Chúng ta

CEO Bùi Quang Ngọc: ‘FPT chưa tính chuyện thoái vốn khỏi TPBank’

Thứ sáu, 6/4/2018 | 18:47 GMT+7

Trả lời chất vấn của cổ đông, Tổng giám đốc Bùi Quang Ngọc khẳng định FPT đang giữ hơn 50 triệu cổ phiếu TPBank và chưa có kế hoạch thoái vốn khỏi đây.

TPBank sẽ là ngân hàng thứ 2 lên sàn trong năm nay (sau HD Bank), dự kiến niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) ngày 19/4. Số lượng đăng ký niêm yết là 555 triệu cổ phiếu với mức giá chào sàn 32.000 đồng/cổ phiếu.

DSC-3982-5016-1522935420-2677-1522999716

Chia sẻ tại ĐHCĐ 2018, CEO Bùi Quang Ngọc cho hay FPT chưa có kế hoạch thoái vốn khỏi ngân hàng TPBank và khoản dự phòng của TPBank ở FPT là rất ít. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Ngân hàng TPBank do FPT đồng sáng lập và hiện là một trong hai cổ đông lớn nhất, cùng với DOJI. Theo đó, FPT nắm hơn 50 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 8,68% vốn điều lệ và Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI nắm 44,4 triệu cổ phiếu, chiếm 7,6% vốn điều lệ.

Trong khi đó, các đồng sáng lập FPT cũng là những cổ đông cá nhân giữ nhiều cổ phiếu gồm: anh Lê Quang Tiến (từng là thành viên HĐQT FPT và hiện là Phó Chủ tịch HĐQT TPBank) giữ với 27 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 4,6% vốn cổ phần; Chủ tịch Trương Gia Bình cũng đang nắm hơn 1,1 triệu cổ phiếu, tương đương 0,188% vốn điệu lệ.

Cạnh đó, tổng số lượng cổ phần có liên quan đến DOJI là hơn 110 triệu cổ phiếu, tỷ lệ tương đương là 18,91% vốn cổ phần.

TPBank hiện có 593 cá nhân và 18 tổ chức đang sở hữu cổ phiếu. Trong đó, cổ đông trong nước nắm 75,11% vốn cổ phần, 24,89% còn lại của nhà đầu tư nước ngoài.

Trong số 24,89% vốn thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có gần 5% là cổ phiếu ưu đãi của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên của World Bank mua hồi năm 2016. Số cổ phần của IFC hiện vẫn chưa được phép lưu hành và niêm yết nên trong đợt chào sàn này, TPB sẽ chỉ niêm yết 555 triệu cổ phần, tức 95% số cổ phần đã phát hành.

Tính đến hết tháng 2 năm nay, TPBank cho biết đạt 275,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả năm 2017 vừa rồi, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt 1.205 tỷ đồng, tổng tài sản vượt 120.000 tỷ đồng.

Tháng 6/2008, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) chính thức đi vào hoạt động với 3 tổ chức sáng lập là FPT, MobiFone và Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare). Từ 2012, Tập đoàn DOJI tham gia tái cơ cấu và điều hành hoạt động đơn vị này.

Chiều ngày 5/4, ĐHCĐ thường niên FPT đã diễn ra tại khách sạn Daewoo Hà Nội, với 229 đại biểu tham dự, đại diện cho hơn 315 triệu cổ phần, chiếm 59,5% cổ phần có quyền biểu quyết.

Theo TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc, kết thúc năm 2017, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 43.845 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế tăng 41% so với năm trước, đạt 4.255 tỷ đồng. Trong đó, khối Công nghệ đóng góp lần lượt 25% và 27% vào doanh thu và tổng lợi nhuận hợp nhất của toàn tập đoàn. Doanh thu và lợi nhuận từ thị trưởng nước ngoài tiếp tục tăng trưởng cao, đạt tương ứng 7.199 tỷ đồng, tăng 18% và 1.207 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ.

Năm 2018, doanh thu tập đoàn dự kiến đạt 21.900 tỷ đồng, tăng 11% so với doanh thu cùng kỳ (không bao gồm lĩnh vực Phân phối và Bán lẻ). Lợi nhuận dự kiến đạt 3.484 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ (bao gồm lợi nhuận tại các công ty liên kết theo tỷ lệ sở hữu và loại trừ khoản lợi nhuận từ thoái vốn trong lĩnh vực Phân phối và Bán lẻ).

ĐHĐCĐ đã thông qua tỷ lệ cổ tức cho cổ đông năm 2017 là 40%, trong đó cổ tức bằng tiền mặt là 25% (2.500 đồng/cổ phiếu) và 15% bằng cổ phiếu. Cụ thể, cổ tức bằng tiền mặt đã được tập đoàn tạm ứng 10% trong năm 2017. 15% cổ tức còn lại bằng tiền mặt dự kiến được chi trả trong quý 2/2018. Ngoài ra, kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15% từ nguồn lợi nhuận để lại (cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu được nhận thêm 3 cổ phiếu mới) cũng sẽ được thực hiện vào quý 2.

FPT dự kiến mức trả cổ tức bằng tiền mặt của năm 2018 là 20%.

>> 157 người nhà F nhận hơn 2,6 triệu cổ phiếu ưu đãi

Nguyên Văn

Ý kiến

()