Chúng ta

SCIC đăng ký thoái vốn FPT sát Tết

Thứ sáu, 1/2/2019 | 15:46 GMT+7

Thành viên của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đăng ký bán 442.000 cổ phiếu FPT và giảm tỷ lệ sở hữu từ 0,24% xuống 0,17%.

Trong ngày giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi, SIC, công ty con của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), vừa thông báo giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến người nội bộ FPT.

Theo đó, đầu tư SCIC đăng ký bán 442.000 cổ phiếu từ ngày 12/2 đến 12/3. Mục đích thực hiện giao dịch được lý giải là đầu tư tài chính. Giao dịch được thực hiện thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

b-JFUW-8566-1478168046-1615-14-8880-4951

Đầu tư SCIC đăng ký bán 442.000 cổ phiếu từ ngày 12/2 đến 12/3. Ảnh: ĐTCK.

Nếu bán thành công đợt đăng ký này, tỷ lệ sở hữu tại FPT của Đầu tư SCIC sẽ giảm từ 0,24% (hơn 1,5 triệu cổ phiếu) xuống còn 0,17% (khoảng 1 triệu cổ phiếu).

Vài năm gần đây, SIC, thành viên chuyên trách mảng đầu tư của SCIC, thường giao dịch mua - bán mã FPT với tần suất tương đối dày. Trước đó, đầu tư SCIC không bán được 300.000 cổ phiếu FPT trong khoảng 19/12/2018 đến 16/1/2019 như đã đăng ký. Nguyên nhân được nêu là diễn biến thị trường không đạt như kỳ vọng.

Đầu tháng 12, SCIC đã bán thành công nửa triệu cổ phiếu FPT chỉ sau 5 ngày đăng ký (7-12/12) và thu về khoảng hơn 22 tỷ đồng.

Từ cuối năm 2017, SCIC đã tổ chức hàng loạt buổi giới thiệu cơ hội đầu tư với mục tiêu thoái vốn tại các công ty gồm Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) và Công ty cổ phần FPT. Trong đó, SCIC sẽ thoái vốn 5,96% vốn cổ phần nắm giữ tại FPT (tương đương 31,6 triệu cổ phiếu). Tuy vậy, SCIC chưa có động thái mới với cổ phiếu FPT.

Hiện tại, thị giá cổ phiếu FPT là 42.700 đồng/cổ phiếu.

Theo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2018, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT lần lượt đạt 23.214 tỷ đồng và 3.852 tỷ đồng, tăng 17% và 30% so với cùng kỳ trong điều kiện so sánh tương đương.

Khối Công nghệ trở thành động lực tăng trưởng chính của FPT. Năm 2018, khối Công nghệ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 13.395 tỷ đồng và 1.519 tỷ đồng, tăng tương ứng 21% và 34% so với cùng kỳ.

Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu phần mềm ghi nhận doanh thu đạt 8.443 tỷ đồng, tăng 35%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.360 tỷ đồng, tăng 27%.

Doanh thu xuất khẩu phần mềm tại các thị trường nước ngoài của FPT đều có mức tăng trưởng tốt, trong đó thị trường châu Âu tăng 23%, thị trường Nhật tăng 30% và thị trường Mỹ tăng 55% so với cùng kỳ.

Khối Viễn thông đạt 8.831 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 1.458 tỷ đồng, tăng 19%. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ viễn thông là động lực tăng trưởng chính, đóng góp 94% doanh thu của toàn khối. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế của mảng này lần lượt đạt 8.293 tỷ đồng và 1.142 tỷ đồng, tăng 16% và tăng 26% so với cùng kỳ nhờ kết quả kinh doanh tốt và giảm tỷ lệ trích quỹ viễn thông công ích so với năm ngoái theo quy định.

Bất chấp sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT. Năm 2018, thị trường nước ngoài mang về cho FPT 9.097 tỷ đồng doanh thu, tăng 26% và 1.472 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 27% so với năm trước. Tỷ trọng doanh thu thị trường nước ngoài trong tổng doanh thu FPT tăng từ 16% năm 2017 lên 39% trong năm 2018.

Với chiến lược tập trung vào chuyển đổi số, doanh thu mảng dịch vụ này tại thị trường nước ngoài mang lại 1.679 tỷ đồng cho FPT, tăng 31%, chiếm 20% tổng doanh thu xuất khẩu phần mềm.

SIC thành lập đầu năm 2013 do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu. Công ty với vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỷ đồng và được bổ sung trong quá trình hoạt động theo tiến độ trong 3 năm, năm đầu cấp tối đa 500 tỷ đồng.

SIC có hai chức năng chính là đầu tư tài chính (thực hiện đầu tư mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, mua bán sáp nhập) và đầu tư dự án. SCIC là cổ đông lớn của FPT và có một đại diện trong HĐQT FPT là ông Lê Song Lai, PTGĐ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước.

Hà An

Ý kiến

()