Lại một sinh nhật nữa, người nhà F không được quây quần bên nhau.
Dù đã trải qua một năm đầy thử thách, hẳn đa số vẫn không thể ngờ rằng thời điểm đáng ra được nghe những tiếng nhạc vui mừng, lời chúc tụng thì thay vào đó lại là âm thanh xe cứu thương hay lời an ủi nhau vượt qua dịch bệnh.
Nhưng giữa ranh giới sinh - tử, người F đã thể hiện bản lĩnh kiên cường, để sống, làm việc, để yêu thương và giữ vững hy vọng vào tương lai tươi sáng của nhà F. Và trên chuyến xe “Hành trình về nhà F tuổi 33”, chúng tôi đã bắt gặp không ít câu chuyện thấm đẫm tình người trong một nhà như thế.
Có lẽ ít ai mường tượng được chúng ta sẽ đón sinh nhật bằng những con số cập nhật ca F0, những đêm trắng điều phối xe cứu thương, máy thở…
Đối với lãnh đạo doanh nghiệp, các cuộc gọi cân não nhất nhẽ ra là thương thảo hợp đồng kinh doanh và số tiền. Nhưng nay đó lại là các báo cáo khẩn nguy, là những quyết định ảnh hưởng đến sinh mạng, mà thời gian chỉ được tính bằng phút, đôi khi bằng giây.
Phải sống, đó không chỉ là tâm niệm của các thành viên nhà F chẳng may vướng bạo bệnh, mà còn là “mệnh lệnh trái tim” với mỗi người F, từ thành viên Ban chỉ đạo Tập đoàn cho đến các đội nhóm điều phối tài nguyên dùng chung toàn FPT. Họ đang căng mình, tận tụy đưa máy thở, oxy, túi thuốc, xe cứu thương hay là cả đồ ăn đến đồng nghiệp cùng người thân trong trận chiến Covid-19.
Chúng ta phải sống, nhưng sống như thế nào?
Thời chiến này thực sự cam go, với không ít hy sinh khi nhiều gia đình phải cách xa nhau. Có những người làm việc không kể ngày đêm. Có những quyết định trong tích tắc. Có những cách làm mà ở “thời bình”, ít ai tưởng tượng ra.
Dưới đây chỉ là 2 trong vô vàn câu chuyện mà 4 vạn người áo cam viết nên trên khắp thế giới, tất cả vì sự sinh tồn của ngôi nhà chung FPT.
Dù trong thời chiến, ta luôn thấy “trời xanh xao xuyến trên đầu”, như lời một bài hát đã cũ nhưng vẫn đầy cảm hứng. Bởi chúng ta không chỉ sống vì mình, vì những người cùng một nhà, mà còn biết san sẻ với đồng bào chung dòng máu đỏ, da vàng trong cơn hoạn nạn.
Phạm V. T. hiện đã bình phục và trở về nhà. Nhớ lại những lúc phải thở oxy 24/7, tất cả mọi cơ chi đều đau, đến việc rướn mình cũng trở nên quá sức… T. cảm thấy biết ơn cuộc đời trao thêm cơ hội và những người đã ở bên, tiếp sức mạnh cho T. chiến đấu.
Anh Nguyễn Khắc Tuyền đã “vượt rào” về thăm vợ ốm, rồi khi chị đỡ hơn sau 2 ngày, lại quay về camping. Chưa dự tính ngày đoàn tụ gia đình, anh chỉ biết trước mắt phải nỗ lực cùng đồng đội đem về thành quả cao nhất cho dự án.
Anh Nguyễn Hoàng Anh Tuấn vẫn kiên trì “ôm” máy thở, sẵn sàng chuyển phát “hỏa tốc” đến đồng nghiệp và người thân.
Hành trình nào bắt đầu cũng nhằm kết thúc, nhưng chuyến xe của FPT tuổi 33 thì trở về ngôi nhà chung là để tiếp thêm năng lượng cho những ước vọng lớn lao hơn. Trên chặng đường mới đó, không ai dám nói trước sẽ ít khó khăn, không ai dám hứa sẽ bội thu hơn mùa trước, chỉ khẳng định một điều, đó là ngọn lửa kiên cường, tinh thần sẻ chia sẽ luôn giữ trong tim mỗi người - khi ấm áp, lúc bùng cháy, dù thế nào cũng không bao giờ tắt.
Tổ Xử lý tình huống khẩn nguy
Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Tập đoàn
- Các anh chị ơi, bệnh nhân… là người nhà của…, sinh năm 1957, hiện tại ho nhiều, SpO2 giảm từ 94 xuống 90. Đề xuất: Hỗ trợ nhập viện điều trị.
- Bệnh nhân… sinh năm 1965, hiện được điều trị tại BV dã chiến thu dung Q7, đang chọt ống thở, hôn mê. Cần hỗ trợ chuyển bệnh viện tuyến đầu điều trị.
- Người nhà bạn Nguyên đã được bác sĩ Quân y xuống nhà khám và cho mượn bình oxy. Cảm ơn anh Tuấn đã hỗ trợ kịp thời.
- Trường hợp này SpO2 thấp, em đã đặt lịch dịch vụ PCR tại nhà, mai có kết quả tụi xem xin báo hỗ trợ tiếp ạ.
Sáng, trưa, chiều, đêm… những dòng tin nhắn nhảy đều trên nhóm Workchat của Tổ 2 - Tổ xử lý tình huống khẩn nguy thuộc Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Tập đoàn. Tin nhắn còn chạy nghĩa là người gửi không ngừng nghỉ. Một dòng tin mấy chục chữ gói ghém trong đó hàng trăm cuộc gọi, vô số đầu mối liên lạc và biết bao chuyến xe cứu thương, chiếc máy thở… được gửi đến, hỗ trợ bệnh nhân là cán bộ FPT hoặc người thân.
Có thói quen làm việc đến nửa đêm, mờ sáng rồi đầu ngày hôm sau lại giải quyết những thông tin mới dồn dập đến, anh Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc FPT - cho rằng, Ban chỉ đạo vất vả một thì ở tuyến đầu các bạn vất vả mười.
“Đằng sau thông tin là sinh mạng, và với FPT sức khỏe của cán bộ nhân viên cùng gia đình luôn được ưu tiên”, anh Khoa nhấn mạnh, “do đó, chúng ta sẽ nỗ lực hết sức, để thực hiện mệnh lệnh cao nhất mà Ban lãnh đạo Tập đoàn tự đặt ra cho chính mình: đảm bảo sức khỏe cho toàn thể cán bộ nhân viên FPT cùng người thân”.
Phạm V. T.
Ban Truyền thông - Marketing FPT
Là một F0 trong hàng nghìn F0 mỗi ngày ở TP Hồ Chí Minh, T. cố gắng tự điều trị tại nhà theo phác đồ của Bộ Y tế. Nhưng anh dần trở nặng, suy hô hấp cấp. Hôm đó, chỉ số SpO2 của anh chỉ còn 66%. SpO2 là chỉ số đo độ bão hòa oxy trong máu, cần biết rằng, với người bình thường chỉ số dao động khoảng 95 -100%, dưới 90% đã là mức thấp. Mẹ cũng dương tính, cha vừa mới mất, T. tự nhủ, mình phải sống.
Trong lúc nguy cấp, T. liên hệ Giám đốc Truyền thông - Marketing là anh Võ Đặng Phát. Vỏn vẹn chưa đầy 45 phút, từ thời điểm T. báo cho Phát, xe cứu thương đã tới, kịp đưa anh đến cổng Bệnh viện Dã chiến số 13 trước khi anh gục xuống. Trong 45 phút đó, Phát ở Hàn Quốc, mới nhậm chức chưa đầy 3 tháng – T. ở Việt Nam, họ chưa từng gặp nhau ngoài đời, nhưng Phát đã không hề bỏ rơi đồng đội một giây phút nào.
Cùng hàng xóm, người nhà… các đồng nghiệp luôn bên T. suốt hành trình giành lại sự sống. Họ chia nhau thăm hỏi, túc trực online, liên hệ bệnh viện và sát cánh động viên an ủi, giữa lúc anh tuyệt vọng nhất.
Nguyễn Hoàng Anh Tuấn
Trưởng phòng Quản trị FPT Telecom
"Reng…". Đồng hồ chỉ 22h45. Trời mưa to. Anh Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, bắt máy ngay. Sau 2 phút trò chuyện, như phản xạ, kíp trực tại văn phòng FPT Telecom ở quận 1 khẩn trương mặc đồ bảo hộ. Trong 3 phút, tất cả sẵn sàng, thẳng tiến Bình Tân.
"Alo, bạn ơi chúng tôi đang trên đường đến. Bạn tranh thủ xem kỹ video hướng dẫn lắp máy mà nhóm hỗ trợ đã gửi nha...”, một thành viên gọi cho nữ đồng nghiệp trong khi xe chạy. Đến nơi, nhóm bê máy thở lặng lẽ đặt lên bậc tam cấp, rồi di chuyển cách xa 5m, gọi đồng nghiệp ra nhận. Hai bên vẫy tay chào vội nhau dưới ánh đèn le lói. Thấy đồng nghiệp và người nhà đem máy vào, nhóm mới trở về. Đến văn phòng, nhận tin người thân đồng nghiệp đã thở máy nhẹ nhàng, cả nhóm yên tâm lên giường đi nghỉ. Vừa lúc kim đồng hồ nhích sang ngày mới.
Nguyễn Khắc Tuyền
GAM, FPT Software
- Bố ơi, bao giờ bố về?
Đó là câu hỏi quen thuộc mỗi khi các con gọi điện cho anh Nguyễn Khắc Tuyền. Đã hơn một tháng anh camping - mô hình “3 tại chỗ” do công ty triển khai để ứng phó với dịch và duy trì sản xuất khi giãn cách xã hội. Con trẻ dễ khiến người lớn nhói lòng, song chúng cũng dễ xoa dịu bằng những lời an ủi. Nhưng một hôm, anh nhận tin vợ sốt. Chị Dương Thị An (ICS.RLJ) - vợ anh, cũng là đồng nghiệp, vừa xoay xở làm việc tại nhà vừa chăm hai con đã quá bận rộn, nay lại ốm.
- Em chỉ mệt tí thôi, không sao đâu.
Vợ nói vậy nhưng lòng anh Tuyền như có lửa đốt.
Trước đó, anh cũng đắn đo khi chuẩn bị camping. Dự án này có ý nghĩa lớn với công ty, anh phụ trách kỹ thuật chung, đội lại có nhiều người mới, cần hỗ trợ. Thế nên anh quyết định phải đi. Sinh hoạt trong camping không đầy đủ như ở nhà, nhưng làm việc thuận lợi hơn vì đồng đội ở bên, anh em có thể trao đổi ngay lập tức. Vợ lại ủng hộ, nên anh vững tâm cống hiến.
Nhưng hôm đó, đi tiêm về, chị An sốt rét suốt đêm, môi tê cứng và đau đầu dữ dội. Sáng hôm sau, gửi cho con bác hàng xóm, chị nằm mê man cả ngày. Tối đến lại đau bụng dữ dội. Anh Tuyền chốc chốc lại gọi. Chị vẫn tỏ ra cứng cỏi để chồng không quá lo lắng.
Giữa những tháng ngày “thời chiến” sôi sục này, vợ chồng anh Tuyền chị An là một trong khoảng hơn 1.500 gia đình người F không được gần nhau. Được hỏi có buồn tủi, có lo lắng không, chị An đáp rằng có. Nhưng điều mà chị có lớn hơn nữa, hẳn là sự kiên trung, giống như ý thơ mà nhà thơ Trà Hoa Nữ từng viết “Nếu muốn tình yêu đi đến bến bờ hạnh phúc/ Khi tổ quốc cần, ta biết sống xa nhau”.
Phòng Kỹ thuật
FPT Telecom chi nhánh Bình Thuận
Nếu có ai bảo rằng sẽ lăn bộ cuộn cáp viễn thông nặng 350 kg đi một chặng đường 11 km dưới cái nắng trưa vùng đất "cháy" Bình Thuận, hẳn người đó sẽ bị cho là khùng. Nhưng trong tình huống cần kíp, ngặt nghèo và là phương cách duy nhất để hoàn thành công việc, người sẵn sàng làm việc đó quả thực xứng mặt anh hào. Họ chính là các “chiến sĩ” Phòng Kỹ thuật, FPT Telecom chi nhánh Bình Thuận.
Thực hiện nhiệm vụ chiếm lĩnh thị trường tiềm năng tại một vùng ven TP Phan Thiết, khối Kỹ thuật nhận mệnh lệnh gấp rút triển khai hạ tầng trong 2 ngày, không chậm trễ. Trước tiên, cần vận chuyển 2 cuộn cáp từ kho vật tư đến điểm tập kết. Do quy định phòng dịch, tất cả các nhà xe đều từ chối vì không thể “thông chốt”. Thời gian dần trôi trong bế tắc. Không chịu thua, các anh Huỳnh Lê Phúc, Huỳnh Ngọc Nhiên, Đặng Công Lâm và Nguyễn Hữu Công đi đến phương án táo bạo: lăn bộ.
Thuyết phục được lãnh đạo, 4 anh em lập tức đội nón, mang bao tay, lăn từng cuộn cáp ra đường. Lúc đầu anh em hừng hực khí thế, vừa làm vừa trêu nhau. Càng về trưa, cái nắng Bình Thuận càng gay gắt. Mặt đường nhựa phản nhiệt phả hầm hầm vào mặt. Ai cũng đầm đìa mồ hôi. Lấy khăn lau nhưng sau dần cả người và khăn đều ướt. Dù đã mang găng dày, sức nặng của cuộn cáp khiến anh Phúc cảm nhận rõ lòng bàn tay bỏng rát. Đi được hơn nửa chặng đường, gần 11h trưa, nắng gắt tầm 40 độ, trời không chút gió, anh em giảm sức rõ rệt. Cứ đi khoảng 400m thì dừng nghỉ dưới gốc cây. Nghỉ 5 phút lại lên đường. Đến chốt kiểm dịch, cán bộ kiểm soát thương tình bảo nghỉ ngơi đã. Nhưng vì nhiệm vụ, vì đồng đội đang chờ… cả 4 người tiếp tục hành trình.
12h trưa, 2 cuộn cáp yên vị còn những “chiến sĩ áo cam” nhà F lại tức tốc lên đường triển khai hạ tầng sau miếng bánh ăn vội. Nhờ tinh thần kiên trì, bền bỉ đến cuối, các anh đã hoàn thành công việc sớm 1 ngày. Đúng 18h ngày 18/8, đèn tín hiệu nhấp nháy, kết nối thành công. Vật tư chưa thèm dọn, anh em ngồi bệt xuống, những khuôn mặt cháy đỏ cứ nhìn nhau cười trong ánh ngày sắp tắt.
Vũ Phạm Tuấn Minh
INF, FPT Telecom
Ban đầu Tuấn Minh tham gia chuyến thiện nguyện trao quà cho người dân tâm dịch chỉ vì rảnh.
Lần đầu tiên chuyển hàng, gói hàng chất lên xe tải, rồi lại bốc dỡ xuống; lần đầu tiên biết làm sao để sắp xếp và tìm đúng gói nào là rau, gói nào là gạo, cho đồ đỡ bị dập nát mà lại kịp thời gian… Cũng là lần đầu tiên Minh ngỡ ngàng nhận ra, một nơi có cái tên rất to tát như Hội bảo trợ trẻ em lại do một người phụ nữ độ tuổi U50 cáng đáng hết mọi việc.
Nơi gửi hàng khiến Minh không quên được trong chuyến thiện nguyện này là một con hẻm, có đội ngũ chuyên nhận đồ rồi đi phân phát cho những người cần. Tại đây, cô đầu mối nhận hàng nói một câu khiến Minh không quên được: “tụi con có 300 phần thôi hả, cô muốn tới 2000 phần, tụi con có nhiều hơn không, cô có địa chỉ cần nhận rồi đây nè”. “Nghe lời cô mà cả đám thấy nhói, buồn hiu, khổ gì mà khổ dữ, bởi đợt này mới gom được có vậy”, Minh kể.
Chiều muộn hôm đó, Minh phải dắt xe vì khóa hết pin. Sắp giờ giới nghiêm, trên con phố vắng vẻ với vài bóng người vội vã trở về như mình, chàng trai trẻ chợt nhận ra mình đã học được cách biết ơn - vì vẫn được sống, vì có cơm ăn áo mặc và một công việc bình dị hàng ngày.
Ngô Hồng Kỳ
FPT chi nhánh Cần Thơ
Sau nhiều năm lăn lộn ở đất Sài thành, Ngô Hồng Kỳ xin vào FPT chi nhánh Cần Thơ, để được gần vợ con. Con của Kỳ mắc bệnh hiểm nghèo dù mới 5 tháng tuổi. Kỳ vừa làm việc, vừa cùng vợ chăm sóc con trong bệnh viện. Dù vướng bận gia cảnh éo le, nghe tin FPT triển khai hỗ trợ hạ tầng và thiết bị CNTT thông tin cho các bệnh viện dã chiến, Kỳ xung phong đi ngay, không màng thời gian eo hẹp hay những nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe chính mình.
Trên chiếc xe wave cũ, Kỳ luôn ăn mặc chỉn chu, chưa bao giờ đến muộn. Theo lời người đàn anh thân thiết Nguyễn Văn Nhựt, nhiều hôm Kỳ còn đến đầu tiên, mọi người tới đã thấy anh bắt tay vào việc. Để cấp tốc hoàn thành hạ tầng tại bệnh viện dã chiến số 4, có hôm phải làm việc đến 12h đêm, Kỳ cũng không về sớm hơn anh em giờ phút nào.
Tháng 7, do bệnh tình con trở nặng, gia đình quyết định đưa bé lên Sài Gòn. Kỳ phải ở lại tiếp tục công việc. Một lần nữa gia đình nhỏ lại xa nhau. Khi đó TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội, đến thăm con được 1 lần, Kỳ chỉ biết đau đáu dõi theo qua những cuộc gọi, hình ảnh online. Kỳ ít kể về chuyện gia đình, chỉ buồn hơn sau mỗi lần liên lạc với vợ. Nhựt nhớ lại, những lúc đó, Kỳ thường im lặng, tựa một tảng đá trĩu nặng và can trường, sức làm việc dường như còn “trì” hơn trước.
Cứ như vậy, mang cuộc chiến thầm lặng của riêng mình, Kỳ đã sát cánh đồng đội FPT xông pha trên một trận chiến lớn hơn, cùng nhau hoàn tất phủ sóng mạng internet và lắp đặt các thiết bị công nghệ hỗ trợ 5 Bệnh viện dã chiến tại Cần Thơ, đồng hành với thành phố chống dịch Covid.
Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa
"Sở dĩ chúng ta có thể đứng vững cho tới hôm nay là bởi trong văn hóa của FPT, có một từ cao hơn đồng nghiệp, đó là “đồng đội”. Chưa bao giờ, tinh thần đồng đội của người nhà F được phát huy mạnh mẽ như bây giờ. Chúng ta đã làm việc cùng nhau, chơi cùng nhau, vui cùng nhau và nay là lúc cùng nhau san sẻ gian khó, cùng nhau vượt qua những cột mốc đáng nhớ của cuộc đời.
Đại dịch lần này có thể gây ra một biến động thiên niên kỷ khác, nhưng sau đại dịch, chúng ta phải mạnh mẽ hơn. Đây sẽ là cơ hội tìm ra và phát huy những nhân tố để Tập đoàn sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ cuộc sống hàng triệu, hàng tỉ người dân và đưa FPT vươn tầm ảnh hưởng, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.
Để làm được điều lớn lao đó, anh nhắn nhủ một điều nhỏ bé, tuy đã được nói nhiều, nhưng chắc chắn không thừa, đó là mỗi người F hãy tiêm vaccine ngay khi có thể, nhằm bảo vệ bản thân và cộng đồng."
Anh Trương Gia Bình
Chủ tịch HĐQT FPT
Covid-19 là thảm họa với toàn nhân loại, lấy đi không ít mạng sống, vô số doanh nghiệp phá sản, nhiều người mất kế sinh nhai, cuộc sống bị đảo lộn… Chưa bao giờ câu chuyện sinh tồn của con người, của xã hội, của doanh nghiệp lại trở thành vấn đề bức xúc hàng đầu như ngày nay.
Thời điểm năm học mới bắt đầu, làm thế nào để cung cấp đủ thiết bị để các bạn trẻ được học trực tuyến? Làm thế nào để học trực tuyến trở thành trải nghiệm mới, cung cấp đủ kiến thức lẫn kỹ năng cộng đồng cho học trò? Làm thế nào để người dân không may mắc bệnh được chăm sóc tốt tại nhà? Làm thế nào để khoảng cách không cản trở hoạt động của xã hội? Làm thế nào để doanh nghiệp vẫn tăng trưởng?...
Trước muôn vàn câu hỏi đó, FPT đặt cho mình sứ mạng cung cấp “vaccine” đến chính quyền, các tổ chức và doanh nghiệp vượt qua cuộc chiến, không chỉ ở Việt Nam mà hy vọng còn trên toàn cầu.
Chúng ta đã nghe bình thường mới, nhưng nay anh muốn nói đến một “bình thường xanh” - tạo những “vùng xanh” trong hoạt động kinh tế, xã hội.
Bởi đây là cuộc chiến của toàn dân nên anh mong rằng sẽ không một ai đứng ngoài. Toàn thể người F cần phải xông pha, sẵn sàng đứng mũi chịu sào. Bởi giờ đây, mỗi người FPT là một chiến binh, và trước tiên phải tự bảo vệ mình bằng lớp áo giáp vững chãi - chính là tiêm đủ 2 liều vaccine. Có áo giáp rồi, các bạn hãy xông lên phía trước, nêu cao tinh thần quyết thắng.
Như anh đã nói, trong những tình huống nguy nan nhất, người F lại càng sáng tạo. Và trong cuộc chiến cam go mà cũng mở ra nhiều cơ hội mới này, anh tin rằng những phẩm chất tốt đẹp nhất của người FPT sẽ thăng hoa, để làm nên thắng lợi vẻ vang và đầy nhân văn của Tập đoàn chúng ta.