Chúng ta

Xin gọi anh là thầy

Thứ hai, 9/4/2018 | 10:26 GMT+7

Đêm qua, khi nghe talkshow “Hành trình tới lòng tin”, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi từng được là học trò của anh và luôn coi anh là kim chỉ nam cho những quyết định trong nghề của mình.

Tối qua, dù khi click vào clip talkshow “Hành trình tới lòng tin” là lúc hơn 22h nhưng tôi đã không thể dừng lại mà xem một mạch đến hết. Mặc dù clip dài gần 3 giờ, mặc dù con trai phụng phịu không chịu lên giường do chưa được mẹ đưa vào phòng và trò chuyện như mọi khi, tôi vẫn cứ ôm chặt máy tính, đeo tai nghe để theo dõi từng câu chuyện của các anh chị. Bao nhiêu thăng trầm của VnExpress trong 17 năm được tái hiện bằng những câu chuyện mộc mạc. Tôi hồi hộp theo dõi những trăn trở, những giờ phút cân não và thầm ngưỡng mộ các anh chị vô cùng.

Tôi ấn tượng nhất với câu chuyện của TBT Thang Đức Thắng về “ngày thứ 6 đen tối nhất của VnExpress” năm 2004 khi tờ báo suýt bị đình bản. Khi thời gian được tính bằng giờ, anh Thắng đã không dừng lại. Anh tìm đến những nỗ lực cuối cùng. Nhờ “phong thái đàn ông không kêu khóc” và 2 luận cứ thuyết phục được sắp xếp trình bày trong đúng 10 phút, anh đã xoay chuyển được tình thế.

Câu chuyện này là bài học bổ ích với tôi về kỹ năng thuyết phục. Nước mắt hay lời khẩn cầu sẽ chỉ làm mình hèn đi, hãy cố gắng tìm ra những điểm hợp lý nhất để bảo vệ mình. Và sức mạnh của VnExpress lúc đó là sự đồng hành của 3 triệu độc giả ở trên thế giới.

Với tôi, anh Thang Đức Thắng thực sự là một tượng đài về nghề báo. Trong câu chuyện tối qua, anh đã nhắc đến “8 tiêu chí đánh giá tin tức” mà anh đã khiến người quản lý hệ thống báo chí Việt Nam phải lấy giấy bút ra ghi và nhắc lại như một kim chỉ nam cho ngành báo Việt Nam. Tôi cũng đã nhớ như in 8 tiêu chí này khi tôi là một trong hơn 20 BTV đầu tiên của VnExpress được anh chỉ dạy tận tình. Và không chỉ nhớ, tôi đã truyền lại cho khá nhiều học viên, sinh viên của tôi về 8 tiêu chí đánh giá tin tức đó.

Tôi tiếc là đã không thể thu xếp thời gian đến dự “Hành trình tới lòng tin” để góp thêm một câu chuyện về bài học lớn nhất mà tôi đã học được từ anh Thang Đức Thắng. Dù tôi chỉ là BTV của VnExpress trong gần 2 tháng đầu tiên, rồi chuyển lên tổ trợ lý báo chí của tập đoàn, nhưng tôi vẫn luôn ghi nhớ một bài học nhân văn của anh. Đó là cần phải đặt ra một loạt câu hỏi trước khi quyết định hướng thể hiện của bài viết.

Hồi đó, chúng tôi khai thác được thông tin về một vụ hiếp dâm trẻ con. Cách đây 17 năm, đó là câu chuyện “động trời” nếu đưa lên báo. Những chuyện kiểu này hút view kinh khủng. Các trang tin điện tử khác đã biết tận dụng điều này, khai thác triệt để, khai thác về thủ phạm, khai thác về nạn nhân và gia đình nạn nhân, rồi đến cả hàng xóm nữa... Chúng tôi ban đầu cũng háo hức lao đi săn những thông tin như vậy, có bạn còn tiếp cận được một nguồn tin rất "độc quyền”.

Thế nhưng khi về tòa soạn, trao đổi với anh Thắng, anh lạnh lùng đưa ra một loạt câu hỏi: Câu chuyện này mang lại lợi ích gì cho độc giả? Lợi ích đó có thực sự đáng để đăng không? Câu chuyện này sẽ gây ảnh hưởng hay tổn thương đến ai? Hậu quả đó có thể là những gì? Những người đó có đáng chịu hậu quả như vậy không? Nếu họ không đáng chịu như vậy thì có cách nào để làm giảm nhẹ nó đi?... Sau khi trả lời được một loạt câu hỏi đó của anh, VnExpress đã đưa tin về chuyện này chỉ với một tin, nhằm cảnh báo các gia đình về nguy cơ của các bé gái. Tin không đăng ảnh và không đưa chính xác tên nạn nhân… Tôi nghĩ, có lẽ vì sự tôn trọng độc giả như vậy của VnExpress mà tờ báo đã chiếm được niềm tin, tình cảm của họ. Vào những dịp VnExpress sinh nhật, khi đọc được những dòng cảm xúc của độc giả dành cho báo, tôi rất vui mừng và thấy nhận định đó của mình càng được củng cố.

Với cá nhân tôi, kể cả sau này khi chuyển sang làm PR, tôi vẫn luôn áp dụng bài học này. Mỗi khi viết về vấn đề nào đó, tôi đều cố gắng tìm câu trả lời cho những câu hỏi như trên. Với công việc PR, tôi chỉ nỗ lực làm PR cho những sản phẩm nào tôi cảm thấy thực sự tin tưởng vào chất lượng của nó. Tôi đã từ chối làm PR cho game online và quyết định nghỉ việc khi bị giao việc này. Tôi đã góp phần “giết” chết một sản phẩm mà tôi thấy chất lượng của nó không thực sự đạt yêu cầu (rất xin lỗi sếp nhưng đó là cái kết chắc chắn xảy ra, tôi chỉ góp phần đẩy nhanh hơn thôi). Và trong hoạt động giảng dạy cho dân truyền thông hoặc PR, bài học mà tôi luôn dạy đầu tiên là “đạo đức nghề cầm bút” - bài học mà tôi đã học được từ người thầy lớn nhất đời mình trong nghề - TBT VnExpress Thang Đức Thắng.

Nguyễn Thị Huệ

Ý kiến

()