Chúng ta

Toàn cầu hóa - con đường duy nhất để FPT tiếp tục tăng trưởng mạnh

Thứ sáu, 15/11/2013 | 17:56 GMT+7

FPT đã chính thức phát động làn sóng toàn cầu hóa thứ ba tại Hội nghị Chiến lược FPT 2013 - “Global 1 Billion Challenge”.
> ‘Cơ hội toàn cầu hóa đã thấy rõ’

Chương trình đã diễn ra vào hai ngày 7-8/11 tại Flamingo Resort, Đại Lải với sự tham dự của hơn 120 lãnh đạo tập đoàn và các công ty thành viên.

15 năm trước (1998), tại Hội nghị Diên Hồng (Đồ Sơn, Hải Phòng) chiến lược Toàn cầu hóa của FPT bắt đầu được đề ra với khát vọng góp phần đưa Việt Nam có tên trên bản đồ số thế giới. Hội nghị được tổ chức trong thời điểm FPT cần một thách thức mới khi đã trở thành công ty CNTT hàng đầu Việt Nam.

Định hướng này đã khai sinh ra FPT Software, đơn vị tiên phong toàn cầu hóa với dịch vụ ủy thác phát triển phần mềm cho thị trường các quốc gia phát triển. Dự kiến năm 2013, toàn FPT sẽ đạt gần 120 triệu USD doanh thu toàn cầu hóa trong đó FPT Software đóng góp gần 90%. FPT IS, FPT Trading, FPT Telecom đảm nhiệm phần còn lại. Doanh thu toàn cầu hóa có tốc độ tăng trưởng trung bình trên 30% trong ba năm vừa qua.

Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình nhận định Toàn cầu hóa là con đường duy nhất để FPT lấy lại tốc độ tăng trưởng như quá khứ. Ảnh: Nguyên Anh.

Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình nhận định Toàn cầu hóa là con đường duy nhất để FPT lấy lại tốc độ tăng trưởng như quá khứ. Ảnh: Nguyên Anh

“Chúng ta đã đạt mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2008. Thị trường CNTT Việt Nam đã trở nên nhỏ bé với FPT. Đã đến lúc FPT cần có những thách thức, sân chơi lớn hơn nữa để tiếp tục phát triển và tăng trưởng mạnh như trong quá khứ. Toàn cầu hóa là con đường duy nhất”, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình nhận định.

Quyết tâm toàn cầu hóa đã được cụ thể hóa bằng các định hướng chính cho giai đoạn 2014-2016. Theo đó, tất cả các đơn vị trong FPT phải có doanh thu từ thị trường nước ngoài. Các công ty thành viên sẽ xây dựng mục tiêu, lộ trình toàn cầu hóa cho giai đoạn 2014-2016, trình Hội đồng Quản trị FPT phê duyệt trong tháng 12/2013.

Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Myanma và khối các nước đang phát triển sẽ là thị trường trọng tâm của FPT trong chiến lược toàn cầu hóa.

Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ ủy thác phát triển phần mềm tại các trị trường như truyền thống, FPT sẽ tiên phong cung cấp giải pháp ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ mới Social, Mobility, bigdata/Analytics, Cloud (SMAC) cho các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Singapore.

Các

Các "chiến tướng" chia sẻ về cơ hội kinh doanh tại thị trường nước ngoài. Ảnh: Nguyên Anh

FPT cũng mong muốn trở thành nhà cung cấp dịch vụ CNTT tổng thể trong khu vực và cung cấp giải pháp chuyên ngành như chính phủ điện tử, viễn thông, ngân hàng, tài chính... Trước mắt Singapore là thị trường trọng tâm, bàn đạp để tiến ra thị trường khu vực. Triển khai toàn diện các ngành kinh doanh truyền thống của FPT như tích hợp hệ thống, phần mềm, giáo dục, viễn thông, bán buôn, bán lẻ cho thị trường Myanmar.

Bên cạnh toàn cầu hóa, doanh thu từ sản phẩm, dịch vụ giải pháp công nghệ mới như công nghệ SMAC, dịch vụ CNTT tổng thể và dẫn đầu trong lĩnh vực dịch vụ thông minh tại Việt Nam cũng là một động lực tăng trưởng quan trọng cho FPT trong giai đoạn tới.

Các hành động chiến lược như triển khai M&A, chính sách cho toàn cầu hóa, nâng cấp tổng thể FPT theo chuẩn mực quốc tế, xây dựng nguồn lực quốc tế… cũng được thảo luận trong hội nghị. Những đề xuất cụ thể của đơn vị sẽ được Chủ tịch HĐQT và Ban TGĐ FPT xem xét và trả lời trước 15/12 tới, để triển khai trong năm tiếp theo.

Ngoài ra, hội nghị đã lắng nghe và góp ý phần trình bày chiến lược của các công ty thành viên, bài trình bày về bức tranh và lộ trình công nghệ FPT của Giám đốc Công nghệ. Sau hội nghị, các công ty thành viên sẽ tập trung điều chỉnh, thống nhất Bản đồ chiến lược và thẻ điểm BSC 2014-2016 theo những định hướng đặt ra để trình phê duyệt trong tháng 12/2013.

Triệu Mẫn

Ý kiến

()