Chúng ta

Thờ ơ với truyền thông nội bộ, doanh nghiệp nhận trái đắng

Thứ tư, 19/9/2018 | 18:50 GMT+7

Theo các chuyên gia, việc thiếu quan tâm đến truyền thông nội bộ sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đến chính thương hiệu của doanh nghiệp.

Mùa hè vừa rồi, anh Tú, lập trình viên của một công ty về công nghệ có tiếng ở Hà Nội cùng hơn 400 đồng nghiệp lên xe khởi hành đến Đà Nẵng trong vòng bốn ngày ba đêm để nghỉ mát.

Đây là một hoạt động thường niên của công ty này để thưởng cho nhân viên sau một năm làm việc vất vả.

Thế nhưng, suốt bốn ngày ở Đà Nẵng, những hoạt động mà anh Tú cùng bạn bè của mình tham gia cũng chỉ là nghỉ ngơi trong khách sạn, ăn uống và "tự khám phá". Mặc dù cả công ty có khoảng 400/1.000 người tham gia chuyến đi nhưng anh Tú cho biết trong suốt kỳ nghỉ, anh cũng chỉ tiếp xúc với vài người mà anh thường chơi cùng trong nhóm làm việc.

Không có kết nối, không có hoạt động team-building và cũng chẳng có lịch trình cụ thể cho chuyến đi có lẽ là những lý do khiến cho anh Tú cùng nhiều người khác trong đoàn cảm thấy "chưa bao giờ mà một chuyến đi chơi xa lại lâu và nhanh chán đến như vậy". Anh Tú ngán ngẩm lắc đầu: "Truyền thông nội bộ của công ty còn kém quá"!

Truyền thông nội bộ vẫn đang theo chiều dọc

PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Chủ tịch hội đồng khoa học Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho biết ở Việt Nam hiện nay, có tới khoảng 80% doanh nghiệp không chú trọng đến truyền thông nội bộ; mà nếu có thì cũng chỉ làm theo chiều dọc theo kiểu sếp ở trên nói, dưới làm theo. Việc nhân viên đưa ra khuyến nghị hay đề xuất, nhận xét đối với cấp trên vẫn còn là một điều hiếm thấy ở các doanh nghiệp Việt.

Untitled-7100-1537347499.jpg

PGS TS Nguyễn Quốc Thịnh – Chủ tịch hội đồng khoa học viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI).

"Nhiều người muốn góp ý lắm nhưng cũng chỉ biết tìm đến facebook với dòng trạng thái: Có một cảm giác buồn không hề nhẹ", ông Thịnh hài hước mô tả.

Truyền thông nội bộ vì thế, theo ông Thịnh, là bị thui chột và đôi khi còn mang tính áp đặt, và thậm chí là áp đặt đến mức vô lý.

"Có những doanh nghiệp mồng 1 âm lịch hàng tháng bắt buộc phải ăn cái này, mồng 2 phải ăn cái kia, giữa tháng phải ăn...thịt chó. Sếp thích uống Silva thì nhân viên cũng phải theo đó mà uống Silva", ông Thịnh lấy ví dụ.

Theo nhiều chuyên gia, việc thiếu quan tâm đến truyền thông nội bộ sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đến chính thương hiệu của doanh nghiệp bởi lẽ nếu không quan tâm đến nhân viên và không yêu thương nhân viên để họ được cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ thì họ sẽ chẳng bao giờ chăm sóc khách hàng hết mình và làm tốt công việc.

Theo PGS.TS Đỗ Minh Cương, Phó viện trưởng Viện Văn hóa doanh nghiệp, một trong những nguyên tắc cơ bản để xây dựng một văn hoá và thương hiệu doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 là nguyên tắc giám sát; điều ông Cương nhấn mạnh ở đây là sự giám sát của nhân viên đối với người lãnh đạo về phẩm cách và chuẩn mực đạo đức. 

Ông Cương cho biết, một trong những phương pháp quản trị nhân sự tiên tiến mới được áp dụng là phương pháp đánh giá 360 độ, cho phép việc giám sát và đánh giá của nhân viên đối với lãnh đạo và giữa những người đồng cấp. Phương pháp này giúp cho lãnh đạo có những áp lực trong việc giám sát để tránh sai lầm, tạo môi trường dân chủ.

addf-4710-1537347499.jpg

PGS. TS Đỗ Minh Cương – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Doanh nghiệp.

"FPT là một ví dụ điển hình. Chẳng hạn, nhân viên được mắng sếp, sếp không được mắng nhân viên, nếu có trót mắng nhân viên thì phải khen 2 lần", ông Cương lấy ví dụ.

Bà Phùng Thu Trang, Trưởng ban Truyền thông FPT Telecom, cho biết, ở công ty này, văn hoá "tôn đổi đồng - chí gương sáng" luôn luôn được tôn trọng. Trong đó, "tôn đổi đồng" là tôn trọng cá nhân, tinh thần đổi mới và tinh thần đồng đội. 

Theo đó, cấp dưới có thể nói thẳng với cấp trên, không phân biệt vị trí cao thấp, quan hệ thân sơ; luôn khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo; và quan tâm đến từng nhân viên; thường xuyên tổ chức các hoạt động team-building để kết nối. 

"FPT tạo ra một môi trường văn hoá không tham nhũng, sử dụng đánh giá 360 độ cùng nhiều hệ quy chiếu khác. Văn hoá doanh nghiệp không chỉ để xây dựng cho cán bộ nhân viên mà còn phải thấm nhuần và lan toả đến khách hàng", bà Trang cho biết.

DSC04221-JPG-2109-1537347499.jpg

Bà Phùng Thu Trang, Trưởng ban Truyền thông FPT Telecom.

Chẳng hạn như cơn bão số 10 ập đến vào giữa tháng 9 năm ngoái đã làm sập toàn bộ hệ thống kết nối mạng của FPT Telecom trong vòng 8 tiếng; lúc đó, người lãnh đạo cấp cao nhất đã dùng kết nối 3G để đăng tải thông tin có đính kèm lời xin lỗi trên chính trang cá nhân của mình; và khoảng 30 phút sau đó, hàng chục ngàn thông điệp khác không ngừng được phát đi từ các nhân viên của công ty này.

"Với động lực thì là nỗ lực của doanh nghiệp còn với khách hàng cần có sự chân thành; đó là nỗ lực từ trong tâm", đại diện FPT cho biết.

Tuy nhiên, Chủ tịch BCSI thừa nhận, với văn hoá mang đậm tính truyền thống như ở Việt Nam thì việc thực thi những điều này vẫn chưa thể dễ dàng vì theo ảnh hưởng của văn hoá gia đình, lãnh đạo là bề trên nên có quyền chỉ bảo và thậm chí là mắng cấp dưới nhưng không được mắng cấp trên.

Có cùng quan điểm, ông Cương cho rằng văn hoá doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay cũng giống như văn hoá gia đình. Nhiều người ở bên ngoài tỏ ra là một gia đình yêu thương nhau nhưng về đến nhà là chồng đánh vợ, bố đánh con; cũng như nhiều doanh nghiệp làm truyền thông rất hay nhưng lại đối xử với nhân viên của mình chẳng ra gì.

Theo ông Cương, các doanh nghiệp cần thay đổi từ tư duy đến hành động, đặc biệt khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang len lỏi vào cuộc sống của mỗi cá nhân và tác động không nhỏ đến doanh nghiệp; cần tăng cường tương tác và liên kết giữa nhân viên và lãnh đạo để từ đó truyền cảm hứng, tiến đến truyền tải tới cả khách hàng.

"Thương hiệu chẳng phải là cái gì to tát; đôi khi chỉ là một nụ cười, một cái bắt tay hay một thái độ ân cần. Thương hiệu không phải là cứ lên truyền hình quảng cáo bao nhiêu phút, bao nhiêu giây; giờ đây mỗi cá nhân với một chiếc điện thoại thông minh cũng đã có thể trở thành một nhà báo", ông Thịnh nhìn nhận.

>> 'FPT tự hào là doanh nghiệp có văn hoá đặc biệt'

The Leader

Ý kiến

()