Chúng ta

Chủ tịch FPT: 'Doanh nghiệp phải bắn viên đạn nhỏ tìm đường đi trong cơn bão IoT'

Thứ hai, 15/8/2016 | 09:53 GMT+7

Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, IoT giống như một cơn giông bão lớn đang đến, doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi chung của toàn cầu và nếu đứng ngoài cuộc sẽ khó có thể tồn tại.

Tại buổi giao lưu “Tổ chức kinh doanh bắt kịp xu thế toàn cầu hóa” với Chủ tịch FPT Trương Gia Bình diễn ra ngày 11/8 tại Hà Nội, một vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm và đặt câu hỏi với vị Chủ tịch FPT đó là trước xu thế làn sóng IoT (Internet of Things - Internet kết nối vạn vật) đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam và trên thế giới, đâu sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp cần phải làm gì để bắt kịp làn sóng này?

Trả lời câu hỏi, Chủ tịch Trương Gia Bình nhận định: IoT giống như một cơn giông bão lớn đang đến. Việt Nam cần phát triển IoT, không thể đứng ngoài cuộc chơi chung của toàn cầu, những công ty đứng ngoài xu hướng này sẽ khó có thể tồn tại.

FPT-1-9333-1471228255.jpg

FPT giới thiệu giải pháp giao thông thông minh trên nền công nghệ IoT. 

Với riêng FPT, đứng trước cơn giông bão đó, vị Chủ tịch Tập đoàn cũng từng đặt ra câu hỏi cho nhân viên của mình: “Trong cơn bão IoT, một là như đà điểu rúc đầu xuống cát, hai là như chim ưng bay lên cao. Vậy con nào sẽ sống?”. Có người bảo đà điểu, có người nói chim ưng, nhưng Chủ tịch Trương Gia Bình thì cho rằng cả hai con đều chết. Bởi trong cơn bão giông đó, chỉ còn cách hành xử duy nhất là liên tục bắn các viên đạn nhỏ để dò đường, xây dựng năng lực cho mình thì mới có thể bám trụ được.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cũng cho rằng: Trong cơn bão IoT, các doanh nghiệp hãy biết bắn ra những “viên đạn” nhỏ để tìm hướng đi, hãy đi ra ngoài gặp gỡ các doanh nghiệp hàng đầu về IoT, đi với những người đứng đầu làm việc được cho toàn thế giới để tạo ra một thế và lực mới cho mình.

Vài năm trở lại đây làn sóng Internet of Things (IoT) đang là chủ đề nóng trên thế giới. Đánh giá của giới công nghệ cho thấy hiện có khoảng 8 tỷ các thiết bị kết nối, nhưng đến năm 2020 sẽ lên tới 80 tỷ thiết bị và ứớc tính IoT sẽ mang lại các giá trị tương đương 19.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Trên thế giới đã hình thành các liên minh IoT liên kết quốc tế giữa các khu vực (EU - Hàn Quốc, EU - Trung Quốc, EU - Nhật Bản…), liên minh giữa các hãng (Intel, Samsung, Dell, Broadcom..).

Trong xu hướng phát triển đó, cơ hội cũng đang mở toàng cho các doanh nghiệp Việt. Nắm bắt xu hướng đó, doanh nghiệp trong nước như Bkav, FPTcũng đang nghiên cứu phát triển các giải pháp, dịch vụ nhà thông minh trên nền công nghệ IoT; FPT phát triển thành phố thông minh, giao thông thông minh… với dự án hệ thống giám sát xử lý vi phạm bằng hình ảnh trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, hệ thống vé tàu điện tử cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, hệ thống vé xe buýt điện tử tại TP HCM, cho ra mắt thị trường robot trợ lý gia đình được phát triển theo xu thế IoT...

Trao đổi với giới truyền thông gần đây, ông Trương Gia Bình cũng từng cho rằng một số ý tưởng và sản phẩm về IoT đã bắt đầu xuất hiện như nhà thông minh, các thiết bị điều khiển trong gia đình, giao thông… tuy nhiên vẫn còn rất ít.

Để tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ IoT, Việt Nam cần có nhiều hơn nữa các công ty làm về IoT, đặc biệt là cung cấp phần cứng; cần có các trung tâm hỗ trợ start-up làm về IoT để khuyến khích tinh thần sáng tạo của các bạn trẻ. Tại các trung tâm này, Nhà nước có thể đầu tư thiết bị để các bạn trẻ có thể nghiên cứu, phát triển ý tưởng IoT.

Ngoài ra cần phải có chính sách, có các quy định phù hợp để tạo ra một môi trường sáng tạo về khởi nghiệp, có các chính sách để thu hút tốt hơn nữa nhà đầu tư trong lĩnh vực IoT...

>> FPT làm việc với TP HCM về dự án đô thị thông minh

>> IoT chiếm gần 50% ngân sách CNTT vào năm 2020

ICT News

Ý kiến

()