc công bố với giới đầu tư về sự kiện tập đoàn vừa thực hiện thành công thương vụ M&A đầu tiên trong lịch sử FPT nói riêng và lĩnh vực CNTT Việt Nam nói chung, khi sáp nhập RWE IT Slovakia (công ty con của RWE) vào FPT Software.

Về cơ hội cho Việt Nam như thị trường mới nổi, theo anh Ngọc, ngoài nông nghiệp, nước ta còn sở hữu nhiều mặt hàng có lợi thế về xuất khẩu. “Công nghệ cũng đang được xem như thị trường mới nổi. Các dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu sẽ ngày càng mở rộng bởi đây là thị trường đã lên đến con số hàng nghìn tỷ USD”.

Anh Ngọc cho biết, do những đặc thù riêng của lĩnh vực CNTT, hiện một số nước phát triển không muốn làm ngành này và đang có nhu cầu thuê các quốc gia khác thực hiện. “Việt Nam có thể xuất khẩu các dịch vụ này cho thế giới vì chúng ta có nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi chi phí rẻ bằng một nửa Ấn Độ và bằng 2/3 Trung Quốc. Năm ngoái, ngành gia công phần mềm giúp Công ty Ấn Độ TCS có doanh thu hơn 12 tỷ USD".

d

“Nếu là nhà đầu tư lớn, tôi sẽ chọn FPT. Tôi có niềm tin mạnh mẽ vào tập đoàn này”, vừa nói ông Marc Faber, Chủ tịch Indochina Capital, vừa chỉ vào CEO FPT.

“Vậy làm thế nào để các nhà đầu tư có thể đầu tư được vào FPT?”, một nhà đầu tư nước ngoài nêu câu hỏi. “Room cho khối ngoại tại FPT đã hết, chúng tôi cũng đang hy vọng có một giải pháp nào đó”, TGĐ FPT phản hồi.

Theo Marc Faber, Nhà nước không nên hạn chế nhà đầu tư nước ngoài sở hữu vốn. “Cơ quan quản lý nên mở rộng room cho các công ty như FPT để thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài”, “Mr. Doom” góp ý.

Là diễn giả trong phiên buổi sáng, TGĐ FPT cho biết, do đặc thù là doanh nghiệp chuyên về dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, nên hiện tại FPT chưa có nhu cầu kêu gọi thêm nguồn vốn từ bên ngoài, song tập đoàn đang rất cần sự hỗ trợ về công nghệ từ các nhà đầu tư, cũng như các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin cao cấp.

“Khi tham gia các thị trường quốc tế, chúng tôi phải đáp ứng những tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật của họ nên FPT rất cần thêm nguồn nhân lực cao cấp về công nghệ”, anh Ngọc nói. Hiện FPT có hơn 17.000 người, trong đó gồm 5.000 kỹ sư làm dịch vụ công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ cho các thị trường các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ… “Ở thị trường nước ngoài, chúng tôi đang là đối tác phát triển phần mềm cho hãng máy bay lớn nhất thế giới. Với trong nước, giải pháp bán hàng trên di động eMobiz cũng đang dẫn đầu thị trường”, CEO tập đoàn hào hứng.

d

Anh Bùi Quang Ngọc là diễn giả trong phiên làm việc buổi sáng. TGĐ Tập đoàn FPT cho biết, do đặc thù là doanh nghiệp chuyên về dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, nên hiện tại FPT chưa có nhu cầu kêu gọi thêm nguồn vốn từ bên ngoài, song FPT đang rất cần sự hỗ trợ về công nghệ từ các nhà đầu tư, cũng như các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin cao cấp.

“Tại sao FPT lại đầu tư vào giáo dục và tập đoàn có ý định đầu tư sản phẩm giống Flappy Bird?”, anh Trần Nhật Thanh, chuyên viên Tập đoàn Goldman Sachs tại Singapore, đặt câu hỏi.

Anh Ngọc cho biết, FPT có giấy phép đầu tư vào giáo dục từ năm 2006 với định hướng cung cấp nguồn lực chất lượng cao cho chính tập đoàn và xã hội. “Cách đào tạo của các trường có độ vênh so với nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là dự án thực tế. FPT muốn mang kiến thức thực tế của tập đoàn để đào tạo cho thế hệ trẻ và đất nước”, người điều hành FPT trả lời. Riêng phần đầu tư sản phẩm, CEO chia sẻ việc FPT đã và đang đầu tư cho mảng này bởi online (trực tuyến) đang trở thành lĩnh vực có nhiều tiềm năng.

d

Chuyên gia của Tập đoàn Goldman Sachs tại Singapore đặt câu hỏi cho lãnh đạo FPT.

“Tôi rất ấn tượng với phần trình bày buổi sáng và chia sẻ trong buổi chiều của CEO FPT. Tôi thích thú với thông tin công ty Việt Nam mua lại công ty CNTT tại châu Âu. Giới đầu tư nước ngoài luôn đánh giá cao FPT nhưng tiếc rằng room đã không còn. Chúng tôi sẽ nghiên cứu phương án khác, như đầu tư trực tiếp tại các công ty con, trong khi chờ cơ quan quản lý nới room”, Geoff Scott đến từ Pension Reserve Fund chia sẻ với Chúng ta.

Diễn đàn Đầu tư Việt Nam - VIF 2014 với chủ đề “Sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi & Cơ hội nào cho Việt Nam” do Báo Đầu tư, Công ty Chứng khoán HVS Vietnam và Công ty quản lý quỹ AFC phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và sự hỗ trợ tích cực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được diễn ra sáng ngày 19/6 tại Trung tâm Hội nghị White Palace (TP HCM) với sự tham dự của hơn 300 đại diện các bộ, ngành, các quỹ đầu tư, doanh nhân cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Na Vy

Ý kiến

()